Nâng tầm hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ

Thứ Sáu, 26/10/2018, 16:49
Chiều 16-10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã đến TP HCM và gặp gỡ Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân. Cuộc gặp kéo dài khoảng 40 phút, có sự tham dự đồng thời của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Daniel J. Kritenbrink.


Việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Việt Nam lần thứ hai trong một năm là điều hiếm hoi, cho thấy tầm quan trọng ngày càng tăng trong hợp tác về quốc phòng, an ninh giữa hai nước.

Hai chuyến thăm trong một năm

Chuyến thăm bắt đầu hôm 16-10 cũng cho thấy mối quan hệ Mỹ-Việt đã tiến xa như thế nào. Ông James Mattis đã đến thăm Hà Nội vào tháng 1. Ba tháng sau chuyến thăm của ông Mattis, tàu sân bay Hải quân Mỹ USS Carl Vinson đã ghé cảng Đà Nẵng.

Lần này ông Mattis đến thăm TP Hồ Chí Minh, thành phố đông dân nhất và là trung tâm kinh tế của Việt Nam. Ông Mattis còn có kế hoạch đến thăm một căn cứ không quân Việt Nam ở Biên Hòa và gặp Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong cuộc gặp Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân.

Theo Hãng tin AP, mặc dù Việt Nam đã trở thành một điểm đến phổ biến cho các bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nhưng 2 chuyến viếng thăm trong một năm là không bình thường, và TP Hồ Chí Minh hiếm khi có trong hành trình. 

Người đứng đầu Lầu Năm Góc cuối cùng đến thăm TP Hồ Chí Minh là William Cohen vào năm 2000. William Cohen là Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Mỹ đến thăm Việt Nam kể từ sau chiến tranh. Quan hệ ngoại giao chính thức đã được khôi phục vào năm 1995 và Mỹ dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ trang chiến tranh của mình vào năm 2016.

Chuyến đi của ông Mattis ban đầu bao gồm một chuyến thăm đến Bắc Kinh, nhưng đã bị hủy bỏ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng các vấn đề thương mại và quốc phòng. 

Gần đây, Trung Quốc đã từ chối yêu cầu về một chuyến thăm cảng Hồng Kông của một tàu chiến Mỹ, và mùa hè năm ngoái ông Mattis đã gạt tên Trung Quốc khỏi một cuộc tập trận hàng hải lớn ở Thái Bình Dương. Trung Quốc trong tháng 9 đã bãi bỏ một cuộc viếng thăm Lầu Năm Góc và yêu cầu Washington hủy bỏ việc bán vũ khí cho Đài Loan.

Đối tác tự nhiên

Josh Kurlantzick, một chuyên gia châu Á tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại, cho biết: "Tôi thấy Việt Nam rất phù hợp với một số chính sách của Tổng thống Trump", ông nói, đề cập đến những gì chính quyền gọi là "chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở". 

Sáng kiến nhấn mạnh việc đảm bảo tất cả các nước trong khu vực được tự do bảo vệ hải phận, đặc biệt tại vùng Biển Đông, và cởi mở với thương mại quốc tế.

"Ngoài Singapore, Việt Nam là một đối tác tự nhiên nhất của Mỹ (ở khu vực)", ông Kurlantzick nói.  Trên chuyến bay đến TP Hồ Chí Minh, ông Mattis nói với các nhà báo rằng nước Mỹ không chống lại Trung Quốc, nhưng nước Mỹ quan ngại về những hoạt động quân sự hóa trên các đảo ở Biển Đông.

Đón tiếp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo Hãng AP, sự phát triển vượt trội về kinh tế trong 30 năm qua đã giúp Việt Nam mở cửa đón nhận làn sóng đầu tư và thương mại từ nước ngoài. Đây đồng thời là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Đông Nam Á. Và chính quyền Trump đã nỗ lực tập trung để tiến gần hơn tới Việt Nam. 

