Nếu không gieo quả lành (!)

Thứ Hai, 29/09/2014, 11:00

Bốn năm trước, Hào Anh trở thành tâm chấn của dư luận khi bị bạo hành một cách man rợ, mà nhiều người ví von một cách rất đau xót rằng "như nô lệ thời trung cổ". Và hiện tại, Hào Anh lại thêm lần nữa gây nên cơn bão trong dư luận khi đuổi mẹ ruột lẫn cha dượng ra đường.

Lần trở thành tâm chấn của dư luận trước, Hào Anh được bảo bọc trong sự yêu thương của cộng đồng. Lần gây bão trong dư luận này, Hào Anh bị cộng đồng phỉ báng không tiếc lời.

Vì đâu nên nỗi(?!).

12 tuổi, Hào Anh được (hay bị) mẹ gửi vào làm công tại trại tôm giống của một đôi vợ chồng ở xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.

Làm được hơn năm, Hào Anh bị biến thành một công cụ để vợ chồng chủ trại tôm chơi trò bạo lực. Hào Anh bị đánh, bị bẻ gẫy răng, bị gí sắt nóng… Hào Anh bị tra tấn về tinh thần, Hào Anh bị hành hạ thể xác. Hào Anh đã trải qua những tháng ngày bĩ cực nhất của đời người trong thời điểm mà Hào Anh còn mải chơi mê ngủ.

Mẹ của Hào Anh ở thời điểm đó, bận bịu lo cho những đứa em của Hào Anh - những đứa em khác cha cùng mẹ.

Cha ruột của Hào Anh ở thời điểm đó, đang đắm đuối phương nào chính Hào Anh cũng không biết được. Ông bỏ Hào Anh ngay khi Hào Anh mới chào đời.

Hào Anh hoàn toàn cô độc ở trại tôm giống, Hào Anh hoàn toàn không thể chống đỡ được những trận đòn (như dành cho kẻ thù) của vợ chồng chủ trại tôm. Hào Anh không có ai xung quanh mình cả, mãi cho đến khi những người hàng xóm xung quanh trại tôm phát hiện ra điều này và báo chí vào cuộc.

Hào Anh ở Trung tâm TBXH tỉnh Cà Mau.

Hào Anh đã được chữa trị, đã được ủng hộ tiền từ thiện gần cả tỷ đồng. Hào Anh đã ở cùng mẹ với cha dượng và mưu sinh bằng nghề bốc vác. Hào Anh đã đóng tròn vai một đứa con ngoan khi làm được bao nhiêu tiền cũng đưa hết cho mẹ, và chỉ xin lại một ít để tiêu xài vào việc chơi điện tử hay đi ăn cùng bạn gái.

Vài tháng trước, Hào Anh 18 tuổi. Hào Anh nhận được toàn bộ số tiền mà quý Mạnh Thường Quân đã giúp đỡ Hào Anh. Hào Anh dùng hơn 2/3 số tiền để xây lại nhà, phần tiền còn lại Hào anh gửi ngân hàng.

Qua Lễ Quốc Khánh, Hào Anh biến thành một kẻ bị miệt thị vì đuổi mẹ và cha dượng ra đường. Hào Anh không trả lời báo chí, trong lúc mẹ của Hào Anh nói rằng Hào Anh đuổi mẹ ra khỏi nhà bởi không xin được tiền để "ăn chơi". Tôi không biết, "ăn chơi" là chuyện gì cụ thể.

Có một chi tiết mà khi lục lại những bài báo cũ liên quan đến Hào Anh tôi bắt gặp, đó chính là việc mẹ Hào Anh từng làm đơn xin bảo lãnh vợ chồng chủ trại tôm giống - những người đã hành hạ Hào Anh. Thế nhưng, sự bảo lãnh này bất thành bởi Cơ quan Công an đã xác minh hành vi của đôi vợ chồng là rất nghiêm trọng.

Tôi vẫn thường nghe, con cái không được trách cha mẹ. Nhưng, tôi lại vẫn nghe "Công dưỡng lớn hơn công sinh".

Tôi vẫn nghĩ, con cái được sinh ra là để yêu thương, để chăm sóc, để lo lắng, để dạy bảo… Thế nhưng, tôi không trách cha mẹ của Hào Anh, bởi mỗi người là một hoàn cảnh khác nhau, là một thân phận khác nhau, là một quan niệm sống khác nhau… Tôi cũng không trách Hào Anh, bởi tôi không phải là Hào Anh để có thể hiểu được những gì mà cậu thanh niên ấy đang nghĩ. Tôi chỉ biết chắc rằng, nếu tôi là Hào Anh, có khi mãi mãi tôi không thể nào vượt qua được những sang chấn tâm lý vì những thứ khủng khiếp mà tôi buộc phải đối mặt.

Tôi chỉ nghĩ rằng, muốn có được trái ngọt, thì phải gieo quả lành. Không ai ném hạt đậu xuống đất để mặc đấy rồi mong muốn cây đậu sẽ cho ra trái đào trường thọ được

Ngô Nguyệt Hữu
.
.
.