Trước đề xuất xây mới 35 tượng đài:

Nên cẩn trọng với những quy hoạch dài hạn

Thứ Ba, 16/12/2014, 14:04
"Hà Nội có cần thiết phải xây thêm 35 tượng đài mới", "Hà Nội vẫn đang thiếu những tượng đài xứng tầm", "Không ai phân bổ anh hùng", là những tựa bài liên quan đến đề xuất xây dựng mới 35 tượng đài trên. Đề xuất cũng không nhận được nhiều ủng hộ từ phía các chuyên gia quy hoạch kiến trúc vì họ cho rằng đây là một ý tưởng... phiêu lưu...

Trong 15 năm tới, Hà Nội cần xây mới 35 tượng đài, nâng tổng số tượng đài tại Hà Nội lên con số 69 vào năm 2030, phân bổ đều về từng quận/huyện và kinh phí ước chừng 20 tỷ đồng/ tượng. Ý tưởng trên do Viện Quy hoạch Đô thị - Nông thôn quốc gia đề xuất tại Hội thảo "Quy hoạch hệ thống tượng đài trên TP Hà Nội đến năm 2030" do Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Hà Nội tổ chức vừa qua và nhận được sự tán đồng của Sở này. Tuy nhiên, dư luận đang đặt ra câu hỏi Hà Nội có nhất thiết phải xây thêm tượng đài khi mà những tượng đài cũ chưa phát huy hết được ý nghĩa và mục đích ban đầu?

"Hà Nội có cần thiết phải xây thêm 35 tượng đài mới", "Hà Nội vẫn đang thiếu những tượng đài xứng tầm", "Không ai phân bổ anh hùng", là những tựa bài liên quan đến đề xuất xây dựng mới 35 tượng đài trên. Đề xuất cũng không nhận được nhiều ủng hộ từ phía các chuyên gia quy hoạch kiến trúc vì họ cho rằng đây là một ý tưởng... phiêu lưu.

Vậy tóm lại, Hà Nội có cần thiết xây thêm không? Nếu xây, liệu có phiêu lưu không? Và như thế nào là xứng tầm? Đó là những câu hỏi làm tốn không b iết bao nhiêu giấy mực của báo giới trong suốt thời gian qua.

Tượng đài Lý Thái Tổ đặt cạnh Hồ Gươm và bản đồ quy hoạch tượng đài của thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến 2030.

Thực ra, không phải tự dưng Viện Quy hoạch Đô thị & Nông thôn quốc gia đề xuất vấn đề này. Viện đã làm một cuộc điều tra, kết quả là các tượng đài hiện có tập trung chủ yếu ở các quận nội thành, chất lượng tượng đài và khuôn viên tượng đài không đồng đều, được xây dựng từ cuối TK19 đầu TK20 đến nay xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài ra, tượng đài mang yếu tố chính trị lấn át tượng đài có chủ đề về văn hóa nghệ thuật, thiếu hẳn tượng đài có hình thức nghệ thuật đương đại và mang chủ đề tín ngưỡng. Mà đúng là thiếu thật chứ chẳng sai. Đánh giá về hệ thống tượng đài tại Hà Nội, nhà điêu khắc trẻ Nguyễn Ngọc Lâm, hiện là giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam cho rằng: "Nhiều tượng đài xấu quá. Chất liệu xấu, đề tài bình thường, tạo hình cũ. Trong quan điểm của người Việt Nam, tượng đài là tượng cổ động thì bây giờ điều ấy cũng cũ rồi, chẳng ai xem. Giờ người ta dùng những khái niệm khác, chẳng hạn như tượng ngoài trời, tượng đặt ở không gian công cộng. Chúng ta thiếu những tượng ca ngợi cuộc sống, con người lao động, cái đẹp, cái thiện, những tượng mang hơi thở của đời sống và chứa đựng những giá trị nhân văn cốt lõi. Có thể theo trào lưu hiện thực, trừu tượng, lập thể…. Tùy, nhưng miễn sao gợi mở được tư duy, suy nghĩ của công chúng. Nhiều người nước ngoài đến Hà Nội và nói với tôi rằng ở đây không có bức tượng nào cả".

