Ngăn chặn nạn chảy máu tài nguyên rừng ở Lâm Đồng

Thứ Tư, 28/09/2016, 15:48
Với trên 400 loại gỗ khác nhau, trong đó có các loại gỗ quý như pơmu xanh, cẩm lai, thông 2-3 lá nằm trong các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ trải dài từ Nam Cát Tiên tiếp giáp với tỉnh Đồng Nai cho đến các huyện Đơn Dương, Lạc Dương, Lâm Hà tiếp giáp với các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk; trong rừng lại có nhiều loại khóang sản bao gồm vàng, thiếc, bauxite, bentonit, kaolin, diatomite, đá granite, than bùn… nên bọn tội phạm từ khắp nơi trên cả nước thường chọn nơi đây để thực hiện các hoạt động khai thác trái phép...


Để ngăn chặn tình trạng này, trong những năm qua, lãnh đạo Công an tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49), đấu tranh, triệt phá hàng trăm vụ, bắt nhiều đối tượng đưa ra xử lý trước pháp luật.

Theo lời kể của Thiếu tá Lê Thanh Hải - Đội trưởng Đội 3, thời gian gần đây, khi Công an tỉnh tập trung đánh mạnh các băng nhóm "thiếc tặc", bọn tội phạm đã tìm cách dịch chuyển sang tận diệt các loại động vật hoang dã như rắn hổ, cheo, nhím, đặc biệt trong đó cả những loại động vật quý hiếm đang được các ngành chức năng trong tỉnh triển khai giai đoạn II chiến dịch bảo vệ Động vật hoang dã châu Á (PA WS II) như tê tê, gấu, vọc, mèo rừng… gây đảo lộn nghiêm trọng hệ sinh thái rừng trên toàn khu vực.

Các trinh sát Đội 3, Phòng PC49 - Công an tỉnh Lâm Đồng xẻ rừng truy tìm lâm tặc.

Trước thực trạng này, Ban chỉ huy Phòng PC49 Công an tỉnh Lâm Đồng đã cử các trinh sát Đội 3 xây dựng kế hoạch, tập trung đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, tổ chức nắm tình hình, xác định phương thức, thủ đoạn, quy luật hoạt động của các đối tượng tội phạm để có biện pháp đấu tranh ngăn chặn.

Trên thực tế, ngoài việc phối hợp với lực lượng kiểm lâm tổ chức chặn bắt, xử lý những vụ mua bán, vận chuyển động vật ra khỏi tỉnh, các trinh sát còn phải lặn lội vào tận các cánh rừng sâu thực hiện 3 cùng là: Cùng ăn, cùng ở, cùng đi rừng để hướng dẫn pháp luật, hỗ trợ, vận động những người dân (trong đó có nhiều người dân tộc thiểu số) từ bỏ nghề săn bắt thú rừng chuyển sang làm những công việc khác kiếm sống.

Trải qua nhiều năm liên tục gắn bó với rừng, với bà con dân bản, các trinh sát đã ngăn chặn được hàng trăm vụ mua bán, vận chuyển động vật hoang dã quý hiếm, bắt nhiều đối tượng đưa ra xử lý trước pháp luật, thả hàng ngàn động vật về môi trường sống tự nhiên.

Gần đây nhất là bắt hai đối tượng Lê Hoàng Thạch, SN 1976 tại TP. Đà Lạt và Nguyễn Ngọc Thành, SN 1996 tại huyện K'Rông Nô - Đắk Lắk vận chuyển trái phép hàng chục cá thể mèo rừng và rắn hổ mang chúa ra khỏi khu vực rừng thuộc địa bàn huyện Đức Trọng.

Để truy bắt được các đối tượng này, từ đầu tháng 4-2016, các trinh sát Đội 3, Phòng PC49 phối hợp với Công an và Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đã phải nằm trong rừng sâu để theo dõi và đến 10 giờ 45 ngày 8-4 mới bắt được đối tượng.

Tại thời điểm bị bắt, Thạch và Thành khai nhận thường xuyên nhận vận chuyển động vật hoang dã cho một đối tượng giấu mặt, mỗi lần hàng chục cho đến hàng trăm cá thể tùy theo tình hình. Chuyến này do biết trước các lực lượng chức năng đang ráo riết kiểm tra, xử lý nên Thạch và Thành chỉ vận chuyển một ít cá thể, nếu trót lọt thì tiếp tục vận chuyển số lượng lớn về tỉnh Đăk Lắk để đưa lên xe khách đường dài vận chuyển ra cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn bán cho các thương lái người Trung Quốc.

