Ngành Y: Đào tạo đại trà, lợi bất cập hại

Thứ Năm, 03/12/2015, 14:37
Ngành Y là một ngành đặc thù, một nghề được đánh giá cao trong xã hội, bởi vì nó gắn với sinh mệnh của con người. Không có nghề nào cần sự học hành chu đáo, bài bản, nghiêm túc cũng như sự tận tâm đức độ và lòng say mê của người học như ngành Y. Tỷ lệ bác sĩ trên đầu người ở Việt Nam đúng là còn thấp. Chúng ta cần nhiều cán bộ y tế hơn nữa để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân, nhưng điều đó không có nghĩa là mở rộng đào tạo ngành Y một cách đại trà, để rồi cho ra lò những y, bác sĩ tay nghề non kém.

Bởi vì sự non kém tay nghề của một cán bộ trong ngành y tế có thể gây ra những hậu quả khôn lường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người dân. Đó cũng là lý do vì sao việc Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được Bộ Giáo dục Đào tạo cấp phép đào tạo ngành Y - Dược lại gây ra tâm lý hoang mang, lo ngại trong nhân dân những ngày qua. Đây không phải là trang mới của ngành Y - Dược cả nước, đây là một ví dụ điển hình cho việc giáo dục ở ta đã xem nhẹ việc đào tạo ngành Y như thế nào. Chúng ta có hàng vạn cử nhân ra trường thất nghiệp vì chất lượng đào tạo yếu kém, không đáp ứng được đòi hỏi thực tế nhân lực trong xã hội.

Việc đào tạo y, bác sĩ tùy tiện không dựa trên những nền tảng khoa học chắc chắn như đội ngũ thầy và trang thiết bị học tập cũng sẽ chỉ sản sinh ra những lứa cán bộ bằng cấp thì oai nhưng trình độ thì rất có thể sẽ là nỗi kinh hoàng cho người có nhu cầu khám, chữa bệnh. Ở các nước phát triển, đào tạo ngành Y phải trải qua một quy trình cực kỳ nghiêm ngặt. Sinh viên trường y ở đâu cũng được xem là những người ưu tú, có năng lực và hiểu biết. Ở Mỹ, chỉ tiêu đầu vào của ngành Y cực kỳ khó. Người được tuyển chọn phải là những người có học lực giỏi nhất.

Giờ học giải phẫu cơ thể người của sinh viên trường Y (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Chương trình học ở các trường đào tạo ngành Y cũng nặng hơn một số trường khác. Sinh viên phải đọc rất nhiều tài liệu, liên tục thực hành các kỹ năng y học từ đơn giản đến phức tạp trong hệ thống phòng thí nghiệm của nhà trường. Cơ sở vật chất kỹ thuật là điều kiện tiên quyết để rèn giũa tay nghề của sinh viên y khoa. Họ được tiếp xúc với máy móc hiện đại nhất, được thực hành thao tác trên tử thi, trên xác động vật thường xuyên, có thể nói là hằng ngày. Và đặc biệt là đội ngũ những người thầy  giảng dạy ở trường y, luôn là những giáo sư giỏi nhất trong từng lĩnh vực, những người có uy tín trong nhân dân, những người đã đứng đầu các khoa chuyên ngành ở các bệnh viện lớn.

Sinh viên ngành Y học từ máy móc phương tiện, nghiên cứu sách vở và từ những người thầy uyên bác. Họ phải vượt qua những kỳ sát hạch nghiêm ngặt, những bài thi khó khăn trước khi được công nhận trở thành một y sĩ hay bác sĩ. Ngành Y là ngành học tốn kém về chi phí và thời gian học cũng dài hơn các ngành nghề khác. Một số nước phát triển không đào tạo sinh viên nước ngoài trong ngành Y, vì họ muốn tập trung tri thức, kinh nghiệm cho đội ngũ cán bộ bản địa. Gần như chữ cẩn trọng chưa bao giờ bị bỏ quên trong công tác đào tạo ngành Y, vì không một nhà lãnh đạo giáo dục nào dám đùa với sinh mệnh con người.

Ở nước ta, ngoài một số trường đào tạo ngành Y đã trở thành truyền thống và có lịch sử hình thành phát triển lâu dài, việc mở rộng đào tạo đại trà ngành Y trong một số trường không có chức năng chuyên biệt về lĩnh vực này cần phải được cân nhắc. Chỉ khi nào câu chuyện đội ngũ thầy giảng dạy đáp ứng tốt nhu cầu đào tạo ở mức độ cao nhất, chuyên sâu nhất, và cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy cũng tương đồng về chất lượng, thì hãy bắt đầu nhiệm vụ đào tạo sinh viên y khoa. Người dân không tin rằng trong một thời gian ngắn, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội có thể chuẩn bị đủ các điều kiện này cho mùa tuyển sinh đầu tiên.

Nên nhớ rằng, ở các trường đào tạo Y - Dược có truyền thống như Đại học Y Hà Nội cũng còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất. Còn đội ngũ thầy thì chắc chắn là không thể tự dưng mà có, nếu không có một quá trình đào tạo thầy nghiêm ngặt trước đó. Những ai sẽ đứng trên bục giảng để truyền dạy các sinh viên y khoa ở Trường Kinh doanh -Công nghệ sắp tới là vấn đề mà dư luận sẽ còn quan tâm. Không những thế, đầu vào của ngành đào tạo Y khoa của trường cũng sẽ trở thành một dấu hỏi lớn. Người ta sẽ tuyển những sinh viên cho ngành này với thang điểm thế nào, tiêu chí thế nào. 

Cần phải nhớ rằng, sinh viên y khoa ở bất cứ đất nước nào cũng vậy, luôn là những người giỏi nhất, tâm huyết nhất. Vì họ sẽ là những cán bộ liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dân trong tương lai. Nếu bất cập trong công tác đào tạo ở các khâu quan trọng đầu tiên, thì coi chừng việc đào tạo đại trà ngành y có thể gây ra những nguy cơ nghiêm trọng sau này. Những y, bác sĩ được đào tạo yếu kém họ có thể mắc những sai lầm chết người trong khám chữa bệnh, là tai họa của bệnh nhân chứ không phải ân phúc.

Phan Quang Long
.
.
.