Nghẹn ngào những nơi ‘ra ngõ gặp người ung thư’

Thứ Sáu, 08/05/2015, 21:00
Nhiều năm nay, người dân thôn Thống Nhất, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội phải sống trong cảnh thấp thỏm với tên gọi "làng ung thư". Và, người dân lại càng hoang mang hơn khi thôn "lọt" vào danh sách một trong 10 làng có tỷ lệ người dân mắc bệnh ung thư cao nhất cả nước. 

Theo đánh giá của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ người dân mắc bệnh và tử vong do ô nhiễm không khí trong nhà thuộc nhóm cao nhất trên thế giới. Còn theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến nay có hơn 50 làng, xã nằm rải rác ở 25 tỉnh/thành phố trong cả nước được ghi nhận là những "làng ung thư". Tập trung chủ yếu ở miền Bắc, miền Trung - nơi diễn ra các hoạt động tiểu thủ công nghiệp và làng nghề với cường độ cao (Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định), gần các khu công nghiệp cũ (Thái Nguyên, Phú Thọ) hoặc gần các kho bảo vệ thực vật cũ (Nghệ An, Hà Tĩnh)...

Tại các làng nghề, tỷ lệ người dân mắc bệnh thông thường và bệnh hiểm nghèo do ô nhiễm môi trường cao gấp 2-3 lần các làng, xã thuần nông.

Một trong 10 làng mắc ung thư cao nhất nước

Nhiều năm nay, người dân thôn Thống Nhất, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội phải sống trong cảnh thấp thỏm với tên gọi "làng ung thư". Và, người dân lại càng hoang mang hơn khi thôn "lọt" vào danh sách một trong 10 làng có tỷ lệ người dân mắc bệnh ung thư cao nhất cả nước.

Nước sạch là nhu cầu thiết yếu của con người nhưng chỉ cách trung tâm thủ đô chừng 30km, có một ngôi làng mà nước sạch đối với họ là một thứ quá xa xỉ. Nước ăn uống, nước sinh hoạt rồi nước ngoài ruộng đồng…, tất cả đều bủa vây xóm làng là cái thứ nước nổi váng màu vàng mà người bình thường không dám chạm tay vào. Bất tiện đã đành, song chừng hơn chục năm trở lại đây, người dân trong thôn còn phải sống trong nỗi lo sợ vì bóng đen mang tên ung thư đang bao trùm khắp thôn, nhiều người có tuổi đời còn rất trẻ đã lần lượt ra đi vì căn bệnh này.

Nước ô nhiễm bủa vây gia đình bà Nguyễn Thị Giá.

Quá hãi hùng trước hiện tượng bất thường đó, nhiều gia đình đã bỏ làng bỏ xóm đi mưu sinh ở địa phương khác. Ông Nguyễn Trí Thức - trưởng thôn Thống Nhất cho xem cuốn sổ tang lễ của thôn mà ông ghi chép khiến chúng tôi không khỏi ám ảnh với cái tên "làng ung thư" mà người ta đặt cho Thống Nhất, cũng không phải là không có cơ sở.

Theo thống kê, trong vòng 10 năm trở lại đây, thôn Thống Nhất có số người mắc các bệnh hiểm nghèo đã lên tới con số hàng trăm, bao gồm các bệnh: Ung thư, suy giảm thần kinh, dị dạng, đẻ non. Cũng theo lời ông Thức, chỉ tính riêng trong năm 2014, cả thôn Thống Nhất có 347 hộ gia đình với hơn 1200 nhân khẩu nhưng có tới 11 người bị chết, trong đó có 5 người chết vì mắc ung thư các loại, tuổi thì đa phần dưới 50.

Nỗi lo nguồn nước

Ông Nguyễn Trí Thức thừa nhận: "Người dân thôn Thống Nhất mắc bệnh và chết vì các bệnh ung thư là có thật. Thế nhưng địa phương cũng chưa biết nguyên nhân do đâu mà chỉ nhận định, đó là do dòng sông Nhuệ chạy qua địa bàn nên thôn bị nhiễm Asen quá nặng. Giải pháp trước mắt là lãnh đạo cấp trên đã phát động phong trào xây bể lọc, bể chứa nước mưa để sinh hoạt chứ không được dùng trực tiếp nguồn nước từ giếng khoan. Qua đây, rất mong các cơ quan chuyên môn sớm vào cuộc và có kết luận cuối cùng để người dân không hoang mang lo sợ".

