Ngày 8-3 của Dọoc và câu chuyện tình của Phơi

Thứ Sáu, 08/03/2019, 13:18
Có thể với nhiều người, mong muốn hạnh phúc là được người bạn đời của mình tặng quà ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3. Riêng với Dọoc, người phụ nữ hiện đang sống ở bản Pa Lu, xã A Túc, huyện miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị, hạnh phúc ngày 8-3, đơn giản chỉ là nắm hoa dại mọc ven bìa rừng, do người chồng khuyết tật của chị hái tặng!


Cách đây 14 năm, chị đã phải vượt qua bao sự cản ngăn của người thân, thị phi của bạn bè, hàng xóm, sẻ chia cuộc đời mình với người bạn đời chị yêu thương. Chính tình yêu thương mộc mạc, chân thành ấy đã mang lại cho họ một gia đình, với chồng vợ, con cái luôn đầy ắp trong niềm vui hạnh phúc.

Sau khi đã ngược hơn 80 cây số QL9, Đông Hà lên ngã ba Tân Long (xã Tân Long, Hướng Hóa), rẻ trái đi thêm 40 cây số đường vùng Lìa, chúng tôi vào tới thôn Pa Lu, gặp được gia đình chị Dọoc, anh Phơi; họ vừa xong bữa cơm trưa.

Gia đình hạnh phúc của anh Phơi, chị Dọoc.

Thấy chúng tôi, nghĩ là khách sửa xe, chị Dọoc liền bảo chồng: "Anh nói khách thông cảm ngồi đợi tí rồi làm. Đã 3 trưa nay anh không nghỉ ngơi rồi, mất sức lắm!". Sau khi nghe chúng tôi trình bày, chị Dọoc nhìn sang chồng, cười bẽn lẽn, nói: "Vợ chồng mình có cái chi (cái gì) đặc biệt mô (đâu) mà nhà báo muốn viết. Bọn mình yêu thương nhau thì lấy nhau thôi!".

Chồng Dọoc - anh Hồ Văn Phơi (SN 1979), khi sinh ra không may mắn như bao đứa trẻ bình thường khác; anh bị liệt cả 2 chân, do bị nhiễm chất độc da cam truyền sang từ cả bố và mẹ. "Bố mình là Hồ Xuân Pinh, sinh năm 1937. Bố mình tham gia kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ cứu nước.

Ông chiến đấu chủ yếu ở chiến trường Hướng Hóa giáp với A Lưới, Thừa Thiên- Huế. Sau giải phóng, ông chuyển sang lực lượng Công an, công tác tại Công an Hướng Hóa cho đến lúc nghỉ hưu năm 1989. Mẹ mình là Hồ Thị Viêng, kém bố mình 5 tuổi, cũng tham gia kháng chiến từ nhỏ. Mẹ làm giao liên và gùi cõng lương thực, đạn dược cho bộ đội.

Bố mẹ mình sinh được 3 anh em, nhưng chỉ có em trai mình, Hồ Văn Phong là lành lặn; còn lại chị gái Hồ Thị Dóa và mình đều bị liệt cả 2 chân. Sau này, khi lớn lên mình biết, chị em mình đều bị như vậy, là do hồi xưa cả bố và mẹ mình đều chiến đấu ở các vùng rừng bị Mỹ rải chất độc da cam rất nhiều", anh trầm ngâm chia sẻ.

Bị liệt cả 2 chân, mọi việc đi lại chủ yếu bằng 2 tay, song ngay từ khi còn nhỏ, cậu bé Phơi đã quyết tâm vượt lên số phận. Một hôm, cậu quyết định xin ba mẹ của mình đi học: "Con muốn bố mẹ cho con đi học!".

Người mẹ nghe thế, liền ôm chặt đứa con vào lòng, cố kìm nén nước mắt; người bố thì trầm tư một lúc, rồi nói: "Vào năm học này, bố nhất định sẽ cõng con đến trường!". Nhưng cậu bé rất tự tin đáp lại: "Con tự đi được, bố mẹ còn phải lên nương rẫy để nuôi 3 chị em con. Bố mẹ đừng quá lo cho con, 2 chân con bị liệt, nhưng con vẫn còn 2 tay lành lặn!".

Nói rồi, cậu trổ tài đi một vòng quanh sân bằng 2 tay cho bố mẹ xem. Không ngờ những lúc bố mẹ đi làm nương, cậu ở nhà một mình, âm thầm tập luyện việc đi lại bằng tay để đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa.

