Nghệ An:

Tín dụng trái phép càn quét làng quê

Chủ Nhật, 22/04/2018, 14:41
Chỉ bằng thủ đoạn duy nhất là đánh vào tâm lý hám lãi suất cao của người dân, nhiều cửa hàng vàng bạc trên địa địa bàn tỉnh Nghệ An đã huy động được hàng chục, thậm chí hàng trăm tỉ đồng. 

Dù không được phép huy động vốn nhưng các doanh nghiệp tư nhân kinh doanh trong lĩnh vực này vẫn tự phát hành sổ tiết kiệm, nhận tiền của hàng trăm người dân rồi tuyên bố "vỡ nợ" khiến không ít người khốn đốn khi rơi vào cảng trắng tay.

Ngày 16-4, Trung tá Phạm Ngọc Cảnh, Trưởng Công an huyện Yên Thành (Nghệ An) cho biết, Cơ quan CSĐT Công an huyện Yên Thành đã tiếp nhận nhiều đơn của người dân tố cáo ông Trần Văn Phúc (51 tuổi), là giám đốc của Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Phúc Nhiên tại xã Bảo Thành, huyện Yên Thành về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Thông qua hình thức phát hành sổ tiết kiệm, doanh nghiệp này đã huy động vốn từ gần 200 người dân, với số tiền khoảng 70 tỉ đồng rồi tuyên bố "vỡ nợ" làm rúng động quê nghèo.

Rụng rời vì giám đốc vàng bạc tuyên bố "vỡ nợ"

Hơn một tháng nay, từng tốp với khoảng hàng chục người liên tục đổ xô đến căn nhà khang trang của ông Trần Văn Phúc, trú tại xóm 10A, xã Bảo Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) để đòi tiền đã gửi ở đây trong bức xúc xen lẫn tuyệt vọng. 

Ngôi nhà 3 tầng khang trang kiêm cửa hàng vàng bạc của ông Phúc đã ngừng hoạt động.

Tiếng chửi bới, thách thức nhau làm xáo trộn cuộc sống của một vùng quê vốn dĩ êm đềm. Vợ chồng ông Phúc hiện bị tố cáo chiếm đoạt tiền của hàng trăm người dân ở các xã lân cận với số tiền ước tính khoảng 70 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Hữu Chung, Chủ tịch UBND xã Bảo Thành cho biết thêm: Ông Phúc và vợ là bà Tạ Thị Nhiên, thành lập doanh nghiệp vàng bạc, chuyên kinh doanh vàng bạc, mua bán ngoại tệ tại cửa hàng trước cổng chợ xã Bảo Thành đã nhiều năm nay. Khoảng hơn 5 năm trở lại đây, hai vợ chồng còn tự sản xuất "sổ tiết kiệm" rồi huy động vốn của hàng trăm hộ dân trên địa bàn.

Cầm cái gọi là cuốn "sổ tiết kiệm" do doanh nghiệp Phúc Nhiên phát hành, ông Lê Anh Đào (52 tuổi), trú tại xã Sơn Thành, huyện Yên Thành xót xa chia sẻ: Gia đình ông có đứa con trai đang đi xuất khẩu lao động tại Angola, hằng năm cũng gửi được ít tiền về cho bố mẹ nhờ cất giữ. Biết gia đình có tiền, vợ chồng ông Phúc đã đến tận nhà tỉ tê, lôi kéo ông gửi tiết kiệm tại đây với số tiền 2.000 euro và 80 triệu đồng. 

Theo ông Đào, người dân ở đây đi xuất khẩu lao động nhiều nên thường xuyên ra doanh nghiệp Phúc Nhiên để giao dịch ngoại tệ và vàng. Cũng vì thế mà vợ chồng ông Phúc biết được những gia đình trong khu vực đang có tiền nhàn rỗi, vận động mọi người có tiền thì đưa ra gửi, khi cần thì rút. Lãi suất mà doanh nghiệp này trả cho người dân gửi tiền cao hơn nhiều so với lãi suất của ngân hàng, khoảng 8 - 9,5%/năm.

