Nếu muốn cứu người hãy vào chữa cháy

Thứ Năm, 03/09/2015, 15:00
Ngày sinh trùng với Ngày Toàn dân phòng cháy, chữa cháy (4/10), có thể là dấu hiệu một cái duyên tiền định của Đại tá Đoàn Hữu Thắng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn (PCCC & CHCN), khi cuộc đời anh đã gắn bó với sự nghiệp này, không một phút nghĩ sẽ rời xa nó.

Năm 1972, các bạn đồng trang lứa của chàng trai quê Phú Xuyên Đoàn Hữu Thắng lần lượt khoác ba lô vào chiến trường, riêng anh vào công an với ước mơ truy bắt tội phạm. Run rủi của số phận, anh được phân vào phòng cháy, đối mặt với kẻ thù đôi khi còn hung bạo và tàn nhẫn hơn nhiều lần.

Ban đầu có chút thất vọng, bởi hình ảnh người Công an nhân dân trong trí tưởng tượng của chàng trai mới lớn có nhiều khác biệt, mang dáng dấp của một anh hùng trong tiểu thuyết trên trận chiến đòi lại công lý. Vậy mà vào nghề, tội phạm chả thấy đâu, suốt ngày phải đọc sách, mày mò xe cộ. Rồi thời thế cũng không cho các chàng trai thời đó có thời gian chán nản.

Đại tá Đoàn Hữu Thắng (bên trái) cùng đoàn kiểm tra công tác phòng cháy tại cơ sở.

Những ngày quân Mỹ leo thang đánh bom miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, xảy ra cháy liên miên. Cứ tiếng bom đạn tan đi, thì tiếng còi xe cứu hỏa lại vang dậy. Đêm ngủ hầm, tỉnh dậy lại chữa cháy, hết kho 3 Phú Lãm lại tới Đài phát tin Mễ Trì, đối mặt với giặc lửa rèn bản lĩnh của chàng trai Hà Tây từ thời trẻ. Thời đó thiết bị khó khăn, chủ yếu dùng xe chữa cháy của Liên Xô, Trung Quốc, dùng bản lĩnh nhiều hơn là máy móc.

Chiến tranh qua đi, đến năm 1975, chàng chiến sỹ chữa cháy Đoàn Hữu Thắng cùng 10 đồng đội khác được cử sang học trường PCCC tại TP Leningrad (nay là Saint Peterburg, Nga). Tốt nghiệp với tấm bằng đỏ, Đoàn Hữu Thắng trở về công tác tại Cục Cảnh sát PCCC, và từ đó đến nay chưa bao giờ rời vị trí.

Trong sự nghiệp của mình, Đại tá Đoàn Hữu Thắng đã tham gia trực tiếp hoặc chỉ huy chữa cháy hàng trăm vụ cháy lớn, nhỏ, đến giờ không thể đếm hết. Trong số đó, có những vụ cháy để lại trong anh những kỷ niệm, những bài học không bao giờ quên. Trong những phút giây ác liệt đối mặt với giặc lửa đó, anh đã cùng đồng đội có nhiều sáng kiến để cứu người, cứu tài sản, cứu hàng trăm ha rừng.

Một trong những vụ cháy còn lưu mãi trong ký ức Đoàn Hữu Thắng là vụ chữa cháy mỏ than Vàng Danh vào tháng 3 năm 1985. Lúc đó, nhận được tin tại lò cái vỉa số 7 mỏ than Vàng Danh cháy lớn, Cục Cảnh sát PCCC đã điều 11 xe của các đơn vị tại Hải Phòng, Hải Hưng, Hà Nội, Hà Bắc, Hà Sơn Bình, Trường Cao đẳng PCCC và cử đồng chí Lê Thành - lúc đó là Phó Cục trưởng cùng toàn bộ cán bộ, chiến sỹ của Phòng Tổ chức công tác chữa cháy đến tiếp sức.

Đây là vỉa than có chiều dày 679m với trữ lượng đến 115 triệu tấn than, là yết hầu kinh tế của mỏ. Điểm cháy nằm sâu trong lòng đất, ở độ cao 260m so với mặt nước biển, cách cửa lò từ 250 - 580m, diện tích đám cháy rất lớn, có khả năng lan rộng ra toàn bộ lò vỉa 7 và cháy lan sang các vỉa khác. Cam go hơn, vì vỉa than nằm trên đồi nên cách chỗ lấy nước đến 4km, phải qua nhiều đường dốc và sương mù. Do vị trí tiếp cận khó, khí CO từ các ngách phả ra ngày càng đậm đặc, vô cùng độc và thiếu dưỡng khí… lực lượng Cảnh sát PCCC, Công an thị xã Uông Bí, lực lượng cấp cứu mỏ đã ra sức cứu chữa, song không có hiệu quả. Đám cháy ngày càng dữ dội, rất nguy hiểm cho những người tham gia chữa cháy. Sáng 4/3/1985, Ban chỉ huy chữa cháy họp bàn phương án khẩn.

