Ngành Đường sắt Việt Nam cảnh báo nguy cơ “dừng hoạt động chạy tàu”

Thứ Tư, 26/02/2020, 16:14
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vốn là doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông- Vận tải (GT-VT). Cách đây 2 năm, Tổng công ty này được chuyển sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên việc chuyển đổi này đang gây ra những vướng mắc khiến VNR đối diện với nguy cơ dừng chạy tàu vì không được giao dự toàn thu chi ngân sách để quản lý kết cấu hạ tầng đường sắt, không được tiếp tục giao nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án cải tạo, nâng cấp hạ tầng sử dụng vốn đầu tư công…


VNR đang phải ứng tiền trả lương cho hơn 11.000 nhân viên

Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch VNR, cho biết những tháng gần đây VNR phải ứng tiền trả lương cho hơn 11.000 nhân viên ngành đường sắt để duy trì hoạt động do chưa có tiền. Theo thông lệ, trước ngày 31/12 hằng năm, Bộ GT-VT sẽ giao dự toán ngân sách bảo trì để tuần đường, gác chắn hoạt động bình thường, đảm bảo hoạt động đường sắt. 

Trên cơ sở đó, VNR ký hợp đồng công ích với 20 công ty của VNR trong khối hạ tầng, đảm bảo tuần đường, gác chắn trên 1.519 đường ngang và 3.059km đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành dọc chiều dài đất nước.Tuy nhiên, đến nay VNR vẫn chưa nhận được dự toán. Nguyên nhân là do điều 49 Luật Ngân sách nhà nước quy định cơ quan nhận được ngân sách phải giao dự toán cho các đơn vị trực thuộc, mà VNR không phải đơn vị trực thuộc của Bộ GT-VT. 

Cũng theo ông Minh, Nghị quyết 87 của Quốc hội nêu rõ tiếp tục cơ chế giao vốn bảo trì đường sắt cho Bộ GT-VT. Bộ GT-VT giải thích rằng "tiếp tục" nhưng không có câu là "giao cho VNR", dù nhiều ý kiến khác cho rằng "tiếp tục là tiếp tục giao cho VNR”.

Trong khi các bộ ngành còn đang “bận” tranh cãi chuyện giao dự toán ngân sách thì các doanh nghiệp ngành đường sắt lại không có tiền để trả cho nhân viên, buộc VNR phải tạm ứng tiền trả lương. Dù vậy, ông Minh cho biết việc tạm chi trả tiền để duy trì hoạt động này chỉ là tạm thời, không thể duy trì mãi được. Nếu đến tháng 3/2020 việc giao dự toán ngân sách chưa được thực hiện, hoạt động chạy tàu trên toàn quốc có thể phải tạm dừng vì không có ai tuần đường, gác chắn.

Hạ tầng ngành đường sắt hiện nay rất lạc hậu.

Mắc vì cơ chế

Ngày 14/11/2019, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 87/2019/QH14 về phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020 trong đó có quy định “tiếp tục cơ chế giao dự toàn ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia trong dự toán ngân sách nhà nước cho Bộ GT-VT”. Như vậy, Nghị quyết của Quốc hội đã cho phép Bộ GT-VT tiếp tục giao dự toán chi ngân sách thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam như những năm trước. Nếu cứ như thế thì không có gì đáng nói. 

Nhưng ngày 20/12/2019, Bộ GT-VT đã ban hành văn bản thông báo dự toán thu chi ngân sách năm 2020 về lĩnh vực đường sắt, trong đó Bộ GT-VT giao cho Cục Đường sắt Việt Nam (Cục ĐSVN) tổ chức triển khai dự toán chi ngân sách để thực hiện công tác quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia. 

Lý do không giao vốn trực tiếp cho VNR được lãnh đạo Bộ GT-VT lý giải rằng: VNR đã chuyển quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, không còn là đơn vị trực thuộc Bộ GT-VT nên không phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước và Nghị quyết số 87 không nêu rõ đối tượng được giao dự toán ngân sách Nhà nước là Tổng công ty nên khi triển khai thực hiện đã dẫn tới khó khăn, vướng mắc.

Theo Chủ tịch VNR Vũ Anh Minh, việc giao dự toán ngân sách Nhà nước cho Cục ĐSVN, sau đó Cục ĐSVN ký hợp đồng đặt hàng với VNR thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia do Nhà nước đầu tư là không phù hợp với nguyên tắc cơ bản trong hoạt động đường sắt tại quy định tại Luật Đường sắt. 

Cục ĐSVN hiện chỉ có 106 định biên (đa số là cán bộ văn phòng và lực lượng thanh tra an toàn giao thông đường sắt), không thể có đủ nhân sự để tổ chức quản lý, triển khai, thực hiện dự toán và quản lý chất lượng bảo trì công trình xây dựng theo quy định của Chính phủ bao gồm quản lý với khối lượng hoạt động kinh tế đường sắt diễn ra hàng ngày trên phạm vi toàn mạng. Nếu bổ sung đủ nhân lực cho Cục ĐSVN sẽ cần tới hàng nghìn công chức, việc này sẽ làm phát sinh ngân sách và trái với tinh thần Nghị quyết số 39 năm 2015 của Ban chấp hành Trung ương về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức.

