Nghề "len trâu": Tận cùng cơ cực

Thứ Ba, 11/03/2014, 08:37

Phía sau Khu công nghiệp Nhơn Trạch (Đồng Nai), nhiều người ngỡ ngàng khi bắt gặp hình ảnh của những đàn trâu ầm ầm nối đuôi nhau chen cứng đường lộ dài đến vài trăm mét, rồi lại đen kịt lúc nhúc giữa rừng tràm tái sinh. Con rạch nhỏ dẫn nước thải đen xì từ các nhà máy của khu công nghiệp không đủ chỗ cho đàn trâu đằm mình tắm mát. Và tại đây, đang hiện hữu một cái nghề: Chăn trâu thuê. Để nó đẹp hơn, chúng tôi ví von đó là "len trâu", đã từng đi vào Điện ảnh Việt Nam, nức tiếng với bộ phim "Mùa len trâu".

Đời "len trâu"

Hỏi nghề chăn trâu thuê ở ấp Vũng Gấm (Phước An, Nhơn Trạch, Đồng Nai), người ta chỉ chúng tôi gặp ông Bảy, là người am hiểu nhất ấp này. Ông Bảy cho biết, giờ đang vào mùa khô, ruộng cũng khô cháy, cỏ khô cháy, thì chỉ còn độc những cánh rừng tái sinh trồng tràm, bạch đàn. Đất cát trắng xóa, bụi tung mịt mùng như vãi vôi, trâu thả ra đó, gặm được cái gì thì gặm. Ấp chỉ còn hai hộ đang làm nghề là ông Chí và anh Lý. Ông Bảy bốc điện thoại lên gọi cho anh Long phụ trách an ninh của thôn sẽ làm "hoa tiêu" cho chúng tôi đi tìm… trâu.

Chúng tôi chạy theo anh Long bở cả hơi tai, con đường bìa rừng lổm chổm đá dăm, ổ gà ổ vịt dày đặc. Chạy mải miết mới ra con đường láng nhựa hoang vu thông thiên với thị trấn Nhơn Trạch, được một đoạn thì rẽ vào vườn tràm non, cây tràm cao chớm đầu gối, sâu mãi bên trong là một bãi đất nhẵn nhụi, cọc lớn cọc bé nhấp nhô. Một đống phân trâu phơi cạnh căn chòi lá. "Không khí" đặc trưng của một trại nhốt trâu. Nghe tiếng xe máy, người đàn bà rúc từ trong lùm tre ra, niềm nở chào hỏi. Rồi bà dẫn chúng tôi vào trong lùm tre ngồi uống nước. Một chiếc rổ đựng vài lọ bột ngọt, dầu ăn, nước mắm… Nằm gọn dưới ba khóm tre rũ đầu vào nhau. Đó là tất cả gia tài, nguồn sống của đời "len trâu".

Bà Ba Huệ (51 tuổi) bị bệnh tai biến, miệng méo xệch sang một bên. Khốn khổ, đói rách, nheo nhóc năm đứa con, vợ chồng bà đã kiệt quệ sức lực sau khi bươn thân làm mướn đủ các nghề. Nghề chăn trâu thuê là con đường cuối cùng để sinh nhai, nhẩm tính đến nay đã 20 năm. Từ buổi đầu tiên của 20 năm về trước, hai vợ chồng bà Ba Huệ đã không còn biết Tết là gì, nhà của mình tường ngói cũ mới ra sao? Biệt lập với phố thị, lạ lẫm với hàng xóm, đến nỗi một bữa tiệc cưới xin ma chay, vợ chồng bà đều phải gửi tiền mừng.

Mấy năm về trước, người trong ấp nuôi trâu nhiều lắm, một mùa nhận hàng trăm con. Ngày ấy, người ta trả thù lao bằng lúa. Một con trâu từ một tuổi trở lên, tương ứng 3 dạ lúa bằng 60kg cho cả một mùa "len trâu". Mấy năm trở lại đây, người dân không làm lúa nhiều nữa, họ chuyển sang trả tiền mặt. 100 ngàn đồng/ con/mùa.

Trâu từ một tuổi trở lên mới "ăn tiền", dạng nghé chưa mọc sừng theo chân mẹ thì không "ăn". Nhà bà Ba Huệ tính tổng số đầu trâu có gần 60 con, mà "ăn tiền" chỉ một nửa, còn lại vẫn ò e theo mẹ. Nhưng luật lại phân rất rõ ràng. Nghé không tính tiền công, nhưng người chăn để mất thì phải đền tiền tương ứng với giá mua thị trường, sơ sẩy để trâu lạc vào vườn hoa màu nhà dân, nhẹ thì phơi mặt ra cho họ mắng vốn, quát nạt, nặng thì bắt phạt. Trường hợp duy nhấtngười chăn trâu thuê không phải đền là trâu té giếng, té hố hầm chết. Nhưng yêu cầu phải tìm được đôi chân và hai cái sừng, thì mới chứng minh được.