Cũng theo Thiếu tá Lê Thanh Hải, ngoài tình trạng săn bắt, mua bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, những năm qua, tình trạng khai thác trái phép các loại gỗ quý hiếm diễn ra hết sức phức tạp. Bọn tội phạm (lâm tặc) thường nhắm vào các loại gỗ quý hiếm như cẩm lai, thông 2-3 lá và đặc biệt là gỗ pơmu nằm ở khu vực núi đá có độ cao trên 2.800m so với mực nước biển trong vườn Quốc gia Bi Đoup - Núi Bà thuộc huyện Lạc Dương.

Để giữ rừng, bảo vệ tài nguyên quý hiếm, những ngày cuối năm 2012, Phòng PC49 Công an tỉnh Lâm Đồng đã cử một tổ trinh sát thiện chiến do chính Thiếu tá Lê Thanh Hải chỉ huy với trang bị võng dù, mì tôm, nước uống đóng chai, thuốc chống sốt rét và đặc biệt là những dụng cụ như dao quắm để phát cây mở lối đi, vượt suối đến hiện trường để nắm tình hình.

Sau gần 30 giờ ròng rã vượt qua 20km đường rừng với hàng chục vách đá dựng đứng cao hàng trăm mét cùng nhiều con suối nước chảy xiết, các trinh sát đã tiếp cận được khu vực vùng lõi nơi diễn ra tình trạng khai thác gỗ trái phép. Ghi nhận ban đầu của các trinh sát là những gốc cây pơmu có tuổi thọ hàng trăm năm mọc trên các triền đá vẫn còn đang ứa nhựa, xa xa phía dưới những dốc đá sâu ngút ngàn là những khúc gỗ dài từ 5-10 mét, đường kính trên dưới một mét nằm ngổn ngang mà bọn lâm tặc chưa kịp tẩu tán.

Gỗ pơ mu được lâm tặc chất thành đống trong rừng.

Không thể để cho lâm tặc có điều kiện vận chuyển gỗ ra khỏi rừng, Thiếu tá Lê Thanh Hải đã cử hai trinh sát băng rừng trở về báo cáo lãnh đạo đơn vị, đồng thời triển khai ngay kế hoạch tăng cường thêm lực lượng từ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Công an huyện Lạc Dương, kiểm lâm vườn Quốc gia Bi Đúp. Thiếu tá Hải cùng các trinh sát khác nằm lại trong rừng để bảo vệ hiện trường, mở rộng công tác trinh sát đến các khu vực xung quanh.

Ba ngày đêm quần thảo trong rừng sâu mà vẫn không thấy bóng dáng lâm tặc, các trinh sát nhận định có thể băng nhóm này đã di chuyển đến những khu vực khác có cây gỗ pơmu để hoạt động nên đã chia nhỏ đội hình làm nhiều mũi tiến sâu vào rừng.

Đúng như dự đoán, đến ngày 12-11-2012, tại tiểu khu 89 - Vườn Quốc gia Bi Đúp, các trinh sát phát hiện hai đối tượng đang sử dụng cưa máy đốn ngả nhiều cây gỗ. Phát hiện có lực lượng Công an, hai đối tượng này đã vứt bỏ cưa máy chạy vào khu vực có nhiều cây cối rậm rạp lẩn trốn.Phải mất hơn 5 giờ vạch từng lùm cây, bụi cỏ, các trinh sát mới tóm gọn được hai tên lâm tặc.

Qua đấu tranh khai thác nhanh, hai đối tượng này khai nhận băng nhóm của chúng có trên chục người chia thành từng đôi đang hoạt động trên khắp một vùng rừng rộng lớn. Từ lời khai này, các trinh sát tiếp tục tổ chức lực lượng phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ, Công an huyện Lạc Dương và lực lượng Kiểm lâm vườn Quốc gia Bi Đúp chia thành nhiều mũi tỏa đi khắp các cánh rừng tiếp tục truy bắt lâm tặc.