Việc cậu bé Phơi mỗi ngày đến trường vượt hơn 4 cây số cả đi lẫn về, khiến bà con ai cũng cảm phục, động viên cậu cố gắng! Song, trong thâm tâm, họ chỉ hy vọng cậu học hết cấp 1. Bởi lẽ, 4 cây số đường rừng núi với người lành lặn đã không ít nhọc nhằn, với cậu bé 7 tuổi, liệt cả 2 chân, mọi sự di chuyển nhờ cả vào 2 cánh tay, nâng lên, đặt xuống toàn bộ cơ thể để tiến tới, là hết sức vất vả.

Thế nhưng, sau 5 năm tiểu học, bà con vẫn thấy cậu "nhấp nhổm" trên đường làng, vượt quãng đường xa hơn gần gấp đôi để tiếp tục đến trường. Sau khi học xong cấp 2, cậu ra trọ học cấp 3 ở thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa.

Chị Hỷ sống hạnh phúc bên chồng ở bản Pa Lu, xã A Túc.

"Tốt nghiệp cấp 3 rồi mình rất muốn đi thi đại học. Nhưng bố mẹ mình lúc đó rất hay ốm đau; chị gái thì nằm một chỗ, mọi ăn uống đi lại phải có người khỏe mạnh giúp đỡ; em trai cũng đang đi học và nó cần có tương lai hơn mình. Thương mọi người và nghĩ vậy, nên mình quyết định về nhà", anh đăm đắm nhìn vào khoảnh rừng xanh phía trước và trầm tư kể lại với chúng tôi.

Những tháng đầu làm nương rẫy, anh gặp không ít khó khăn, vất vả. Nhưng với quyết tâm chịu khó, cố gắng hết mình để vừa nuôi sống bản thân, vừa giúp đỡ thêm bố mẹ chăm sóc chị gái và em trai đang học hành, chàng trai  khuyết tật ấy đã dần quen với công việc chân tay. Anh còn nhận thấy, bà con nông dân ở vùng cao còn thiếu thốn nhiều dụng cụ sản xuất cần thiết.

Vậy là, anh tự mày mò, học hỏi làm thợ cơ khí, gò hàn. Công việc không chỉ giúp anh kiếm thu nhập dễ hơn nghề nông, mà còn góp phần làm thay đổi tập quán lao động sản xuất của bà con vùng rẻo cao, theo chiều hướng có lợi hơn cho môi trường và đời sống người dân.

Cùng thời gian này, anh còn tự học cách sửa chữa xe máy, ban đầu vì ao ước làm nên chiếc xe máy 3 bánh để đi lại, sau nữa làm nghề để sửa chữa cho người dân trên địa bàn. "Có xe giúp em rất nhiều trong việc đi lại, nhất là lên khu vực Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo (Hướng Hóa) để mua các phụ tùng, vật tư, vật liệu về làm nghề. Cũng nhờ những chuyến đi xa đó, em gặp được người vợ em bây giờ!", Phơi vừa nói, vừa nhìn vợ âu yếm.

Nhìn ánh mắt của chồng, chị Dọoc lại cười bẽn lẽn. Chúng tôi hỏi chị, trước khi hai người đến với nhau, ai là người ngỏ lời trước? Anh Phơi nhanh nhảu: "Là em, nhưng sau khi thấy cô ấy có dấu hiệu "đóng đèn"! Bởi vì mình bị tàn tật, cái bụng ưng lắm cũng không dám nói ra trước!".

Sống với nhau gần 15 năm và có với nhau đã 5 mặt con, song khi nghe chồng bộc bạch vậy, chị vẫn bỗng đỏ mặt như lần đầu hò hẹn, cổ họng lí nhí "phân bua": "Vì nghe anh nói thương quá nên mình mới đồng ý ấy chứ!". "Khi mẹ và em gái mình biết chuyện, họ đều rất lo lắng cho mình. Bố mình mất khi hai chị em còn nhỏ, nhà một mình mẹ gánh vác hết mọi công việc.

Nên hơn ai hết, mẹ biết rõ cảnh nhà thiếu vắng người đàn ông làm trụ cột. Lúc đó, mình phải rỉ tai, chia sẻ với mẹ rằng, anh ấy bị khuyết tật đôi chân, nhưng không khuyết tật tấm lòng và nghị lực. Nghe mình tự tin nói thế, nên mẹ mới dần yên lòng", chị chia sẻ với chúng tôi khi hỏi về ý kiến của người thân, gia đình chị lúc đó.

Mùa Đông năm 2005, sau lễ cưới được tổ chức gọn nhẹ tại thị trấn vùng biên Lao Bảo, song có rất nhiều lời chúc phúc nồng ấm của người thân, hàng xóm và đông đủ bạn bè; lời động viên cùng cố gắng xây tổ ấm yên vui, họ đã cùng nhau về một nhà, ở quê chồng, bản Pa Lu.

Vậy là, một chàng trai bại liệt cả đôi chân, ít ai nghĩ rằng cậu sẽ lấy được vợ, kể từ mùa Đông năm đó đã không còn cảnh chăn gối đơn chiếc lạnh lẽo, quạnh hiu!