Bãi giữ trâu nhà bà Ba Huệ.

Hỏi người đàn bà "len trâu", 20 năm có bao giờ bị mất trâu phải đền chưa? Bà ỉu người lại, vẩy tay lên trời kêu: "Nghèo kiết xác thế này mà phải đền một con trâu vài chục triệu chì chết chứ sao sống nổi. Phải coi chừng cẩn thận lắm, sáng đêm luôn đó". Bãi buộc trâu của bà Ba Huệ nằm cách đường nhựa vài chục mét nhưng tứ phía trống trải, không có rào chắn. Hai vợ chồng cộng thêm đàn chó lai bécgiê thuộc dạng "đanh đá"nhưng vẫn chưa đủ sức mạnh phong tỏa trại trâu vào buổi tối. Vợ chồng bà huy động thêm hai thằng con trai, thằng 26 tuổi vừa đi nghĩa vụ về, thằng út 16 tuổi, vừa phải bỏ học vì gia đình không có điều kiện, làm nhiệm vụ canh giấc ngủ cho trâu.

Trại trâu thứ hai và cuối cùng là của vợ chồng anh Nguyễn Phước Lý (sinh năm 1978). Trại hiện đang nhận giữ 120 con trâu, trong đó trâu "ăn tiền" là 70 con. Trại nằm cạnh đường lộ, khá thông thoáng. Giữa trưa, cái nắng hanh khô cậy gió thổi rát cả mặt. Chị Trần Thị Kim Châu (sinh năm 1980) cặm cụi cào bới phân trâu, xúc vào xe rùa đẩy ra bãi đất trống phơi. Chị Châu biết "len trâu" từ ngày bước chân về nhà chồng, mới ngót 10 năm. Còn chồng chị, anh Trí thì từ khi tóc còn để chỏm đã dầm dề với lũ trâu. Chị  Châu bảo, anh ấy mới chính là mục đồng thật sự. Đến ngần tuổi này rồi, vẫn chưa dứt được "mùi trâu".

Những người "len trâu", không hề dùng điện thoại, vì thế chẳng biết họ ở đâu mà tìm. Chị Châu bảo chúng tôi vào lán ngồi chờ đến tầm 1h chiều, đàn trâu sẽ về uống nước và tắm. Lúc ấy tha hồ mà chụp ảnh, quay phim. Trông cái lán trống trước hở sau, gió thốc phù phù vào mặt, chợt nghĩ thế này đêm đến thì lạnh lắm, hỏi chị Châu sao không che chắn nó kín đáo một chút. Chị cười, giải thích thật chí phải: "Mình lấy chỗ trốn nắng trốn mưa thôi, lán phải hở bốn phía để sẵn sàng cho những vụ "cứu trâu" chưa. Một khi có tiếng chó sủa, lập tức trong lán, đèn pin sẽ pha một lượt khắp trại, phát hiện bất thường là lao ra luôn. Thế mới không cần cửa, không cần rào chắn. Nhưng mà đêm ngủ lạnh lắm, chẳng đêm nào ngủ tròn giấc cả. Một tiếng chó cắn ma cũng choàng tỉnh, một tiếng hục hặc của trâu cũng thảng thốt lo lắng".

Đúng giờ của nó, đàn trâu về tắm trưa, chúng sải mình chật cứng con rạch nhỏ dẫn nguồn nước thải đen xì, bẩn thỉu từ các nhà máy của khu công nghiệp. Con rạch mà theo mô tả của chị Châu, thì không có một con cá nào sống nổi, đến cọng cỏ cũng chết rũ hết. Nhưng trâu thì chưa thấy gì, chúng vẫn khỏe như... trâu. Anh Lý mồ hôi nhễ nhại, vừa quạt vừa tu nước ừng ực, anh giải thích nôm na là do bao tử trâu dày quá, chúng ăn lá ăn cây, ăn đủ thứ mà có sao đâu, nước bẩn không ăn thua gì.

Phân trâu và Cơm

Một sự so sách, ví von có phần kệch cỡm, đắng ngắt về một thứ được gọi là cao thượng nhất và một thứ dơ bẩn nhất. Nhưng, đó là sự thật hiển hiện cay đắng về một cái nghề.

Như đã nói ở trên, tiền "ăn trâu" 100 ngàn đồng/con/mùa là vô cùng rẻ mạt. Người đàn bà "len trâu" cũng phải thốt lên chỉ mua được một cân thịt heo thôi, tuy rằng có bao giờ bà dám mua con số nhiều đến thế. Thì, nguồn thu nhập chính là phân trâu.

