Ngành vận tải "khốn đốn" vì virus Corona

Thứ Sáu, 14/02/2020, 12:56
Dịch viêm phổi do virus Corona gây ra đang tác động tiêu cực đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế, xã hội, trong đó ngành vận tải cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, dù thiệt hại hàng nghìn tỷ đồng thì công tác phòng chống dịch vẫn không hề bị lơ là. Hành khách nhập cảnh tại các cửa khẩu đường bộ, đường thủy, hàng không đều được kiểm soát y tế chặt chẽ.

Hàng không Việt thiệt hại tới 10.000 tỷ đồng

Đến thời điểm này, có tới hơn 50 hãng hàng không đã tạm dừng các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc đại lục. Nhiều hãng hàng không cắt giảm đường bay đến Trung Quốc như: Cathay Pacific, Singapore Airlines, Silk Air, Air Newzealand...

Nhiều quốc gia đã ban hành lệnh cấm hoặc tạm thời cấm các chuyến bay đi - đến Trung Quốc như: Indonesia, Pakistan... Một số quốc gia khác như Singapore, Australia, Đài Loan, Nhật Bản, Mỹ... đã cấm nhập cảnh những người nước ngoài đã đến Trung Quốc trong 14 ngày. Hàng không Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Khách đi tàu cũng thưa dần theo cao điểm của dịch.

Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam, trước khi có dịch viêm phổi do virus Corona, thị trường hàng không Việt Nam-Trung Quốc có 14 hãng của cả hai nước tham gia khai thác, trong đó có 11 hãng Trung Quốc (tổng tần suất 240 chuyến/chiều/tuần) và 3 hãng nội địa gồm Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air (khai thác 72 đường bay từ 5 điểm tại Việt Nam đến 48 điểm tại Trung Quốc với tổng tần suất 276 chuyến/chiều/tuần thường lệ và 145 chuyến/tuần/chiều không thường lệ). Một thống kê khác, năm 2019, lượng khách trên các đường bay giữa Việt Nam-Trung Quốc đạt khoảng hơn 7,5 triệu khách trong đó hơn 4,6 triệu là do các hãng hàng không trong nước vận chuyển.

Sau khi có thông tin về dịch viêm phổi do virus Corana, từ ngày 23-1-2020, Cục Hàng không Việt Nam đã công bố hủy toàn bộ phép bay khai thác từ Việt Nam đi, đến Vũ Hán và đến ngày 1-2-2020 thì hủy toàn bộ phép bay đã cấp và không cấp phép bay mới cho các hãng hàng không hai nước khai thác các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc. Việc cấp phép mới chỉ được thực hiện sau khi được chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

Một tuần sau khi dừng khai thác đường bay đi đến Trung Quốc, từ ngày 1 đến 7-2-2020, tổng thị trường vận chuyển hàng không Việt Nam đạt 1,95 triệu khách, giảm 4,5% so cùng kỳ năm 2019, trong đó riêng thị trường quốc tế giảm 14,1%. Sản lượng vận chuyển của các hãng không Việt Nam đạt 1,06 triệu khách, giảm 4%, trong đó vận chuyển quốc tế giảm 28% so cùng kỳ năm 2019.

"Ngay giữa cao điểm Tết mà thị trường còn sụt giảm. Điều này là minh chứng rõ nhất những thiệt hại mà thị trường hàng không Việt Nam phải gánh chịu do dịch. Sơ bộ cho thấy, thiệt hại ban đầu của việc dừng các đường bay này của các hãng hàng không Việt Nam lên tới khoảng hơn 10.000 tỷ đồng", Cục Hàng không Việt Nam nhận định.

Với các hãng hàng không, năm 2019, mức lãi mà Vietnam Airlines công bố cũng chỉ đạt hơn 3.300 tỷ đồng. Con số này của Vietjet là hơn 5.000 tỷ đồng. Việc dừng khai thác đến Trung Quốc của các hãng hàng không giữa hai nước cũng gây ảnh hưởng lớn đến Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) giảm sản lượng chuyến bay điều hành cũng như lượng khách qua cảng.

