Ngành khoa học cơ bản khó tuyển được học sinh giỏi

Thứ Ba, 13/08/2019, 21:06
Đợt I tuyển sinh đại học (ĐH) đã kết thúc với 49% trường ĐH tuyển đủ chỉ tiêu trở lên; 61% trường ĐH tuyển được từ 70% trở lên so với chỉ tiêu và 26% số trường tuyển được dưới 50% chỉ tiêu; chỉ có 7% số trường không có thí sinh trúng tuyển, không tham gia lọc thí sinh ảo.


Trong khi điểm xét tuyển tăng mạnh ở khối trường sư phạm, y dược, kỹ thuật và kinh tế, thì tại các ngành khoa học cơ bản chỉ dao động ở mức 16 - 17 điểm mà vẫn khó tuyển. Làm thế nào để tuyển được học sinh giỏi vào các ngành khoa học cơ bản? Phóng viên Chuyên đề Cảnh sát toàn cầu có cuộc trao đổi với GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN).

PV: Thưa GS, qua thực tiễn tuyển sinh từ các trường thành viên của ĐHQGHN, ông có nhận xét gì về bức tranh tuyển sinh năm nay?

GS Nguyễn Đình Đức: Năm nay ĐHQGHN có gần 120.000 nguyện vọng và hơn 10.000 chỉ tiêu, chúng tôi đã đạt được mục tiêu tuyển đúng, tuyển đủ, có chất lượng tốt. Điểm chuẩn cao nhất khối D là 35,5 điểm, tăng 2,5 điểm; khối C cao nhất là 28,5 điểm (ngành Đông phương), cũng tăng 2,5 điểm so với 2018; khối A cao nhất là 25,85 điểm (Công nghệ thông tin). Những ngành “hot”, ngành có nhu cầu cao, có điểm đầu vào đều tăng 2 – 2,5 điểm, đây là tín hiệu đáng mừng. 

Những khối ngành khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và nhân văn duy trì ở mức ổn định, với điểm thấp nhất là 16. ĐHQGHN là một trường đa ngành, đa lĩnh vực, có ngành có định hướng nghề nghiệp như công nghệ, kinh tế, luật, ngoại ngữ, y dược…, có đầu vào với điểm rất cao, số lượng đăng ký nhiều. 

Ngành kỹ thuật điều khiển tự động hóa năm nay mới mở, riêng nguyện vọng 1 đã có khoảng 2.500 thí sinh đăng ký xét tuyển, điểm đầu vào từ 24 điểm, rất cao, cho thấy xu thế hiện nay khi chúng ta hay nói đến cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, nghe thì xa xôi nhưng đã tác động đến tâm lý và xu hướng chọn ngành nghề thí sinh. Thí sinh đã lựa chọn ngành để hướng tới việc ra trường có kỹ năng, tay nghề.

GS Nguyễn Đình Đức.

PV: Nhưng theo tôi biết, những ngành khoa học cơ bản đang rất chật vật để tuyển đủ chỉ tiêu, ông đánh giá thế nào về thực tế này?

GS Nguyễn Đình Đức: Đây là điều làm tôi và nhiều chuyên gia tuyển sinh rất day dứt, khi những ngành khoa học cơ bản – dù là trụ cột trong những ngành khoa học, lại rất khó tuyển sinh. Trước kia ngành Toán, Hải dương học tuyển được em 17 điểm, nhưng lại tuyển được cả em 24, 25 điểm, là mức điểm rất cao. 

Tuy nhiên, với chính sách tuyển sinh như bây giờ, tuyển không giới hạn nguyện vọng, có mặt tích cực là thí sinh được quyền lựa chọn vào những ngành các em yêu thích, nhưng mặt hạn chế là sẽ vô cùng khó khăn cho những ngành khoa học cơ bản, bởi rất ít thí sinh đăng ký, dù điểm chuẩn rất thấp. Thực tế này buộc chúng ta phải nghĩ đến các chính sách hỗ trợ cho những ngành này để thu hút thí sinh, như chính sách học bổng ưu đãi chẳng hạn.

PV: Những ngành khoa học cơ bản khó tuyển, gây ra những hệ lụy như thế nào, thưa GS?

