Nan giải việc xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp ở TP Hồ Chí Minh

Chủ Nhật, 17/03/2019, 10:13
Có lẽ ít có nơi nào có kiểu xây dựng nhà hay "style" trang trí nhà cửa "lạ và độc" như ở huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh.



Tại một số ấp ở huyện Bình Chánh có những căn nhà, bên ngoài "vỏ nhà" là những miếng tôn bao quanh, mới thoạt nhìn tưởng chỉ là căn nhà tạm bợ; nhưng nhìn kỹ sẽ thấy đó chỉ là một kiểu "ngụy trang" hay đúng hơn nó là kiểu "lách luật" nhằm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, bởi đằng sau những vách nhà tôn tạm bợ ấy là những tường gạch kiên cố, những căn nhà hoàn thiện bề thế…

Những căn nhà được ngụy trang bằng "áo giáp tôn"

Có lẽ khi tận mắt chứng kiến những căn nhà "độc, lạ" đó, nhiều người chắc hẳn sẽ thốt lên ngạc nhiên bởi hiếm ở đâu có kiểu xây nhà hay nói vui là "style" nhà cửa mang "áo giáp bằng tôn" để ngụy trang như ở đây.

Tuy nhiên, nghĩ kỹ thêm chút nữa sẽ thấy khá buồn cười vì cái kiểu ngụy trang đó khó thể che giấu được ai vì quá dễ dàng phát hiện. Thế nhưng, thực tế vẫn diễn ra và không ít người có trách nhiệm vẫn điệp khúc "không nghe, không thấy, không biết"… như một cách lý giải quen thuộc.

Những căn nhà xây theo kiểu "ngụy trang" ở xã Vĩnh Lộc A, B.

Câu chuyện xây dựng không phép "nóng" trên địa bàn huyện Bình Chánh, đặc biệt là hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B không phải là chuyện mới mẻ gì tại địa phương này mà thực tế nó đã diễn ra âm ỉ cũng như có lúc bùng phát vào những thời điểm khác nhau và báo chí đã không ít lần phản ánh.

Và từ đó cũng có không ít cán bộ, công chức bị xử lý nặng nhẹ theo nhiều mức độ khác nhau. Tuy vậy, đến nay câu chuyện nan giải này vẫn tiếp diễn và có vẻ vẫn chưa dừng lại.

Chiều 12-3-2019, chúng tôi có chuyến thực tế tại một số ấp tại hai xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B. Theo ghi nhận của chúng tôi, ở một số con hẻm trên đường Nữ Dân Công, thuộc ấp 4 xã Vĩnh Lộc A, người ta có thể dễ dàng thấy được không ít căn nhà xây dựng khá kiên cố được bao quanh bên ngoài bằng tôn. Và nếu chỉ nhìn sơ qua ai cũng nghĩ là một nơi xây dựng tạm bợ, như một khu phố nhà tôn, nhưng thực tế bên trong các căn nhà đã được xây dựng "đúng chuẩn", bề thế.

Trong khi đó, ở tổ 11, 12 ấp 5A, đường Thới Hòa, xã Vĩnh Lộc A, cũng có hàng chục căn nhà hai tầng kiên cố mọc lên giữa cánh đồng cỏ trống trải. Cùng với đó là nhiều nền đất đã hoàn thành móng, đang chuẩn bị xây. Đi vào những con hẻm ở tổ 3-4, ấp 2A xã Vĩnh Lộc A, người ta cũng có thể dễ dàng thấy được những căn nhà xây dựng kiểu "độc lạ" kể trên cả cũ cả mới …

Không chỉ riêng xã Vĩnh Lộc A mà tình trạng xây nhà không phép trên đất nông nghiệp cũng diễn ra tại xã Vĩnh Lộc B của huyện Bình Chánh. Đáng nói là tại những khu vực này, chính quyền địa phương có dựng bảng thông báo khu vực không phù hợp quy hoạch để xây nhà ở, nghiêm cấm phân lô, bán nền trái pháp luật và xây dựng không phép.