Đến ngày 28-11-2012 đã tóm gọn được một nhóm gồm 7 đối tượng do Nguyễn Phước Chí, ngụ huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa cầm đầu, thu giữ 3 cưa máy, 21 cây gỗ pơmu có đường kính từ 70-90cm cùng nhiều loại tang vật phục vụ cho việc khai thác trái phép lâm sản.

Đại tá Phan Thanh Chương - Trưởng phòng PC49 Công an tỉnh Lâm Đồng chia sẻ: Cuộc chiến chống nạn xâm hại rừng ở Lâm Đồng lúc nào cũng nóng bỏng, đầy cam go. Ngày mới thành lập Phòng, hầu hết cán bộ chiến sỹ là những người chưa có kinh nghiệm trong việc đi rừng, lội suối, định hướng đi, nhất là cách phòng chống muỗi đốt, vắt cắn và cái lạnh thấu xương vào ban đêm trong rừng sâu nên cứ sau mỗi chuyến đi trinh sát về là anh em lại ngã bệnh sốt rét.

Đại tá Phan Thanh Chương - Trưởng Phòng PC49 Công an tỉnh Lâm Đồng.

Một hai ngày đầu băng rừng, anh em còn có thể xua bớt muỗi, gỡ bớt vắt, nhưng đến ngày thứ ba, thứ tư khi sức lực giảm nhiều thì cảm giác bị muỗi chích, vắt cắn gần như không còn và chỉ đến khi về lán trại cởi quần áo ra giặt, thấy cả thau nước có máu tươi đỏ au mới biết mình đã bị rất nhiều con vắt cắn.

Để phục hồi sức khỏe, đồng thời động viên cán bộ chiến sỹ, những lúc như vậy, Ban giám đốc Công an tỉnh ngoài việc đến tận rừng để thăm hỏi, còn cử bộ phận y tế tiến hành truyền dịch, đạm, máu để anh em mau chóng lấy lại sức khỏe tiếp tục chiến đấu.

Trở lại vụ khai thác trái phép gỗ pơ mu ở Vườn Quốc gia Bi Đúp, để có thể truy bắt băng nhóm tội phạm này, các trinh sát đã phải bỏ ra rất nhiều ngày đêm tiến hành tìm hiểu tất cả các con đường mòn xuyên qua Vườn Quốc gia Bi Đúp, đồng thời nhờ một số bà con là những người có kinh nghiệm đi rừng chỉ bảo thêm cho một số kinh nghiệm.

Chuyện leo dốc đá, lội qua suối nước chảy xiết là chuyện như cơm bữa, có những dốc đá chỉ cao chừng hơn trăm mét nhưng phải leo từ 7 giờ sáng đến tận 12 giờ trưa mới lên đến đỉnh, có con suối chỉ rộng hơn chục mét nhưng không thể lội qua được mà phải dùng dây rừng buộc ngang người rồi thả trôi nhiều giờ mới có thể sang được bờ bên kia.

Mệt nhọc, đói khát nhưng các trinh sát không dám nghỉ mà buộc phải quẳng hết nghững món lương thực mang theo, kể cả màn, chiếu, xoong, nồi cho nhẹ rồi tiếp tục bò theo vách đá để kịp thời truy bắt, với quyết tâm không cho đối tượng trốn thoát.

Cho đến nay, trải qua thực tiễn chiến đấu, hầu hết cán bộ chiến sỹ đã trở thành những người lính thiện chiến, có thể lội suối, nằm rừng trong thời gian dài thì lâm tặc lại trở nên manh động. Chúng sẵn sàng sử dụng các loại hung khí, thậm chí cả vũ khí nóng để chống trả lực lượng chức năng hòng chạy thoát thân mà cụ thể như vụ chém chết cán bộ bảo vệ rừng ở huyện Lâm Hà vừa rồi là một điển hình.

Tuy nhiên đối với lực lượng Cảnh sát môi trường, do đã nắm trước được sự nguy hiểm khi đối mặt với lâm tặc nên ngoài việc được trang bị các loại công cụ hỗ trợ cần thiết, trong thời gian qua, đơn vị còn tăng cường công tác luyện tập kỹ chiến thuật chiến đấu cùng kỹ năng đi rừng cho từng cán bộ chiến sỹ, nên luôn chủ động trong việc trấn áp lâm tặc, không để trường hợp đáng tiếc nào xảy ra.

Đức Cương
.
.
.