Nếu ngăn chặn sớm, thiệt hại sẽ giảm nhiều

Thứ Sáu, 11/11/2016, 13:13
Khi vụ Trịnh Xuân Thanh gây thất thoát hơn 3.000 tỷ đồng lúc còn giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) rồi trốn ra nước ngoài còn chưa kịp nguội trong dư luận thì một vụ đình đám khác xảy ra.


Đó là trường hợp ông Vũ Đình Duy - Ủy viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem).

Trước đó, ông Duy từng giữ chức Tổng giám đốc Công ty CP Hoá dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) - chủ đầu tư Nhà máy sản xuất xơ sợi polyeste Đình Vũ (Hải Phòng). Sau đó, ông Duy được điều động và bổ nhiệm về Vinachem hồi giữa tháng 4-2016.

Với tổng vốn đầu tư lên tới 325 triệu USD (tương đương với 7.000 tỷ đồng), Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ dự định dùng nguyên liệu từ nhà máy Lọc dầu Dung Quất để chế biến thành xơ sợi, giúp ngành dệt may trong nước tự chủ một phần nguyên liệu.

Minh họa của Lê Tâm.

Kết quả thanh tra của Thanh tra Chính phủ cho thấy, quá trình thực hiện đầu tư Nhà máy Xơ sợi tổng hợp polyester Đình Vũ có dấu hiệu cố ý làm trái và thiếu trách nhiệm trong phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu..., gây thất thoát, lãng phí lớn.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý về kinh tế gần 55 tỷ đồng và hơn 23.000 USD do nghiệm thu thanh toán sai, trùng lắp và khối lượng phát sinh không đúng quy định. Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Làm ăn thua lỗ nghìn tỷ nhưng con đường thăng tiến của Duy nhanh đến chóng mặt. Nhắc đến việc này, không ít cán bộ của Bộ Công thương vẫn còn bức xúc bởi việc bổ nhiệm, luân chuyển của Duy mặc dù có phản ứng gay gắt của nhiều người nhưng vẫn được "ấn" từ trên xuống, buộc cấp dưới phải chấp nhận.

Tất nhiên, hoàn toàn không có "quy trình" nào ở đây mà thể hiện một sự tắc trách, xuất phát từ những lợi ích cá nhân.

Tương tự Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy cũng làm nhiều đơn trước khi bỏ trốn như đơn xin nghỉ ốm, nghỉ phép một tháng ra nước ngoài chữa bệnh và cuối cùng là xin nghỉ không hưởng lương.

Trước mắt, Bộ trưởng Bộ Công thương đã có ý kiến chỉ đạo, yêu cầu Vinachem tiến hành xem xét làm rõ việc chấp hành kỷ luật lao động của ông Vũ Đình Duy theo quy định của pháp luật, báo cáo Bộ Công thương xem xét tiến hành quy trình xử lý kỷ luật đối với ông Vũ Đình Duy.

Trịnh Xuân Thanh hay Vũ Đình Duy không phải là ngoại lệ. Nhiều người sau khi thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, trong khi các cơ quan chức năng chưa tiến hành các biện pháp tố tụng thì đã cao chạy xa bay ở một phương trời nào đó như Dương Chí Dũng, Giang Kim Đạt...

Tuy nhiên, không ít đối tượng đã bị dẫn độ về nước và bị xét xử theo pháp luật Việt Nam. Song, nếu họ về nước đầu thú thì sẽ được hưởng lượng khoan hồng.

Thật ra, thủ đoạn này không mới và các đối tượng tham nhũng thường lợi dụng triệt để các kẽ hở cũng như sự khoan hồng của pháp luật. Trước khi bỏ trốn, chúng đã ôm một khoản tiền rất lớn, có tiêu cả đời cũng không hết nhưng bản chất lại hèn nhát, dám làm mà không dám chịu.

Có tiền trong tay, đối tượng có thể bỏ trốn một thời gian rất dài, gây khó khăn cho công tác điều tra, đến khi hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì họ quay về, nghiễm nhiên như một người bình thường và không hề bị pháp luật xử lý.

Nhiều người khẳng định rằng, những sai phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ của Duy không phải là không nhìn thấy, thậm chí là quá rõ ràng. Đáng tiếc, người sai phạm không phải nhận hình thức xử lý gì mà vẫn "thoát hiểm" tới những vùng an toàn, để lại hậu quả cho những người ở lại.Và những sai phạm nếu được phát hiện, ngăn chặn sớm thì chắc chắn thiệt hại sẽ không thể nặng nề đến thế.

Có thể khẳng định, công tác cán bộ đang trở thành vấn đề "nóng" trong những ngày gần đây, nhất là khi xảy ra vụ Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy đột ngột ra nước ngoài chữa bệnh, thực chất là cái cớ để tránh việc bị lôi vào vòng tố tụng. Vai trò của mỗi cá nhân trong một cỗ máy hành chính đều rất quan trọng, đặc biệt là những "chủ thể đặc biệt".

Để cỗ máy vận hành tốt, tạo ra những sản phẩm có ích cho xã hội, mỗi bộ phận đó phải phát huy tốt nhất vai trò của mình, thậm chí phải sửa chữa, thay thế một khi nó không còn phù hợp, gây ra những hậu quả xấu.

Chỉ có như vậy, niềm tin của nhân dân mới được củng cố và pháp luật mới chứng tỏ được uy quyền của mình.

Tuấn Nguyễn
.
.
.