Ngành giáo lên hương

Thứ Sáu, 08/12/2017, 13:54
Ðã khá lâu tôi mới gặp lại thằng Linh, bạn nối khố từ thuở nhỏ. Ngày xưa, nó và tôi ở sát nhà nhau, cùng nghèo cùng khổ như nhau. Nhà nó ngày 2 bữa ăn củ mì, còn nhà tôi ăn củ mì ngày 2 bữa, nước cũng uống chung một cái giếng đầu làng.


Thế nhưng tôi thì học như me dốt, còn nó học hành sáng dạ, năm nào cũng được tuyên dương, lĩnh thưởng.

Vì dốt nên tôi học tới lớp 9 thì nghỉ ở nhà phụ giúp gia đình. Còn nó cứ học mãi học mãi. Nghe đâu nó đã thi đỗ Đại học Sư phạm rồi ra đi dạy.

Tôi nghỉ học sớm ở nhà làm nông, sau đó lại đi rừng. Lên rừng thấy lá chít, cây đót nhiều tôi nảy ra sáng kiến đi buôn lá chít, rồi lại làm chổi đót bán.

Nghề nghiệp đơn giản vậy mà tôi phất lên trông thấy, đúng như ông bà bảo: “Phi thương bất phú”, tức đã thương thì phải phú! Chẳng bao lâu, tôi đã tậu được một cái biệt phủ lớn nhất nhì tỉnh.

Còn thằng Linh, cách đây chừng 5 năm tôi có gặp nó ở một cuộc họp lớp. Dáng nó vẫn khắc khổ như ngày nào, do ngành giáo lương thấp, lại dạy ở vùng sâu vùng xa không có chuyện “chạy trường chạy lớp”...

Thế mà hôm nay gặp lại, thấy nó đổi tướng hẳn: ăn mặc bảnh bao, dáng vẻ đường bệ…

Tôi vừa bắt tay nó vừa hỏi: “Sao mày dạo này trông oách thế?!”.

Thằng Linh nhếch mép: “Chuyện nhỏ mà. Nói chung nhờ ngành của tao nay đang lên hương”.

“Ủa! Mày không còn làm ngành giáo nữa hả?”, tôi ngạc nhiên.

“Còn chứ, nhưng ngành giáo của tao giờ rất hot”, nó đáp.

Thấy tôi vẫn trợn tròn mắt không tin, thằng Linh bắt đầu giải thích.

Nó cho biết mãi đến gần đây ngành giáo của nó đúng là vẫn rất bết bát, lương công chức bèo bọt, sinh viên ngành sư phạm ra trường vẫn không thể tìm được việc, có đứa tốt nghiệp thủ khoa vẫn phải về nhà nuôi lợn...

Thế nhưng, gần đây nhiều nước biết được thành tựu giáo dục của chúng ta và đều phục sát đất. Thứ nhất, họ thấy công tác “phổ cập” giáo dục của nước ta quá ư hoành tráng, đến nỗi xe ôm cũng đa phần có bằng đại học. Rồi trong khi nhiều lãnh đạo nước ngoài học hành không tới nơi tới chốn, như ông thủ tướng gì ở Áo còn chưa tốt nghiệp đại học, thì các quan chức của chúng ta ai cũng có hai ba bằng thạc sĩ, tiến sĩ...

Nhưng điều khiến họ phục sát đất, chính là cái sự tuổi trẻ tài cao của con em chúng ta: Con cái nhiều quan chức mới mười chín đôi mươi mà nhiều người đã nắm lượng tài sản khổng lồ. Như cái cô gì đó mới 19 tuổi mà đã xây được cả một biệt phủ hoàng tráng, rộng gần 3.000m2 ngay tại một thành phố lớn; hay một anh thuộc thế hệ 9x mà đã sở hữu gần 1.000 hécta đất ở khu vực chuẩn bị xây sân bay mới...

Thằng Linh cho biết hiện nhiều nước đã cử các phái đoàn qua học tập kinh nghiệm về giáo dục ở ta. Không chỉ vậy, số lượng con em các tỷ phú ở khắp nơi trên thế giới đăng ký du học tại nước ta đang tăng cao và đột ngột như lũ thủy điện.

Thế thì người làm ngành giáo như nó kiểu gì mà chả phất?!

Út Ngông
.
.
.