Đồng chí Trần Anh Vinh - Thứ trưởng Bộ Điện - Than đưa ra chủ trương "Đánh sập lò, chờ khi lửa tắt sẽ khôi phục". Lúc đó, đây dường như đã là giải pháp khôn ngoan nhất. Tuy nhiên, "xót" tài sản của quốc gia, vả lại đánh sập lò chưa chắc đám cháy đã tự tắt, thiệt hại về kinh tế sẽ không thể lường hết được, đồng chí Lê Thành cùng các anh em đã tham mưu ngược lại: Dùng mặt nạ phòng độc, đưa lăng phun vào tiếp cận ngọn lửa để chữa cháy.

Biết là rất nguy hiểm cho anh em, nhưng để bảo vệ tài sản cho đất nước và công việc cho không biết bao nhiêu người, lực lượng Cảnh sát PCCC đã hạ quyết tâm chiến đấu với giặc lửa đến cùng. Ngay sau đó, 48 chiếc xe, hơn 200 người được huy động suốt 15 ngày đêm để chữa cháy. Cùng với các chuyên gia Liên Xô, anh em chữa cháy đã nghĩ ra cách chặn suối lại để tạo thành hồ, bơm nước đưa lên xe téc, thậm chí đưa lên xe benla, đưa đến cửa hầm lò, rồi cho vòi chảy từ trên cao xuống hầm. Do cửa hầm cao, áp lực nước lớn, anh em chỉ cần điều tiết cho lăng phun cho đủ áp suất không bị vỡ vòi. Cùng với đó, anh em Cảnh sát PCCC cùng kỹ sư lò đã có sáng kiến điều tiết lượng không khí vào vùng cháy, chặn lỗ thông hơi để giảm lượng ôxy vào.

Với sự hướng dẫn của chuyên gia Nga, thợ cơ khí của ta đã lập tức chế tạo 5 chiếc lăng pít ka, một đầu nhọn giữa khoan rất nhiều lỗ, đóng lăng vào vỉa than, rồi bơm nước vào, lăng đi đến đâu, lửa tắt đến đấy. Việc chữa cháy diễn ra liên tục 24/24h. Những ngày đó, anh em chiến sỹ như Đoàn Hữu Thắng, mỗi ngày chỉ ngủ 2 đến 3 tiếng đồng hồ. Cuộc chiến với giặc lửa đã kết thúc với thắng lợi mỹ mãn thuộc về những người có quyết tâm, bảo vệ được số tài sản trị giá 17 tỷ đồng (theo thời giá lúc bấy giờ).

Bên cạnh chiến công chung, có một kỷ niệm không thể quên được với Đoàn Hữu Thắng trong trận chiến này. Khi thay ca, xuống hầm than chữa cháy, ở độ sâu đã gần 200m, Đoàn Hữu Thắng bỗng nghe tiếng còi báo động. Bằng kinh nghiệm, anh hiểu ngay mặt nạ chống độc của ai đó đã bị hở, sẽ vô cùng nguy hiểm, thậm chí mất mạng nếu người đó hít phải khí độc rồi ngất đi, không được ai phát hiện.

Vội vã tiến lên tìm nơi tiếng còi phát ra, Đoàn Hữu Thắng phát hiện đồng chí Trần Trắc, lúc đó là Trưởng phòng PCCC Quảng Ninh, đang loay hoay chưa hiểu chuyện gì. Lập tức anh báo cho đồng chí Trắc biết tình hình và dìu đồng đội lên mặt lò. Đến mãi bây giờ, có dịp gặp nhau, anh Trắc vẫn nhắc cái ơn "cứu mạng" của Đoàn Hữu Thắng.

Một trận chiến khó quên khác với Đoàn Hữu Thắng là chữa cháy rừng U Minh Thượng (Kiên Giang) và U Minh Hạ (Cà Mau) - khu căn cứ địa cách mạng của nhân dân Tây Nam Bộ trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, vào năm 2002. Rừng U Minh có tổng diện tích hơn 21,5 nghìn ha với rừng tràm nguyên sinh, nhiều kỳ hoa dị thảo… Đặc thù thổ nhưỡng rừng U Minh được hình thành từ lớp thực bì và than bùn có độ dày từ 1-3m; trên thân tràm có nhiều cây leo, vào mùa khô hạn, lớp thảm thực bì, dây leo, lau sậy là nguồn chất cháy rất dễ bén lửa và làm đám cháy phát triển nhanh. Không những vậy, ngoài cháy trên bề mặt, lớp than bùn còn làm cho đám cháy phát triển âm ỉ bên dưới.

Công tác chữa cháy rừng U Minh năm 2002.

