Ngày hè, "nóng" nỗi lo về "ma men" cầm lái

Thứ Tư, 28/06/2017, 21:15
Thời điểm hiện tại đang là những ngày hè nắng nóng. Các quán bia hơi, quán nhậu "vào mùa" hút dân nhậu.


Tản bước qua các tuyến phố tập trung đông quán bia hơi như: Tăng Bạt Hổ, Hoàng Quốc Việt, Liễu Giai, Phạm Hùng… một lượt, không khó để thấy hình ảnh trên các bàn nhậu là vô số vỏ chai, cốc bia vơi cạn. Khuôn mặt đỏ như gấc, rời quán, lấy xe ra về - nỗi lo về "ma men" cầm lái còn đó.

1.Thời gian qua, số lượng các quán bia hơi Hà Nội, quán nhậu mọc lên trên các tuyến phố như… nấm sau mưa. Số lượng dân nhậu đổ về các quán bia hơi vào thời điểm ngày hè nắng nóng gia tăng đáng kể.

Các quán bia trên địa bàn thành phố Hà Nội tập trung đông dân nhậu phải kể đến một số quán như: T.H (phố Đội Cấn), H.X (đường Hoàng Quốc Việt), C.H (đường ven Hồ Tây), V.N (Dương Đình Nghệ) v.v..

17h30 ngày 24-6, tìm đến quán bia hơi H.X nằm trên đường Hoàng Quốc Việt - một trong những tuyến đường có nhiều quán bia hơi tọa lạc, chúng tôi chứng kiến các bàn nhậu ở đây đã ken kín thực khách.

Những tiếng: "2, 3… dzô… 2, 3 dzô" cứ thế nối nhau ở nhiều dãy bàn. Từng cốc bia đầy ắp nhanh chóng cạn hết. Cứ thế, hết lượt bia này lại xuất hiện lượt bia mới. 

Phớt lờ chế tài xử lý vi phạm cũng như bỏ ngoài tai những lời cảnh báo về va chạm, tai nạn giao thông (TNGT) đi kèm với việc sử dụng rượu, bia; số dân nhậu này cứ thế uống cho đến khi ra về với dáng vẻ liêu xiêu.

Ngày hè, các quán bia thường có đông dân nhậu lui tới (ảnh minh họa).

Ghi nhận tại các quán bia hơi khác như C.H (phố Trích Sài), H.Y (đường Hoàng Quốc Việt), 1x (phố Đặng Dung)…, chúng tôi thấy rằng, nhiều "ma men" sau khi rời quán đều trong trạng thái ngấm rượu, bia, không còn đủ tỉnh táo. Đáng lo ngại hơn khi chính những "bợm nhậu" này lại tiếp tục điều khiển phương tiện giao thông.

Khi được hỏi: "Không sợ va chạm, TNGT xảy ra trong quá trình cầm lái mà trong người đã có men rượu, men bia sao?", hầu hết các "ma men" đều thản nhiên đáp: "Nhà gần đây thôi! Bình thường vẫn uống như vậy mà đi xe có làm sao đâu!". Nghe những câu trả lời trên, chúng tôi không khỏi giật mình bởi nguy cơ TNGT luôn hiện hữu bất cứ lúc nào.

Tiếp xúc với nhiều dân nhậu thường xuyên lui tới các quán bia trong những ngày hè qua, chúng tôi được biết, nguyên nhân khiến số quán bia này luôn đông khách cũng bởi suy nghĩ "ngày hè, đến quán bia làm vài "quại" bia cho đỡ khát, đỡ nóng" của không ít dân nhậu.

Theo anh Huy Tuấn - một dân nhậu, nhà ở đường Hoàng Hoa Thám cho hay thì tuần nào cũng vậy, sau khi đá bóng xong, đội bóng của anh cũng tìm đến quán bia hơi gần khu vực nhà máy bia Hà Nội - trên đường Hoàng Hoa Thám để… giải khát.

"Lúc đầu, ai cũng bảo chỉ uống 1-2 cốc cho đỡ khát. Song, lần nào cũng thế, khi đứng dậy thanh toán tiền, ai cũng uống hết 5-6 cốc", anh Tuấn tiếp lời.

Còn nhớ vào năm 2016, đánh giá của các cơ quan chức năng cho thấy, với lượng rượu bia sử dụng gia tăng nhanh chóng của người dân, Việt Nam đã "vươn lên" top 2 của Đông Nam Á, đứng thứ 10 của châu Á và đứng thứ 29 trên thế giới. Thực tế này đã và đang cảnh báo những nguy cơ đi kèm với tình trạng "ma men" cầm lái trên phố.

Một trường hợp sử dụng rượu, bia phải nhập viện cấp cứu do TNGT.

2. Khi "ma men" không đủ tỉnh táo, bình tĩnh để xử lý tình huống phát sinh trên phố dễ dẫn tới nguy cơ thường trực là vi phạm Luật Giao thông, là TNGT.

Theo chân lực lượng CSGT tuần tra kiểm soát, xử lý các trường hợp vi phạm khi trong hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, chúng tôi thấy giật mình bởi nhiều trường hợp khi bị dừng phương tiện, bước xuống xe, hơi thở nồng nặc mùi rượu, bia, "chân nam đá chân chiêu".

Đối với các trường hợp vi phạm như vậy, lực lượng CSGT đã áp dụng chế tài xử lý theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Theo đó, các trường hợp điều khiển xe ôtô vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng khi trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (tước giấy phép lái xe từ 4-6 tháng). 

Và phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với các trường hợp điều khiển xe môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở (tước giấy phép lái xe từ 3-5 tháng).

 TNGT là hiểm họa không của riêng ai. TNGT đi qua, cũng đồng nghĩa với việc đâu đó là nỗi đau của những gia đình có người thân nhập viện, mãi không trở về. Câu chuyện đau lòng về những gia đình chỉ sau một đêm đã mất đi người thân. Căn nhà vốn đầy ắp tiếng cười bỗng trở nên hiu quạnh lạnh lẽo vì tin dữ - TNGT ập đến vẫn còn đó.

Tổ công tác của Phòng CSGT - CATP Hà Nội tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn.

Đại tá Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho rằng, việc sử dụng rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông không những không làm chủ được hành vi mà còn dẫn tới hàng loạt lỗi vi phạm Luật Giao thông khác như: phóng nhanh vượt ẩu, lấn làn đường, không chấp hành đèn tín hiệu v.v..

Cũng theo Đại tá Lê Xuân Đức khuyến cáo, để đẩy lùi vi phạm, số vụ TNGT có nguyên nhân bắt nguồn từ "ma men" cầm lái trên phố, hơn lúc nào hết, ngay từ bây giờ, bên cạnh việc lực lượng CSGT đẩy mạnh hơn nữa công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, công tác tuyên truyền cũng phải được làm một cách ráo riết ngay từ chính quyền sở tại.

Nội dung, băng rôn tuyên tuyền, cảnh báo cần sát thực tiễn. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, giúp mỗi người dân thấy được tác hại do bia, rượu gây ra. Khẩu hiệu "đã uống rượu, bia là không lái xe" phải đi vào thực tiễn cuộc sống hơn nữa.

Nhóm PV
.
.
.