Có được người vợ hết mực thương yêu, tần tảo, Phơi như chú chim bị gãy cánh lâu ngày, bỗng được chắp lại đôi cánh để bay cao. Anh tự tin vay mượn thêm nguồn vốn để mở rộng làm ăn. Cũng từ đó, xưởng sửa chữa xe máy và gò hàn, cơ khí của Phơi ngày càng thêm đông khách.

Khi đã có của ăn của để đồng thời được vợ động viên, chia sẻ, anh đã tự chế xe 3 bánh miễn phí tiền công cho nhiều người. Bên cạnh, anh còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội từ thiện, đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội Người khuyết tật, nạn nhân da cam và bảo trợ xã hội xã A Túc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) người khuyết tật xã A Túc.

Chính nhờ sự thấu hiểu, chia sẻ và động viên sâu sắc của anh, những trường hợp bị khuyết tật một phần thân thể, ở trên địa bàn và các xã lân cận, đã mạnh dạn tham gia CLB ngày một đông. Cũng tại đây, với vai trò "ông tơ hồng" của mình, anh đã giúp kết nối những phận số kém may lại với nhau, giúp họ trở thành những cặp đôi bù đắp cho nhau sự khuyết thiếu, không may mắn ấy của mình.

Đơn cử, cặp đôi chị Hồ Thị Nhung (26 tuổi), bị khuyết tật liệt 2 chân, ở bản Kỳ Nơi, xã A Túc với anh Hồ Văn Loan (39 tuổi), bị khuyết tật liệt cánh tay phải, ở bản Vầng, xã Pa Tầng (Hướng Hóa), sau nên vợ nên chồng, đã sinh được 2 con, một gái, một trai rất khỏe mạnh; gia đình làm ăn khấm khá và rất đầm ấm.

Đặc biệt, trường hợp chị Hồ Thị Hỷ (26 tuổi), ở bản Tăng Cô, A Túc, cũng bị khuyết tật liệt 2 chân, chính nhờ sự khích lệ của Hồ Văn Phơi, sau khi tham gia CLB người khuyết tật và kết nối qua mạng xã hội đã tìm thấy hạnh phúc với anh Hồ Việt (34 tuổi), một thanh niên lành lặn, khỏe mạnh và chưa vợ, ở huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình.

Anh Phơi cho biết thêm, hiện tại, anh còn làm thêm công việc cho dự án "Tăng cường cơ hội và nâng cao vị thế cho người khuyết tật (ACDC)", với nguồn kinh phí do Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, trên toàn địa bàn huyện Hướng Hóa. "Với mong muốn của mình là làm được càng nhiều công việc hỗ trợ, giúp đỡ cho người khuyết tật càng tốt!", anh tâm sự.

Nói về tấm gương vượt lên số phận của Hồ Văn Phơi, cùng tình yêu thương chân thành, sự sẻ chia sâu sắc hiếm thấy của người vợ anh, chị Hồ Thị Dọoc, ông Hồ Văn Chung, Chủ tịch UBND xã A Túc phấn khởi, chia sẻ thêm: "Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, A Túc và các xã lân cận, là vùng trọng điểm rải chất độc da cam của địch. Những năm qua, số người bị nhiễm gián tiếp chất độc này trên địa bàn vẫn còn rất cao, gần 100 người.

Nhằm giúp đỡ, động viên họ vượt lên số phận không may, Đảng ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương đã tập trung cố gắng hết sức mình. Bên cạnh, chúng tôi may mắn có những người rất tận tụy với công việc như vợ chồng anh Phơi, chị Dọoc. Họ không chỉ đóng góp trí tuệ, công sức và tiền của, mà còn là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho những hoàn cảnh tật nguyền, kém may".

Có câu nói: "Nến cong cho lửa thẳng"! Hiện, 5 đứa con của vợ chồng họ đều đã dần khôn lớn, ăn học đàng hoàng.

Khi chia tay, tôi bỗng đùa chị Dọoc một câu, ngày 8.3 này, chắc anh Phơi lại tặng chị một món quà rất ý nghĩa?! Chị liền nở nụ cười hiền, bộc bạch chuyện tình cảm của mình thật như đếm: "Có năm, anh trốn vợ đi hái hoa Trẩu mọc ven bìa rừng về tặng vợ. Có năm, cả vợ chồng cùng đi hái mang về cắm vào lọ hoa to để ở phòng khách. Anh tặng hoa này từ hồi còn mới yêu nhau. Mình không hiểu ý nghĩa lắm, nhưng rất thích mùi hương và màu trắng tinh khôi của nó!".

Phan Thanh Bình
.
.
.