Nước ở đây có mùi xú uế, hôi thối nồng nặc lại  nhiễm Asen với nồng độ vượt quá mức tiêu chuẩn cho phép, nhiều lần đã ngấm vào dòng nước ngầm trong giếng khoan. Không ít gia đình rơi vào cảnh lao đao, khánh kiệt vì người thân đang khỏe mạnh bỗng dưng lăn ra bệnh, với cái án ung thư giai đoạn cuối.

Bà Quất giải thích rằng, nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng nề, bằng cảm quan cũng có thể nhìn thấy. "Tôi nghĩ khả năng do nguồn nước sinh hoạt bị nhiễm độc. Nhà tôi có mấy thước đất, đào 2 cái giếng rồi mà cuối cùng không có cái nào dùng được. Nước múc lên rửa rau là chuyển hết sang màu tím thì ai dám ăn. Nhiều đoàn thể và các cơ quan chức năng cũng đã về đây lấy nguồn nước của thôn đi xét nghiệm nhưng chưa biết kết quả ra sao" - Bà Quất lo lắng. Bà than thở, gần chục năm nay gia đình bà toàn phải sang nhà ngoại xin nước sạch về ăn chứ không dám sử dụng nước giếng khoan trong thôn.

"Nước ở đây cứ vàng vàng nổi váng lên. Nước dính vào chân tay cứ vàng khè như xi cát cạy mãi không ra". Tình trạng nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng nề như vậy, gần đây các cơ quan chức năng đã hỗ trợ bằng cách cấp miễn phí máy lọc nước cho những hộ gia đình chính sách và khuyến cáo người dân xây bể lọc, bể chứa nước mưa, nhưng đó chỉ là biện pháp mang tính tạm thời. Bởi do nước ô nhiễm quá nặng nên có lọc cũng không thể loại hết độc chất....

Khu ung thư liền kề nghĩa trang

Trong phạm vi diện tích hơn 0,4 km2 (dài 1,4 km, rộng 0,3km) khu dân cư đường 23 có 351 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu, đang dần trở thành "làng ung thư" liền kề nghĩa trang Thanh Tước, cửa ngõ phía Bắc của Thủ đô.

Nghĩa trang Thanh Tước (xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh, Hà Nội) bắt đầu hình thành từ năm 1964, là nơi cát táng cho các gia đình ở Hà Nội có thân nhân an nghỉ tại sân bay Bạch Mai. Năm 1993, nghĩa trang được mở rộng thêm 2 ha để đưa mộ cát táng từ sân bay Đa Phúc về. Từ năm 1995, Thanh Tước trở thành nơi an táng các văn nghệ sĩ và các nhà khoa học. Đến nay, do mật độ hung táng ngày càng nhiều, nghĩa trang không xây dựng hệ thống xử lý nước thải từ trước nên môi trường xung quanh đã bị ô nhiễm, đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt.

Chúng tôi tiến hành khảo sát thực tế tại nhiều gia đình đang sinh sống quanh nghĩa trang Thanh Tước, kết quả là, giếng nước gia đình nào cũng có dấu hiệu ô nhiễm nặng nề. Ông Đỗ Văn Điền ở tổ 3 vừa bơm nước từ giếng của gia đình lên cho chúng tôi chụp ảnh và quay phim, ông cười rất to mà nước mắt giàn giụa: "Có thấy mùi thối không?".

Quả thật, trong thau nước vừa được bơm ra, cùng với dòng nước vẩn đục là nhiều vật thể lẫn trong đó. Chỉ vài giây sau câu nói của ông Điền, mùi thối từ dòng nước xộc lên khiến chúng tôi không thể chịu nổi. Cạnh nhà ông Điền là nhà bà Nguyễn Thị Điểm. Tự tay chúng tôi múc nước từ giếng lên, mùi thối lại xộc vào mũi.

Nguồn nước tại thôn Thống Nhất, xã Đông Lỗ bị ô nhiễm nặng.

