Nâng tầm vị thế Việt Nam

Thứ Ba, 11/06/2019, 15:02
Rồi đây, những người viết sử Việt Nam sẽ phải ghi lại thời khắc 9h sáng 7-6-2019 (giờ Mỹ, tức 22 giờ cùng ngày, giờ Hà Nội) tại kỳ họp thứ 73 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Việt Nam đã được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020- 2021 với số phiếu cao kỷ lục: 192/193.


Trở thành 1 trong 15 thành viên Hội đồng Bảo an

Là một trong 6 cơ quan chính của Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc được thành lập nhằm duy trì hoà bình và an ninh quốc tế. Theo Điều 39 của Hiến chương Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an là cơ quan duy nhất của Liên hợp quốc có quyền quyết định đánh giá thực tại của các mối đe dọa đối với hoà bình, phá hoại hoà bình hoặc hành động xâm lược, và sẽ khuyến nghị hoặc quyết định các biện pháp cần được tiến hành phù hợp với các Điều 41 và 42, để duy trì hoặc khôi phục hoà bình và an ninh quốc tế.

Là cơ quan chính trị quan trọng nhất của Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gồm 15 thành viên; trong đó có 5 thành viên thường trực gồm: Anh, Pháp, Mỹ, Nga và Trung Quốc; 10 thành viên không thường trực còn lại sẽ được bầu luân phiên và có nhiệm kỳ 2 năm.

Theo quy tắc của Hội đồng Bảo an, 10 ghế không thường trực được phân chia theo khu vực địa lý. 10 ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an được chia thành hai nhóm với nhiệm kỳ 2 năm xen kẽ nhau, tức mỗi năm có 5 thành viên ra đi để nhường chỗ cho 5 thành viên mới. So với 5 nước thành viên thường trực cố định (Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc), các vị trí ủy viên không thường trực còn được đánh giá cao hơn về uy tín vì phải trải qua quá trình bỏ phiếu.

Các thành viên không thường trực được phân bổ cho các khu vực trên thế giới: 5 ghế cho châu Phi và châu Á; 1 ghế cho Đông Âu; 2 ghế từ Mỹ Latinh và Caribe; 2 ghế đại diện Tây Âu và các nước khác.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu sau khi Việt Nam trúng cử ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.

Về quy trình bỏ phiếu bầu: Nước trở thành thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an phải đạt tối thiểu 2/3 số phiếu bầu của các nước thành viên Liên hợp quốc có mặt và tham gia bỏ phiếu tại phiên họp Đại hội đồng. Thành viên vừa mãn nhiệm không được bầu lại tại nhiệm kỳ liền sau đó.

Các ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an đều có quyền phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào của Liên hợp quốc. Trong khi ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an không có quyền phủ quyết nhưng được quyền tranh luận và bỏ phiếu cho các nghị quyết. Vì vậy việc tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là cơ hội để các nước nâng cao vị thế trên trường quốc tế và đề xuất, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến khu vực và thế giới.

10 ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an hiện tại là Bỉ, Bờ Biển Ngà, Cộng hòa Dominican, Guinea Xích đạo, Đức, Indonesia, Kuwait, Peru, Ba Lan và Nam Phi. Trong số này, Bờ Biển Ngà, Guinea Xích đạo, Kuwait, Peru và Ba Lan sẽ kết thúc nhiệm kỳ 2 năm vào cuối năm 2019, trong khi 5 nước còn lại sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào cuối năm 2020.

Tại cuộc họp năm nay, Đại hội đồng bầu lại 5 ủy viên không thường trực. Có tổng 6 ứng viên tham gia ứng cử các vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng bảo an gồm: Nigeria, Tunisia, Việt Nam, Grenadines, Estonia, Romania. Trong số này, 2 vị trí dành cho nhóm các nước châu Phi, 1 vị trí cho nhóm các nước Mỹ Latinh, 1 vị trí cho nhóm nước Đông Âu và 1 vị trí cho nhóm các nước châu Á - Thái Bình Dương.

Với tư cách ứng viên duy nhất của nhóm châu Á - Thái Bình Dương cho cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam đưa ra 7 ưu tiên chính là: Thứ nhất, ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình tranh chấp và thúc đẩy thực hiện Chương VI của Hiến chương. Thứ hai, cải cách phương pháp làm việc của Hội đồng Bảo an, tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực theo Chương VII của Hiến chương. 

Thứ ba, bảo vệ thường dân, các cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang. Thứ tư, phụ nữ, hòa bình và an ninh, trẻ em trong xung đột vũ trang. Thứ năm, giải quyết hậu quả xung đột, nhất là xử lý vật liệu nổ/bom mìn còn sót lại, phục vụ tái thiết và phát triển kinh tế xã hội. Thứ sáu, các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Thứ bảy, tác động của biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh.

Kết quả bỏ phiếu: Niger và Tunisia sẽ thay thế vị trí của Bờ Biển Ngà và Guinea Xích Đạo tại khu vực châu Phi; Grenadines thay Peru tại Mỹ Latin và Estonia/Romania sẽ thay Ba Lan ở Đông Âu. Là ứng cử viên duy nhất của nhóm châu Á - Thái Bình Dương, Việt Nam sẽ thay thế Kuwait tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc từ ngày 1-1-2020. Việt Nam sẽ có khoảng 6 tháng để chuẩn bị vào ghế Chủ tịch Hội đồng Bảo an ngay trong tháng 1-2020.

