"Ngân hàng gien" lưu giữ những dòng lợn ngoại quý hiếm

Thứ Năm, 07/02/2019, 18:51
Trung tâm nghiên cứu lợn Thụy Phương (thuộc phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) là nơi tuyển chọn và lưu giữ "ngân hàng gien" những dòng lợn ngoại quý hiếm. Chính vì thế, sản xuất lợn giống luôn trong tình trạng cháy hàng.


Được thành lập từ năm 1989, Trung tâm nghiên cứu lợn Thụy Phương (thuộc phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), tiền thân là đội chăn nuôi lợn thuộc Viện chăn nuôi là một trong 2 đơn vị trong cả nước có nhiệm vụ chuyên sâu nghiên cứu khoa học, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, nuôi giữ giống gốc, sản xuất kinh doanh và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chăn nuôi. 

Đây cũng là nơi tuyển chọn và lưu giữ "ngân hàng gien" những dòng lợn ngoại quý hiếm. Chính vì thế, sản xuất lợn giống luôn trong tình trạng cháy hàng.

Lưu giữ những giống lợn ngoại "cụ kỵ"

Theo đoàn cán bộ của Trung tâm nghiên cứu lợn Thụy Phương, chúng tôi có mặt tại Trạm nghiên cứu và phát triển lợn hạt nhân hiện đại tại Kỳ Sơn. Xe ôtô dừng ngay từ cổng trạm. Trong lúc chúng tôi còn đang thắc mắc không hiểu lý do vì sao "người nhà" mà lại phải nguyên tắc thế thì ngay sau đó chứng kiến những chiếc vòi xịt loại cực mạnh xả thẳng vào chiếc xế hộp. 

Một cán bộ đi cùng giải thích "Sở dĩ phải làm thế là để ngăn ngừa mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào trạm". Điều làm chúng tôi bất ngờ hơn cả, đó là muốn tiếp cận những chú lợn cụ kỵ đắt giá ở đây, các thành viên trong đoàn phải tắm gội sạch sẽ với dầu gội và xà phòng, mặc quần áo chuyên dụng và tuyệt đối tuân thủ quy định về chăn nuôi an toàn sinh học của trạm.

Trạm nghiên cứu và phát triển lợn hạt nhân hiện đại Kỳ Sơn hiện đang nuôi giữ gần 300 cá thể lợn nái cụ kỵ và khoảng gần 100 cá thể lợn đực cụ kỵ thuộc 3 giống Landrace, Yorkshire và Duroc nhập từ Mỹ, Canada và Pháp. Đây là những giống lợn có năng suất siêu sinh sản, được các chuyên gia, nhà khoa học bình tuyển kỹ lưỡng tại các quốc gia có ngành chọn tạo giống phát triển nhất thế giới.

Mỗi con lợn cụ kỵ như vậy giá thường dao động từ 60 đến 80 triệu/con. Sau khi nhập về Việt Nam với trọng lượng khoảng 40kg/con, những con lợn cụ kỵ này sẽ được nuôi tân đáo, sau đó đưa về trạm chọn lọc những cá thể thích nghi tốt với điều kiện khí hậu của Việt Nam để nhân thuần, sản xuất lợn nái ông bà, bố mẹ và lợn đực, chuyển giao cho sản xuất. 

Để kiểm soát an toàn dịch bệnh, cán bộ, công nhân viên của trạm phải tuân thủ quy chế làm việc nghiêm ngặt. Họ không được phép ra khỏi trại (trừ 8 ngày nghỉ liên tiếp trong 1 tháng). Việc dọn vệ sinh được thực hiện thường nhật, đảm bảo chuồng nuôi luôn sạch sẽ. 

Nhờ đó, đàn lợn tại trạm không cần đến thuốc kháng sinh trị bệnh. Để đảm bảo con giống đạt chất lượng tốt nhất, mỗi con lợn nái sinh sản cụ kỵ và ông bà được trung tâm khai thác tối đa 6 lứa đẻ, sau đó thải loại. Mỗi con lợn đực chỉ được khai thác 2 năm là thải loại.

Hiện đàn nái ngoại do Trung tâm sản xuất ra chiếm hơn 4,5% số lượng đàn nái ngoại toàn quốc. Mỗi năm một lợn nái có khả năng sản xuất 20 lợn thịt thì số lợn nái này sẽ sản xuất được 550.000 lợn thịt, tương đương 49.500 tấn thịt lợn hơi. Ngoài ra, số lợn đực có nguồn gốc từ Trung tâm có mặt thường xuyên trong sản xuất khoảng 1.600 - 2.000 con. Mỗi năm, 1 lợn đực có thể phối giống cho 100 lợn nái thì lợn đực giống của Trung tâm chuyển giao cho sản xuất đã có thể phối giống cho khoảng 200.000 lợn nái để sản xuất được khoảng 4 triệu lợn thịt (tương đương 180.000 tấn thịt lợn hơi).