Một nạn nhân khác là ông Nguyễn Trí Tần (58 tuổi), trú xã Bảo Thành, huyện Yên Thành cho biết: Bản thân ông đang còn hơn 9.000 bảng Anh đang gửi ở doanh nghiệp này. Lý do khiến bản thân ông và hàng trăm người dân khu vực này tin tưởng là ngoài việc làm ăn sòng phẳng, vợ chồng ông Phúc còn tạo được uy tín với người dân. 

Mỗi lần huy động tiền từ người dân, doanh nghiệp này phát cho họ một cuốn "sổ tiết kiệm". Cuốn sổ này có vẻ bề ngoài rất giống với sổ tiết kiệm do ngân hàng phát hành. Trong sổ có cả con dấu của Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Phúc Nhiên. 

Bên trong cuốn sổ chỉ nêu tên, địa chỉ người gửi, số tiền gửi và lãi suất theo năm. Theo người dân, cũng chỉ vì "cuốn sổ tiết kiệm có con dấu" này, cộng với việc phần lớn nạn nhân đều quen biết hoặc họ hàng với vợ chồng ông Phúc, hàng trăm người dân mới tin tưởng đổ xô để gửi tiền.

Bà Lê Thị Thanh (54 tuổi), trú tại xã Nghi Văn, huyện Nghi Lộc hiện đang còn hơn 1,2 tỷ đồng gửi tại đây, trong đó bao gồm 42.700 euro, 1.000 đô la Mỹ và 34 triệu đồng, cho biết thêm: Không chỉ huy động vốn, doanh nghiệp này còn cho người dân vay tiền với lãi suất cao hơn rất nhiều so với nhận gửi. 

Nếu ai có nhu cầu vay tiền thì mang theo "bìa đỏ" để thế chấp, nếu vay một triệu đồng thì lãi suất 1.000 đồng/ ngày". Theo người dân, những năm trước, doanh nghiệp này trả lãi suất đều đặn cho họ. Nhiều gia đình tin tưởng, trong khi chưa cần đến tiền, họ tiếp tục dùng tiền lãi suất đó để gửi thêm. 

Sổ tiết kiệm do doanh nghiệp vàng bạc phát hành để huy động vốn trái phép.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, vợ chồng ông Phúc bắt đầu loan tin "vỡ nợ". Thời gian này, nhiều người nghe tin, kéo đến đòi lại tiền thì vợ chồng ông Phúc xin khất hết lần này đến lần khác. Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2017 đến nay, vợ chồng này trở mặt. Thách thức chủ nợ nên bà con đã làm đơn tập thể gửi cơ quan chức năng nhờ xử lý.

Hoạt động tín dụng trái phép

Theo đơn, đến thời điểm hiện tại, có 84 hộ dân ở các xã Sơn Thành, Viên Thành, Bảo Thành (huyện Yên Thành) và xã Nghi Văn (huyện Nghi Lộc), đã gửi tiết kiệm tại doanh nghiệp vàng bạc Phúc Nhân với tổng số tiền hơn 30 tỷ đồng. Trong đó, gồm 9.100 bảng Anh, hơn 142.000 euro, hơn 262.000 đô la Mỹ và 14 tỷ đồng tiền Việt. 

Tuy nhiên, theo người dân đây chỉ mới là những hộ dân quen biết nhau, cùng nhau ký đơn tập thể, còn đơn cá nhân tố cáo lên Công an huyện Yên Thành lên tới 200 người, với số tiền khoảng 70 tỷ đồng. 

Ông Nguyễn Trọng Nam, Phó trưởng Công an xã Bảo Thành cho rằng, hơn một năm nay, người dân liên tục bao vây hoặc tập trung đông người căn nhà khang trang trước cổng chợ Bộng của vợ chồng ông Phúc để đòi tiền.

