Nạn nhân axit và những nỗi đau

Thứ Hai, 03/07/2017, 08:36
Cuộc đời nạn nhân đã bị thay đổi hoàn toàn chỉ sau một "cú tạt". Họ sống trong nỗi đau dai dẳng và sự bế tắc cùng cực. Bản án nghiêm khắc cho những kẻ hủy hoại thân thể người khác bằng axit là điều tất yếu, nhưng nỗi đau của nạn nhân thì chưa có lời giải. 


Sống trong nỗi đau

Sau biến cố khủng khiếp cách đây một năm, Nguyễn Hoàng Hương (tên nhân vật đã thay đổi) vẫn chưa lấy lại được tinh thần. Hương co ro, rúm ró trong hình hài "quỹ dữ". Gương mặt bầu bĩnh, trắng nõn tuổi 22 ngày nào giờ chỉ còn trong miền nhớ.

Sinh ra tại Quảng Ngãi, lớn lên ở Lâm Đồng, Hoàng Hương cũng như bao cô gái khác của xứ cà phê đất đỏ, hào hứng xuống TP Hồ Chí Minh nuôi dưỡng ước mơ thành chuyên gia trang điểm trong tương lai.

Sau những gì xảy ra, nạn nhân axit rơi vào cuộc sống tự ti, mặc cảm.

Một năm ở phố thị, Hương có nhiều mối quan hệ xã hội, nhiều bạn bè trong giới nail (làm móng tay nghệ thuật) và đặc biệt là bén duyên với một "soái ca" quê dừa miền Tây. Tình yêu đầu đời của cô gái Tây Nguyên cuồng si, mãnh liệt không gì ngăn cản nổi.

Bao nhiêu dự tính đã được cô dệt sẵn trong đầu, xán lạn và đầy hào quang. Người yêu của Hương cũng vậy. Anh chàng rất chịu khó lội đường đất đỏ nhão nhoẹt, đi hái cà phê, nhổ sắn cùng gia đình Hương ở tận trong núi. Hai bên quý nhau như ruột thịt trong nhà, tính chuyện Hương ra nghề sẽ tổ chức đám cưới. 

Hương hăng say học trang điểm, uốn tóc. Để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống nơi thị thành, Hương đi phát tờ rơi, nhận làm móng tay chân tại nhà. Cuộc sống và tình yêu phát triển song hành, tưởng như không có gì thay đổi được con đường phía trước, nếu không có buổi sáng định mệnh ấy. 

Hương chạy xe đi làm như mọi ngày, đầu đội mũ, mặt bịt khẩu trang. Dừng lại ngã tư đèn giao thông, chợt có hai người ngồi trên xe máy đỗ xịch ngay bên cạnh Hương. Không nói gì, người ngồi sau nhảy xuống nhanh như chớp, giật chiếc khăn choàng cổ của cô, rồi đổ một chai nước gì đó từ má xuống cổ.

Hương chỉ kịp kêu thét lên một tiếng, rồi thấy trên mặt và cổ nóng rát. Cô chạy vào vỉa hè, xin nước của một bà bán hàng giội vào cho đỡ bỏng. Vài phút sau, sức nóng của thứ nước hủy diệt tràn xuống ngực, bụng khiến Hương đau đớn quằn quại. Lúc ấy, bà bán hàng mới hét lên: "Con bé bị tạt axit rồi".

Hương được người dân đưa đi bệnh viện cấp cứu. Khi tỉnh dậy, cô thấy người cứng đơ, một cánh tay bất động. Khủng khiếp nhất là bộ mặt cũng bị quấn thật chặt băng bông trắng toát.

Chỉ có một con mắt duy nhất hấp háy, Hương nặng nề đảo xung quanh, cố gắng tìm kiếm bóng dáng người thân. Không có ai trong căn phòng lạnh giá và đầy mùi kháng sinh, Hương bật khóc. Buổi tối, mẹ cô từ trên núi tức tốc xuống thành phố chăm con. Bà cũng chẳng thể kìm lòng khi nhìn thấy hình hài đau thương của con gái. 

Chuyện gì đã xảy ra? Mình có gây thù hằn với ai đâu mà bị trả thù kinh sợ vậy? Hương không thể giải thích nổi. Gần một tuần trôi qua, anh chàng người yêu của Hương vẫn bặt tin, không có một dòng nhắn gửi.