Những nguy cơ sụt giảm doanh thu, lợi nhuận, đã phản ánh ngay trên thị trường chứng khoán khi mã cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines trong giai đoạn từ ngày 30/1 - 6/2 đã giảm giá tới 6.600 đồng, tương đương mức giảm 20,12% giá trị. Điều này đồng nghĩa 1/5 vốn hóa thị trường, tương ứng hơn 9.300 tỷ đồng của Vietnam Airlines đã bốc hơi chỉ trong một tuần.

Ông Dương Trí Thành, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines, cho biết đường bay Trung Quốc chiếm 10% thị phần bay của Vietnam Airlines. Do đó, việc tạm dừng các chuyến bay của hãng đến/đi từ Trung Quốc sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến 70.000 du khách di chuyển mỗi tháng giữa hai quốc gia, chưa kể khách nối chuyến qua Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng".

Ông Thành cũng đưa ra kế hoạch theo giả định thị trường sẽ phục hồi vào tháng 7-2020. Vietnam Airlines dự đoán trường hợp xấu nhất dịch bệnh do virus Corona có thể gây ra cho hãng thiệt hại tài chính lên tới 196 triệu USD.  Tương tự, trong giai đoạn từ ngày 30/1 - 6/2, cổ phiếu VJC của Vietjet Air đã giảm 19.500 đồng, tương đương mức giảm 12,97% giá trị, tương đương giá trị hóa giảm 10.300 tỷ đồng.

Mã cổ phiếu ACV của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam cũng đã mất 13,24% giá trị cổ phiếu trong tuần qua, cụ thể là giảm 9.000 đồng trong giai đoạn từ ngày 30/1- 6/2, khiến doanh nghiệp mất gần 20.000 tỷ đồng vốn hóa trên sàn chứng khoán.

Để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các hãng hàng không duy trì hoạt động khai thác, vượt qua khó khăn trong gian đoạn này, Cục Hàng không Việt Nam đã kiến nghị Bộ GT-VT báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế giảm giá dịch vụ hàng không do Nhà nước quản lý (giá dịch vụ điều hành bay đi - đến, hạ/cất cánh) cũng như chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hàng không có các biện pháp giảm giá, phí do doanh nghiệp quyết định cho các hãng hàng không Việt Nam.

Cơ quan này cũng khuyến khích các hãng hàng không và các nhà cung cấp dịch vụ hàng không (ACV, VATM...) chủ động thảo luận, hiệp thương để điều chỉnh các mức giá dịch vụ cũng như giãn tiến độ thanh toán giá dịch vụ phù hợp.

Doanh nghiệp vận tải đường bộ lo phá sản

Không chỉ có ngành hàng không khốn đốn, ghi nhận của phóng viên những ngày gần đây cho thấy, lượng khách tại các bến xe khách lớn của Hà Nội như: Gia Lâm, Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình những ngày gần đây rất vắng. Có xe xuất bến chỉ lèo tèo vài khách, thậm chí có xe chỉ vẻn vẹn 2 người là… lái xe và phụ xe.

Ngành Hàng không kiểm soát chặt hành khách qua sân bay.

Một chủ doanh nghiệp có 4 xe chuyên chạy tuyến Vinh - Hà Nội lo ngại: "Cứ đà dịch bệnh kéo dài thế này, doanh nghiệp sẽ lỗ nặng. Chi phí tiền xăng dầu, lơ lái, phí cầu đường mỗi chuyến mất 3 triệu đồng. Trong khi, hiện mỗi chuyến chỉ có 5-7 khách, nhân với giá vé 200.000 đồng/lượt thì chúng tôi phải bù lỗ một nửa".

Ông Nguyễn Anh Toàn - Giám đốc Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết: "Sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán, lượng khách về bến xe Giáp Bát, Mỹ Đình, Gia Lâm chỉ bằng 1/3 so với cùng kỳ các năm trước đây. Đây là tình trạng chung của các bến xe trên địa bàn Hà Nội, một số nhà xe còn phản ánh rằng, hiệu số ghế chỉ đạt 10/% khi xuất bến". 

