Năm phút và trăm năm

Thứ Năm, 15/10/2020, 07:14
Chỉ 5 phút sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, Nagorny - Karabakh đã lại khói lửa mịt mù. Tuy nhiên, điều đó cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Trăm năm hiềm khích giữa Armenia và Arzerbaijan xung quanh Nagorny - Karabakh, không dễ gì có thể được xử lý triệt để chỉ bằng một bản thỏa thuận vội vã.


Thế cài răng lược

Chỉ cần lướt mắt qua bản đồ thay vì cố hình dung chiến địa thông qua những dòng tường thuật, bất cứ ai cũng sẽ dễ dàng nhận ra một sự đan xen kỳ cục đến vô lý, trong cách phân chia lãnh thổ giữa Armenia và Azerbaijan. Những vùng lãnh thổ đan xen nhau, bị tách rời khỏi nhau, nằm sâu trong phần chính lãnh thổ của quốc gia còn lại khiến bức tranh toàn cảnh trở nên vá víu đến "tức mắt".

Có lẽ cũng giống như người Palestine nhìn những phần đất của mình - Bờ Tây và Dải Gaza - bị chia cắt để rồi lọt thỏm trong vùng kiểm soát của Israel, cả Armenia lẫn Azerbaijan đều không thoải mái gì với việc non sông không thể "nối liền một dải" theo cách đó.

Và ở đây, với Nagorny Karabakh, có lẽ cũng cần phải nhấn mạnh một điểm đồng dạng nữa, nếu đặt cạnh Jerusalem trong xung đột nghìn năm Palestine - Do Thái ở Trung Đông: Nagorny Karabakh là một trong những vùng "đất tổ" của người Armenia - một trong những dân tộc lâu đời nhất từng được ghi chép trong các thư tịch cổ phương Tây. 

Đó là một kiểu "Đất Thánh" của họ. Tuy nhiên, khi cả Azerbaijan lẫn Armenia còn là những nước cộng hòa vùng Ngoại Kavkaz thuộc Liên bang Xô viết, vì lý do này và vì lý do khác, nó lại được sáp nhập vào lãnh thổ của Azerbaijan.

Tại Moscow, lãnh đạo Azerbaijan và Armenia đàm phán ngừng bắn trước sự chứng kiến của Ngoại trưởng Nga Lavrov.

Sắc tộc đã là một mồi lửa, và tôn giáo là một thứ ngòi nổ khác, cho bầu không khí sặc mùi thuốc súng đã luôn hiện hữu ở đây, kể từ trước khi hai người láng giềng đó sánh vai nhau cùng tuyên bố độc lập, trên đống tro tàn của đế quốc Ottoman, sau khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc năm 1918. 

Armenia luôn là một ốc đảo biệt lập, một lãnh thổ Thiên Chúa giáo nằm trong lòng những đế quốc mênh mông của Hồi giáo (từ đế quốc Hồi giáo mà nhà tiên tri Mohammed kiến lập cho người Arab, đến đế quốc Ottoman của người Thổ Nhĩ Kỳ).

Sự thù hận giữa hai trong số những tôn giáo lớn nhất thế giới đó đã được kiềm chế khi Armenia và Azerbaijan cùng trực thuộc những chính quyền trung ương đủ hùng mạnh. Tuy nhiên, khi các chính thể đó sụp đổ, những ngọn lửa thù hận lại dễ dàng được khơi dậy. Và thực tế, từ năm 1988, khi Liên Xô đã tiến đến gần sát ngưỡng cửa tan rã, mâu thuẫn giữa hai quốc gia này đã kịp sẵn sàng bùng lên.

Khi ấy, Xô viết vùng Karabakh quyết định tổ chức bỏ phiếu trưng cầu dân ý nhằm thống nhất vùng lãnh thổ này với Armenia (20-2-1988). Phong trào này lập tức có ảnh hưởng rộng khắp, trong nhiều tầng lớp nhân dân và trí thức tinh hoa Armenia. Dĩ nhiên, Azerbaijan đáp trả gay gắt, và tuyên bố những đòi hỏi đó là không thể chấp nhận, bởi không có cơ sở pháp luật. 