 GS Nguyễn Đình Đức: Khoa học cơ bản là trụ cột cho phát triển khoa học. Tôi lấy ví dụ ở Đại học Tokyo (Nhật Bản), một trong những trường đại học hàng đầu thế giới, họ cũng đào tạo tất cả những ngành khoa học cơ bản như Toán, Vật lý, Hải dương học, nhưng đào tạo thành cử nhân khoa học (nghĩa là sinh viên của họ có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực), còn chúng ta chỉ dừng ở đào tạo cử nhân Toán, cử nhân Vật lý, cử nhân Hải dương học, bị bó hẹp. Do đó, tôi nghĩ Nhà nước cần phải đầu tư đào tạo như các trường ĐH ở các nước phát triển.

Nhưng mặt khác, các trường ĐH cũng phải đổi mới, bởi nếu chỉ khoa học cơ bản không thôi thì không thu hút được người học, phải trên cơ sở nền tảng khoa học cơ bản ấy, có định hướng nghề nghiệp ứng dụng để sinh viên ra trường tăng thêm kỹ năng. 

Vừa rồi, Ban Đào tạo của ĐHQGHN có khảo sát trên 3.000 sinh viên, thì nhận được kết quả là sinh viên họ mong muốn tăng cường thực hành thực tế trong tất cả các chương trình đào tạo, tôi cho rằng, đây là mong muốn không chỉ của riêng sinh viên ĐHQGHN (sinh viên Việt Nam có kỹ năng xếp thứ 131/140 trường đại học khu vực ASEAN). Như vậy, các trường ĐH buộc phải đổi mới chương trình đào tạo, gắn học với hành, lý luận phải gắn với thực tiễn, để sinh viên ra trường bắt tay làm việc được ngay. 

Điều này còn đòi hỏi một chính sách tổng thể của Nhà nước, một mình trường đại học không thể làm được hết. Nguồn kinh phí từ học phí cũng không thể đủ được, phải có doanh nghiệp cùng tham gia. Ở nước ngoài, để đào tạo một kỹ sư, họ cấp học bổng trong suốt quá trình học, ký kết với doanh nghiệp đảm bảo đầu ra cho kỹ sư đó. Còn ở Việt Nam, mới lác đác có trường thực hiện như vậy, còn đại đa số sau khi ra trường, sinh viên tự bơi.

Thí sinh hiện đã chọn ngành nghề theo hướng thực dụng hơn, phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

PV: Năm nay, nhiều trường tốp dưới có mức điểm chuẩn rất thấp, cùng một ngành nhưng điểm chuẩn giữa hai trường ở hai tốp rất chênh lệch, thậm chí hơn kém nhau xấp xỉ 10 điểm. Theo ông điều này có ảnh hưởng gì đến quá trình đào tạo?

GS Nguyễn Đình Đức: Việc này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập của sinh viên, đành rằng chất lượng đầu vào chưa nói lên tất cả, vì còn phụ thuộc vào quá trình học tập. Ở ĐHQGHN, có em điểm đầu vào không quá cao, nhưng quá trình học họ được gặp thầy tốt, có môi trường nghiên cứu tốt nên họ lại thành công. Chất lượng đào tạo còn phụ thuộc vào quy trình quản lý đào tạo, cơ sở vật chất, kỹ năng quản lý sinh viên. 

Thí sinh đăng ký khối A mà điểm Toán thấp thì học những ngành khoa học cơ bản như Công nghệ thông tin, Tin học cơ sở, Toán cao cấp sẽ rất khó khăn, đương nhiên sẽ ảnh hưởng chất lượng đào tạo. Những trường đầu vào không tốt, sinh viên ra trường không có đầu ra, buộc các trường phải đổi mới. Có thể đổi mới bằng nhiều cách, tuyển số lượng ít đi, có sự hỗ trợ của các bộ, ngành, hoặc cho sinh viên có cơ hội được đào tạo bằng kép, mở thêm ngành nghề mới phù hợp với nhu cầu của thị trường.

PV: Mặt trái của việc cho thí sinh đăng ký xét tuyển không giới hạn nguyện vọng là rất nhiều em không đỗ ĐH theo nguyện vọng 1, là nơi gửi gắm nhiều kỳ vọng nhất, dẫn đến chất lượng đào tạo sau 1 năm không tốt. Theo GS, chúng ta có nên duy trì việc này?

