Phạm nhân Trại giam Ninh Khánh viết thư gửi lời xin lỗi:

Ngắn đường hoàn lương, gần ngày trở về nẻo thiện

Thứ Sáu, 23/01/2015, 15:09
Hàng nghìn phạm nhân đã bày tỏ nỗi lòng của mình qua những trang giấy, có những phạm nhân chữ đẹp, chữ xấu; có người viết hay, viết rất tình cảm, nhưng có người lại viết mộc mạc, ngắn gọn, đôi khi câu văn lủng củng vì trình độ, tính cách suy nghĩ của mỗi người là khác nhau nhưng tựu trung lại có thể cảm nhận được mỗi bức thư đều toát lên sự ăn năn, hối lỗi với hành vi phạm tội mà mình đã gây ra.

…“Bác ơi, cách đây hai năm cháu chính là người đã gây ra mất mát đau thương đối với gia đình bác, cháu đã cướp đi sinh mạng của con gái bác. Cháu cảm thấy rất ân hận về hành vi phạm tội của mình đối với gia đình bác. Đã hai năm rồi, có những lần cháu cầm cây bút viết những tâm sự và lời xin lỗi gửi đến hai bác nhưng cháu không đủ can đảm để làm điều đó. Hôm nay, cháu lấy hết sự can đảm của mình đặt vào đây những dòng tâm sự chân thành nhất của cháu, cháu xin lỗi hai bác và gia đình nhiều nhiều lắm bác ạ… Cháu có một ước nguyện mong hai bác đồng ý, sau này khi cháu hết án hai bác cho phép cháu được chăm sóc, phụng dưỡng cho hai bác để phần nào chuộc lại lỗi lầm của cháu đã gây ra cho gia đình bác…” – là những lời tự đáy lòng của phạm nhân Lê Thị Hà Trang gửi cho bố mẹ của nạn nhân – người mà Trang đã cướp đi sinh mạng. Lúc nóng giận, lại còn trẻ tuổi, nông nổi, Trang chưa hiểu được cuộc đời, chưa hiểu được nỗi đau do mình gây ra, cũng chưa biết được cái giá phải trả lớn thế nào. Học tập, cải tạo ở Trại giam Ninh Khánh, được Ban Giám thị và cán bộ giáo dục, động viên, Trang đã hiểu ra, cố gắng cải tạo tốt để sớm trở về…

Cách đây hơn 2 năm, tôi từng chứng kiến phiên tòa xét xử Trang. Lúc đó, cô bé hơn 15 tuổi, đang ôn thi lên lớp 10, gồng mình lên, cố tỏ ra cứng cỏi trước “bão” phẫn nộ của gia đình nạn nhân và dư luận. Có lẽ, đến lúc ấy, Trang cũng chưa hiểu thế nào là mất mát, thế nào là sự trả giá. Bởi, cả gia đình em và gia đình bị hại – bố  mẹ của nạn nhân Phạm Ngọc Ánh và những người liên quan đều to tiếng đổ lỗi cho nhau không biết giáo dục con cái mình.

Nguyên nhân dẫn đến việc Trang phạm tội cũng khá đơn giản, do Trang và bạn cùng lớp là Trần Thị Hoài, SN 1997, học sinh lớp 9, Trường THCS Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội có mâu thuẫn trong việc chơi đánh bài tá lả dẫn đến việc các bạn của Hoài trong đó có Ánh đánh “hội đồng” Trang. Dù nhà trường đã chuyển lớp, cảnh cáo, mời phụ huynh đến giải quyết nhưng các nữ sinh mới lớn này vẫn âm ỉ mâu thuẫn, thi thoảng lại đánh nhau. Vì thế, Trang đem theo dao “phòng thủ”, khi bị Ánh, Hoài và một số nữ sinh khác đánh, Trang dùng dao đâm  khiến Ánh tử vong, Hoài bị thương.

Phạm nhân xúc động gặp gia đình.

Lúc đó, bên “nguyên” tức bố mẹ bị hại Phạm Ngọc Ánh yêu cầu Tòa trừng trị thích đáng kẻ gây ra cái chết cho con mình, còn bố mẹ Trang cũng uất ức không kém bởi cho rằng phía “bên kia” không biết dạy con, đẩy con mình đến bước đường cùng nên đã phản  kháng lại. Nhưng rồi, mọi sự đổ lỗi cũng không thể lấy lại mạng sống cho Ánh, cũng không giúp Trang thoát khỏi bản án nghiêm khắc.

