"Ngáo" quyền lực

Thứ Bảy, 12/08/2017, 15:02
Chỉ vì đi nhầm đường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình đã xuống xe, chửi bới và tát lái xe đang là câu chuyện khiến dư luận rất bức xúc trong những ngày qua.


Tất nhiên, trong hoàn cảnh đó, lái xe buộc phải "chịu trận", nghĩa là đứng im cho vị giám đốc trút cơn bực tức lên người mình mà không dám có bất cứ một phản ứng gì. Nếu không kiềm chế, nếu không nhịn nhục, giữa lái xe và giám đốc sẽ lao vào nhau xô xát như hai người đàn ông trong cơn tức giận thì không biết hậu quả gì sẽ xảy ra.

Sau tối hôm đó, lái xe đã viết đơn tường trình gửi Chi ủy cơ quan, rồi cơ quan cũng đã báo cáo sự việc lên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy. Gần một tuần sau, vị giám đốc này mới gọi điện, nhắn tin xin lỗi lái xe 3 lần. Tất nhiên, lái xe đã chấp nhận lời xin lỗi dù biết chắc chắn là sẽ có nhiều "sóng gió" đang chờ đợi ở phía trước.

Minh họa của Lê Tiến Vượng.

Vị giám đốc một cơ quan khoa học đầu tỉnh này có thể viện ra nhiều lý do như uống rượu nên khả năng kiểm soát hành vi hạn chế; đang có bực dọc trong người nên khi lái xe nhầm đường đã không thể chịu được và trút cơn tức giận xuống lái xe theo kiểu giận cá chém thớt; bản tính vốn nóng nảy nên chỉ cần một việc nào đó không theo ý mình là sẵn sàng "chan tương đổ mẻ" lên người đã gây ra sự bực tức đó…

Dù có thanh minh, giải trình thế nào đi chăng nữa thì lời nói và hành vi của vị giám đốc thể hiện sự ứng xử rất thiếu văn hóa của một vị lãnh đạo cao nhất cơ quan với một nhân viên dưới quyền. Và từ sự việc này, người ta hoàn toàn có quyền suy luận rằng, với bản tính như thế, anh lái xe chắc chắn không phải là nạn nhân đầu tiên bị xúc phạm, bị chửi bới và ăn tát. Trước anh có thể có những người khác nữa, nhưng vì miếng cơm manh áo, vì muốn yên thân mà họ buộc phải ngậm miệng không dám lên tiếng.

Vị lãnh đạo này không phải cá biệt. Tôi được nghe khá nhiều chuyện khác về một số lãnh đạo lúc nào cũng nóng như lửa, coi nhân viên cấp dưới như rơm rác, chỉ cần làm trái ý họ là sẽ bị chửi bới rất thậm tệ. Chửi nhân viên chưa đủ, họ còn lôi cả 3 đời nhân viên ra mà chửi cho sướng mồm. Khi mọi việc lắng dịu thì các sếp này xoa dịu tình hình bằng việc thanh minh rằng mình nóng nảy, thiếu kiềm chế. Mà người nóng nảy thì "miệng xà tâm phật", nghĩa là nói ra thì tưởng ác chứ… không để bụng điều gì. Để yên phận, nhiều nhân viên phải nuốt nhục vào trong chứ trong thâm tâm, họ thấy mình bị tổn thương rất lớn.

Cán bộ lãnh đạo xét cho cùng, bên cạnh những phẩm chất cần có cho công việc, họ cũng có những thói quen xấu, những hạn chế nhất định và sẽ bộc lộ trong những hoàn cảnh cụ thể. Song, có một nguyên tắc cao nhất mà họ cần phải có, đó là biết lắng nghe và tôn trọng cấp dưới, đừng cho rằng cái tôi của mình luôn phủ lên người khác, đừng nghĩ rằng không có mình thì mọi việc sẽ thất bại và cũng đừng bao giờ ảo tưởng mình là nhân vật trung tâm, không thể thay thế. Người ta gọi những cán bộ lãnh đạo có biểu hiện như thế là "ngáo" quyền lực. Rất tiếc, con số này không phải là ít.

Ở cương vị lãnh đạo, một khi anh không biết lắng nghe, không tôn trọng người khác thì đừng hy vọng có sự hợp tác thành công cũng như không thể có được sự tin tưởng, quý trọng của mọi người.

Tuấn Nguyễn
.
.
.