Nga - Mỹ: Cuộc gặp gỡ vớt vát

Thứ Tư, 26/04/2017, 21:40
Cuộc gặp gỡ giữa Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Tổng thống Nga Vladimir Putin không hề diễn ra trong không khí tay bắt mặt mừng.


Rex Tillerson có xu hướng trốn tránh sự soi mói của công chúng, nhưng trung tuần tháng 4 vừa qua ông vẫn phải chường mặt ra. Ngày 12-4, Ngoại trưởng Mỹ đã đến Nga trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước đang ở mức cao, đặc biệt về vấn đề Syria.

Khi máy bay của Tillerson hạ cánh xuống Moscow, người ta còn không rõ liệu ông Putin có muốn gặp ông hay không. Tuy nhiên, 2 giờ sau họ đã gặp nhau, nhưng bầu không khí dĩ nhiên khá tẻ nhạc. Không chỉ vậy, họ đã cãi vã về việc dùng vũ khí hóa học  ở Syria, cũng như việc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

“Mức độ tin tưởng giữa hai nước khá thấp”, ông Tillerson nói sau đó tại một cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, người cũng tham dự buổi gặp mặt với Putin. “Hai thế lực hạt nhân hàng đầu thế giới không nên có mối quan hệ như thế này”.

Ngoại trưởng Nga-Mỹ trong buổi họp báo tại Moscow.

Cuộc gặp là bằng chứng khác về một sự xuống dốc nhanh chóng giữa hai nước kể từ khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống. Trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái, ông Trump thường ca ngợi ông Putin là “rất thông minh!”.

Ông Trump đã phủ nhận những chứng cứ cho rằng người Nga đã hack email của các lãnh đạo đảng Dân chủ trong cuộc tranh cử, thay vào đó đã lên tiếng chê bai các lực lượng tình báo Mỹ. Mới hồi tháng 2, ông Trump nói “có rất nhiều sát thủ” sau khi Bill O’Reilly của Hãng Fox News mô tả ông Putin là “sát thủ”. Tất cả những điều này giống như cho thấy Trump xem Putin như một đối tác tiềm năng, thậm chí là đồng minh.

Nhưng Tổng thống Mỹ Trump đã thình lình đặt dấu chấm hết cho quan hệ tốt đẹp này khi tiến hành tấn công hóa học vào một thị trấn Syria hôm 4-4 vừa qua, giết chết ít nhất 80 dân thường. Hai ngày sau, Mỹ đã bắn 59 tên lửa Tomahawk vào một cơ sở không quân ở miền Trung Syria, nơi xuất phát cuộc tấn công hóa học. Ông Trump nói vụ bắn tên lửa nhằm giảm thiểu khả năng ông Assad dùng vũ khí hóa học trong tương lai.

Động thái này đã khiến Nga nổi điên, dù ông Trump có báo với ông Putin ngay trước khi phóng tên lửa. Từ khi triển khai lực lượng lần đầu tiên ở Syria năm 2015, Nga đã nói mục tiêu là giúp giữ quyền lực cho ông Assad và lấy lại lãnh thổ cho ông này. Nga cùng Iran là những nước ủng hộ ông Assad mạnh mẽ nhất.

Văn phòng Tổng thống Putin gọi vụ bắn tên lửa vào Syria và vi phạm luật pháp quốc tế và là một “cú đấm mạnh” vào quan hệ Nga - Mỹ. Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev thì cho rằng, vụ tấn công “hoàn toàn hủy hoại” quan hệ Nga - Mỹ. Ngày 12-4, Ngoại trưởng Lavrov lặp lại quan điểm của Nga rằng sự thật về việc khí độc thần kinh do Assad sử dụng vẫn cần được làm rõ và truyền thông đã kích động về vụ tấn công.

Trong chuyến thăm Moscow, ông Tillerson - người am hiểu xứ sở Bạch dương từ khi còn làm ông chủ của Hãng dầu mỏ ExxonMobil - đã cố gắng để bù đắp những tổn hại trước đó. Tillerson đồng ý với ông Lavrov sẽ thành lập một nhóm nghiên cứu về những điểm nghẽn trong quan hệ giữa hai nước, đặc biệt là những khủng hoảng ở Syria, Triều Tiên và Ukraine. Nhưng hai vị ngoại trưởng không tìm được điểm chung về việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, mà ông Tillerson cho là không thể bàn cãi. Đáp lại, ông Lavrov giảng một thôi một hồi về những nỗ lực “thay đổi chế độ” của Mỹ ở khắp thế giới, như ở Serbia, Libya và Iraq. Ông Lavrov cho rằng tất cả những nỗ lực đó đều đã thất bại, và điều tương tự sẽ xảy ra nếu Mỹ nhúng tay sâu vào Syria.

Nga hôm 12-4 đã phủ quyết nghị quyết trừng phạt chính Syria của Hội đồng Bảo an LHQ về vụ tấn công hóa học. Đây là lần thứ 8 trong vòng 6 năm Nga đã dùng quyền phủ quyết để bảo vệ Syria.

Dù sao, chuyến đi này của ông Tillerson cũng được cho là đã dẫn đến việc Nga - Mỹ bất ngờ nối lại ghi nhớ về phòng chống sự cố và đảm bảo an toàn hàng không trong các hoạt động ở Syria. Tờ Politlife dẫn lời Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện), ông Viktor Ozerov cho biết, Nga và Mỹ đã thực hiện nối lại Biên bản ghi nhớ về việc ngăn ngừa đụng độ trên bầu trời Syria hôm 12-4 sau một thời gian Biên bản ghi nhớ này bị đình chỉ.

Anh Kiệt (Theo Economist)
.
.
.