Nghệ thuật đương đại đồng hành cùng nhà chống lũ

Thứ Năm, 07/12/2017, 15:48
Tối 3-12 tại Hà Nội, cuộc đấu giá tranh gây quỹ cho dự án Nhà chống lũ (NCL) đã diễn ra. Hơn 2,3 tỷ đồng là con số thu về từ những bức tranh được bán trong đêm gây quỹ, đồng nghĩa với 67 ngôi nhà mới được dựng lên. Một dự án cộng đồng đã quy tụ được sự chung tay của hàng trăm họa sĩ đương đại đồng hành hẳn là một câu chuyện đáng nói.


Kết nối nghệ thuật - hỗ trợ cộng đồng

Cuộc đấu giá đêm 3-12 tại Hà Nội là cuộc thứ hai trong năm của NCL với tinh thần “Dựng đời mới trong nụ cười”. Đó cũng là định hướng hành động năm 2018 của NCL: xây nhà và phát triển sinh kế bền vững để cùng bà con dựng nên những cuộc đời mới. Tôi đã đến, chứng kiến sự góp mặt của rất nhiều họa sĩ đương đại tên tuổi của Việt Nam, góp tranh của mình cho NCL. Đó cũng là kênh gây quỹ chủ yếu của dự án do chị Phạm Hương Giang khởi xướng cách đây 5 năm. 

Đến nay, dự án nhận được sự ủng hộ và đóng góp bằng tranh, tượng của rất nhiều họa sỹ, nhà điêu khắc nổi tiếng như Nguyễn Quân, Nguyễn Thanh Bình, Lê Kinh Tài, Lê Thiết Cương, Hồng Việt Dũng, Hoàng Phượng Vỹ, Lê Quảng Hà, Trần Lương, Hà Trí Hiếu, Doãn Hoàng Lâm, Trần Gia Tùng, Trần Nhật Thăng, Đinh Quân, Nguyễn Quang Huy, Hiền Nguyễn, Vũ Thu Hiền, Châu Giang, Nguyễn Văn Đức, Nguyễn Thị Mỵ, Nguyễn Bích Thuỷ, Trần Việt Hưng, Lập Phương, Bình Nhi, Phương Bình, Nguyễn Thế Hùng, Nguyễn Xuân Hoàng... Và con số đó càng ngày càng nhân rộng. 

Cuộc hội ngộ của các họa sĩ đương đại trong triển lãm bán đấu giá những bức tranh gây quỹ cho dự án NCL cho thấy sự quan tâm của các nghệ sĩ đối với các dự án cộng đồng. Đó cũng là cách giới họa sĩ thể hiện vai trò công dân của mình đối với xã hội. 

Chương trình gây quỹ của NCL tại Hà Nội.

Họa sĩ Lê Đình Nguyên, người đồng hành cùng dự án từ những ngày đầu và các tác phẩm điêu khắc “Trâu” anh tặng cho dự án lúc nào cũng được bán với giá cao. Năm nay, tác phẩm “Trâu” của anh được đấu giá với mức 10.000 USD. 

Anh chia sẻ lý do đồng hành cùng dự án: “Người nghệ sĩ phải lăn vào đời sống, sẻ chia với những bất hạnh của con người. Đó là cách đời sống va đập vào tác phẩm của họ. Đó cũng là cách, họ thể hiện trách nhiệm công dân của mình”.

Năm nay, tại Hà Nội có sự tham gia của nhiều nghệ sĩ mới, họa sĩ Đỗ Hiệp với bức “Cơn mưa ngang qua” cán mốc 4.500 USD và  “Từ bi” của họa sĩ Bình Nhu được đấu giá thành công với mức giá 3.000 USD. 

“Mỗi người trong chúng ta trước khi nghĩ rằng mình khổ thì xin lắng lòng lại và nhìn rộng ra xung quanh mình, nơi mình sống và nơi xa hơn mình sống còn có biết bao nhiêu cảnh đời đau khổ, chìm đắm trong thiên tai, chiến tranh, nghèo khó, không nơi nương tựa, hãy trải tấm lòng yêu thương và chia sẻ dù chỉ là một cái nhìn”, đó chính là thông điệp mà họa sĩ Bình Nhi và các họa sĩ mang tới cho NCL.

