Ngăn chặn hàng giả, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thị trường Tết

Thứ Hai, 12/02/2018, 08:47
Hằng năm ,cứ vào dịp Tết Nguyên đán, tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái kém chất lượng lại hoành hành gây mất ổn định thị trường, ảnh hưởng không nhỏ đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước, đặc biệt là TP Hồ Chí Minh.


Để ngăn chặn tình trạng này, các trinh sát Phòng Cảnh sát quản lý kinh tế và tham nhũng (PC46) Công an TP Hồ Chí Minh đã vào cuộc từ ngày 16-12-2017 đến hết ngày 31-1-2018,  phát hiện 257 vụ vi phạm các loại, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hàng tỷ đồng, đặc biệt trong đó có nhiều vụ đã tiến hành khởi tố hình sự.

Thượng tá Vũ Như Hà - Trưởng phòng PC46 Công an TP Hồ Chí minh cho biết: Thực hiện cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, ngay từ những tháng cuối năm 2017,  Ban chỉ huy Phòng đã lên kế hoạch chi tiết giao cho các Đội 6,7,8 tập trung phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các đơn vị chức năng khác lập tức vào cuộc.

Thu giữ tân dược nhập lậu.

Các trinh sát của đơn vị tập trung triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trinh sát nắm tình hình để chủ động trong việc phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về kinh tế, buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng và tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Để làm tốt công tác này, đơn vị đã tăng cường các mũi hoạt động 24/24 giờ nhằm rà soát, đánh giá, xác định rõ tuyến, địa bàn phức tạp, địa bàn trọng điểm nắm chắc tình hình thị trường, kịp thời phát hiện để có phương án đấu tranh.

Ngoài ra một số mũi công tác phối hợp chặt chẽ với lực lượng Hải quan tập trung giám sát chặt chẽ các tuyến đường hàng không, đường biển mà giới buôn lậu thường dùng để tuồn hàng hóa vào trong nước như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, hàng kim khí điện máy đã qua sử dụng và vũ khí vật liệu nổ.

Phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt và Công an các tỉnh Long An, Tây Ninh để phát hiện, xử lý đối với các đối tượng vận chuyển thuốc lá ngoại các loại, rượu và một số mặt hàng nhập lậu khác về TP Hồ Chí Minh tiêu thụ.

Bên cạnh đó, các trinh sát của đơn vị phải thường xuyên cập nhật, trao đổi thông tin với các Sở, Ban, ngành trong thành phố, nhất là với Chi cục Quản lý thị trường, Hải quan, Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thuế, Thanh tra để kịp thời đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về kinh tế một cách hiệu quả nhất.

Với cách làm triệt để này, chỉ trong thời gian từ 16-12-2017 đến 30-01-2018, các trinh sát của Phòng PC46 đã xác lập mới và phát hiện 257 vụ, 238 đối tượng, thu giữ số lượng hàng hóa tang vật có tổng giá trị lên đến trên 32 tỷ đồng, khởi tố 39 vụ và tạm giữ 19 đối tượng để tiến hành điều tra làm rõ.

Cụ thể, qua công tác trinh sát nắm tình hình địa bàn và rà soát các đối tượng nghi vấn, vào ngày 9-1-2018, Đội 7, Phòng PC46 phối hợp với Phòng 8 Cục C46 phát hiện Nguyễn Văn Điệp, tạm trú quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh, đang điều khiển xe gắn máy BKS 51D1-336.19 chở theo 5 thùng carton hàng bên ngoài có ghi nhãn hiệu MITKAM MAKON, MADE IN THAILAND, bên trong có chứa 980 bộ má phanh xe gắn máy đi tiêu thụ, nhưng không xuất trình được vận đơn nhập khẩu cũng như hóa đơn kê khai hàng hóa.

Qua công tác điều tra, Điệp khai nhận đang làm công cho Ngô Văn Tùng, tại huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng, hiện là Giám đốc Công ty TNHH TM Việt Thái Môtô có địa chỉ đóng tại số 103/34 Lê Văn Quới, phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh.

Bột ngọt giả thu được tại nhà Nguyễn Minh Tâm.

Công ty này thuê công nhân về sản xuất, gia công, dán tem nhãn, đóng gói bao bì các má phanh không có nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thành má phanh nhãn hiệu MITKAM MAKON, MADE IN THAILAND để giao bán cho khách hàng.

Sau khi củng cố vững chắc chứng cứ, ngay trong ngày, các trinh sát Phòng PC46 Công an TP. Hồ Chí Minh đã tiến hành lệnh bắt giữ khẩn cấp đối với Ngô Văn Tùng. Khám xét nơi ở cùng tất cả các cơ sở sản xuất, thu thêm gần 49.000 bộ má phanh đĩa cùng nhiều loại tang vật khác có liên quan.

Theo lời khai của Tùng, để có được những loại má phanh giả này, ngoài việc trực tiếp sản xuất, Tùng còn đặt một số cơ sở sản xuất chui đem về giao cho người em là Ngô Văn Thế  trực tiếp hướng dẫn nhân công dán tem nhãn, đóng gói bao bì phụ tùng xe gắn máy giả nhãn hiệu DAI, MITKAM MAKON tại địa chỉ nhà số 363/58/8 đường Đất Mới, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân, sau đó mới chuyển về kho hàng tại 103/34 Lê Văn Quới trước khi giao cho các cửa hàng trong thành phố và các tỉnh.