Năm 1991, Liên Xô tan rã. Năm 1992, chiến tranh Nagorny - Karabakh bùng lên, và chỉ có thể bị dập tắt sau rất nhiều nỗ lực của các cường quốc thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cùng sự hiện diện của các binh sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình.

Xung đột và giao tranh đã kéo dài đến tận đầu mùa hè năm 1994, thời điểm mà Azerbaijan đã kiệt quệ về nguồn lực, và phải chính thức lên tiếng nhờ Nga cũng như Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) đưa ra các giải pháp ngưng bắn, trong khi quân đội Armenia đã sẵn sàng tiến về thủ đô Baku của Azerbaijan. 

Nó cũng làm bật lên một khía cạnh không thể bỏ qua khác ở "điểm nóng" này: Bên cạnh tôn giáo hay sắc tộc, vị trí địa lý "cửa ngõ vùng Kavkaz" nối liền Trung Đông với Trung Á  cũng là điều khiến các cường quốc (khu vực cũng như quốc tế) khó lòng bỏ qua việc tìm mọi cách tăng cường ảnh hưởng, qua đó gia tăng nguy cơ quốc tế hóa xung đột Nagorny Karabakh. Cũng gần giống như Jerusalem, với các tiến trình hòa bình dang dở (cho đến nay).

Chỉ 5 phút sau lệnh ngừng bắn có hiệu lực, hai bên lại phóng tên lửa.

Không phải lần đầu tiên, chẳng phải lần cuối cùng

Cũng chính vì thế, những diễn biến mới nhất ngày 11-10, khi giao tranh lại tiếp diễn dữ dội ngay sau khi thỏa thuận vừa được ký còn chưa ráo mực, một lần nữa khẳng định rằng cuộc xung đột này cần những giải pháp toàn diện và tỉ mỉ hơn. Có điều, chưa ai hình dung được những giải pháp ấy sẽ mang các đường nét như thế nào.

Không thể phủ nhận vai trò của nước Nga - cường quốc được OSCE hoan nghênh vai trò trong việc tổ chức những cuộc đàm phán giữa Ngoại trưởng hai nước Armenia và Azerbaijan. Song, thực ra, chính nước Nga cũng chỉ có thể làm được như vậy - điều mà họ đã luôn cố gắng thực hiện trong những lần cuộc xung đột này bùng lên, mà gần nhất là năm 2016.

Là quốc gia thừa kế chính thức vai trò của Liên Xô, ở cả tầm vóc thế giới lẫn trong không gian hậu Xô viết, nước Nga không thể đứng hẳn về một bên nào. Tuy nhiên, Moskva vẫn thường xuyên bị cả hai phe cáo buộc là thiên vị phía bên kia, suốt từ cuộc xung đột thập niên 1990. Những phương án hòa bình, trong bối cảnh đó, vẫn luôn chỉ là các giải pháp tạm thời, chứ chưa chạm đến được tận gốc rễ vấn đề.

Điểm cốt lõi, xin lưu ý, lại không phải là sắc tộc hay tôn giáo, những nguyên nhân bề nổi. Nếu đặt câu hỏi vì sao Armenia và Azerbaijan từng có thể sống cạnh nhau hòa thuận khi đều cùng nằm trong lãnh thổ của một đại cường như Đế chế Ottoman hay Liên Xô, những khía cạnh quan trọng nhất sẽ phát lộ.

Cảnh hoang tàn ở Nagorny - Karabakh.