Khoảnh khắc công bố kết quả phiếu bầu đối với đoàn Việt Nam.

Việt Nam - đối tác tin cậy vì hoà bình bền vững

Theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có trách nhiệm duy trì hòa bình và an ninh thế giới. Chương VII Hiến chương Liên hợp quốc nêu rõ Hội đồng Bảo an là cơ quan duy nhất trong Liên hợp quốc có thể phán quyết một hành động nhằm củng cố hòa bình và an ninh thế giới.

Đây là lần thứ hai, Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Lần đầu tiên Việt Nam trúng cử là nhiệm kỳ 2008-2009 và đã từng đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an vào tháng 7-2008 và tháng 10-2009. 

Là người đã trực tiếp tham gia và chứng kiến cả 2 thời điểm quan trọng khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung - Trưởng đoàn Việt Nam nhận định, điểm chung của cả hai lần đều là việc chúng ta tham gia vào công việc Hội đồng Bảo an quan trọng, đặc biệt và phức tạp. 

Nhưng điểm khác biệt đồng thời cũng là thuận lợi là lần này chúng ta có kinh nghiệm bởi đây là lần thứ 2 chúng ta tham gia. Tình hình thế giới hiện nay cũng phức tạp hơn so với trước đây, đó là tình hình Trung Đông, là sự khác biệt giữa các nước lớn, và khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện được cộng đồng quốc tế đánh giá là có nhiều rủi ro, thách thức đối với hòa bình, an ninh và những rủi ro này lớn hơn so với cách đây 10 năm khi chúng ta là ủy viên không thường trực lần đầu tiên.

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều thuận lợi bởi hòa bình, phát triển vẫn là xu thế và chúng ta đã có kinh nghiệm hơn, đặc biệt là đường lối đối ngoại hòa bình hợp tác và phát triển đa phương hóa, đa dạng hóa của chúng ta, nhất là quan điểm lớn của chúng ta trên cộng đồng quốc tế, trên chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an là được các nước ủng hộ. Chính vì vậy, các nước đã ủng hộ Việt Nam với số phiếu cao như vậy và so với cách đây 10 năm thì những thành tựu đổi mới của Việt Nam đã được khẳng định.

Đánh giá về sự kiện này, tờ Washington Times của Mỹ có bài viết nhận định: "Tầm quan trọng của Việt Nam đối với an ninh quốc tế đã tăng lên đáng kể sau Hội nghị cấp cao Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Đà Nẵng. Và Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên mà Việt Nam là nước chủ nhà đã củng cố uy tín của nước này với tư cách nước hòa giải. 

Là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam sẵn sàng sử dụng các kỹ năng ngoại giao mềm và cam kết hội nhập quốc tế". Hãng tin AP của Mỹ nêu rõ vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an có thể nâng cao vị thế của một quốc gia trong các vấn đề quốc tế và thành viên đó sẽ có tiếng nói mạnh mẽ trong các vấn đề an ninh và hòa bình cấp bách nhất thế giới.

Việt Nam tích cực tham gia nhiệm vụ gìn giữ hoà bình của Liên Hợp Quốc.

Ngay sau khi Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chính thức phát đi thông điệp khẳng định: “Đây là sự ghi nhận quan trọng và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với vai trò và đóng góp xứng đáng của Việt Nam vào công việc quốc tế và khu vực; thể hiện vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế. Việt Nam trở thành thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là một vinh dự lớn lao, khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, song cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực hết mình để hoàn thành trọng trách mà cộng đồng quốc tế giao phó.

Việt Nam đã và sẽ tiếp tục thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, góp phần tích cực vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế vì hoà bình, hợp tác và phát triển.

Với quyết tâm mới, khí thế mới, với niềm tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh, ý chí của toàn Đảng, toàn dân, với nỗ lực và sự phối hợp hiệu quả, nhịp nhàng của các cấp, các bộ, ban, ngành và sự ủng hộ của nhân dân, chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng, Việt Nam sẽ đảm nhiệm thành công trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, xứng đáng là đối tác tin cậy vì hoà bình bền vững".

Còn trong bài viết “Đối tác vì hòa bình bền vững: Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực cho nỗ lực chung của quốc tế vì hòa bình, an ninh, phát triển và tiến bộ” nhân dịp Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định: “Ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an, Việt Nam đồng thời sẽ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch ASEAN năm 2020. Đây là trọng trách rất lớn, là “trách nhiệm kép”, cũng là cơ hội thuận lợi giúp Việt Nam thúc đẩy việc tăng cường hợp tác giữa Liên hợp quốc với các tổ chức khu vực, tiểu khu vực, bao gồm ASEAN, qua đó đóng góp hiệu quả vào việc đề cao vai trò của chủ nghĩa đa phương đối với hòa bình và an ninh của khu vực và quốc tế”. 

Tân Lương
.
.
.