Mỗi lần như thế, lực lượng chức năng lại phải có mặt để giữ trật tự, tránh xảy ra xô xát. Hiện tại chưa xảy ra sự việc nào đáng tiếc, nhưng nếu để kéo dài thì không lường trước được. Hiện nay, gia đình ông Phúc vẫn đang sống trong căn nhà ước tính hơn 3 tỷ đồng trước cổng chợ Bộng. 

Gần đây, tấm biển hiệu kinh doanh vàng bạc đã được tháo xuống. Tuy nhiên, theo một nguồn tin riêng thì hiện căn nhà này đã được chuyển nhượng cho em gái ông Phúc nhưng gia đình ông Phúc vẫn sinh sống bên trong.

Ông Đoàn Mạnh Hà, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An khẳng định, đây là một hành vi kinh doanh trái phép. "Có thể khẳng định chắc chắn Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Phúc Nhiên nhận tiền gửi dưới hình thức phát hành sổ tiết kiệm là đã thực hiện hoạt động ngân hàng, trong khi chưa hề được cấp phép là vi phạm pháp luật, ông Hà nói. 

Theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An, Doanh nghiệp tư nhân vàng bạc Phúc Nhiên đăng ký kinh doanh từ đầu năm 2011. Trong giấy phép kinh doanh không có hoạt động tín dụng nên việc doanh nghiệp này tự phát hành sổ tiết kiệm như vậy là hoàn toàn trái phép. Hay còn gọi là "tín dụng đen".

Được biết, chỉ trong vòng 3 năm trở lại đây, toàn tỉnh Nghệ An xảy ra hơn 150 vụ vỡ nợ, vỡ phường hụi. Hàng loạt địa phương xảy ra vỡ tín dụng đen với số tiền thiệt hại ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng. 

Mặc dù đã được cảnh báo, tuy nhiên, tình trạng vỡ nợ liên quan đến tín dụng đen vẫn liên tiếp diễn ra trong những năm gần đây và dường như đang nằm ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. Chỉ mới hơn một tháng trước, ngày 11-3-2018, TAND tỉnh Nghệ An đã tuyên phạt bà Nguyễn Thị Thảo (59 tuổi), trú tại huyện Con Cuông án chung thân vì tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Người dân thất thần trước việc doanh nghiệp vỡ nợ khiến hàng trăm người ôm nợ.

Cũng núp dưới bóng doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc, từ năm 2009, bà Thảo bắt đầu huy động vốn trái phép từ người dân với lãi suất rất cao. Sau khi nhận tiền, bà Thảo cũng phát cho người dân "phiếu gửi tiền" trong đó có con dấu của doanh nghiệp.

Đến tháng 10-2015, sau khi nhận số tiền gửi rất lớn nhưng không có khả năng trả nợ, bà Thảo quyết định giải thể doanh nghiệp. Dù đã có quyết định, thông báo giải thể doanh nghiệp nhưng từ ngày 23-10-2015 bà Nguyễn Thị Thảo vẫn tiếp tục huy động vốn nhận tiền gửi của người dân. 

Đến giữa năm 2016, bà Thảo bị Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ về tội đánh bạc, lúc này, người dân mới biết doanh nghiệp mình gửi tiền đã giải thể, mất khả năng trả nợ. Bà Thảo bị xác định đã chiếm đoạt của người dân hơn 24 tỷ đồng.

Luật sư Nguyễn Trọng Hải - Trưởng văn phòng luật sư Trọng Hải và Cộng sự cho rằng, đây là vi phạm pháp luật về tài chính ngân hàng, vi phạm luật tổ chức tín dụng. Hành vi huy động vốn, phát hành thẻ tiết kiệm, thực hiện việc chi trả lãi suất cao hơn lãi suất cơ bản của ngân hàng để chiếm đoạt tiền của khách hàng thông qua hoạt động có thể bị xử lý hình sự về hành vi "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Thiện Thanh
.
.
.