GS Nguyễn Đình Đức: Với chính sách tuyển sinh như hiện nay, tôi đánh giá là thành công khi giảm áp lực cho xã hội, nhàn cho cả thí sinh, người nhà thí sinh và nhàn cho các trường đại học. Nhưng có một thực tế là nhiều em đỗ không đúng ngành nghề nên sinh ra chán học và ở nhiều trường đã xảy ra hiện tượng hết năm thứ nhất, các em bỏ học rất nhiều. Đây là một sự lãng phí thời gian, là điều chúng ta phải suy nghĩ để khắc phục trong thời gian tới. 

Để tránh hiện tượng này thì cơ chế và chính sách tuyển sinh phải hoàn thiện hơn nữa vì rõ ràng, tuyển sinh tạo điều kiện cho các trường tự chủ, tự quyết định, điều đó đã thực sự hợp lý chưa, trong khi vẫn cần một thước đo then chốt để quản lý. Trong cơ chế tự chủ hiện nay của các trường ĐH ở Việt Nam, lấy gì làm then chốt? Tôi vẫn trăn trở, làm thế nào để giáo dục ĐH của chúng ta tuyển sinh một cách thực chất hơn. 

Trước kia vào ĐH rất khó, rất chặt chẽ, giờ tự chủ ĐH, chỉ tiêu tuyển sinh hơi bị tràn lan. Tôi mong Bộ GD & ĐT có giải pháp mạnh tay hơn để khống chế, đánh giá đúng thực lực của các trường, trường đào tạo đến đâu thì giao chỉ tiêu đến đấy, để tái cấu trúc lại hệ thống các trường ĐH, giúp giáo dục ĐH Việt Nam thực sự hội nhập với thế giới.

PV: Có thí sinh trúng tuyển ĐH nhưng đã từ chối ngưỡng cửa ĐH để đi học nghề. GS có suy nghĩ gì trước hiện tượng này?

GS Nguyễn Đình Đức: Khi nhận được thông tin này, tôi lại đánh giá rất tích cực. Tôi đã đi nhiều nước và thấy một kỹ sư lành nghề rất dễ xin việc với mức lương khá cao. Ở Việt Nam cũng vậy thôi, kỹ sư ra trường nếu như không có năng lực thì mức lương rất thấp, còn nếu một thợ lành nghề thì lại làm không hết việc. Ở nhiều thành phố lớn vẫn nặng nề tâm lý phải vào ĐH, nhưng ở một số địa phương, phụ huynh đã định hướng cho con cái đi theo nghề nghiệp, điều này sẽ ảnh hưởng trở lại tới chính sách xét tuyển ĐH hiện nay.

PV: Xin trân trọng cảm ơn GS!

Điểm chuẩn của các trường CAND ở mức khá so với mặt bằng

Đánh giá về công tác tuyển sinh của các trường CAND, Thiếu tướng, GS.TS Bùi Minh Giám, Cục trưởng Cục Đào tạo, Bộ Công an cho biết, công tác tuyển sinh của các trường CAND năm 2019 từ khi sơ tuyển tại địa phương đến khi duyệt phương án điểm chuẩn và công bố điểm chuẩn đều diễn ra nghiêm túc, đúng quy chế của Bộ GD & ĐT và quy định của Bộ Công an. Đánh giá việc số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển vào các trường CAND năm nay giảm mạnh, Thiếu tướng Bùi Minh Giám khẳng định “không có gì bất thường, cũng tương đồng với các trường khác vì thí sinh có quyền lựa chọn phương án tối ưu phù hợp với khả năng thực sự của mình”.

Ban đầu, số lượng thí sinh đăng ký vào trường CAND “ảo” khá lớn, nhưng đến ngày cuối cùng chốt nguyện vọng đăng ký xét tuyển, thí sinh lại đăng ký ít hơn, do các em đã cân nhắc nhận thấy điểm chuẩn vào các trường CAND tương đối cao, nhiều em đã chọn hướng xét tuyển dân sự. Theo đánh giá của Thiếu tướng Bùi Minh Giám, điểm chuẩn của các trường CAND năm nay không cao hẳn như những năm trước nhưng ở mức khá, điều này không có gì bất thường. “Sắp tới, các thí sinh sẽ nhập trường, các em phải xác định nhiệm vụ học tập khác với ngành ngoài, đó là học tập trung, chính quy, vũ trang nên vất vả. Các em phải xác định tinh thần vững vàng để học tập tốt nhất, đáp ứng được quy định, quy chế, nội quy của các trường CAND”, Thiếu tướng Bùi Minh Giám chia sẻ.

Thu Phương (thực hiện)
.
.
.