Nghệ An: Siêu dự án liệu có lỡ hẹn?

Thứ Tư, 16/01/2019, 14:59
Đến nay nhiều hạng mục của dự án đường giao thông 72m TP. Vinh – thị xã Cửa Lò vẫn chưa thể hoàn thành theo tiến độ đề ra, đặc biệt đoạn đi qua địa bàn TP. Vinh nguy cơ bị cắt vốn nếu chậm bàn giao mặt bằng.


Dự án đường giao thông 72m TP. Vinh – thị xã Cửa Lò được đánh giá là tuyến đường động lực, cực tăng trưởng của tỉnh, kết nối đô thị Vinh với đô thị Cửa Lò; có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đến năm 2030 thành phố Vinh trở thành trung tâm Bắc Trung bộ và phát triển du lịch của tỉnh Nghệ An. 

Tuy nhiên, đến nay nhiều hạng mục vẫn chưa thể hoàn thành theo tiến độ đề ra, đặc biệt đoạn đi qua địa bàn TP. Vinh nguy cơ bị cắt vốn nếu chậm bàn giao mặt bằng.

Tầm quan trọng của đại lộ Vinh - Cửa Lò

Dự án đại lộ Vinh - Cửa Lò có tổng chiều dài 10,832km. Điểm đầu Km0+00 giao với đường Trương Văn Lĩnh (TP. Vinh), điểm cuối Km10+832 giao với đường Bình Minh (thị xã Cửa Lò), đi qua địa bàn TP Vinh (3,4km), huyện Nghi Lộc (4,8km) và thị xã Cửa Lò (2,632km). 

Dự án được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại quyết định số 994 và phê duyệt điều chỉnh ngày 2-5-2012 có tổng mức đầu tư 4.157 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước với quy mô dài 10,8km. Tuy nhiên, với việc Chính phủ chỉ bố trí 1.100 tỷ đồng từ nguồn vốn trung hạn. 

Dự án đại lộ Vinh - Cửa Lò cũng buộc phải điều chỉnh quy mô là 160m xuống 95m, với tổng mức đầu tư được phê duyệt là 1,411 tỷ đồng.

Mục tiêu của đồ án nhằm cụ thể hóa các định hướng điều chỉnh quy hoạch chung của TP Vinh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 52 ngày 14-1-2015. Đây được xem là “siêu dự án” hiện đại bậc nhất Việt Nam, sẽ trở thành tuyến đường năng động, tạo cực tăng trưởng kinh tế - xã hội hướng về phía biển.

Mặc dù dự án đang đẩy mạnh việc thi công giai đoạn 1, nhưng hiện nay, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã và đang cùng với Tập đoàn BRG khẩn trương hoàn thiện quy hoạch xây dựng chi tiết đại lộ Vinh - Cửa Lò và hai bên đại lộ. 

Theo các nhà tư vấn, Đồ án quy hoạch đại lộ Vinh - Cửa Lò sau khi đưa vào sử dụng được đánh giá là yếu tố cơ bản nhất để thực hiện thành công quy hoạch đô thị Vinh. Toàn bộ khu đô thị mở rộng Vinh - Cửa Lò sẽ là đô thị hiện đại, sánh tầm trung tâm phát triển kinh tế của Bắc miền Trung và cả nước; thu hút nhiều nhà đầu tư quan tâm khi công trình tạo ra một quỹ đất rộng lớn và giá trị về kinh tế - xã hội.

Theo Quy hoạch, tuyến đại lộ kết nối Vinh - Cửa Lò với tầm nhìn thành phố xanh, thành phố thông minh, thành phố du lịch. Với ý tưởng vừa hiện thực và lãng mạn, tạo động lực cho kết nối mở rộng Vinh - Cửa Lò trở thành một đô thị hiện đại, sánh tầm trung tâm phát triển kinh tế của Bắc miền Trung. 

Theo đó cơ cấu sử dụng đất được quy hoạch gồm: Đất thương mại 304 ha, du lịch 113 ha, văn phòng 32 ha, đất ở 453 ha, giáo dục 91 ha, y tế hơn 6 ha, cây xanh 189 ha, hạ tầng 247 ha...

Kiến trúc sư Trần Ngọc Chính cho rằng đây là dự án vô cùng quan trọng, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Vì vậy, quy hoạch cần đảm bảo tuyến giao thông xanh, kết nối các trung tâm đô thị quan trọng của Nghệ An mà tương lai nối với Cửa Lò. Tuyến hướng ra biển, sông Lam và sân bay và đón Hà Tĩnh vào, kết nối với Bắc - Nam. Đây là trục với chức năng thương mại dịch vụ du lịch.

