Nan giải cuộc chiến chống tội phạm người nước ngoài tại TP HCM

Thứ Sáu, 27/09/2019, 11:02
Thời gian qua, dù đã kéo giảm được tình hình tội phạm nói chung, nhưng thực tế tại TP HCM, tình trạng người nước ngoài  mà chủ yếu là người Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) hoạt động phạm tội đang diễn ra khá phức tạp. 


Các đối tượng không còn thực hiện các hoạt động phạm tội theo kiểu nhỏ lẻ, chỉ tập trung vào cờ bạc, lừa đảo bằng công nghệ cao như trước mà đã chủ động đa dạng hóa các loại hình với tính chất nghiêm trọng hơn và phương thức, thủ đoạn cũng tinh vi hơn...

Đủ loại tội phạm

Ngày 14-9, Công an quận 2 đã bắt giữ băng nhóm gồm 6 đối tượng người Trung Quốc là Song Yu Jie, Yan Ze Feng, Han Chao, Zang Jin Chen, Qian Ying Jie, Qian Liang Yo cùng 3 đối tượng người Việt Nam là Nguyễn Vương Bảo, Nguyễn Thị Hoàng Mỹ, Phạm Viết Thanh Nhã.

Đối tượng người Đài Loan - Trung Quốc vận chuyển trên 1,1 tấn ma túy bị bắt tại ngã tư An Sương, quận 12.

Vụ việc xảy ra lúc 16h ngày 14-9, Nguyễn Vương Bảo (nhân viên thu hồi nợ của Công ty Star City do nhóm người Trung Quốc nêu trên làm chủ) do có mâu thuẫn với nhóm người Trung Quốc về việc mình bị nghi ngờ chiếm đoạt tiền của công ty và sợ bị nhóm người kia trả thù nên đã nhờ người trình báo Công an quận 2.

Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận vào tháng 4 và 5-2019, chúng mở hai công ty TNHH Kyushu và Star City với 30 nhân viên người Trung Quốc hoạt động kinh doanh tại quận Gò Vấp. Sau khi tạo các app, chúng thông qua mạng facebook quảng cáo cho vay tiền với hình thức nhanh, gọn và lãi xuất hấp dẫn.

Sau vài ngày đã thu hút được một số người đến vay, nhóm người này quyết định thuê thêm một căn nhà ở phường Bình Khánh, quận 2 vào ngày 9-5-2019 và đến ngày 30-7-2019 thì thuê thêm căn nhà ở khu phố 2, phường An Phú, quận 2 để lắp đặt thiết bị và làm văn phòng giao dịch.

Cũng theo lời khai của Yan, hắn quy định cho nhân viên chỉ cho vay khi khách điền đầy đủ các thông tin như: Họ tên, địa chỉ, số điện thoại, giấy CMND hoặc thẻ căn cước, số tài khoản ngân hàng… Ngoài ra, khách vay phải chịu phí dịch vụ là 24% trên tổng số tiền vay, sau đó còn phải trả 20% tiền lãi/tháng.

Trước đó, tháng 6-2019, các trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu phối hợp với Công an quận 9 bắt giữ đường dây lừa đảo do 20 đối tượng người Trung Quốc cùng thực hiện. Khám xét khẩn cấp căn nhà mà nhóm này thuê trên đường Nguyễn Văn Hát, phường Long Trường, quận 9, Công an thu giữ hàng chục thiết bị công nghệ cao sử dụng vào việc lừa đảo như iPad, máy tính xách tay, bộ phát 4G, wifi, bộ đàm và rất nhiều thiết bị để giả âm thanh còi hiệu, tiếng súng…

Tại cơ quan Công an, Yan cùng nhóm đối tượng này khai nhận đã thuê nhà ở phường Long Trường, quận 9, cho lắp đặt thiết bị để giả danh Công an, Viện kiểm sát hù dọa các nạn nhân để lừa tiền. Cho đến lúc bị bắt, chúng đã lừa được hàng trăm người và để thực hiện hoạt động lừa đảo, Yan đã móc nối với một số đối tượng người địa phương mở nhiều tài khoản ở các ngân hàng và thực hiện việc rút tiền giúp chúng ngay sau khi nạn nhân chuyển vào.

Các đối tượng người Trung Quốc trong đường dây cho vay nặng lãi bị bắt ngày 14-9-2019 tại quận 2, TP. Hồ Chí Minh.

Phức tạp nhất hiện nay về tình trạng người nước ngoài phạm tội tại TP Hồ Chí Minh là liên quan tới ma túy. Từ năm 2018 đến nay, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy đã phát hiện 5 vụ tàng trữ, vận chuyển ma túy số lượng lớn, thu hơn 2,1 tấn ma túy tổng hợp và hơn 300kg Heroin (gồm cả vụ vận chuyển ma túy do Cục CSĐT tội phạm về ma túy Bộ Công an phát hiện), trong đó chủ yếu là đối tượng người Đài Loan  (Trung Quốc).