Một buổi sáng, khi người đàn ông lúa trâu lên rừng, thì người đàn bà ở nhà đánh vật với trại phân. Sẽ lấy xẻng xúc vào xe rùa đẩy tới bãi đất bằng phẳng gần đó, cào mỏng ra phơi giống hệt kiểu phơi lúa. Ngày nào nắng giòn, phân khô sẽ có lái buôn đến mua. Ngày nào mưa dầm, không phơi được thì ủ vào trong bạt chờ nắng lên. Một xe phân khô tương đương một khối được thu mua với giá 240 ngàn đồng. Số lượng trâu nhà bà Ba Huệ phải ba ngày thu gom mới đủ một khối, còn nhà anh Lý thì 2 ngày.

Anh Lý nửa đời người gắn bó với nghề chăn trâu thuê.

Bà Ba Huệ nói thật lòng, miệng bà đã méo rồi thì càng méo hơn: "Cô chú đừng chê cưới nhé, chứ ngày nào không có phân trâu bán là ngày đó đói cơm ngay. Tiền "ăn trâu" hàng tháng chỉ đủ chi phí sinh hoạt, mua thuốc thang, và đám cưới đám ma. Còn nguồn sống chính là phân trâu. Mùa khô, trâu đói lắm chẳng có gì ăn cả nên … phân cũng ít. Mình đành chịu đói cùng trâu". Nói xong và quay sang thương cảm cho người chồng, ông Nguyễn Văn Chí: "Mấy chục năm chăn trâu thuê, đôi chân của ông ấy vừa mòn vừa chai cứng đi rồi. Mới 56 tuổi mà như ông già 70, hom hem, lụ khụ lắm. Mà giờ không làm nghề này thì biết làm gì nữa, già cả ốm đau, ai người ta thuê mướn".

Gian bếp tọa lạc ở lùm tre của bà Huệ buổi trưa nguội lạnh. Bà bảo, đã ăn từ hồi 9 giờ sáng rồi. Ăn xong để cha con ông Chí lùa trâu ra rừng nhịn đói đến tầm 4 h chiều mới lùa về mới ăn tiếp bữa nữa. Một ngày chỉ hai bữa cơm thôi.

Hỏi anh chị Lý có sự cạnh tranh trong nghề chăn trâu thuê không? Anh bảo, khốc liệt là đằng khác. Đó là khoảng chục năm về trước, trâu nhiều lắm, nhà nào cũng có, ít thì năm bảy con, nhiều đến cả chục, nghề chăn trâu nở rộ. Những người chủ tha hồ chọn lựa nơi gửi trâu, hiền lành, chịu khó, có đạo đứcthường được nhắm tới. Vợ chồng anh thuộc dạng “đắt khách”. Vì thế, ngày đó, bãi giữ trâu nhà anh chậåt cứng, làm không hết việc. Còn một số nơi chủ trâu thấy bặm trợn, lá lem không chân thật thì y như rằng ế, trâu chỉ vài chục con, không bõ công chăn, đành giã từ nghề. Theo anh Lý tuy sự cạnh tranh không trực tiếp, ra mặt như cánh lái buôn, nhưng ngấm ngầm, âm ỉ lắm. Ví dụ như chủ trâu là mối của nhà anh Lý, vì một lý do gì đó lại mang sang nhà bà Huệ gửi, thì bà từ chối ngay. Nếu nhận sẽ mang tiếng cướp cơm, bị nói xấu đủ thứ trên đời.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Trường ấp Vũng Gấm (Phước An, Nhơn Trạch, Đồng Nai): "Nghề chăn trâu thuê dần mai một, có nguy cơ biến mất khi khu công nghiệp Nhơn Trạch mở ra, thanh niên trai gái ồ ạt đi làm công nhân. Đất đai vào diện quy hoạch gần hết. Người nuôi trâu thi nhau bán trâu, chỉ còn vài nhà giữ lại vì không muốn mất đi bóng dáng làng quê, muốn giữ lại chút hương đồng cỏ nội đã gắn bó nhiều đời với gia đình họ. Vì thế, cũng chỉ còn vợ chồng ông Chí, anh Lý bám trụ với nghề "len trâu". Nhưng tôi nhận thấy, cũng chỉ 5 năm trở lại thôi, sẽ chẳng còn con trâu nào mà "len" nữa. Môi trường ô nhiễm quá rồi, cỏ chết tiệt hết, nguồn nước hôi thối thì trâu sao sống nổi".

Ngọc Thiện - Phú Lữ
.
.
.