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ, nhận thấy Ngô Văn Tùng và Ngô Văn Thế đã có hành vi tổ chức sản xuất, buôn bán một số lượng lớn hàng giả là phụ tùng xe gắn máy các nhãn hiệu DAI, MITKAM MAKON... made in Thailand (trị giá hàng hóa thu giữ khoảng 1,2 tỷ đồng) để hưởng lợi bất chính cho cá nhân và đồng bọn.

Ngày 18-1-2018, Cơ quan CSĐT - Công an TP HCM đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, Quyết định khởi tố bị can và Lệnh tạm giam đối với Ngô Văn Tùng, Ngô Văn Thế về tội sản xuất, buôn bán hàng giả. Riêng trường hợp Nguyễn Văn Điệp do là người làm công nên chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Ngày 17-1-2018, Phòng PC46 phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Bình Tân đã phát hiện đối tượng Nguyễn Minh Tâm, sinh năm 1984, HKTT: 28/20 Lô L đường Phan Văn Chí, phường 7, quận 6, TP HCM, đang điều khiển xe gắn máy biển số 59K2-025.52 chở 5 bao tải nilon có nhiều biểu hiện nghi vấn nên đã tiến hành kiểm tra hành chính. Tại thời điểm kiểm tra, phát hiện bên trong có chứa bột ngọt nhãn hiệu AJINOMOTO (sau giám định cho kết quả là bột ngọt giả).

Qua khám xét nhà trọ nơi Tâm thuê ở tại phường An Lạc, quận Bình Tân, thu giữ 300 túi bột ngọt AJINOMOTO thành phẩm, một lượng lớn bao bì, 8 bao nguyên liệu cùng các loại dụng cụ, thiết bị dùng để sản xuất bột ngọt giả.

Theo lời khai của Tâm, toàn bộ số bột ngọt trên do anh ta trực tiếp sản xuất tại nhà trọ. Để có nguồn nguyên liệu là bột sắn (khoai mì) đã qua chế biến, Tâm liên hệ với đối tượng Nguyễn Thị Trúc Linh (tên thường gọi là Loan), ngụ tại 79/51/43/27 bến Phú Định, phường 16, quận 8 để đặt mua, sau đó mang về "phù phép" thành bột ngọt, đóng gói thành túi có trọng lượng 400g/túi mang giao cho khách hàng. Với cách làm này, mỗi ngày Tâm tung ra thị trường hàng trăm túi bột ngọt, thu lợi bất chính hàng chục triệu đồng.

Ngoài việc triệt phá những tụ điểm sản xuất hàng giả, hàng nhái, cũng trong tháng 1-2018, Phòng PC46 Công an TP Hồ Chí Minh còn bắt giữ nhiều lô hàng máy tính xách tay đã qua sử dụng được nhập lậu vào trong nước. Cụ thể vào ngày 18-1-2018, các trinh sát Đội 6 phối hợp với Đội kiểm tra - Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, kiểm tra 2 lô hàng của Công ty TNHH TMDV Phong Nhi (địa chỉ: Số 2, Hoa Phượng, phường 2, quận Phú Nhuận) và Công ty TNHH TM Nguyên Thảo (địa chỉ: 117-119 Lý Chính Thắng, phường 7, quận 3) được nhập khẩu từ Singapore về Việt Nam. Qua kiểm tra lô hàng của Công ty Phong Nhi, tổ công tác phối hợp phát hiện: 666 cái loptop, 653 cái Adaptor, 44 vỏ máy tính (trị giá khoảng 02 tỷ đồng); lô hàng của Công ty Nguyên Thảo có chứa 1.207 cái loptop, 21 cái CPU, 02 màng hình máy tính, 02 Tpad 5, 01 cái ổ cứng, 02 cái camera, 787 cái Adaptor (trị giá khoảng 3 tỷ đồng). Tất cả hàng hóa này không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ.

Hàng điện máy đã qua sử dụng được nhập lậu qua đường cảng biển.

Một vụ vi phạm pháp luật về kinh tế khác cũng đã khiến cho các điều tra viên Phòng PC46 Công an TP Hồ Chí Minh phải tốn khá nhiều thời gian, công sức mới khám phá ra được. Từ tin trình báo của Công ty Cổ phần thương mại hàng không Miền Nam về việc Hồ Đăng Linh (SN 1987, HKTT: 107/785B Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Tân Bình, TP HCM) là nhân viên của Công ty đã có hành vi lợi dụng nhiệm vụ được giao, làm giả nhiều chứng từ để chiếm đoạt số tiền 8 tỷ đồng, Ban chỉ huy Phòng đã cử ngay một tổ công tác xuống làm việc.

Những ngày đầu tiếp cận với cơ quan Công an, Linh tỏ ra hết sức bình thản vì nghĩ tất cả những hồ sơ, chứng từ mà mình đã làm khó có thể phát hiện ra được. Chỉ đến khi công tác giám định cho kết quả tất cả hồ sơ mà Linh đưa vào để rút tiền ra hoàn toàn là gia, đối tượng  mới chịu khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Theo lời khai của Hồ Đăng Linh do ham mê cờ bạc, đã thua và vay nặng lãi với số tiền lớn, bị đám chủ nợ quây rát nên Linh đã tự làm hồ sơ chứng từ giả rồi đặt mua con dấu giả của một đối tượng không rõ tung tích mang về đóng lên để đưa vào quỹ rút tiền đem trả nợ và tiêu xài cá nhân.

Đức Cương
.
.
.