Tuy nhiên, cái thiếu mà Viện Quy hoạch Đô thị & Nông thôn quốc gia nói ở trên dường như cũng chưa phải là lí do cốt lõi và thiếu tính thuyết phục. Bởi nói thiếu cũng đúng, mà nói thừa cũng chẳng sai. Thiếu ở đây là thiếu những tượng có điểm nhấn. Thiếu những tượng mang màu sắc và hơi thở đương đại. Nhưng thừa ở đây chính là một số tượng đài cũ giờ chẳng biết quy hoạch đi đâu, ngoài việc chưa phát huy hết được ý nghĩa và mục đích ban đầu thì giờ đây, có những bức tượng trở nên "lạc lõng" với không gian và đời sống xung quanh. Bức phù điêu "Năm 1946" tái hiện cuộc chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ thủ đô - nằm giữa vỉa hè chợ Đồng Xuân đang cản trở lối đi của người dân - mà Kiến trúc sư Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội dẫn ra trong buổi hội thảo là một ví dụ. Nói ra để thấy rằng, cần một cái nhìn tổng thể về quy hoạch để tránh lãng phí tiền của của Nhà nước và nhân dân, để khi xây lên, những bức tượng đó không phải là những khối bê tông, khối kim loại vô hồn, trống rỗng. Và nói gì thì nói, quy hoạch tượng đài không thể theo kiểu quy hoạch ồ ạt, bình quân chia quận huyện mà bổ như thời bao cấp như thế được. Nhiều kiến trúc sư lo ngại sự ồ ạt đó tạo ra các công trình không có giá trị cũng có cái lý của họ. Và thay vì xây mới, di dời những tượng đài chưa phù hợp, nên sửa sang và cân đối lại khuôn viên tượng đài… để nó phát huy hết vai trò là một điểm sinh hoạt cộng đồng của mọi người dân.

Bức phù điêu "Năm 1946" trở nên... lạc lõng giữa lối gửi xe của chợ Đồng Xuân.

Việc Hà Nội cần xây mới 35 tượng đài đến năm 2020 mới chỉ là đề xuất. Trước khi ý tưởng đó đi vào thực tiễn, nên chăng, những đơn vị chức năng có tiếng nói nên ngồi lại, bàn bạc cẩn trọng với nhau. Tránh việc xây xong lại phá bỏ vì chưa phù hợp. Lâu dài, cầu thị, tiên tiến, phù hợp vẫn là những yếu tố cần và đủ trong câu chuyện xôn xao dư luận này.

Hà Nội chưa có một không gian đô thị đúng nghĩa để quy hoạch tượng đài!

Nhà điêu khắc Đào Châu Hải.
Về câu chuyện xây dựng tượng đài, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà điêu khắc Đào Châu Hải, Ủy viên BCH Hội Mỹ thuật Việt Nam:

+ Mới đây, có một đơn vị đề xuất trong 15 năm tới, Hà Nội cần xây thêm 35 tượng đài, kinh phí ước chừng 20 tỷ đồng/ tượng và phấn đấu mỗi quận/ huyện nên có một tượng đài. Ông có tán thành đề xuất này không?

-  Về quan điểm cá nhân, nếu đây chỉ dừng lại là một ý tưởng thì không có gì phải quan trọng cả. Tuy nhiên, nếu ý tưởng ấy được các cấp quản lý văn hóa vĩ mô công nhận rồi lấy đó làm nghị quyết, đường lối phát triển văn hóa hoặc định hướng trong quy hoạch đô thị nói chung thì cần phải xem lại. Vì dưới góc độ thực tế, Hà Nội chưa cần quá nhiều tượng đài. Còn nếu ai đấy tán đồng ý tưởng trên thì tôi cho rằng người đó chưa đủ chức năng để giải quyết. Vì bản chất của vấn đề quy hoạch phải để các cấp cao hơn quyết định, ví dụ như Chủ tịch UBND TP, Kiến trúc sư trưởng thành phố. Thực tế hơn nữa, đó là Sở/Bộ Tài chính, nơi cấp kinh phí để thực hiện. Và cao hơn nữa là Ban Tuyên giáo Trung ương. Cao hơn nữa là ý kiến của quần chúng nhân dân trước một quy hoạch mang tính vĩ mô trong một thành phố là trung tâm chính trị - văn hóa của cả nước. Tôi nghĩ đây là một đề xuất thiếu khả thi.

