Nghề dựng nhà cổ, dựng lại kí ức xưa

Thứ Sáu, 16/02/2018, 07:40
Những ngôi nhà bằng gỗ theo phong cách cổ kính với hoa văn chạm trổ tinh tế, hài hòa trong từng thớ gỗ là kí ức, là niềm tự hào và cũng là sở thích của nhiều người. cách trung tâm Thành phố không xa, ở xã Trường Yên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội), có một ngôi làng với nghề truyền thống vô cùng đặc biệt, đó là dựng lên những ngôi nhà cổ và dựng lại một nét văn hóa xưa cũ của người Việt.


Nghề cha truyền, con nối

Từ năm 1991, một số hộ dân ở thôn Phù Yên (Trường Yên) có nghề mộc lâu đời trong làng đã nhận công việc dựng nhà cổ cho người dân nơi đây. Rồi cứ thế, thấy được thế mạnh của nghề có thể phát triển nên nhiều hộ gia đình đã liên kết lại với nhau, nhận làm các ngôi nhà cổ ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Và đó là hướng đi đúng đắn khiến nơi đây phát triển thành một làng nghề truyền thống được nhiều người biết đến.

Theo ông Nguyễn Duy Đông, trưởng thôn Phù Yên, những ngôi nhà cổ do đôi bàn tay của những người thợ nơi đây dựng lên được khách hàng cả nước vô cùng yêu thích. Hoa văn chạm trổ một cách cầu kì nhưng vô cùng tinh tế, dáng nhà cao ráo, thoáng đãng mà vẫn giữ được nét ấm cúng, đó là những ưu điểm mà người mua nhận thấy ở một ngôi nhà cổ được dựng bởi bàn tay của thợ Phù Yên.

Công đọan sơn mầu thường do lao động trẻ làm

Là một trong những người đầu tiên nhận công việc dựng nhà về cho người dân địa phương làm, sau từng ấy năm phát triển, ông Nguyễn Chí Điền (70 tuổi) đã xây dựng cho gia đình mình danh tiếng trong nghề. Nhớ về ngôi nhà đầu tiên làm, ông Điền cho biết, khi đó do kinh nghiệm chưa nhiều nên cần tới 20 thợ làm ròng rã trong suốt 6 tháng mới xong.

Ông Điền cũng cho biết thêm, trung bình một chiếc nhà cổ phải làm mất 6 tháng với trên 13 thợ đục. Một người thợ giỏi phải nắm bắt được kỹ thuật đục đẽo chuẩn xác, chi tiết để các mộng phải kín vào nhau. Đặc trưng của nhà cổ là mọi chi tiết gỗ được chạm trổ mềm mại, tinh tế và hầu như không dùng đến đinh vít, thay vào đó dùng mộng để lắp ghép. Như vậy, kết cấu của ngôi nhà vừa bền chắc và thể hiện được sự hài hòa trong từng thớ gỗ.

Những ngôi nhà cổ như vậy thường được làm từ các loại gỗ như xoan, lim, mít hoặc các loại gỗ khác do chủ nhà tự chọn và đặt làm. Và từng loại gỗ khác nhau cũng khiến giá của ngôi nhà dao động từ bảy tám trăm triệu cho đến xấp xỉ 2 tỷ đồng.

Loại gỗ tốt như là gỗ mít thì có giá thành trên ba tỷ đồng. Ngoài ra, giá trị của căn nhà còn tùy thuộc vào độ tinh xảo, hoa văn và các chi tiết rồng phượng được chạm khắc trên cột nhà.

"Kiểu nhà càng cổ, họa tiết chạm khắc càng cầu kỳ, tinh xảo, độc đáo bao nhiêu lại càng được săn lùng bấy nhiêu vì không đụng hàng và thể hiện đẳng cấp nên dù đắt đến đâu vẫn không thiếu khách đặt làm", ông Điền chia sẻ.

Gia đình ông Điền có bốn anh em thì cả bốn nhà đều làm nghề dựng nhà cổ. Sau khi nghề phát triển, gia đình ông đã thành lập doanh nghiệp, đầu tư máy móc, dùng các thiết bị hiện đại vào việc xây dựng để rút ngắn thời gian sản xuất, tăng độ chính xác và giảm sức người khi khuân vác, vận chuyển.

Ông Điền và thanh mực thước để đo nhà.

Theo anh Nguyễn Chí Ba, con trai ông Điền ngôi nhà cổ mà anh nhận làm xa nhất đó là ở An Phú Đông (quận 9, TP Hồ Chí Minh) vào năm 2009. Khi đó, để dựng nhà cổ với 36 chân cột, gia đình phải thuê hẳn 3 xe container để đóng gỗ từ xưởng ở Trường Yên chuyển vào.