Tuy nhiên, ngay cạnh đó vẫn có những công trình xây lụi mọc lên. Tại đường Võ Văn Vân, tổ 12, ấp 3, xã Vĩnh Lộc B, một số căn được quây tôn và đằng sau lớp tôn ấy căn nhà đã xây dựng hoàn thiện…

Trao đổi với báo chí, ngày 27-2-2019, ông Lôi Đại Phong, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B cho biết, trung bình mỗi tháng có khoảng 60 trường hợp xây dựng không phép tại xã này. Trong khi đó, ông Phan Thanh Nhã, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, khẳng định trong năm 2018 xã này có 32 trường hợp xây dựng không phép, trong đó có 13 trường hợp đã bị cưỡng chế.

Qua thực tế tại những khu vực kể trên, có thể thấy đa số các mảnh đất nông nghiệp ở đây (hẻm 13D đường Lê Thị Dung, ấp 4A, xã Vĩnh Lộc A) được phân lô 4 x 15 m hoặc 4 x 16 m, mua bán giấy tay, với giá bán dao động 600-700 triệu đồng. Nếu muốn xây nhà lên thì từ chủ đất đến thầu xây dựng đều khẳng định là phải "chung chi"?!

Ngoài việc tự cầm giấy tờ tay lên UBND xã để hỏi theo kiểu "truyền thống" và sẽ được chỉ dẫn thì cách dễ hơn là người mua chỉ cần trả thêm 300-350 triệu đồng cho chủ thầu là sẽ được đảm bảo có căn nhà hoàn thiện (?). Khoản tiền thêm này vừa là tiền xây dựng căn nhà vừa gồm tiền "chung chi".

Tại buổi làm việc của Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh với UBND huyện Bình Chánh và hai xã Vĩnh Lộc A và B ngày 6-3-2019 vừa qua, Thanh tra Sở Xây dựng đã nêu thực trạng cả hai xã này đều có tình trạng xây dựng không phép.

Những con đường làm tạm bợ và những nền nhà trên đất nông nghiệp.

Đặc biệt, tại xã Vĩnh Lộc A, chỉ riêng hai ấp 4 và 5A đã có 23 công trình xây dựng không phép; riêng tại hai tổ 11, 12, ấp 5A có tới 19 trường hợp. Trong đó có 15 căn đã và sắp xây xong, còn lại các nền đất đã được hoàn thiện phần móng.

Theo ông Huỳnh Lê Công Trường, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, ngày 15-2, Đội thanh tra địa bàn đã phát hiện 7 trường hợp xây dựng không phép tại đây và đã báo về cho cán bộ phụ trách địa chính. Tuy nhiên, đến nay tình hình không những không được xử lý mà còn mọc lên nhiều căn nhà gần đó.

Lý do của vấn đề còn một số khúc mắc, theo Thanh tra Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh do các công trình vi phạm đều nằm trên đất nông nghiệp, phải áp dụng Nghị định 102/2014 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai là không thuộc thẩm quyền của Thanh tra Sở nên không thể xử lý.

Đáng ngạc nhiên, theo lời của ông Phan Thanh Nhã, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, ông đã không được cán bộ địa chính phụ trách địa bàn báo cáo kết quả kiểm tra của Đội Thanh tra địa bàn của Sở Xây dựng. Vì thế, ông Nhã cho biết sẽ kiểm tra lại cán bộ phụ trách, đồng thời có hướng xử lý phù hợp.

Cũng theo Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A, ấp 4 và 5A được quy hoạch là đất nông nghiệp và đất dân cư xây mới. Trong 23 trường hợp, xã này đã cưỡng chế tám móng nhà, số còn lại xử lý cưỡng chế trong tháng 3…

Cơ quan công an vào cuộc

Trước tình hình phức tạp tại những khu vực kể trên, ngày 8-3-2019, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh đã có văn bản khẩn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND Thành phố, về tình trạng xây nhà không phép tràn lan trên đất nông nghiệp ở huyện Bình Chánh mà báo chí phản ánh. Theo đó, UBND thành phố đề nghị Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh kiểm tra, xử lý, báo cáo gấp cho UBND Thành phố.

