Ngăn chặn tình trạng sử dụng giấy tờ giả để xuất nhập cảnh

Thứ Hai, 12/10/2020, 07:47
Thời gian qua, đã xuất hiện một số vụ người nước ngoài sử dụng hộ chiếu, giấy tờ giả để tìm cách nhập cảnh vào Việt Nam hoặc xuất cảnh đi nước thứ ba tại Cảng hàng không sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh). Thực tế này đòi hỏi lực lượng làm nhiệm vụ kiểm soát phải nâng cao kỹ năng nghiệp vụ để phát hiện hộ chiếu, giấy tờ giả…


Tìm đủ cách để lọt qua cửa khẩu

Đầu tháng 10-2019, Công an Cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất liên tiếp phát hiện, ngăn chặn 10 hành khách xuất cảnh trái phép.

Trong đó, ngày 6-10-2019, 5 người nước ngoài có quốc tịch gốc là Afganistan, Palestine và Jordan bị phát hiện sử dụng hộ chiếu giả để xuất cảnh trái phép từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.

Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất chủ động nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hành khách xuất nhập cảnh.

Trong 5 người này, ba người quốc tịch Jordan và một người quốc tịch Palestine trước đó ở một khu tị nạn tại Arab Saudi. Thông qua một số đối tượng người Nigeria, 4 người này đã nhờ mua giúp bốn hộ chiếu giả với giá 21.000 đô la Mỹ. Trong các hộ chiếu giả, thông tin về nhân thân được làm giả, nhưng những nội dung thật có sẵn với nhiều dấu chứng nhận đã XNC ở một số quốc gia thì để nguyên… Do đó, chính sự “trộn lẫn” này đã khiến cho việc phát hiện hộ chiếu giả khá khó khăn.

Bốn người này đã sử dụng hộ chiếu thật của mình bay qua Malaysia, sau đó từ Malaysia bay qua Phú Quốc (Việt Nam) do chính sách của Việt Nam miễn thị thực cho người nước ngoài khi tới Phú Quốc. Tiếp tục hành trình, bốn người này tới sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để bay nối chuyến đi Canada…

Tuy nhiên, khi số người này làm thủ tục xuất cảnh ở sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất trên chuyến bay của Philippines Airlines từ TP Hồ Chí Minh đi Vancouver (Canada), nhận thấy một số dấu hiệu nghi vấn như vé mới xuất rạng sáng 5-10, không có hành lý, khách nói tiếng Anh bập bẹ và tên gốc Arab, các trinh sát Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất phát hiện và xử lý theo luật định.

Trong khi đó, hành khách còn lại người Afganistan lại sử dụng hộ chiếu Anh giả đi cùng chuyến bay đi Canada với bốn người kể trên cũng bị phát hiện.

Hành khách này khai nhận mua hộ chiếu Anh giả tại Afganistan với giá 8.500USD. Đáng chú ý là hộ chiếu giả này chỉ thay mỗi ảnh chân dung của hành khách bằng kỹ thuật scan hình ảnh tinh vi, còn lại giữ nguyên toàn bộ thông tin của hộ chiếu gốc.

5 công dân Afghanistan sử dụng hộ chiếu công vụ Thổ Nhĩ Kỳ giả để xuất cảnh đi Đức.

Hộ chiếu giả này có sẵn dấu nhập cảnh vào Dubai nên hành khách đã theo hành trình xuất cảnh tới Dubai bằng hộ chiếu giả. Sau đó, từ Dubai dùng hộ chiếu giả nhập cảnh Việt Nam để nối chuyến bay đi Canada. Nhưng cuối cùng đã bị phát hiện…

Một vụ việc khác cũng được Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất phối hợp với các lực lượng liên quan phát hiện, xử lý là vụ 5 công dân Afganistan sử dụng hộ chiếu công vụ Thổ Nhĩ Kỳ giả để đi trên chuyến bay VN031 TP Hồ Chí Minh- Frankfurt - Thổ Nhĩ Kỳ. Các hành khách này đã lợi dụng việc hộ chiếu công vụ Thổ Nhĩ Kỳ được miễn thị thực khi xuất nhập cảnh để tính đường xuất cảnh trái phép.

Trước đó, 5 người này đã sử dụng hộ chiếu Afganistan thật để bay tới Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, sau đó bay qua Việt Nam để xuất cảnh tới Đức. Tuy nhiên, khi làm thủ tục xuất cảnh tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, các hành khách này có nhiều dấu hiệu bất thường như sử dụng vé một chiều, mới xuất ngày 3-10 và thanh toán bằng tiền mặt, hành lý ký gửi ít, có khách không hành lý, khách không nói được tiếng Anh và tên gốc Arab… Từ đó, trinh sát đã tiến hành kiểm tra, điều tra và phát hiện vụ việc.

Cuối năm 2019, một công dân Nigeria đã bị Công an cửa khẩu phát hiện sử dụng hộ chiếu vương quốc Lesotho (châu Phi) để có thể đi lại dễ dàng giữa các nước Đông Nam Á (do chính sách về xuất nhập cảnh của các nước Đông Nam Á với công dân vương quốc này khá thuận lợi). Theo đó, người này làm công việc buôn bán quần áo và thường qua Việt Nam mua quần áo để mang qua Campuchia bán lại.