Cháy ở rừng U Minh thường phát triển theo hướng gió và phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ gió. Vào lúc cao điểm, gió mạnh, tốc độ phát triển cháy rất nhanh, có thể lên đến 400 - 500m/giờ, có khi tạo thành cơn lốc cuốn các tổ chim bị cháy trên cao đưa đi xa vài trăm mét, tạo thành đám cháy mới. Đã kinh qua nhiều trận cháy lớn, nhưng vào đến đây Đoàn Hữu Thắng mới thấm thía sự tàn ác của giặc lửa. Trong ký ức của Đại tá Đoàn Hữu Thắng, đó là những ngày mệt lử, chữa cháy đến bao giờ không còn sức nữa thì nghỉ, hồi người lại đi chữa cháy.

Cháy ở rừng U Minh rất nguy hiểm ở chỗ gió quẩn, rất dễ bị lửa vây. Có lần anh cùng đồng đội đi trinh sát từ sáng đến tận 2h chiều mới về được điểm tập kết, gần như lạc vào biển lửa, những cây tràm hai bên rừng cháy đổ sập xuống lòng mương, chắn toàn bộ lối về. Đoàn Hữu Thắng cùng anh Hậu - Trưởng phòng PCCC Kiên Giang phải nhảy xuống nước lật từng cây tràm cháy dở, kéo thuyền 5, 6km mới về đến ban chỉ huy.

Không thể kể hết những gian khổ của trận chữa cháy rừng đó. Anh em ngủ ở lán trại tạm dựng bên bờ mương, chỉ qua 1 đêm đã thấy cỏ gianh chọc vào lưng, muỗi rừng U Minh như vãi trấu, cứ nhè mấy người Bắc vào, chưa quen hơi mà "xẻ thịt". Thế nhưng ghi dấu ấn nhất với Đại tá Đoàn Hữu Thắng không phải những gian khổ, mà là những sáng kiến đã nảy ra trên thực địa. Lúc đó, để di chuyển trên sình lầy đi sâu vào đám cháy, anh em đã nghĩ ra việc dùng xe Kobelco chạy xích, cứ bánh xích dịch lên thì lại dùng gầu móc tấm thép ở sau đặt lên trước để di chuyển, đi đến đâu đào thành mương đến đấy vừa để lấy nước chữa cháy, vừa chống cháy lan. Cứ vài trăm mét, anh em lại đào một hố lớn, dùng nilon lót đáy để tạo thành hố nước chữa cháy.

Chính Đại tá Đoàn Hữu Thắng lúc đó đã nghĩ ra cách đặt máy bơm lên xuồng, dùng lăng giá hút nước trực tiếp dưới mương bơm thẳng vào đám cháy, dập lửa rất hiệu quả vì áp lực nước lớn và có tầm tác động xa hơn.

Khác hẳn với những công việc khác, "có một ngày làm việc tồi tệ" với lính chữa cháy đồng nghĩa với việc "suýt nữa đã không thể trở về". Các cụ xưa đã dạy "lửa thử vàng, gian nan thử sức" là như vậy. Bất chấp tất cả gian nan, nguy hiểm đó, Đại tá Đoàn Hữu Thắng cho biết, trong suốt cuộc đời mình, anh chưa bao giờ nghĩ đến việc từ bỏ nghề chữa cháy.

"Ban đầu vào nghề, bị cuốn vào với chiến tranh, không có thời gian để suy nghĩ đến việc đây có phải là cái nghiệp mình chọn hay không. Nhưng càng gắn bó với nghề, tôi càng hiểu đây là một nghề cao quý. Tôi đi qua nhiều nước trên thế giới, người ta bảo rằng muốn cứu người thì vào chữa cháy, vì họ là những người lao vào cái chết để tìm sự sống. Với tôi, đây là một công việc thử thách cả bản lĩnh và trí tuệ của mình, chứ không phải một công việc tay chân đơn thuần, rằng anh cứ lao vào đó, rồi mọi việc cũng xong. Mỗi khoảnh khắc của anh trong đám cháy đều là khoảnh khắc sinh - tử, không chỉ của anh, mà của cả người khác".

Gắn bó với nghề từ những ngày đầu tiên, sự trưởng thành của anh lính Đoàn Hữu Thắng trở thành Đại tá, Phó Cục trưởng Đoàn Hữu Thắng song hành với sự trưởng thành của lực lượng Cảnh sát PCCC. Gần trọn cuộc đời cống hiến, sự lớn mạnh của lực lượng, hình ảnh tốt đẹp của lính chữa cháy trong lòng nhân dân là món quà lớn nhất mà nghề nghiệp mang lại cho Đoàn Hữu Thắng. Và niềm hạnh phúc còn lớn hơn, vì anh biết có phần đóng góp dù nhỏ bé của mình trong sự lớn mạnh đó.

Vũ Hân
.
.
.