Nga – Trung Quốc: Tiến tới liên minh chiến lược?

Thứ Năm, 07/11/2019, 12:02
Hợp tác giữa Nga và Trung Quốc đang trở nên mạnh mẽ hơn. Mặc dù liên kết của họ chỉ là một sự kề vai sát cánh trong ngắn hạn do những xung đột chung với Mỹ và phương Tây. Động thái mới nhất là sự hỗ trợ của Nga đối với Trung Quốc trong việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm tên lửa chiến lược.


Vào đầu tháng 10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu tại một hội nghị quốc tế rằng Nga sẽ là người giúp Trung Quốc xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm để phát hiện các vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa, một hệ thống mà chỉ có Nga và Mỹ sở hữu vào lúc này. 

Phát biểu trước một nhóm chuyên gia cố vấn có trụ sở tại Moskva, Câu lạc bộ Valdai, ông Putin nói thêm rằng "Đây là một vấn đề nghiêm trọng sẽ làm tăng đáng kể khả năng phòng thủ của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa".

Phát ngôn viên của Kremlin không đưa ra bất kỳ chi tiết cụ thể nào như khi nào hệ thống sẽ hoạt động. Nhưng theo báo cáo, động thái này đã nhấn mạnh mối quan hệ chặt chẽ của Nga với Trung Quốc. Đây rõ ràng là một dấu hiệu cho thấy mối quan hệ đối tác chiến lược đang phát triển và bản chất của mối quan hệ đặc biệt mà Nga và Trung Quốc cùng có lợi.

Trong những năm gần đây, quan hệ đối tác chiến lược Nga-Trung đã được coi trọng hơn bất kỳ mối quan hệ nào khác đối với Nga. Nga đã nhiều lần mô tả mối quan hệ này với tư cách là một "liên minh", lần đầu tiên tại Vladivostok vào ngày 6-9 vừa qua, tiếp đó là ngày 3-10 tại Sochi, và sau đó tại Câu lạc bộ Valdai ở Moskva vào ngày 7-10. 

Trong trường hợp đầu tiên tại Vladivostok, ông Putin đã tuyên bố: "Chúng tôi đã phát triển mối quan hệ đặc biệt trong thập kỷ qua, thực sự là đồng minh, chiến lược". Sau đó tại Câu lạc bộ Valdai, ông Putin nhận xét: "Chúng tôi có một mức độ tin cậy và hợp tác cao chưa từng thấy. Đây là mối quan hệ đồng minh, quan hệ đối tác chiến lược nhiều mặt".

Theo truyền thông Nga, một hợp đồng trị giá khoảng 60 triệu USD đã được ký kết để phát triển phần mềm cho hệ thống cảnh báo sớm PLA (Systema Preduprezdenya o Raketnom Napadenii - SPRN). SPRN sẽ bao gồm cả mặt đất (sử dụng radar cố định mạnh mẽ) và các phân đoạn không gian. 

Báo cáo cho biết phần lớn công việc sẽ được thực hiện bởi IAC Vympel và Viện Nghiên cứu trung tâm Comet. 

Trung Quốc đã sở hữu hệ thống phòng không S-400 của Nga, cũng có thể phục vụ các chức năng phòng thủ tên lửa. Nga đang trong quá trình phát triển hệ thống S-500 tiên tiến hơn và Moskva tin rằng nếu Bắc Kinh mua nó, điều đó sẽ tạo điều kiện cho Nga thiết lập kiến trúc đầy đủ của PLA SPRN tích hợp và mạng lưới phòng thủ tên lửa.

Ngoài ra còn có một số suy đoán rằng hệ thống sẽ cho phép hai nước cảnh báo lẫn nhau về các vụ phóng của nước thứ ba, nhưng điều này rõ ràng cần phải được xem xét với một số hoài nghi. 

Ví dụ, một nhà phân tích quân sự có trụ sở tại Hồng Kông, Song Zhongping cho rằng đề nghị của Nga sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của một hệ thống cảnh báo sớm giữa Nga và Trung Quốc. 

Ông nói thêm rằng nếu Mỹ muốn tấn công Trung Quốc bằng ICBM, tên lửa của họ có thể sẽ được phóng từ Bắc Cực, nơi được hệ thống cảnh báo sớm của Nga bao phủ, và điều đó có nghĩa là Moskva sẽ có khả năng cảnh báo Bắc Kinh.

Tuy nhiên, điều đáng nghi ngờ là liệu điều này có được thông qua. Các hệ thống cảnh báo sớm chiến lược là một trong những cơ sở an ninh quốc gia được bảo vệ chặt chẽ và quan trọng nhất bởi vì chúng - theo nghĩa đen - có thể quyết định sự sống còn của quốc gia. 

Nhiều khả năng các hệ thống như vậy sẽ không được vận hành cùng với một quốc gia khác, đặc biệt là xem xét lịch sử các cuộc xung đột trong quá khứ giữa Moskva và Bắc Kinh, cũng như những nghi ngờ hiện tại của họ về nhau.

Trung Quốc dường như là người hưởng lợi từ mối quan hệ Nga-phương Tây đang xấu đi. Sau cuộc khủng hoảng Ukraine và các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga, Moskva đã cảm thấy cần phải xây dựng mối quan hệ đối tác mạnh mẽ của riêng mình ở châu Á và Trung Quốc đã được hưởng lợi rất nhiều từ sự tiếp cận này của Nga. 

Nhưng ở chiều ngược lại, quan hệ Mỹ-Trung xấu đi cũng đang khiến Bắc Kinh dễ chấp nhận hơn đối với các thỏa thuận của Nga. Bất kể lý do gì, nó có ý nghĩa đối với những nước khác, bao gồm cả các cường quốc châu Á như Ấn Độ, đều có lý do riêng để lo lắng về mối quan hệ này.

Nam Tiên
.
.
.