Không những thế hiện nay không có quy định pháp luật nào phù hợp để Cục ĐSVN ký hợp đồng đặt hàng với VNR do Tổng công ty chỉ có chức năng tổ chức quản lý tài sản và quản lý công tác bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt (chủ đầu tư), chức năng thực bảo trì (nhà thầu) là 20 công ty cổ phần do VNR nắm giữ cổ phần chi phối, và nếu VNR ký hợp đồng đặt hàng thì cũng không thể ký tiếp hợp đồng với các công ty cổ phần đường sắt do Luật Đấu thầu và Nghị định số 32/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên, không có quy định về trường hợp nhà thầu được phép ký lại toàn bộ khối lượng hợp đồng đặt hàng cho các đơn vị khác tiếp theo. 

Mặt khác, do nguồn kinh phí mới đáp ứng được 40% định mức kinh tế-kỹ thuật nên cũng không thể tổ chức đấu thầu để lựa chọn các nhà thầu khác theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp Cục ĐSVN ký hợp đồng đặt hàng trực tiếp với các công ty cổ phần đường sắt, thông tin tín hiệu đường sắt  thì Cục ĐSVN lại không phải là cơ quan quản lý tài sản, không đủ lực lượng, cơ cấu tổ chức để đứng ra đặt hàng.

 Nếu thuê lại VNR thì chưa có quy định cụ thể về nghĩa vụ, trách nhiệm, cũng không có các quy định pháp luật quy định cơ chế để Cục ĐSVN thuê các Ban quản lý dự án khi tổ chức đặt hàng bảo dưỡng thường duyên kết cấu hạ tầng đường sắt Việt Nam. Với phương án này, VNR sẽ không thể tổ chức quản lý tài sản đường sắt khi không được giao nguồn vốn bảo trì.

Ngành Đường sắt đứng trước nguy cơ dừng chạy tàu trong tháng 3.

Theo ông Vũ Anh Minh, hiện nay VNR đang trực tiếp quản lý tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt Quốc gia và đã có một hệ thông đồng bộ để quản lý, giám sát, kiểm tra công trình thường xuyên, định kỳ. 

Hệ thống quản lý này bao gồm 11.315 người, trong đó có 1.241 lao động tuần cầu, tuần đường, tuần hầm để đánh giá an toàn chịu lực và an toàn vận hành công trình, 915 lao động gián tiếp thực hiện nhiệm vụ lập kê shoach và dự toán kinh phú bảo trìn công trình, quản lý chất lương bảo trì, khai thác…; 6.278 lao động thực hiện bảo trì và quản lý chất lượng công việc bảo trì, ngoài ra còn có 2.881 lao động làm nhiệm vụ gác chắn đường ngang, gác hầm, gác cầu để đảm bảo an toàn chạy tàu. 

Cùng với đó, do hệ thống đường sắt Việt Nam hiện nay là đường đơn, trong khi đó kinh phí bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt hàng năm chỉ cân đối được khoảng 40% định mức tính nên chưa có km đường sắt nào đạt cấp kỹ thuật. 

Đa số tài sản hạ tầng đường sắt đã được xây dựng, đưa vào sử dụng từ 50-100 năm, cùng sự thiếu hụt trong thời gian dài về kinh phí bảo trì nâng cấp nên chất lượng kỹ thuật rất lạc hậu, chắp vá. Vì vậy công tác tổ chức thi công bảo trì, nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng đường sắt cần được phải thực hiện đồng bộ, nhịp nhàng trong khoảng thời gian giãn cách giữa 2 chuyến tàu theo biểu đồ chạy tàu được chỉ huy  điều hành giao thông  vận tải tập trung, thống nhất, chính xác, khoa học. 

Do đó, công tác quản lý, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt Quốc gia đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, giải quyết sự cố, tai nạn, thiên tai, bão lụt và bảo vệ hành lang ATGT đường sắt đều phải gắn liền với quyền và trách nhiệm của đơn vị điều hành giao thông vận tải đường sắt là VNR. Do đó việc giao dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2020 về bảo trì do Nhà nước đầu tư cho VNR phù hợp với các quy định pháp luật.

Tuy nhiên, đã gần 2 tháng trôi qua (so với mốc thời gian quy định 1-1-2020), việc ký hợp đồng đặt hàng cung cấp dịch vụ bảo dưỡng thường xuyên kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia sử dụng nguồn vốn ngân sách vẫn chưa được Bộ GT-VT thực hiện giao cho VNR để triển khai công việc kịp thời, đặc biệt là cấp bách đảm bảo an toàn chạy tàu, đảm bảo giao thông đường sắt thông suốt.

Sẽ đưa VNR về lại Bộ GT-VT?

Trước những vướng mắc này, ông Nguyễn Cao Lục - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng cho biết, Thủ tướng Chính phủ  đã chỉ đạo Bộ GT-VT và VNR phải đảm bảo tuyệt đối an toàn và giao thông đường sắt thông suốt trong mọi trường hợp. 

Theo ông Lục, những khó khăn vướng mắt và VNR nêu ra đã được đặt trên bàn của Chính phủ, đề nghị Bộ GT-VT và SCIC có báo cáo thêm nhưng việc cấp bách là phải giao kế hoạch vốn cho VNR. Những gì vướng luật phải kiến nghị sửa luật. Nếu cần thiết tho VNR quay lại Bộ GT-VT để đảm bảo hiệu quả trong quản lý điều hành.

Nhật Uyên
.
.
.