Nghi án bé 4 tuổi bị cô giáo đánh thủng màng nhĩ

Thứ Năm, 24/04/2014, 13:00

Nhiều ngày nay, dư luận rất hoang mang trước thông tin học sinh Nguyễn Văn Hải (4 tuổi), học sinh Trường Mầm non Ninh Hiệp (xã Ninh Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) bị thủng màng nhĩ, máu chảy từ lỗ tai rất nhiều sau khi được đón từ lớp học thêm. Bé Nam thì một mực cho rằng bị cô giáo đánh tại lớp, còn phía cô giáo thì phủ nhận hoàn toàn, phía nhà trường cho rằng đó là sự việc không liên quan. Phóng viên chuyên đề Cảnh sát toàn Cầu đã có cuộc trao đổi với những người trong cuộc. 

Sự việc xảy ra được hơn 1 tuần nhưng chị Nguyễn Thị Phượng, mẹ của bé Nguyễn Văn Hải vẫn chưa giữ được bình tĩnh khi tiếp xúc với chúng tôi. Chị nói: "Thực chất hôm đó chị đón con ở lớp học thêm do cô Thúy phụ trách. Con nhà người khác học, con nhà mình không học sợ cô giáo buồn. Ai ngờ lại xảy ra sự việc này chứ". Theo phản ánh của gia đình chị Phượng, mới đây gia đình chị có đóng góp 1 khoản phí hằng tháng để bé Nam được chăm sóc và học tập tốt hơn.

Tuy vậy, vào ngày 8/4/2014, chị Phượng đến đón con ở lớp học thêm thì bàng hoàng phát hiện máu trong tai bé Nam cứ thế rỉ ra, chảy lan khắp vành tai, rơi ướt 1 bên cổ. Sau khi gặng hỏi, bé Nam cho biết, đã bị cô Thúy đánh ở lớp học thêm vì không vẽ được con cá sấu vào vở. Thấy tình hình vết thương không ổn vì máu vẫn chảy, bé Nam lại có chút khác lạ về thính giác. Chị Phượng đưa con tới bệnh viện khám. Chị Phượng bức xúc: "Không hiểu tại sao chỉ vì không vẽ được con cá sấu mà cô giáo lại đánh con mình đến mức độ đó. Cả đêm đó tôi không thể ngủ được. Bé Nam rất hoảng sợ khi biết phải đi đến bệnh viện khám.

Chị Phượng bức xúc vì con trai bị đánh.

Sáng ngày 9/4 cháu Nam được đưa đến Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương kiểm tra. Sau khi thăm khám, bác sĩ Hoàng Ngọc An kết luận, cháu Nam bị thủng màng nhĩ. Trong tai không có dị vật, không bị trầy xước. Bác sĩ An khẳng định thêm, cháu Nam thủng màng nhĩ là do chịu áp lực của một dòng siêu âm lớn, kiểu như một quả bom nổ gần hay xa vẫn gây một áp lực khiến tai con người bị thủng màng nhĩ. Chị Phượng nói: "Những kết luận như vậy có thể do bị cô giáo tát vào tai dẫn đến rách màng nhĩ. Hơn nữa cháu Nam rất sợ cô giáo, nó còn là 1 đứa bé ngây thơ sao biết nói dối được. Từ hôm đó nó một mực khẳng định là bị cô giáo đánh ở lớp học thêm".

Theo phản ánh của gia đình chị Phượng, sau khi biết tin cháu Nam bị thủng màng nhĩ, cô giáo Thúy cùng chị gái có mang quà đến thăm hỏi và xin lỗi. Tuy vậy, cô Thúy rũ bỏ hoàn toàn trách nhiệm với thái độ hết sức gay gắt: “Tôi không đánh cháu. Có phải quân hằn, quân thù gì đâu mà cô giáo đánh thủng màng nhĩ học sinh?". Chưa dừng lại ở đó, khoảng 13h45 ngày 10/4, cô Thúy có chủ động gọi điện cho chị Phượng với nội dung: "Nếu gia đình phát đơn kiện ra chính quyền mà pháp luật không chứng minh được tôi đánh bé Nam, chị phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Chị phải bồi thường danh dự cho tôi, cho nhà trường".

Chị Phượng bức xúc chia sẻ: "Cô Thúy còn phủ nhận việc đánh cháu Nam nhưng không thể lý giải tại sao cháu chảy máu tai. Và cô Thúy còn khẳng định rằng, cả ngày hôm đó Nam không có biểu hiện nào khác lạ, chơi với bạn bình thường, không khóc, không quấy". Dứt lời, chị Phượng tâm sự: "Thực lòng gia đình chúng tôi không muốn vin cái cớ này để đòi hỏi bồi thường hay gì, mà chỉ mong muốn cô giáo rút kinh nghiệm trong giảng dạy. Chúng tôi chỉ tha thiết mong được cô giáo nhận sai và có lời xin lỗi chân thành là đủ".

Việc dạy thêm, học thêm không liên quan đến nhà trường!

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với cô Trịnh Thị Chính, Hiệu trưởng Trường Mầm non Ninh Hiệp. Cơ quan Công an đã tới trường làm việc với cô Thúy và 6 học sinh cùng lớp với bé Nam. Có 4 bé nhìn thấy một bạn cầm cuống chiếu chọc vào tai cháu Nam, lời khai được lấy sau ba ngày xảy ra sự việc. Tuy nhiên, thông tin chính xác phải chờ từ phía cơ quan điều tra.

Việc dạy thêm, trông trẻ thêm ngoài giờ của giáo viên trong trường nhà trường có biết. Tuy nhiên, đây không phải là việc dạy thêm, học thêm mà do phụ huynh có nhu cầu gửi con ngoài giờ, việc này không ảnh hưởng tới quy định của nhà trường. Bản thân cơ sở của cô Thúy cũng đã từng bị cấp trên kiểm tra. Tại lớp học thêm, các cô dạy gì là việc của các cô giáo. Đa phần là do yêu cầu của các phụ huynh gửi con tại đây. Mỗi buổi học kéo dài khoảng 2 tiếng, học phí là 20.000 đồng- học sinh- buổi.

Việc dạy thêm, học thêm là không được phép nhưng cô giáo của trường dạy thêm cho một nhóm học sinh, không tổ chức thành lớp thì không liên quan đến nhà trường, không vi phạm nội quy của nhà trường, không ảnh hưởng tới nhà trường. Hơn nữa, đó là nhu cầu tự phát của phụ huynh học sinh.

Chúng tôi đã liên lạc với cô Thúy qua điện thoại, tuy nhiên cô Thúy chỉ trả lời chóng vánh rằng: "Trong thời gian chăm sóc cháu Nam không phát hiện biểu hiện gì lạ. Tôi không đánh học sinh. Sự việc cụ thể thế nào đã có bản tường trình gửi cơ quan chức năng"

Song Anh
.
.
.