Và đã có nhiều họa sĩ góp các tác phẩm của họ trong đêm triển lãm đấu giá tranh cho NCL. Họ coi đó là một việc cần làm, không đơn giản chỉ là cho, biếu tặng một ai đó tác phẩm, mà là sự chia sẻ cùng cộng đồng. 

Cuộc hội tụ của các họa sĩ và việc bán đấu giá tranh từ thiện là một cơ hội cho người Việt được sở hữu những tác phẩm nghệ thuật đích thực. Bởi theo chị Phạm Thị Hương Giang, người khởi xướng dự án thì giá những bức tranh bán tại cuộc đấu giá này rẻ hơn nhiều so với việc chúng ta mua tại galleay.

Bắt đầu từ năm 2014, cho đến nay NCL đã đấu giá hàng trăm tác phẩm từ các chương trình đấu giá trực tiếp, đấu giá online, chương trình “Kết nối nghệ thuật, hỗ trợ cộng đồng”, các chương trình kết hợp với các diễn đàn nghệ thuật do các diễn đàn khởi xướng và phối hợp gây qũy cho NCL. 

Tổng số họa sĩ tham gia hơn 250 người, trong đó có cả họa sĩ nước ngoài. Năm nay, cuộc đấu giá ở Sài Gòn và Hà Nội đã thu gần 6 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc gần 150 căn nhà sẽ được xây, và hỗ trợ cho các hộ dân sau bão 12 và bão số 14.

Chuyện nhà chống lũ

Điều gì khiến NCL thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới họa sĩ và cộng đồng như thế. Chị Phạm Thị Hương Giang, nick name là Jang Kều chia sẻ: “Đó chính là sự nghiêm túc của dự án, nói là làm khiến các nghệ sĩ tin và ủng hộ nhiều hơn. Nhưng bí quyết sâu xa có lẽ là ngay từ khi viết concept dự án, tôi đã xác định NCL gồm 3 giá trị cốt lõi “Sáng tạo - nhân văn - bền vững”. 

Trong đó, tôi tin sáng tạo là cội nguồn của sự phát triển, “sáng tạo” sẽ thúc đẩy và hỗ trợ những giá trị “nhân văn”, ngược lại “nhân văn” chính là chất liệu của sáng tạo và khi một hoạt động phát triển cộng đồng được cấu thành bởi hai giá trị đó, nó sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của xã hội. 

Bởi vậy, NCL lấy sự sáng tạo hay cụ thể, các tác phẩm nghệ thuật để gây dựng nền tảng của mình và cách làm của NCL cũng phải sáng tạo, trong đó cộng đồng, đặc biệt người hưởng lợi, phải chung tay đóng góp: cộng đồng phát triển cộng đồng”.

Hơn 500 ngôi nhà mới đã được dựng lên từ dự án NCL.

Chính thức khởi động ngày 21/11/2013, NCL là một dự án xã hội, trong đó cộng đồng cùng chung tay xây nhà an toàn và hỗ trợ kế sinh nhai cho người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Nguồn lực của dự án được huy động từ cộng đồng thông qua các hình thức ủng hộ trực tiếp, ủng hộ sản phẩm để gây quỹ, mua sản phẩm gây quỹ, tổ chức các sự kiện gây quỹ... 

“Ngoài việc gây quỹ cho các hoạt động phát triển cộng đồng thì NCL cũng đã thúc đẩy được ý nghĩa “nghệ thuật vị nhân sinh”, đưa nghệ sĩ và tác phẩm của họ đến gần hơn với công chúng. Từ đó, một số họa sĩ tìm được cho mình những khách hàng đáng yêu, không chỉ yêu tác phẩm của họ mà còn có một trái tim nhân ái, sẵn sàng chia sẻ với cộng đồng”.