Tiếp đó, ngày 11-3, ông Trần Vĩnh Tuyến đã có buổi làm việc với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh và Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh để hiểu thêm về tình hình trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Bình Chánh.

Trao đổi với báo chí sau cuộc họp này, ông Trần Phú Lữ, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, thừa nhận, hai xã Vĩnh Lộc A, B có nhiều trường hợp tự chuyển mục đích và xây dựng không phép trên đất nông nghiệp.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng cho rằng không có tình trạng buông lỏng quản lý ở đây mà do thực tế là địa bàn hai xã này quá rộng. Xã Vĩnh Lộc A có diện tích tự nhiên gần 2.000 ha mà đất có chức năng là đất ở đô thị hiện hữu chỉ có gần 66 ha, chưa tới 5% tổng quỹ đất, còn lại 102 ha đất có chức năng đất dân cư xây mới. Trong khi đó, xã Vĩnh Lộc B có diện tích hơn 1.700 ha nhưng diện tích đất ở hiện hữu chỉ có khoảng 137 ha, còn lại là đất nông nghiệp và đất dân cư xây mới.

Theo quy định, nếu có vi phạm xây dựng trong đô thị thì xử lý theo Nghị định 139/2017 của Chính phủ. Còn lại đất nông thôn hiện nay nhiều người dân vẫn tưởng là miễn phép xây dựng nên đã tự ý chuyển mục đích và xây dựng không phép.

Cũng có thực tế hiện nay một số "đầu nậu" mời gọi dân về mua đất nông nghiệp bằng giấy tay, có diện tích nhỏ, xây dựng đồng sở hữu hoặc xây nhà tạm. Cũng có những trường hợp dân ở cố cựu và sử dụng đất nông nghiệp tự chuyển mục đích trước năm 1980 hoặc trước ngày 1-7-2004 thì huyện sẽ giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…

Ngoài ra, có một nguyên nhân nữa là do nhu cầu nhà ở của người dân rất cao, trong khi quỹ đất không đủ để đáp ứng. Các "đầu nậu" đã tổ chức bán lén lút, quảng cáo cho người thu nhập thấp mua xây dựng không phép. Tuy nhiên, cán bộ phụ trách ấp, cán bộ hợp đồng chưa kịp thời báo cáo cho cán bộ địa chính lập biên bản.

Về xử lý trách nhiệm, theo ông Trần Phú Lữ, hiện nay các xã đang đề xuất kiểm điểm lên huyện. Trên cơ sở đó, huyện sẽ lập hội đồng kỷ luật xem xét và có hình thức kỷ luật phù hợp. Trong tháng 3 sẽ thực hiện xong việc này.

Riêng về tình trạng "chung chi, bảo kê, tiếp tay" cho vi phạm xây dựng, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh cho rằng chưa thể khẳng định và sẽ ghi nhận những thông tin phản ánh từ báo chí. Tuy nhiên, huyện cũng đã ký hai văn bản chỉ đạo Công an huyện xác minh, làm rõ.

Hơn nữa, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã chỉ đạo Công an thành phố vào cuộc. Nếu phát hiện có "chung chi, bảo kê" thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Trước đó, liên quan đến vấn đề này, tại xã Vĩnh Lộc A từng có hai Phó Chủ tịch UBND xã bị xử lý hình sự, nhiều công chức địa chính cũng bị kỷ luật.

Liên quan đến vấn đề này, tại buổi làm việc ngày 6-3-2019, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, đã đề nghị huyện Bình Chánh cần rà soát toàn bộ quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch xây dựng. "Bình Chánh cần phải có đột phá về quy hoạch, nếu không thì câu chuyện xây không phép sẽ còn tiếp diễn và cán bộ bị kỷ luật cũng sẽ còn dài dài", ông Trần Trọng Tuấn nhìn nhận.

Có thể thấy, tồn tại kể trên đã tái diễn nhiều lần và cũng đã có nhiều biện pháp xử lý, tuy nhiên nói cho cùng thì hậu quả sau cuối chỉ có người dân có nhu cầu thực sự bỏ tiền ra mua đất xây nhà không phép là lãnh đủ.

Phú Lữ - Hoa Nam
.
.
.