Trạm nghiên cứu và phát triển lợn hạt nhân hiện đại Kỳ Sơn hiện đang nuôi giữ nhiều giống lợn quý hiếm.

Biến điều không thể thành có thể

Nếu như Trạm nghiên cứu và phát triển lợn hạt nhân hiện đại tại Kỳ Sơn là nơi lưu giữ và nhân giống các dòng lợn Landrace, Yorkshire, Duroc thì Trạm Nghiên cứu và phát triển giống lợn hạt nhân Tam Điệp (Ninh Bình) lại là cơ sở duy nhất của Việt Nam lưu giữ được giống gốc các dòng lợn ngoại có nguồn gen quý của tập đoàn giống lợn hàng đầu thế giới PIC.

Năm 1997, lần đầu tiên có một doanh nghiệp nước ngoài mạnh tay đầu tư xây dựng trại sản xuất giống lợn hạt nhân (nuôi giữ lợn cụ kỵ) tại Việt Nam. Những con lợn giống PIC với những đặc tính ưu việt như đẻ nhiều, thích nghi với nhiều vùng sinh thái, ít mắc bệnh, dễ chăm sóc và tăng trọng nhanh là niềm mơ ước của rất nhiều người chăn nuôi. 

Thế nhưng, do chiến lược phát triển thị trường của PIC không phù hợp; giá giống quá cao (500 USD/lợn nái hậu bị - năm 1997) khiến nông dân không thể với tới. Hoạt động sản xuất dần đình trệ, Công ty PIC Việt Nam phải thanh lý tài sản để thu hồi vốn.

Trước tình hình đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mua lại Trạm lợn giống hạt nhân Đồng Giao rồi sau đó giao cho Trung tâm nghiên cứu lợn Thụy Phương tiếp quản và khai thác. 

Thời điểm đó, nhiều người đã hồ nghi về khả năng tồn tại của Trạm này, bởi họ cho rằng đến trình độ khoa học và công nghệ cao của người nước ngoài cũng đã phải "bó tay" thì Việt Nam sao có thể làm được. Tuy nhiên, những thành quả đạt được của ngày hôm nay chính là câu trả lời xác thực cho những hoài nghi trước đó.

Những giống lợn quý được nuôi dưỡng trong môi trường đặc biệt.

Ông Phạm Duy Phẩm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lợn Thụy Phương kể: "Ngoài tiếp nhận hơn 4.500 lợn giống, trong đó đặc biệt nổi bật là 376 lợn nái sinh sản và 12 lợn đực làm việc, trung tâm còn được Công ty PIC Việt Nam chuyển giao phần mềm quản lý giống PPM. Tuy nhiên, do quy mô đàn lợn cụ kỵ thấp, từ năm 2010, Công ty PIC không xuất bán tinh lợn đực đông lạnh cấp giống cụ kỵ nên đàn lợn có nguy cơ giảm năng suất. 

Đứng trước thách thức này, trung tâm tập trung cải tạo và nuôi giữ 3 dòng lợn cụ kỵ: VCN01, VCN02 và VCN04 bằng nguồn gen các giống lợn Landrace, Yorkshire và Duroc từ Pháp, Mỹ, Canada và Đan Mạch để thực hiện công thức lai 3, 4 giống. Nhờ đó, các dòng lợn trên đã được cải tạo, nâng cao năng suất".

Tại đây, đàn lợn hạt nhân được nuôi dưỡng ở chế độ đặc biệt, cách ly hoàn toàn với nguồn gây bệnh nhờ được bao bọc xung quanh là núi, tách biệt với khu dân cư. Với hệ thống chuồng nuôi và thu gom, xử lý chất thải thông minh, trong suốt một vòng đời, những cá thể lợn không cần tắm (để cơ thể lợn không bị giảm mất nhiệt làm tiêu tốn năng lượng; giảm chi phí nhân công...) nhưng vẫn sạch sẽ.

Với 5 dòng lợn cụ kỵ gồm: VCN01, VCN02, VCN03, VCN04 và VCN05, Trạm lợn giống hạt nhân Đồng Giao đã sản xuất ra 2 dòng lợn ông bà (VCN11, VCN12) và 2 dòng lợn bố mẹ (VCN21, VCN22). Đạt được những thành quả trên, Trạm lợn giống hạt nhân Đồng Giao đã vinh dự nhận được giải thưởng Bông lúa vàng Việt Nam lần thứ nhất.

Phong Anh
.
.
.