Tới nay, NCL đã xây dựng được 523 căn nhà, hỗ trợ trực tiếp cho 2.092 người có được đời sống an toàn trước thiên tai. Riêng trong năm 2017, dự án cùng người dân đã hoàn thành 200 căn nhà tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Nam, miền Tây; 120 hộ gia đình và cơ sở trường học, y tế tại Tam Hiệp, Bến Tre được hỗ trợ bồn nước; số hộ được hỗ trợ sinh kế nuôi dê và vịt là 50, Chị Giang chia sẻ: “Nhìn 97% tổng số nhà được NCL hỗ trợ, tương đương khoảng gần 250 căn, ở Hà Tĩnh và Quảng Bình an toàn tuyệt đối sau cơn bão số 10, chúng tôi biết, những nỗ lực thời gian qua là xứng đáng. Một điều quan trọng hơn, những giá trị bền vững này cần được lan tỏa hơn nữa”. 

Kêu gọi sự chung tay từ cộng đồng, nâng cao nhận thức và lan tỏa những giá trị bền vững tới cộng đồng là mục tiêu mà NCL luôn kiên trì theo đuổi trong suốt 5 năm qua và cả chặng đường dài phía trước. 

Nhà chống lũ, sự sẻ chia đầy nhân văn

Năm 2014, có khoảng 30 trận lũ quét sạt đất xảy ra, tăng gần gấp 3 lần so với năm 2013. Năm 2016, xảy ra 29 trận, 31 người thiệt mạng. Con số này tăng lên 49 người trong 9 tháng đầu năm 2017. Tính đến ngày 9/11, bão số 12 (bão Damrey) và lũ sau đó đã làm 106 người chết, 197 người bị thương và 25 người vẫn được coi là mất tích. Thiệt hại về kinh tế ước tính hàng chục ngàn tỷ đồng (543 triệu USD), trong đó riêng Khánh Hòa ước tính thiệt hại 7.000 tỷ đồng. Đây là một con số thiệt hại quá lớn, ngoài sức tưởng tượng và có thể đẩy lùi tiến trình phát triển của các tỉnh, thành, làm kiệt quệ kinh tế của hàng trăm ngàn gia đình ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và miền Trung.

NCL đã ra đời trong những ngày như thế. Khi bão lũ còn là nỗi e sợ kinh hoàng trong tâm trí cộng đồng thường xuyên chịu tác động của thiên tai. Và giờ đây, sau 5 năm, câu chuyện đã sang một trang mới: “Sợ lũ là chuyện xưa cũ”.

Những bức tranh được bán đấu giá.

Những câu chuyện dọc miền đất nước…

Năm 2014, anh Thiêm ở thung lũng núi đá Tân Hóa, Quảng Bình tự tin đứng trước căn nhà phao mới làm của mình cười thật tươi để chụp hình kỉ niệm cùng chúng tôi ngày khánh thành, trong khi trước đó, trong căn nhà chỉ có 1 vách 3 mặt là trống của mình, anh luôn cúi mặt. Năm 2017, về làng tái định cư An Thạnh Nam ở Cù Lao Dung, Sóc Trăng khung cảnh đìu hiu cỏ cao quá đầu người đã biến mất, anh Thấp cười tươi cầm trên tay tờ tiền hàng xóm trả mua rau vườn anh trồng, mỗi ngày bán quanh trong xóm được hẳn 12.000 đồng. Chị Hạnh vợ anh Linh cười suốt vì vừa được chồng xây cho cái hiên dài để bán xôi, chuối chiên tại nhà kiếm thêm thu nhập. Cô Đảnh thì cứ tất bật vì tiếp khách trong xóm đến tham quan nhà để học hỏi vì nhà làm đẹp quá.

Những lát cắt nụ cười trải dài trên các địa bàn nhà chống lũ trong những năm qua đã tiếp thêm cho chúng tôi sức mạnh và niềm tin để khẳng định rằng xây một ngôi nhà là dựng một đời mới. Đây cũng là mục tiêu, giá trị mà nhà chống lũ đặt ra, không chỉ cùng bà con xây nhà mà còn cùng bà con xây dựng một đời sống tích cực cho mình.

Hạnh Nguyên
.
.
.