Lúc mới vào Trại, Trang cũng khá lì lợm, bất cần, ít giao tiếp, nhưng được các cán bộ quản giáo động viên, dần dà, em nhận thức được tội lỗi của mình, phấn đấu cải tạo tốt mong sớm được trở về…

Đại tá Phạm Hữu Học, Giám thị Trại giam Ninh Khánh cho biết, ngay khi có kế hoạch của Tổng cục về việc tổ chức cho phạm nhân viết thư gửi lời xin lỗi, đơn vị đã phân công nhiệm vụ cụ thể đến từng phân trại, đội nghiệp vụ, trực tiếp các đồng chí phó giám thị phụ trách phân trại tổ chức phổ biến, quán triệt đến toàn thể phạm nhân nội dung kế hoạch để thực hiện; đồng thời giao cho cán bộ quản giáo trực tiếp tổ chức họp phổ biến cho phạm nhân thuộc đội, tổ phạm nhân do mình phụ trách; công tác tuyên truyền thực hiện kế hoạch đã được chú trọng thông qua hệ thống loa truyền thanh của đơn vị, các buổi sinh hoạt đội, tổ phạm nhân, thông qua các buổi giáo dục chung cũng như giáo dục cá biệt... để tất cả phạm nhân đều nắm rõ được mục đích yêu cầu, ý nghĩa của cuộc phát động này, từ đó suy nghĩ và tự nguyện đăng ký tham gia; chủ động cấp giấy, bút, phong bì, tem thư cho tất cả phạm nhân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất về mặt thời gian để cho phạm nhân viết thư.

Phạm nhân gặp vợ.

Hàng nghìn phạm nhân đã bày tỏ nỗi lòng của mình qua những trang giấy, có những phạm nhân chữ đẹp, chữ xấu; có người viết hay, viết rất tình cảm, nhưng có người lại viết mộc mạc, ngắn gọn, đôi khi câu văn lủng củng vì trình độ, tính cách suy nghĩ của mỗi người là khác nhau nhưng tựu trung lại có thể cảm nhận được mỗi bức thư đều toát lên sự ăn năn, hối lỗi với hành vi phạm tội mà mình đã gây ra.

Như thư của phạm nhân Bùi Trần Long gửi cho cô chú Cường Hương là thân nhân người bị hại trong vụ án giết người, có đoạn viết: “…Trước là cho phép cháu được quỳ lạy trước cô chú để bày tỏ sự thành kính mong được cô chú tha thứ, sau là cho phép cháu được thắp nén nhang để tưởng nhớ tới người đã khuất, mong rằng người đã khuất linh thiêng hãy tha thứ cho cháu, tha thứ những lỗi lầm mà cháu đã gây ra và cho cháu một cơ hội để sửa đổi làm lại cuộc đời. Thực sự cháu đã rất hối hận và ăn năn, thực sự tâm cháu không muốn điều đó xảy ra. Cháu xin lỗi! Dù biết đây là lời xin lỗi muộn màng…”.

Hay như trường hợp phạm nhân Nguyễn Đức Diên viết thư gửi vợ là chị Đào Hải Yến, trong thư đã nói lên nỗi lòng của mình với thân phận là người chồng, người cha không làm tròn trách nhiệm: “...Nay anh viết những dòng thư này gửi về em và con lời xin lỗi về những tháng năm anh đã không làm tròn bổn phận, và xin hứa với em và con sẽ tu dưỡng đạo đức trở thành người có ích cho xã hội. Hãy tin ở anh em nhé...”.

Phạm nhân Nguyễn Thi Tâm viết gửi bố đẻ là ông Nguyễn Trung Lý đầy da diết: “…Bố yêu ơi! Lời xin lỗi chắc đã muộn màng nhưng con vẫn xin gửi tới bố hai từ “Thứ tha”, mong bố hãy mở rộng lòng đón nhận lời xin lỗi chân thành của đứa con gái không tốt này, khi chưa một lần báo hiếu bố mẹ mà lại gieo lên đôi vai gầy của bố biết bao buồn tủi, có lẽ cuộc đời này con sẽ không bao giờ tha thứ cho chính bản thân con khi mỗi lần bố đến thăm con, nhìn cái cảnh bố thì già, cháu thì nhỏ, dắt nhau vào thăm con với thời tiết thật khắc nghiệt, là những giọt nước mắt cứ lăn tràn trên má. Bố có biết không có nhiều đêm con không sao ngủ được vì lo cho bố, với tuổi già sức yếu mà phải gánh vác mọi chuyện, vừa phải chăm sóc cho người mẹ già ngoài 100 tuổi, lại người vợ ốm yếu liệt nửa người cùng đứa cháu nhỏ và giờ lại phải thăm nuôi con, đau xót quá bố ơi…”.