Và sự thật phơi bày khiến cô không thể tin nổi. Người mà Hương dốc cạn con tim yêu điên cuồng lại là người đồng tính, chỉ vì muốn dùng cô làm vỏ bọc nên mới "diễn" thành công vậy. Nhưng ai đã tạt axit hủy hoại dung nhan của mình, thì kể cả sau này, Hương vẫn không thể giải thích nổi. 

Nỗi thương lòng đau gấp vạn lần nỗi đau thể xác. Hương chỉ muốn chết đi để quên tất cả. Nhưng nước mắt của mẹ là thứ thì đó níu lòng đứa con gái. Cô chợt nghĩ: "Trên đời này chẳng có ai quan trọng bằng cha mẹ mình. Vậy thì tại sao phải chết vì một người dưng". 

Cô xốc lại tinh thần, ngoan ngoãn, chăm chỉ thực hiện theo phác đồ điều trị của bác sĩ. Trải qua nhiều ca phẫu thuật cấy ghép, khâu vá, cuối cùng Hương xuất viện với tỉ lệ bỏng trên 60%. Cô quyết tâm ở lại thành phố, như một sự trốn chạy với thị phi và định kiến quê nhà.

Mặc cho gia đình khuyên nhủ, Hương vẫn cương quyết không trở về. Hơn một năm sau ngày gặp biến cố, anh chàng “soái ca” đầu đời của Hương vẫn không một dòng hồi âm. Trên Facebook của anh ta cũng xóa hết hình ảnh tình tứ ngày xưa.

Thay vào đó, là những trạng thái mơ hồ, bóng gió về một cuộc tình trong "bóng tối". Thật ra, tìm anh ta không khó, nhưng Hương đã chôn thật chặt ký ức đầu đời vào trong một góc thật sâu kín của tâm hồn, không muốn nhìn thấy mặt con người giả dối ấy nữa. 

Trong thời gian nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, Hương lên mạng học bán hàng online. Khi thấy thị trường hoa khô thủ công đang nở rộ, cô chăm chỉ học cách làm rồi tìm mối đổ sỉ cho các cửa hàng lớn. Vẫn mặc cảm với khuôn mặt nhăn nhúm, đỏ choét da thịt, Hương chỉ ở nhà và giao dịch qua mạng xã hội.

Hiện trường một vụ tạt axit.

Hoa của cô làm rất khéo léo, đẹp mắt, được nhiều người thích thú đặt mua. Ai cũng tò mò về người đan hoa, họ muốn gặp gỡ giao lưu. Sau nhiều lần từ chối, vì nhiều lý do, Hương nghĩ mình không thể sống mãi trong bóng đêm thế này được, phải ra đời, phải gặp gỡ. Dù thế nào thì mình cũng là con người có trái tim, có tâm hồn, đặc biệt là có bàn tay khéo léo và khối óc thông minh.

Nghĩ là vậy nhưng phải mất rất nhiều đêm trăn trở, trằn trọc, đấu tranh tâm lý, Hương mới dám xuất hiện với khuôn mặt "quỹ dữ". Lần đầu tiên nhìn thấy Hương, nhiều người đã giật mình, có chút ái ngại, e dè, giữ khoảng cách nhất định. Hương đã khóc thật nhiều vì mặc cảm, tủi thân và cô lại lui vào bóng tối.

Chỉ mong có sức khỏe để làm việc

Nạn nhân thứ hai chúng tôi gặp là chị Nguyễn Thị Lệ (35 tuổi, đang ở nhà trọ tại quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh). Chị Lệ bị tạt axit do xích mích với ông hàng xóm. Kỳ lạ thay, khi thực hiện việc hủy diệt người khác bằng axit, thì người ta phát hiện ông hàng xóm này bị tâm thần.

Chị Lệ cùng đứa con trai 7 tuổi cay đắng chịu hình phạt như từ trên trời rơi xuống mà chẳng thể kêu cứu cùng ai. Ngày ấy, chồng chị Lệ là lái xe. Sau khi vợ con không còn ra dáng con người, anh ta bỗng dưng chịu khó đi lái tận miền Trung, miền Bắc vài tháng thậm chí cả năm mới về nhà một lần.