Băng qua quốc lộ 23, chúng tôi sang nhà bà Nguyễn Thị Giá (71 tuổi). Dẫn chúng tôi ra giếng nước mà gia đình sử dụng từ hơn 30 năm nay, múc gáo nước lên để chúng tôi chụp ảnh, bà Giá không cầm được nước mắt. Chồng bà chết vì ung thư dạ dày vừa qua giỗ đầu. Con trai bà lại mới nghi bị ung thư máu. "Có ai khổ như tôi không?"- bà Giá nghẹn ngào.

Cống nước thải từ nghĩa trang Thanh Tước chảy thẳng qua cửa nhà, "mùa mưa nước tràn khắp cổng, tôi lội qua nước, về mẩn ngứa hết cả hai chân, thuốc thang mấy ngày mới khỏi". Cho đến nay, hệ thống nước thải của nghĩa trang Thanh Tước vẫn không hề được xử lý mà xả thẳng ra môi trường xung quanh. Nhà bà Bùi Thị Lý, tổ trưởng tổ 1, khu đường 23, nước giếng vừa bơm lên để tưới cây đã bốc mùi nồng nặc.

 Theo thống kê chưa đầy đủ của ông Nguyễn Đức Nhi (69 tuổi), chi hội trưởng Người cao tuổi cho thấy, từ năm 2005 đến nay đã có 64 người ở khu đường 23 chết vì bệnh ung thư. Ngay sát nghĩa trang là hai vợ chồng bác C và T đều chết vì ung thư gan. Hiện nay, còn nhiều người khác đã bị thần chết giơ lưỡi hái kề cổ do bị ung thư vòm họng, ung thư hạch, ung thư gan...

Cho đến nay, dự án đưa nước sạch về cho nhân dân ở các thôn, xã chịu ảnh hưởng của môi trường và nước sinh hoạt từ nghĩa trang Thanh Tước vẫn... nằm trên giấy. Nhìn vào danh sách những người chết vì bệnh ung thư ở khu đường 23, điều đáng lo ngại là số lượng năm sau cao hơn năm trước và tỉ lệ tử vong ngày càng trẻ hóa. Điều nghi ngờ của người dân đang sinh sống gần nghĩa trang Thanh Tước là có cơ sở. Bởi vì, vẫn theo chính "Báo cáo quan trắc, đợt 1 năm 2014" tiếp tục khẳng định: "Chất lượng nước ngầm lấy tại giếng trong nghĩa trang có một số chỉ tiêu vượt tiêu chuẩn cho phép của QCVN09:2008/BTNMT".

Không khí ô nhiễm nặng

Không chỉ nguồn nước, không khí xung quanh nghĩa trang Thanh Tước cũng bị ô nhiễm nặng nề. "Những ngày nắng nóng, mùi hôi tanh rất khó chịu"- bà Bản nói. Trong khi thành phố Hà Nội vẫn chưa triển khai các đường nước sạch, "phải tự cứu mình trước khi trời cứu" nên người dân khu đường 23 và hai thôn Phú Hữu, Mỹ Lộc, xã Thanh Lâm, huyện Mê Linh đã phải tìm cách "mua chui" nước từ Công ty cấp thoát nước Phúc Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). Nhà bà Đỗ Thị Bản ở gần cổng chính nghĩa trang Thanh Tước dù có giếng khoan nhưng vẫn bán tín bán nghi không dám sử dụng.

"Tôi phải mua nước đóng bình về dùng cho an toàn". Quyền lợi chính đáng là được sử dụng nước sạch của người dân xã Thanh Lâm sau hơn 6 năm là công dân Thủ đô vẫn không được quan tâm. Đến nay, còn gần 100 hộ gia đình vẫn phải sử dụng nước giếng khoan bị ô nhiễm. Không riêng người dân khu đường 23 và hai thôn Phú Hữu, Mỹ Lộc, xã Thanh Lâm; người dân các xã xung quanh như xã Tiến Thắng, xã Tam Đồng, xã Đại Thịnh đều chịu ảnh hưởng vì nghĩa trang Thanh Tước gần nguồn nước. Thôn Văn Lôi, xã Tam Đồng cũng đang phải sử dụng nước sinh hoạt bị ô nhiễm...

Hưng Nguyễn - Chiến Nguyễn
.
.
.