Người này cho biết đã liên lạc nhờ gia đình tại quê nhà mua giúp hộ chiếu giả. Cuối tháng 11-2019, người này đã dùng hộ chiếu giả để từ Campuchia nhập cảnh vào cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh). Sau đó, đã tới sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để bay qua Campuchia thì bị phát hiện.

Di cư bất hợp pháp diễn biến phức tạp

Trung tá Phan Huy Văn, Phó Trưởng Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất, cho biết Cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là nơi có lưu lượng hành khách xuất nhập cảnh cao nhất cả nước và ngày càng gia tăng (năm 2016 là 9,8 triệu lượt; năm 2017 là 10,5 triệu lượt; năm 2018 là 14,1 triệu lượt; năm 2019 là 14 triệu lượt).

Người Nigeria với cuốn hộ chiếu Lesotho giả.

Từ năm 2016 đến nay, tình hình xuất nhập cảnh trái phép tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất diễn biến phức tạp và ngày càng gia tăng cả về số vụ, số đối tượng và đa dạng về quốc tịch. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, Công an cửa khẩu đã phát hiện, tiếp nhận, điều tra xử lý 309 vụ, với 452 đối tượng (187 vụ với 262 người Việt Nam, 122 vụ với 190 người nước ngoài) vi phạm pháp luật liên quan đến xuất nhập cảnh, quá cảnh trái phép. Tập trung chủ yếu ở các hành vi: sử dụng hộ chiếu, giấy tờ giả, sử dụng hộ chiếu của người khác, giả mạo hồ sơ, giấy tờ để được cấp hộ chiếu, thị thực, qua lại biên giới quốc gia không làm thủ tục theo quy định; tổ chức, giúp đỡ, đưa dẫn người khác xuất nhập cảnh trái phép.

Riêng đối tượng là người nước ngoài sử dụng giấy tờ giả để xuất nhập cảnh trái phép, theo Trung tá Phan Huy Văn, các đối tượng chủ yếu là công dân các nước kém phát triển, bất ổn về chính trị, xã hội, xung đột vũ trang, sắc tộc ở khu vực Bắc Phi, Trung Đông, Nam Á... được các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia làm hộ chiếu, thị thực để cung cấp và tổ chức cho các đối tượng tìm cách nhập xuất cảnh, quá cảnh Việt Nam để đi tiếp đến các quốc gia phát triển, ổn định về chính trị xã hội như châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á... với mục đích di dân bất hợp pháp.

Ngoài ra, trong thời gian gần đây, Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất còn phát hiện một số trường hợp người nước ngoài sử dụng hộ chiếu nước ngoài, thị thực, giấy tờ Việt Nam giả nhập cảnh trái phép nhằm mục đích đi lại, cư trú bất hợp pháp tại Việt Nam.

Số đối tượng này chủ yếu là công dân một số nước châu Phi (Nigeria), Nam Á (Afghanistan) do không đủ điều kiện nhập cảnh Việt Nam nên thông qua đường dây tìm mua giấy tờ giả để nhập cảnh. Bên cạnh đó, một số trường hợp là đối tượng truy nã của các nước (như Trung Quốc, Hàn Quốc...) sử dụng giấy tờ giả nhập xuất cảnh trái phép Việt Nam để trốn tránh sự truy bắt.

Trước tình hình an ninh chính trị thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia sẽ tiếp tục tổ chức đưa người di cư trái phép nhằm thu lợi bất chính số tiền rất cao, thậm chí lợi dụng phương thức này để dụ dỗ những người nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết thông tin để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, buôn bán người, tổ chức cho các đối tượng trốn truy nã, đưa người đến các nước hoạt động khủng bố, phá hoại, vận chuyển hàng cấm...

Trung tá Phan Huy Văn cho biết Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất tiếp tục tăng cường công tác nghiệp vụ cơ bản, chủ động nắm tình hình, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hành khách xuất nhập cảnh. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về xuất nhập cảnh cho hành khách, các phương thức, thủ đoạn đưa người xuất nhập cảnh trái phép. Tập huấn kỹ năng phát hiện hộ chiếu, giấy tờ giả cho các cán bộ làm nhiệm vụ kiểm soát…

Riêng đối với hành khách xuất nhập cảnh, cần tìm hiểu rõ quy định về xuất nhập cảnh của Việt Nam. Trong đó, chú ý về trình tự, thủ tục xin cấp hộ chiếu, thị thực, điều kiện được nhập cảnh Việt Nam cũng như các nước theo từng loại mục đích.

Trường hợp thông qua dịch vụ hỗ trợ thủ tục, cần lưu ý kiểm tra kỹ thông tin của giấy tờ về nhân thân, mục đích, thông tin khai báo về điều kiện nhập cảnh để tránh trường hợp bị các đối tượng hỗ trợ thủ tục khai báo gian dối, làm giả giấy tờ, tài liệu nhằm hợp thức hóa đủ điều kiện xin thị thực nhập cảnh dẫn đến vi phạm pháp luật.

Phạm Phú
.
.
.