Gia đình bị hại nhận lời xin lỗi của phạm nhân.

Không chỉ viết cho gia đình bị hại hay người thân của mình, nhiều phạm nhân còn xin lỗi chính quyền, đoàn thể - nơi mình đã gây tội. Như phạm nhân Lò Văn Thành viết thư gửi Đảng ủy – HĐND – UBND xã Mùn Chung, Công an xã Mùn Chung, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên với nội dung: “...Trong khi thi hành công vụ, tôi đã không tránh được hành vi phạm tội, bản thân không làm chủ được nên đã bị đối tượng phạm tội lôi cuốn vào con đường vi phạm pháp luật... Bản thân tôi đã tự làm trái với chủ trương của Đảng ủy, sai với nghị quyết của Hội đồng nhân dân, sai với chỉ đạo của Công an xã. Những hành vi phạm tội đó, tôi đã thừa nhận có lỗi, tôi chân thành xin lỗi các đồng chí trong Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và tập thể cán bộ Công an xã...”.

Hay như phạm nhân Đinh Văn Hiển gửi lời xin lỗi nhân dân khu phố 5, UBND, Công an phường Đông Thành, TP Ninh Bình có đoạn viết: “Thưa nhân dân khu phố 5, UBND, Công an phường Đông Thành, TP Ninh Bình cùng các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương. Tôi đã có hành vi phạm tội làm ảnh hưởng đến an ninh trật tự trị an của nhân dân khu phố, địa phương. Vì vậy hôm nay từ đáy lòng mình cho tôi được xin lỗi trước nhân dân khu phố 5, UBND, Công an phường Đông Thành cùng các cấp chính quyền địa phương… Với quyết tâm sửa chữa lỗi lầm và sự ăn năn hối cải tôi đã nhận rõ tội lỗi của mình, tôi sẽ cải tạo thật tốt để sớm được trở về cùng gia đình và xã hội và tôi mong được sự tha thứ của các cấp chính quyền, gia đình và mọi người để sớm mong xóa bỏ được mặc cảm tội lỗi của bản thân để tôi có thêm lòng tin và quyết tâm cải tạo tốt. Để mong được sự khoan hồng của pháp luật của Đảng và Nhà nước”.

Từ những lời sám hối của phạm nhân, Trại giam Ninh Khánh đã cử cán bộ gặp gỡ đối tượng nhận thư. Qua tiếp xúc, tuy cảm nhận của mỗi người nhận thư khác nhau nhưng nhìn chung họ đều tha thứ cho những tội lỗi phạm nhân đã gây ra cho họ. Như anh Lã Việt Hùng, thường trú tại phường Thanh Bình, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình, là người bị hại trong vụ cố ý gây thương tích do phạm nhân Nguyễn Phi Long gây ra. Anh Hùng hiện đang là cán bộ Công an phường Thanh Bình. Khi biết Long đã nhận thức được lỗi lầm, anh hoàn toàn thông cảm và bỏ qua tội lỗi mà Long đã gây ra cho anh. Chỉ mong muốn rằng, trong thời gian chấp hành án phạt tù, phạm nhân Long cố gắng ăn năn hối cải, chấp hành tốt mọi quy định của trại, sớm được giảm án, đặc xá trở về làm người công dân tốt.

Đáng thương nhất cũng đáng trân trọng nhất là trường hợp của ông Trần Quốc Phương và bà Hoàng Thị An, thường trú tại xã Hùng Tiến, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình là thân nhân của bị hại trong vụ án giết người do phạm nhân Nguyễn Văn Thiên gây ra. Ông bà có hai người con trai, con trai cả thì bị tâm thần, còn anh Sơn là con thứ, là người chịu khó làm ăn, là công dân tốt của địa phương. Chính phạm nhân Thiên đã cướp đi sinh mạng của anh Sơn. Coi như ông bà Phương không còn chỗ nương tựa tuổi già, bất hạnh chồng lên bất hạnh. Nhưng ông bà vẫn mở rộng lòng mình, đã tha lỗi cho Thiên, tha lỗi cho chính kẻ ra tay cướp đi sinh mạng của con trai mình, mong muốn phạm nhân Thiên cố gắng tu dưỡng đạo đức, cải tạo chính mình, phải đuổi được cái ác ra khỏi tâm hồn mình mới mong có được một tương lai tốt đẹp.

