Nạn quấy rối tình dục trên phương tiện giao thông công cộng ở Pháp

Thứ Hai, 08/01/2018, 08:13
Một báo cáo do Cơ quan giám sát tội phạm của Pháp (ONDRP) mới công bố cho hay, hơn 260 nghìn phụ nữ Pháp là nạn nhân của nạn quấy rối tình dục trên các phương tiện giao thông công cộng trong khoảng thời gian hai năm gần đây. Những con số được đề cập trong báo cáo này khiến nhiều người bất ngờ bởi trước đó, Pháp luôn được coi là quốc gia "thân thiện" với phụ nữ.


Theo báo cáo của ONDRP, khoảng 267 nghìn người, trong đó 85% là phụ nữ bị quấy rối tình dục trên các phương tiện giao thông cộng trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến năm 2015. Hành vi quấy rối tình dục phụ nữ phổ biến bao gồm hôn, sờ mó, hãm hiếp.

Theo ONDRP, những số liệu được công bố có thể chưa thật đầy đủ vì nhiều lý do khác nhau. Hầu hết các trường hợp bị quấy rối tình dục xảy ra khi tàu hoặc xe bus đang di chuyển nên nạn nhân không thể thoát thân. "Mặc dù công chúng hầu hết quan tâm đến những vụ bạo lực gia đình thì bạo lực tình dục xảy ra trên đường phố, giao thông công cộng hoặc ở những nơi công cộng khác cũng đang diễn ra nghiêm trọng và cần được chú ý hơn", một đoạn trong báo cáo viết.

Paris là khu vực xảy ra nhiều vụ quấy rối tình dục cao nhất nước Pháp.

Báo cáo cũng cho thấy, tình trạng quấy rối tình dục phụ nữ trên các phương tiện công cộng diễn ra phổ biến nhất  ở khu vực Thủ đô Paris. Báo cáo về các vụ việc ở Paris cao gấp bảy lần so với các khu vực khác.

Trước thông tin ONDRP đưa ra, nhiều phụ nữ đã chia sẻ câu chuyện từng bị quấy rối tình dục. Đồng thời, kêu gọi mọi người tham gia chiến dịch đấu tranh chống lại nạn quấy rối tình dục phụ nữ trên mạng xã hội mang tên BalanceTonPorc.

Trên mạng xã hội Twitter, Siobhán Dowling, một người từng theo học đại học tại Paris chia sẻ rằng, cô từng bị quấy rối tình dục. "Tôi đã bị những thanh niên nhìn chằm chằm vào cơ thể. Họ gọi tôi là con điếm rồi cười phá lên ngay tại khu vực đông người qua lại", Siobhán Dowling viết.

Trên mạng xã hội Facebook, một người có tên là Ikram Moustaoui viết, "khi bạn phải đứng chen chúc trong không gian kín với hàng trăm người trong điều kiện không có nhân viên an ninh hoặc cảnh sát thì không có gì ngạc nhiên khi những kẻ phạm tội tự do hành động mà không sợ bị trừng phạt".

Đây là bản báo cáo đầu tiên của ONDRP về nạn quấy rối tình dục phụ nữ xảy ra trên các phương tiện công cộng ở Pháp. Nhiều người Pháp cho biết, họ thấy sốc trước báo cáo của ONDRP và cho rằng, cần phải xem xét nghiêm túc vấn nạn quấy rối tình dục phụ nữ ở Pháp. Trước đó, Pháp luôn được biết đến là vùng đất của sự quyến rũ và lãng mạn.

Kết quả một cuộc khảo sát do Tổ chức Thomson Reuters công bố vào tháng 10-2017 cho hay, Paris được bình chọn là thành phố đứng thứ ba thế giới về mức độ "thân thiện với phụ nữ", đứng thứ 4 trong số các quốc gia ít xảy ra bạo lực tình dục.

Quan điểm về "nước Pháp lãng mạn" trong tiềm thức của người dân được cho là một trong những rào cản khiến phụ nữ không muốn báo cáo về việc bị quấy rối tình dục. "Phụ nữ Pháp thường nghĩ về đàn ông như hình mẫu dũng cảm, sự quyến rũ. Chính vì vậy, phụ nữ thường có xu hướng che giấu khi bị tấn công bằng bạo lực", nhà hoạt động nữ quyền Caroline de Haas nói. Caroline de Haas cũng cho rằng, Chính phủ Pháp chưa lên tiếng mạnh mẽ, quyết liệt về vấn đề này.

Những vụ quấy rối tình dục xảy ra khi tàu hoặc xe bus đang di chuyển nên nạn nhân không thể thoát thân.

Được biết, vào tháng 11-2017, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng kêu gọi phụ nữ phản ánh và chống lại các cuộc tấn công tình dục. Tổng thống Pháp cho rằng, cần phải thay đổi suy nghĩ của xã hội. Người Pháp phải kiểm soát vấn đề bạo lực tình dục. Tuy nhiên, nhiều nhà hoạt động nhân quyền cho rằng, tuyên bố của ông Emmanuel Macron chỉ mang tính "tượng trưng", chưa đủ sức mạnh để đấu tranh với nạn quấy rối tình dục đang diễn ra hiện nay.

Nhiều trang báo lớn đưa tin, ít nhất 13 vụ tấn công tình dục phụ nữ đã xảy ra tại Berlin (Đức) trong đêm giao thừa 2018 vừa qua. 7 nghi phạm đã bị cảnh sát bắt giữ. Tuy nhiên, cảnh sát Đức từ chối cung cấp thông tin về quốc tịch, tuổi tác… của những kẻ tình nghi. Trước đó, để ngăn chặn các vụ quấy rối diễn ra trong lễ hội đón năm mới, Berlin đã xây dựng "khu vực an toàn dành cho phụ nữ" do Hội Chữ thập đỏ Đức điều hành. Tuy nhiên, rất ít phụ nữ tìm đến khu vực an toàn này vào đêm giao thừa.

Tường Phạm (Tổng hợp)
.
.
.