Trong  chuyến thăm Hà Nội vào tháng 1, ông Mattis cho biết chuyến thăm của ông đã làm rõ rằng người Mỹ và người Việt Nam đã chia sẻ lợi ích trong một số trường hợp trước thời kỳ đen tối của Chiến tranh Việt Nam. “Không ai trong chúng ta thích bị xâm chiếm”, ông nói.

Theo giáo sư Carl Thayer của Học viện Quốc phòng Úc, ông Mattis đang làm theo hướng dẫn được nêu trong Chiến lược An ninh Quốc gia Mỹ và Chiến lược Quốc phòng Mỹ, bổ sung Việt Nam vào mạng lưới hợp tác quốc phòng nhằm đối phó với các thách thức đối với an ninh khu vực.

Ngoài ra, phía Mỹ cũng kỳ vọng đẩy mạnh hơn hợp tác quốc phòng song phương, trong đó có việc thường xuyên thực hiện nhiều chuyến thăm hải quân hơn. "Quan hệ Đối tác Toàn diện Mỹ - Việt sẽ mang lại lợi ích cho cả hai bên, góp phần vào hòa bình và ổn định khu vực", ông Mattis cho biết trong cuộc gặp với Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân.

Hướng tới tương lai

Trên hành trình tới TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis nói với các phóng viên rằng Mỹ hướng tới mối quan hệ vì thế hệ tương lai với Việt Nam. Và cho biết Quỹ viện trợ USAID của Mỹ sắp bắt đầu một dự án xử lý ô nhiễm chất độc dioxin tại căn cứ không quân Biên Hòa. Bộ trưởng Mattis nói: “Đây là cách mà nước Mỹ giữ lời hứa của mình về việc khắc phục một phần quá khứ”.

Ông Mattis nói: “Chúng ta đang hướng tới tương lai. Và di sản của chiến tranh thực sự đã trở thành một cơ sở để hợp tác quốc phòng”. Ông đề cập đến Đức như một ví dụ về việc gây dựng mối quan hệ sau chiến tranh. 

“Sau Thế chiến II, khi quân đội của chúng tôi chiếm đóng Đức, và sau đó các bạn thấy, vào những năm 50, cựu tù nhân trong chiến tranh Đức đã di cư sang Mỹ, nhân dân Mỹ và nhân dân Đức phát triển các mối liên hệ vươn ra ngoài lĩnh vực quân sự, những mối tương tác này mở ra một mối quan hệ trải qua suốt thời Chiến tranh Lạnh, ngay cả khi đất nước của họ bị chia cắt”.

“Và trong trường hợp này, tôi nghĩ Việt Nam là trường hợp thể hiện một cam kết vững chắc từ cả hai phía - tôi không thấy có khía cạnh nào mà nó ít bình đẳng hơn - rằng chúng ta sẽ làm việc cùng nhau vì tương lai của các thế hệ sắp tới”, ông Mattis nói. “Anh trai tôi đã chiến đấu ở Việt Nam. Anh ấy đã đến Việt Nam. Anh ấy yêu mến người dân [Việt Nam]. Tôi nghĩ rằng các bạn có thể thấy tình cảm đó là điều phổ biến trong số các cựu chiến binh của chúng tôi từng tới Việt Nam”.

Bộ trưởng Mattis cho rằng: “Tôi nghĩ điều quan trọng nhất là nhận ra rằng tất cả các cuộc chiến tranh cuối cùng đều sẽ kết thúc”. “Sau đó các bước tiến tiếp theo là xây dựng sự tin tưởng giữa nhân dân hai nước, gây dựng niềm tin”, ông nói.

Sau chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Mattis sẽ tới Singapore để dự Hội nghị Các bộ trưởng quốc phòng của ASEAN. Ông Mattis cho biết: “Ở Singapore, tôi sẽ trao đổi với các đồng minh và các đối tác về những mối lợi ích chung về an ninh”.

Bàng Cương
.
.
.