Ngoài nhà ông Điền, tại thôn Phù Yên còn rất nhiều gia đình nổi tiếng bởi nghề và đều phát triển theo hướng cha truyền, con nối. Những người thợ trẻ đời sau được học hỏi nhiều kinh nghiệm từ cha ông và cũng linh hoạt trong việc ứng dụng các công nghệ mới vào trong nghề.

Tôn vinh sự tài hoa

Cho tới nay, số lượng người ưa thích nhà cổ ngày càng tăng lên. Có lẽ cũng giống như nhiều người, khi cuộc sống phát triển, họ lại thấy nhớ một cái gì đó xưa cũ, mộc mạc, đầm ấm. Và những ngôi nhà cổ được làm bằng nguyên vật liệu tự nhiên, thiết kế đặc biệt ấm áp về mùa đông, thoáng mát về mùa hè đã đáp ứng được những yêu cầu đó. Hơn nữa, sống trong một ngôi nhà như vậy, người ta có thể cảm nhận được sự thảnh thơi, hòa mình cùng thiên nhiên, giải tỏa áp lực của cuộc sống.

Để làm được những ngôi nhà cổ, người thợ của thôn Phù Yên phải mất nhiều công sức để nghiên cứu, sưu tầm những mẫu nhà, hoa văn xưa cũ và cả những mẫu vật dụng nhỏ nhất từ nhiều vùng khác nhau để đáp ứng cho yêu cầu khác nhau của khách hàng. Có lẽ nhờ sự tỉ mỉ, tìm tòi ấy mà công việc dựng nhà cổ của Phù Yên ngày càng phát triển, khách hàng từ khắp bốn phương tấp nập tìm về đặt hàng.

Để tôn vinh sự tài hoa ấy của những người thợ làm mộc, vừa qua thôn Phù Yên đã được công nhận danh hiệu "Làng nghề truyền thống mộc Phù Yên". Đó là niềm tự hào, là vinh dự cho những nghệ nhân nơi đây khi luôn năng động, sáng tạo, biết vận dụng kinh nghiệm từ người đi trước kết hợp khoa học kĩ thuật để phát triển nghề. Sự phát triển ấy đã giúp cho người dân nơi đây có cuộc sống ấm no, thu nhập tốt hơn bởi công việc ngày càng đòi hỏi thêm nhân lực và cũng là lúc những người thợ mộc lành nghề có thêm "đất diễn".

Được biết, thu nhập một ngày của thợ mộc làm nghề dựng nhà cổ tương đối cao, như trong xưởng sản xuất của gia đình anh Nguyễn Chí Ba lúc nào cũng có hơn 20 lao động đang làm việc. Thu nhập trung bình của họ từ 200 - 300 ngàn đồng mỗi ngày. Riêng với những thợ cả có tay nghề cao, tiền công làm một ngày không bao giờ dưới 400 ngàn đồng.

Ngoài thôn Phù Yên, ở nhiều địa phương khác cũng có nghề dựng nhà cổ và tương đối phát triển như Nam Định, Hòa Bình, Nghệ An... Hay gần với Phù Yên nhất là thôn Hương Ngải (xã Hương Ngải, Thạch Thất, Hà Nội) cũng có nghề mộc phát triển lâu đời và có nhiều hộ gia đình nhận dựng nhà cổ.

Thế nhưng, mỗi nơi có một nét độc đáo, có ngón nghề riêng và nhiều khách hàng trên khắp cả nước vẫn ưa thích ngôi nhà cổ do thợ của thôn Phù Yên làm ra. Có lẽ vì thế mà không kể khoảng thời gian nào trong năm, lượng khách từ các tỉnh, thành trên cả nước cứ ùn ùn đổ về Phù Yên để đặt cho mình một ngôi nhà cổ đậm chất văn hóa và hồi ức.

Ông Nguyễn Gia Dư - Chủ tịch UBND xã Trường Yên cho biết:

"Nghề làm mộc tại thôn Phù Yên đã có truyền thống hàng trăm năm nay với nhiều nghệ nhân có tay nghề cao. Cho đến nay, trong thôn có nhiều xưởng sản xuất lớn, chưa kể đến các doanh nghiệp mang tính chất hộ gia đình. Những xưởng này hằng năm đã đưa ra thị trường trên cả nước nhiều sản phẩm mộc khác nhau chứ không riêng gì nhà cổ. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, việc lượng khách hàng ưa thích nhà cổ tăng mạnh cũng tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương và đem lại nguồn kinh tế lớn cho các hộ gia đình làm nghề".

Việt An
.
.
.