+ Cụ thể như thế nào, thưa ông?

- Tôi nghĩ những người đưa ra ý tưởng, họ chưa định nghĩa được rõ ràng thế nào là tượng đài. Có thể, họ cho rằng Hà Nội hiện tại thiếu tượng đài và thiếu tượng nhỏ ở những không gian mang tính trang trí hoặc không gian công cộng nói chung như công viên, vườn hoa, viện, trường học... Song những cái đó không gọi là tượng đài được. Và con số chi phí ít nhất 20 tỷ đồng mà người ta đưa ra để làm tượng đài, tôi nghĩ quá nhiều. Hơn nữa, họ đã đưa ra một quy hoạch theo kiểu bình quân chủ nghĩa rồi chia ra mỗi quận/huyện, sử dụng danh từ chỉ định chung cho tất cả mọi cái trong khi chúng ta đang cần làm rõ thế nào là tượng đài, thế nào là điêu khắc.

Việc quy hoạch tượng đài cho một không gian đô thị phải dựa trên nhu cầu thực tế xã hội, của chính bản thân tổ chức không gian đó. Thường thì, trong quy hoạch đô thị, trước tiên phải quy hoạch kiến trúc. Từ quy hoạch kiến trúc đó, mới xem xét một cách cẩn trọng và kỹ càng; rồi khi đó, câu chuyện tượng đài mới định nghĩa được không gian kiến trúc đã được định hình. Rường như chúng ta đang làm ngược lại với quy luật của các nước văn minh, đúng kiểu cái áo chưa may xong đã vội đơm cúc rồi. chỉ có như vậy nó mới phát huy được tính chất, ngôn ngữ của nó. Còn câu chuyện chúng ta đang bàn đây không khả thi vì Hà Nội chưa có 1 không gian đô thị tổng thể được xác nhận một cách khoa học mà mới chỉ dừng lại ở từng khu vực, từng quận, huyện mà thôi.

+ Ý của ông là Hà Nội chưa có một không gian đô thị đúng nghĩa?

- Đúng vậy! Quy hoạch tổng thể còn rất nhiều tranh cãi và bàn tán... và đại đa số chưa đưa vào trong thực tế. Tức là không gian đô thị của Hà Nội về mặt tổng thể chưa được định hình trong thực tế, vậy đưa ra quy hoạch điêu khắc tượng đài ở đây liệu có dựa vào không gian và quy hoạch kiến trúc định hình hay chưa? Câu chuyện tượng đài liên quan đến nhiều vấn đề, về quy hoạch, kiến trúc, không gian văn hóa - chính trị, nghệ thuật. Dễ gì mà làm được! Khi quy hoạch một thành phố hay một khu vực, không gian kiến trúc bao giờ cũng phải thể hiện trong đó đầy đủ các yếu tố mỹ thuật, tạo hình, hội họa, điêu khắc như thế nào cho hợp lý về tỷ lệ, nội dung như thế nào, điêu khắc danh nhân, điêu khắc lịch sử hay điêu khắc mang khuynh hướng đương đại… cũng phải rõ ràng, không thể nói khơi khơi theo kiểu bình quân về từng quận/ huyện được.

+ Vậy như thế nào mới là đúng nghĩa, thưa ông?

- Điều này phải hỏi những người đề xuất ý tưởng này, phải hỏi những người làm kiến trúc và quy hoạch. Đó là một câu hỏi lớn!

+ Xin cảm ơn ông!

Đậu Dung
.
.
.