Hiểu thấu trái tim băng giá của chồng, chị Lệ đâm đơn ra tòa giải thoát cho cả hai. Chị nhận nuôi con trai. Chuỗi ngày bi kịch của cuộc đời "axit" liên tục đọa đày tinh thần của chị. Chị không thể tiếp tục làm việc ở  công ty cũ, vì khuôn mặt "ma quái" của mình. Con trai chị đi học bị bạn bè ghẻ lạnh, xa lánh. Chị phải gửi về quê nhờ cha mẹ bảo vệ, nuôi dưỡng. Chị ở lại đi bán vé số.

Những ngày đầu do mặc cảm, tự ti nhan sắc nên chị trùm khăn kín mít, chỉ hở một con mắt. Chị mời chào vé số nhưng người ta không nghe, nhiều gã đàn ông yêu cầu chị mở mặt ra cho coi nhan sắc rồi mới mua. Chị quay đi một mạch, không bán nữa.

Chưa dừng lại ở đó, một gã đàn ông đã túm lấy tấm khăn giật thật mạnh ra, để lộ nguyên bộ mặt nham nhở, rúm ró xương thịt của chị. Chị vội ôm mặt bỏ chạy về phòng và từ đó đoạn tuyệt luôn với nghề vé số.

Vốn có chút kỹ thuật về may vá, chị mượn tiền của một người em sắm chiếc máy may rồi ra vỉa hè nhận đơm khuy, thay khóa, sửa áo quần. Ngồi ở đây chị vẫn bịt mặt thật kín nhưng không bị ai trêu chọc đòi giật khăn xem mặt. Ai có nhu cầu thì tìm đến, chị nhận hết. Với đôi bàn tay khéo léo và sự cần cù, tỉ mẩn, chị luôn làm hài lòng khách.

Thi thoảng nhớ con, chị bắt xe về thăm, nhưng cũng canh chừng vào buổi tối để không ai có thể nhìn thấy dung nhan của mình. Chị bảo rằng, từ ngày mang thân phận "người ngợm" thế này, chị cảm nhận như thế giới chỉ có một mình. Trừ cha mẹ, chị không chơi với ai mà cũng chẳng ai chơi với chị. Chị thấy cuộc sống như thế cũng quen và bình yên. Sẽ sống, làm việc cho đến lúc nhắm mắt thì thôi.

Chị Lệ cho biết, có nhiều người sửa đồ lâu năm biết hoàn cảnh của chị đã rủ lòng thương hay mang đồ đến cho hoặc gửi thêm tiền thù lao. Trong đó có ông bác sĩ già, có cậu con trai là chủ một thẩm mỹ viện. Ông bảo chị nếu muốn "chỉnh trang" lại khuôn mặt thì nói ông sẽ giúp.

Nếu ngại thì có thể tới đó làm nhân viên rồi tranh thủ "tút tát" luôn. Chị cười ngượng, nói với ông rằng: "Đời cháu làm gì còn cơ hội chỉnh sửa nữa. Bộ mặt của cháu mà vào thẩm mỹ viện thì đuổi khách đi hết. Cháu chỉ mong có sức khỏe và ngồi đây làm việc thôi".  

Để tâm tĩnh, lòng thanh thản, chị Lệ thường cùng em gái đi chùa.

Những vết da cấy ghép cùng hàng chục vết sẹo mổ xẻ chằng chéo trên khuôn mặt chị, tuy đã dịu lại nhưng mỗi khi trái gió trở trời lại đau nhức nhối. Chị liên tục phải uống thuốc giảm đau. Lo nhất là một bên mắt có dấu hiệu mờ đục, không biết sẽ "tịt" lúc nào.

Hỏi chị Lệ có còn hận thù người gây ra thảm họa cuộc đời mình không? Im lặng một phút, chị nói: "Bây giờ đã bớt nhiều lắm rồi. Vì mình nghĩ có hận thù thì cũng không giải quyết được gì, chỉ làm đau mình thêm mà thôi. Cứ gán cho đó là số mệnh, để sống thanh thản, nhẹ nhàng". 

Hoàng Hương và Nguyễn Thị Lệ chỉ là hai trong rất nhiều nạn nhân axit đang phải gánh chịu nỗi đau tột cùng về tinh thần và thể xác. Cái quyền làm người bình đẳng nhất, họ vẫn đang bị chính lương tâm mình ngăn cản. Họ không đủ dũng khí đối mặt thiên hạ và cũng chẳng có nhiều cơ hội để tìm kiếm những mối quan hệ rộng mở ngoài đời.

Ngọc Thiện
.
.
.