Bên cạnh đó, các vụ "vận chuyển trái phép chất ma túy" từ nước ngoài về Việt Nam (chủ yếu từ châu Mỹ và châu Âu) dưới dạng quà biếu qua các Cảng hàng không do các đơn vị Hải quan và các đơn vị khác phát hiện ngày càng nhiều (trong 6 tháng đầu năm, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận và điều tra 50 vụ).

Theo Đại tá Hồ Tự Sang, Trưởng Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an TP Hồ Chí Minh, qua một số vụ được xử lý gần đây cho thấy tội phạm người nước ngoài đang chọn Việt Nam vừa là nơi tiêu thụ, vừa là nơi trung chuyển.

Từ đầu năm 2019 đến nay nổi lên là những nhóm người Đài Loan (Trung Quốc) cấu kết với các đối tượng tội phạm trong nước tổ chức vận chuyển ma túy với khối lượng rất lớn từ khu vực Tam giác vàng qua Lào, Campuchia vào Việt Nam qua các tỉnh miền Trung, miền Tây Nam Bộ rồi tập kết tại các kho ở các tỉnh giáp ranh TP Hồ Chí Minh như: Bình Dương, Đồng Nai, Long An… sau đó trung chuyển về các kho ở các quận, huyện Hóc Môn, quận 12, Bình Tân để chen lẫn vào các container hàng hóa rồi dùng các công ty bình phong xuất đi nước thứ 3 là Philippines, Đài Loan, Trung Quốc thông qua các cảng biển tại TP Hồ Chí Minh. Thực tế này đã ra những yêu cầu mới cho lực lượng phòng chống ma túy nói riêng và lực lượng Công an nói chung trong công tác phòng ngừa và đấu tranh với tội phạm.

Chủ động phòng ngừa, trấn áp tội phạm

Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP. Hồ Chí Minh cho biết, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2019, Công an TP Hồ Chí Minh đã tập trung triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững an ninh chính trị, tập trung kéo giảm tội phạm trên địa bàn, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đô thị.

Phạm pháp hình sự xảy ra 1.910 vụ, triệt phá 226 băng nhóm tội phạm hình sự, bắt 602 đối tượng; điều tra khám phá 1.446 vụ, bắt 1.641 đối tượng. Các tổ công tác 363 và các quận huyện đã phát hiện, bàn giao xử lý nhanh 236 vụ với 351 đối tượng nghi vấn có dấu hiệu của tội phạm hình sự, ma túy, kinh tế, thu giữ nhiều tang vật mang theo.

Các loại thiết bị mà các đối tượng người Đài Loan - Trung Quốc sử dụng hù dọa nạn nhân để lừa đảo.

Để đấu tranh với các băng nhóm tội phạm có yếu tố nước ngoài, Giám đốc Công an thành phố yêu cầu các đơn vị nghiệp vụ phải làm tốt công tác quản lý ngay từ khi người nước ngoài  nhập cảnh vào trong nước phải nắm rõ xem họ nhập cảnh vào địa phương nào.

Mục đích nhập cảnh là thương gia đã đầu tư làm ăn buôn bán, sản xuất kinh doanh trên địa bàn, tìm kiếm cơ hội đầu tư, đi du lịch hạy thăm thân nhân... và họ sẽ dự định lưu trú ngắn hạn hay lâu dài ở địa bàn nào để từ đó thông báo cho Công an các quận huyện có biện pháp kiểm soát chặt chẽ. Sự liên kết này cũng giúp Công an các quận, huyện và các đơn vị nghiệp vụ khác quản lý tốt hơn đối với các hoạt động của người nước ngoài từ việc họ làm gì, ở đâu và di chuyển đến các địa phương nào…

Các đơn vị nghiệp vụ công nghệ cao cũng cần phải tăng cường công tác nắm bắt những thông tin, kiểm soát tốt các trang web, các mẫu quảng cáo để thẩm định xem trang nào có nội dung nghi vấn, và nếu phát hiện phạm tội như tổ chức đánh bạc trực tuyến, cho vay nặng lãi, lừa đảo bằng công nghệ cao… thì phải phối hợp ngay với Công an các đơn vị địa phương triển khai ngay phương án tấn công triệt phá.

Đối với tội phạm về ma túy, hình sự, các đơn vị nghiệp vụ cũng cần phải phối hợp chặt chẽ với Công an các tỉnh, thành nơi tiếp giáp với đường biên giới để chủ động nắm bắt thông tin đối tượng ngay từ khi vừa nhập cảnh để sẵn sàng triển khai phương án theo dõi hoặc tấn công nếu xác định được hành vi phạm tội.

Đức Cương
.
.
.