Xác định là dự án trọng điểm của tỉnh, để đẩy nhanh tiến độ thông tuyến, trong 3 năm qua, nhất là trong năm 2018, lãnh đạo UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các sở, ngành chức năng, UBND thành phố, các nhà thầu khẩn trương triển khai đúng tiến độ đề ra; đồng thời kiểm tra, chỉ đạo, đưa ra giải pháp khắc phục tồn tại, vướng mắc chủ yếu là công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại các xã, phường thuộc các huyện, thành, thị có ảnh hưởng dự án như thị xã Cửa Lò, TP. Vinh và huyện Nghi Lộc.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đến thời điểm cuối tháng 12-2018, dự án đường 72m đã thông nền đường 7,6/8,6km, bê tông nhựa một lớp được 7,2km/8,6km; bê tông nhựa 2 lớp được 2,0/8,6km; đã xây dựng được 35/35 cống, 2/2 cầu, 2/3 trạm biến áp; giải phóng mặt bằng được 8,6km, còn lại 2,2km, trong đó, đất nông nghiệp 0,7km, đất ở 1,4km. 

Tuy nhiên hiện nay tại một số, phường, xã ảnh hưởng dự án thuộc địa bàn TP. Vinh vẫn chưa bàn giao mặt bằng, ảnh hưởng chung đến tiến độ dự án. “Vướng mắc lớn nhất hiện nay là một số hộ dân xã Nghi Phú chưa chịu bàn giao mặt bằng, nếu không có giải pháp quyết liệt sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ của dự án” - một cán bộ Sở Xây dựng cho biết.

Các hộ dân tại xã Nghi Phú, TP Vinh chưa chịu bàn giao đất khiến việc giải phóng mặt bằng chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.

Liên tục "thất hứa"

Qua mỗi lần kiểm tra, lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An đều phê bình lãnh đạo UBND TP Vinh trong việc đôn đốc, chỉ đạo, triển khai thực hiện theo chỉ đạo của tỉnh, mặc dù thành phố đã cam kết với UBND tỉnh nhiều lần. 

Gần đây là ngày 4-1-2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Huỳnh Thanh Điền kiểm tra tiến độ giải phóng mặt bằng từ quốc lộ 1A (ngã ba Quán Bàu) đến Đại lộ Xô Viết Nghệ Tĩnh phát hiện còn 15 hộ dân (trong đó có 9 hộ thu hồi đất ở và 6 hộ thu hồi đất nông nghiệp) thuộc địa bàn xã Nghi Phú chưa bàn giao mặt bằng. 

Cụ thể có 9 hộ thu hồi đất ở đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ nhưng chưa phê duyệt phương án tái định cư, có 2 hộ thu hồi đất nông nghiệp, chưa phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và 4 hộ sử dụng đất nông nghiệp đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng nhưng vẫn chưa nhận tiền, bàn giao đất…

Làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương liên quan và các nhà thầu sau khi kiểm tra thực tế, ông Huỳnh Thanh Điền phê bình UBND TP. Vinh chưa làm hết trách nhiệm; công tác xét duyệt, xác nhận nguồn gốc đất còn chậm và đề nghị lãnh đạo thành phố Vinh phải sâu sát hơn nữa công tác hỗ trợ, đền bù, giải phóng mặt bằng.

Ông Huỳnh Thanh Điền cũng đề nghị lãnh đạo UBND TP. Vinh phối hợp với sở, ngành, địa phương với chủ đầu tư, đơn vị thi công xây dựng kế hoạch bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án đường giao thông 72m, đoạn từ Ngã ba Quán Bàu đến đại lộ Xô Viết - Nghệ Tĩnh (đoạn còn lại của dự án Đại lộ Vinh - Cửa Lò) và phải bàn giao mặt bằng trước ngày 30-3-2019, để thông tuyến trước ngày 19-5-2019. 

Nếu để dự án thực hiện chậm so với thời gian gia hạn lần này, phần khối lượng thực hiện chậm, UBND TP Vinh và các nhà thầu thi công phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về kinh phí thanh toán.

Ngày 8-1-2019, trao đổi với PV về nguyên nhân dẫn đến việc giải phóng mặt bằng chậm, kế hoạch tháo gỡ vướng mắc trong thời gian tới, nhằm thông tuyến đường 72m  Vinh - Cửa Lò đúng thời gian như kế hoạch của UBND tỉnh đã ấn định, Phó Chủ tịch UBND TP Vinh Hà Thanh Tĩnh cho biết, Dự án đường giao thông 72m nối từ  thành phố Vinh đi thị xã Cửa Lò, có tổng chiều dài hơn 10km, trong đó địa bàn TP. Vinh ảnh hưởng gần 4km. 

Riêng đoạn từ quốc lộ 1A (ngã ba Quán Bàu) đến đại lộ Xô Viết- Nghệ Tĩnh có tổng 96 hộ bị thu hồi cả đất ở và đất nông nghiệp, trong đó có 57 hộ xã Nghi Phú, 39 hộ thuộc phường Hà Huy Tập.

Trong quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, do khối lượng giải phóng mặt bằng quá lớn, số hộ tái định cư nhiều, phải bố trí nhiều khu tái định cư, di dời nhiều công trình công cộng như điện, viễn thông. 

