"Nạn nhân" của "hôn tặc" và "gia tặc"

Thứ Tư, 09/10/2019, 07:57
"Vợ mình là con người ta. Con mình do vợ đẻ ra. Suy đi tính lại chẳng bà con chi". Mấy câu đùa giỡn này tưởng chỉ có trong truyện cười dân gian, thế mà lại ứng dụng được trong cuộc sống ngày hôm nay.


Vụ nâng điểm thi đại học cho hàng chục con các cán bộ chủ chốt của Hà Giang vừa qua cho thấy điều đó.

Theo công bố về những nhân vật bị yêu cầu kiểm điểm sâu sắc, nghiêm túc rút kinh nghiệm thì phần lớn những phụ huynh này chỉ là "nạn nhân" của người thân trong gia đình mình! Các cán bộ nói trên không hề hay biết và "hình như" không hề can thiệp vào việc con của họ được nâng điểm.

Minh họa Lê Tâm

Điểm qua một vài trường hợp: Chánh án TAND tỉnh Hà Giang để chồng tác động với người khác giúp nâng điểm thi cho con; Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng để vợ tác động với người khác giúp nâng điểm thi cho con; Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để em chồng tác động nâng điểm thi cho con; Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh để mẹ đẻ tác động nâng điểm thi cho con; Trưởng ban Tổ chức - Nội vụ Thành phố Hà Giang để vợ tác động nâng điểm thi cho con…

Như đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh thì bị liên đới hơi lằng nhằng. Vợ đồng chí đã để em chồng tác động nâng điểm thi. Việc vỡ lở ra thì đồng chí mới biết. Thế là hình ảnh đồng chí tự nhiên bị ảnh hưởng trước nhân dân. Người trong nhà của các đồng chí mà thế này thì hại nhau quá.

Bây giờ là thời điểm mà các nhà văn châm biếm đổi nghề, bởi vì không ai cần trí tưởng tượng của họ nữa. Hãy kể một câu chuyện cười chảy nước mắt đi! Khó gì? Tôi sẽ kể một sự thật.

Qua đây thấy việc kén vợ chọn chồng quan trọng thế nào. Để cho vợ hoặc chồng tác động nâng điểm thi thì thấy khá nhiều cuộc hôn nhân nói trên đều cưới nhầm phải "hôn tặc" cả. Giặc đầu gối tay ấp mấy chục năm rồi đang tâm âm thầm móc nối với người khác nâng điểm cho con mình.

Đó là hành động hãm hại uy tín của vợ hoặc chồng chứ còn gì nữa. Một số đồng chí bị gia đình ruột thịt tác động nâng điểm thi cho con thì xếp vào loại "gia tặc".

Cũng thời gian này, khi thẩm tra lý lịch bà Trưởng phòng Hành chính - Quản trị văn phòng tỉnh ủy Đắk Lắk Trần Thị Ngọc Ái Sa, phát hiện ra bà ấy tên thật là Thảo, thợ cắt tóc, chưa tốt nghiệp cấp 3. Thảo mượn bằng cấp 3 của chị gái mình là Ái Sa để thi trung cấp rồi học liên thông đến đại học… Rồi thăng tiến.

Việc vỡ lở, bà Thảo đã nộp tờ trình xin thôi việc. Xin trích: "Thời điểm xảy ra sự việc tôi còn trẻ, suy nghĩ chưa chín chắn và nông nổi. Chỉ vì muốn có việc làm và mưu sinh trong lúc gia đình rất khó khăn, tôi đã mượn hồ sợ của chị gái để xin việc làm chứ hoàn toàn không có mục đích nào khác.

Qua làm việc, tôi thấy việc làm của tôi là sai trái và xin thành khẩn nhận khuyết điểm của mình và xin nhận mọi hình thức kỷ luật của Đảng, của tổ chức".

Đã mượn danh thì không thể chính danh. Sau đó, dù bà Thảo đã học hành đỗ đạt nhưng không khác nào cây không có gốc, nhà xây từ nóc. Sống mượn danh chẳng sung sướng gì. Sống ảo nhiều năm nhưng lời bộc lộ trong tờ trình là thật. Những lời không quanh co, trốn tránh. Một giây sống thật mà khó khăn còn dễ chịu hơn cả đời ngụy trang trong nhung lụa. Nói thật một lần còn hơn nói dối tới khi xuống mồ. Cấp thấp dám nhận lỗi, sao cấp cao không dám?

Còn bạn, bạn thích nói thật hay quanh co?

Lê Tâm
.
.
.