Cũng như bất đồng, mâu thuẫn, xung khắc trong mọi mối quan hệ quốc tế, lợi ích chính là vấn đề mấu chốt. Đơn cử, từ năm 1995, đồng chủ tịch của nhóm Minsk tiếp tục đàm phám với Chính phủ Armenia và Azerbaijan để tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột đã đưa ra nhiều đề nghị, chủ yếu tập trung vào việc thuyết phục mỗi bên nhân nhượng ở một số điểm. 

Thí dụ, binh lính Armenia rút khỏi bảy khu vực xung quanh Karabakh, còn Azerbaijan sẽ chia sẻ nguồn lợi kinh tế, bao gồm cả lợi nhuận từ đường ống dẫn dầu từ Baku trung chuyển qua Armenia để đến Thổ Nhĩ Kỳ. Một số đề xuất khác bao gồm Azerbaijan sẽ trao quyền tự trị rộng rãi cho vùng này. 

Trong khi đó, Armenia cũng đã và đang phải chịu nhiều sức ép do bị loại trừ khỏi nhiều thành tựu phát triển kinh tế diễn ra trong khu vực, bao gồm tuyến đường ống dẫn dầu Baku-Tbilisi-Ceyhan  và tuyến đường sắt Kars-Tbilisi-Baku, do không thể hoàn toàn bình thường hóa quan hệ với Azerbaijan.

Vấn đề là, các đề xuất này bị bác bỏ, đặc biệt là những điểm liên quan đến lãnh thổ - những điểm bị xem là không thể đặt lên bàn đàm phán. Không ai muốn nhân nhượng, không ai muốn thỏa hiệp, nhất là khi tôn giáo và sắc tộc được sử dụng như những chiêu bài tạo ảnh hưởng chính trường ở cả hai nước.

Nhưng không chỉ thế, các cường quốc liên quan cũng đều có những mục tiêu của mình. Nếu nước Nga muốn duy trì một trạng thái hòa bình và ổn định quanh những biên giới mênh mông vùng Kavkaz, thì Thổ Nhĩ Kỳ lại sẵn sàng tìm kiếm cơ hội khuếch trương thanh thế. Ankara tuyên bố sẵn sàng "đứng bên cạnh những người anh em Azerbaijan (Hồi giáo)", và thậm chí đã đối diện không ít cáo buộc từ phía Armenia về việc binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tham chiến.

Chỉ với những sự hậu thuẫn được biểu thị một cách mạnh mẽ đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã vừa tiếp thêm lòng tự tin cho Azerbaijan, vừa khơi dậy hằn thù lịch sử vốn có với Armenia, từ vụ thảm sát và diệt chủng Armenia mà chính quyền Ottoman rồi Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại thực hiện một trăm năm trước (từ năm 1915 đến 1917).

Thế giới mới chỉ vừa chứng kiến hai bên đạt được một thỏa thuận nhân đạo, nhằm trao đổi tù binh chiến tranh cũng như thi thể những người bị thiệt mạng. Nó hoàn toàn không phải một giải pháp chính trị, nó không phải là điểm khởi đầu của một lộ trình hòa bình, và dĩ nhiên là nó cũng hoàn toàn có thể dễ dàng bị xem như một tờ giấy lộn. Cho dù trước đó, cả hai phía đều tỏ ra sẵn lòng đáp lại lời kêu gọi ngừng bắn của cộng đồng quốc tế, nhất là của Liên hợp quốc, thì những mâu thuẫn vẫn còn nguyên đó. 

Chúng không còn chỉ là những hiềm khích âm ỉ nữa. Khi tờ The Economist đánh giá đây là cuộc giao tranh lớn nhất quanh Nagorny Karabakh trong vòng 25 năm qua, với hàng trăm người chết, với quy mô của một cuộc chiến tranh quy ước đích thực với đầy đủ các khí tài quân sự hiện đại, đó đã thật sự là một hố thẳm hận thù. 

Những hy vọng hòa bình thực thụ sẽ phải đợi. Cho đến tận khi "những cuộc đàm phán thực chất" có cơ hội được bắt đầu…

Thiên Thư
.
.
.