Giám thị trao thưởng cho các phạm nhân cải tạo tốt.

Còn Chủ tịch UBND phường Đông Thành, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình nơi trước đây có phạm nhân Đinh Văn Hiển thường trú (phạm nhân Hiển là đối tượng có tiền án, bản thân nghiện ma túy, hành vi của phạm nhân Hiển đã gây mất an ninh trật tự của địa phương), thay mặt cho lãnh đạo địa phương, khi nhận được thư của phạm nhân Hiển, đồng chí Bình rất cảm động vì gần 10 năm làm lãnh đạo phường đến nay mới có người trong phường gây án đi tù viết thư về xin lỗi cơ quan. Ủy ban phường đã cho đọc thư của phạm nhân Hiển trong chương trình phát truyền thanh nội bộ phường để tuyên truyền giáo dục.

Ông Bình nhận xét: “Anh Hiển trước đây cũng chịu khó làm ăn nhưng do bạn bè rủ rê lôi kéo đã sa vào con đường nghiện ngập, dù gia đình, tổ dân phố và chính quyền địa phương đã thường xuyên động viên, an ủi và răn đe anh Hiển, nhưng anh Hiển không nghe và đã phải gánh chịu hậu quả do pháp luật trừng trị. Trong thời gian chấp hành án, nhân dịp phát động của Trại giam Ninh Khánh, anh Hiển đã thành khẩn, nhận rõ tội lỗi, bản thân rất ân hận về hành vi phạm tội của mình, anh đã viết thư xin lỗi nhân dân và chính quyền địa phương. Thay mặt cho lãnh đạo địa phương, tôi gửi lời chia sẻ đến anh, chúc anh luôn cải tạo tốt để sớm trở về làm người công dân có ích cho xã hội. Chúng tôi sẽ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình đối với những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, trong đó có anh, địa phương sẽ tạo điều kiện hết mức để anh nhanh chóng hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, làm ăn lương thiện”.

Trong số các gia đình phạm nhân được cán bộ Trại giam Ninh Khánh tiếp xúc, khi biết con em mình đã nhận thức được việc làm sai trái, biết ăn năn hối hận và có hướng phấn đấu cải tạo tiến bộ, họ bày tỏ sẽ thường xuyên động viên và mong muốn được chung tay góp sức cùng trại giam giáo dục con em mình cải tạo tốt để sớm được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, sớm trở về đoàn tụ với gia đình, hòa nhập cộng đồng trở thành người công dân tốt.

Đại tá Phạm Hữu Học cho biết thêm, viết thư “gửi lời xin lỗi” đã tác động trực tiếp vào những cảm xúc suy tư bị kìm nén trong con người phạm nhân, mà họ cảm thấy rất khó giãi bày và đây là cơ hội để họ bày tỏ lương tri đã thức tỉnh của mình, nhận rõ tội lỗi đồng thời cũng trút bỏ được những nỗi day dứt, trăn trở, ân hận về những hành vi phạm tội của mình đã gây ra, qua đó xác định rõ hơn trách nhiệm của bản thân đối với những người bị hại, với những người thân của họ và với những người thân của chính mình. Đây là sự tự nguyện thể hiện tình cảm, thái độ, trách nhiệm chân thật của phạm nhân, từ đó tạo cầu nối góp phần hạn chế và xóa bỏ thù hận, khơi dậy lòng nhân ái, khoan dung, vị tha của xã hội mà trực tiếp là thông qua những người nhận thư. Chỉ có như vậy, trong sâu thẳm tâm hồn từ đáy lòng, sự ăn năn hối cải của họ mới trút đi phần nào những mặc cảm tội lỗi và phấn đấu học tập cải tạo tốt hơn để con đường hoàn lương sẽ ngắn lại và ngày trở về sẽ gần hơn…

Phương Thủy
.
.
.