“Phức tạp nhất là di dời hàng trăm mồ mả, đây là vấn đề nhạy cảm liên quan đến vấn đề tâm linh của mỗi gia đình, dòng họ. Hầu hết các hộ phải coi ngày, tháng, năm nếu được mới cho di dời mồ mả nên mất rất nhiều thời gian” - ông Tĩnh cho biết. Đến thời điểm hiện nay có 81/96 hộ bàn giao mặt bằng.

Ngoài những nguyên nhân trên còn do thiếu đất tái định cư. Theo ông Hà Thanh Tĩnh, năm 2016, sau khi UBND tỉnh phê duyệt phương án xây dựng đất tái định cư xong thì không đủ đất. Sau đó UBND tỉnh ban hành quyết định 39 bổ sung Nghị định 58 UBND tỉnh và hiện tại đã có 40 lô đất tái định cư (mỗi lô 150m²) để bố trí tái định cư.

 “Cũng có gia đình phải bố trí đất tái định cư từ 2-3 lô, tùy theo diện tích thu hồi đất và số hộ đang sống chung trong một gia đình” - ông Tĩnh nói.

Điểm cuối đại lộ Vinh - Cửa Lò giáp đường Bình Minh TX Cửa Lò.

Cũng theo ông Tĩnh, quá trình thực hiện quyết định 39 vẫn còn những vướng mắc, bất cập trong việc thu hồi đất được đền bù và diện tích đất còn lại. “Diện tích đất bị thu hồi một phần, nhưng diện tích đất còn lại thì không được bố trí tái định cư, chủ hộ chỉ nhận tiền, vì vậy một số hộ dân thắc mắc, chưa chịu bàn giao đất, mặc dù tuyên truyền, giải thích” - ông Tĩnh giải thích và cho biết thêm, một số hộ có diện tích lớn thu hồi đất ở thì ngoài bố trí tái định cư, số đất còn lại thay vì tính theo giá đất tái định cư thì họ được tính theo giá tại thời điểm bàn giao đất, do đó cũng gặp khó khăn, vướng mắc.

Đề cập cách giải quyết đối với các hộ dân tại xã Nghi Phú chưa bàn giao đất, ông Hà Thanh Tĩnh nói: Để kịp tiến độ bàn giao mặt mặt bằng theo ấn định của lãnh đạo tỉnh, thành phố đã xây dựng chi tiết kế hoạch thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đoạn qua xã Nghi Phú. 

“Chiều nay, các phòng: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch, Quản lý đô thị, Tư pháp và Trung tâm quỹ đất của UBND thành phố đang phối hợp với chính quyền xã Nghi Phú tổ chức đối thoại lần cuối với các hộ dân chưa bàn giao đất như lãnh đạo tỉnh đề cập. 

Đối với 4 hộ sử dụng đất nông nghiệp đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng tại quyết định 7997 ngày 20-8-2015, hiện chưa đồng ý nhận tiền, bàn giao mặt bằng, chúng tôi giao chính quyền địa phương, cùng các phòng, ban của thành phố tổ chức vận động, thuyết phục lần cuối. 

Nếu các hộ này vẫn không đồng ý nhận tiền và không bàn giao mặt bằng thì chúng tôi ban hành quyết định cưỡng chế, thu hồi đất trước ngày 25-1-2019. Đất nông nghiệp, nhưng họ đề nghị đền bù là đất vườn, không đúng quy định”, ông Hà Thanh Tĩnh nhấn mạnh.

Nói về ảnh hưởng chung của dự án, ông Huyền Thanh Điền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, đây cũng là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của tỉnh và thành phố Vinh. Trong tổng mức đầu tư dự án 1.411 tỷ đồng thì nguồn vốn trái phiếu Chính phủ là 1.100 tỷ đồng và nguồn ngân sách địa phương là 311 tỷ đồng. Hiện nay, nguồn vốn đã bố trí là 981 tỷ đồng, giải ngân 934,384 tỷ đồng.

“Tỉnh cùng với Tập đoàn BRG đang khẩn trương hoàn thiện quy hoạch xây dựng chi tiết hai bên đại lộ. Sau khi thông tuyến, Dự án đại lộ Vinh - Cửa Lò tiếp tục triển khai Đồ án Quy hoạch chi tiết sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, Ban Thường vụ Tỉnh ủy sẽ ra Nghị quyết để quản lý công tác quy hoạch, triển khai đồ án. 

Mục tiêu của đồ án nhằm cụ thể hóa các định hướng điều chỉnh quy hoạch chung của TP Vinh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 52 ngày 14-1-2015. Nếu đường 72m triển khai chậm, không những ảnh hưởng đến nguồn vốn mà việc triển khai giai đoạn 2 đại lộ Vinh - Cửa Lò cũng ảnh hưởng” - ông Huyền Thanh Điền khẳng định.   

Theo kế hoạch, lần này UBND TP Vinh tập trung, quyết liệt đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư đường 72m đoạn đi qua địa phận thành phố để kịp tiến độ bàn giao mặt bằng trước ngày 30-3-2019 và đến 30-6-2019 thông tuyến đại lộ Vinh - Cửa Lò theo chỉ đạo của UBND tỉnh. 
Hữu Trọng
.
.
.