Với các hãng taxi cũng không khá hơn. Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, do người dân hạn chế tối đa việc đi lại nên các hãng taxi ở Hà Nội sụt giảm khoảng 30 - 40% doanh thu, đơn cử một doanh nghiệp lớn trước đây có khoảng 10.000 cuộc gọi đặt xe/ngày thì đến nay con số này giảm xuống còn khoảng 3.500 cuộc.

"Ngành vận tải là xương sống của nền kinh tế, trong lúc khó khăn, Nhà nước cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất, giãn thời gian trả nợ; xem xét miễn giảm thuế VAT; kéo dài thời gian cho doanh nghiệp chậm nộp bảo hiểm xã hội và không thu lãi", ông Hùng đề xuất.

Bên cạnh đó, mới đây Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội cũng đã có đơn kiến nghị các giải pháp giải cứu gửi Quốc hội, Chính phủ và các đơn vị liên quan vì ảnh hưởng của dịch bệnh do virus Corona gây ra đối với các doanh nghiệp vận tải. Theo đó, Hiệp hội Vận tải Hà Nội đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng, tổ chức tín dụng cho giãn nợ, hạ lãi suất cho vay đối với các hợp đồng vay vốn để đầu tư phương tiện vận tải hoặc đang thế chấp tại tổ chức cho vay vốn. Hiệp hội cũng kiến nghị giảm từ 3% - 5% phí tại các trạm BOT đối với các phương tiên chở hàng từ 5 tấn trở lên và các phương tiện chở khách từ 16 chỗ trở lên để tiết giảm chi phí vận tải...

Đường sắt dừng hoạt động nhiều đoàn tàu

Ngành Đường sắt cũng buộc phải dừng chạy các mác tàu Thống Nhất tăng cường, kết thúc sớm chiến dịch vận tải Tết. Riêng Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, đến ngày 10-2 đã phải bỏ 26 chuyến tàu, từ ngày 10-2 phải bỏ một số mác tàu khu đoạn đang chạy thường xuyên hằng ngày vốn là tàu du lịch đông khách như tàu SQN1/2 (Sài Gòn - Quy Nhơn), còn tàu SPT1/2 (Sài Gòn - Phan Thiết) chỉ chạy dịp cuối tuần. Chỉ tính từ ngày 25-1-2020 đến ngày 8-2-2020, số lượng hành khách giảm so với cùng kỳ năm 2019 là 37.000 lượt, tương ứng giảm 17,3 tỷ đồng.

Bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, cho biết lượng vé trả trong dịp Tết Nguyên đán khi có thông tin dịch virus Corona là 26.630 vé, tổng số tiền trả vé hơn 13 tỷ đồng. Do lượng hành khách đi tàu sụt giảm mạnh, Công ty phải dừng chạy 6 đôi tàu khách Thống nhất, hằng ngày ngừng chạy một đôi tàu SP1/2 trên tuyến Hà Nội - Lào Cai từ ngày 1/2.

Doanh thu vận tải hành khách tháng 2 và tháng 3 dự kiến chỉ đạt được 50% so với cùng kỳ. Không chỉ thiệt hại nặng nề về vận tải hành khách, theo bà Hà, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cũng bị ảnh hưởng về vận tải hàng hóa liên vận qua Trung Quốc và ngược lại do buộc phải khai thác tàu qua cửa khẩu Lào Cai, Đồng Đăng trong khi chờ phương án chạy tàu của các cơ quan chức năng.

Nhằm thu hút khách đi tàu, giảm thiểu thiệt hại, bà Hà cho biết, một mặt ngành Đường sắt tăng cường nhiều biện pháp khử trùng, phòng dịch trên tàu, dưới ga, mang lại cảm giác an toàn cho khách đi tàu. Mặt khác thực hiện ngay các chính sách giảm giá vé trên các đoàn tàu tuyến Bắc - Nam, giảm mức phí đổi, trả vé cho học sinh, sinh viên, nhất là đối với các khu đoạn vốn đông khách như Hà Nội - Vinh…

Phạm Huyền
.
.
.