Nghỉ hè: niềm vui của con, nỗi lo của cha mẹ

Thứ Hai, 02/07/2018, 17:13
“Mỗi năm đến hè, lòng lo quá trời” - một phụ huynh đùa tếu trên mạng xã hội. Nhưng xét ra, đây cũng là nỗi lo chung của các bậc làm cha mẹ.


Hè đến, các con sẽ có những ngày không phải cặm cụi bên sách vở, sẽ được vui chơi, nghỉ ngơi, được đi du lịch hay khám phá các kỹ năng mới. Nhưng ngặt nỗi, cha mẹ thì đâu có được nghỉ hè. Cha mẹ vẫn phải ngày ngày đi làm. Và bài toán gửi con ở đâu mùa hè nhiều năm nay đã trở thành bài toán hóc búa, đau đầu với các bậc làm cha mẹ.

Bài toán học thêm

Đau đầu nhất có lẽ là với các ông bố bà mẹ đang có con ở bậc tiểu học và mầm non. Ở lứa tuổi các em, không thể không có người lớn quản lý. Nếu như các anh chị bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông có thể ở nhà một mình bố mẹ vẫn yên tâm đi làm thì học sinh tiểu học và học sinh mầm non nhất định phải gửi đâu đó. Bao nhiêu nguy cơ có thể xảy ra với các em nhỏ nếu ở nhà mà không có người lớn giám sát như điện giật, tai nạn, thương tích vì nghịch dại.

Chị Nguyễn Thanh Vân ở Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ:

“Mình muốn gửi 2 cháu nhà mình, lớp 1 và lớp 3 về quê với ông bà ngoại. Ông bà cũng thích nghỉ hè được đón các cháu về lắm. Nhưng xét đi xét lại không khả thi. Thứ nhất, quê mình nhiều ao chuôm, các cháu về với ông bà, ông bà đều tuổi 70 rồi, lỡ nhãng đi, cháu nghịch ngợm, sa sẩy đuối nước thì nguy.

Hơn nữa, việc xa bố mẹ mấy tháng trời bọn trẻ cũng khó mà chịu, vẫn đang tuổi bám bố mẹ mà. Đấy là chưa kể ông bà nhiều tuổi, chăm cái ăn cái ngủ cho 2 cháu mấy tháng trời cũng vất vả lắm, nghĩ ra lại thương ông bà nữa. 

Nên cân nhắc đi cân nhắc lại, mình đăng báo tìm một người giúp việc trả lương 3 tháng hè, để họ đến trông bọn trẻ giúp mình, nấu ăn và quản lý chúng. Tuy nhiên, chồng mình lại gạt phương án này, với lập luận là, giúp việc mới đến, giao hết nhà cửa con cái cho họ, trong khi mình đi cả ngày, dù nhà có gắn camera đi nữa thì vẫn thấp thỏm lắm, không yên tâm.

Cuối cùng, phương án của mình là tìm hiểu các trường có học thêm mùa hè để gửi con. Trên địa bàn quận Cầu Giấy, có vài trường nhận học sinh mùa hè. Hình thức là họ giữ trẻ thôi. Các con đến đó được các cô nấu cho ăn bữa trưa, được học các kỹ năng cần thiết. Mặc dù mức tiền phải đóng khá cao so với học phí ở trường các con học trong năm, nhưng mình không còn cách nào khác”.

Học thêm, học thêm và học thêm - điệp khúc này lặp đi lặp lại trong đầu các ông bố bà mẹ suốt mùa hè. Giữa tháng 5 các phụ huynh đã đôn đáo tìm lớp đăng ký. Con sẽ học thêm nhiều môn trong hè. Nào là học bơi, nào là học múa, hát, nào là học kỹ năng sống, nào là viết chữ đẹp, nào là văn, toán, ngoại ngữ. Học thêm nhiều môn kín tuần rồi, nhưng vẫn không ổn.

Chị Lan Anh, phụ huynh ở Đống Đa nỗi niềm: “Mình đầu óc chẳng ra sao, đăng ký mấy lớp học thêm cho con rồi về mới ớ ra, thế này thì vẫn không giải quyết được bài toán gửi con. Mỗi lớp học thêm chỉ vài tiếng đồng hồ, đưa đi đón về còn mất thời gian hơn, không phù hợp với thời gian của bố mẹ”.

Vậy là chị Lan Anh phải cầu cứu một người chị họ ở quê, ra giúp mình mấy tháng hè, trông trẻ và đưa đón các cháu đi học thêm. “Dĩ nhiên tôi phải thỏa thuận trả tiền cho bác ấy, vì bác phải bỏ bao việc ở quê để ra thành phố trông con cho mình”.

D hơn nếu phụ huynh xông xênh tài chính

Thực sự mà nói, khi bọn trẻ được nghỉ hè chính là thời điểm cha mẹ tiêu dùng tiền bạc nhiều hơn. Mặc dù không phải đóng học phí như những tháng đi học trong năm, nhưng chi phí cho nghỉ mát, du lịch, học thêm các kỹ năng xem ra còn tốn kém hơn rất nhiều. Ngay cả nếu muốn thuê một người giúp việc trông coi bọn trẻ, thì mức tiền bố mẹ phải trả trung bình cũng từ 4 đên 5 triệu cho một tháng. Với gia đình khá giả thì câu chuyện dễ bề xoay sở hơn.

Chẳng hạn, bố mẹ sẽ cho con tham gia các khóa trại hè trong nước hoặc quốc tế. Một trại hè trong nước kéo dài chừng 10 đến 20 ngày, cha mẹ phải đóng góp từ 10 đến 20 triệu cho một con. Nếu đi trại hè quốc tế như Singapore hay Nhật hay Malaysia, Thái Lan thì phải xê dịch từ 30 đến 50 triệu cho một suất. Tuy nhiên, phần đa các gia đình không có đủ chi phí để cho con tham gia các hoạt động chi phí lớn như vậy. Các khóa học bơi chừng 1-2 triệu đồng, học múa hát 2-3 triệu là lựa chọn dễ dàng hơn với các phụ huynh.

Một phụ huynh chia sẻ trên mạng: “Hai con tôi năm nay học lớp 5 và lớp 7. Nghỉ hè các cháu muốn bố mẹ đăng ký cho đi dự trại hè ở Singapore. Ở lớp các con, nhiều bạn được đi như vậy. Các con muốn đi để học các kỹ năng. Nhưng khả năng tài chính của gia đình tôi không cho phép, nên tôi không thể đăng ký cho con. Các cháu tỏ ra thất vọng và bố mẹ đã phải mất nhiều thời gian an ủi, giải thích để con hiểu”.

Đâu là mt mùa hè đúng nghĩa cho con trẻ?

Các chuyên gia giáo dục khuyên rằng, cha mẹ cần phải cho con một mùa hè đúng nghĩa, bằng cách để con được rời xa sách vở trong suốt thời gian được nghỉ. Vì mùa hè là để xả hơi, vui chơi, để tích lũy năng lượng tích cực giúp cho con phấn chấn khi bước vào năm học mới. Việc học thêm các môn kiến thức cha mẹ cần phải cân nhắc kỹ. Đừng nhồi nhét con vào các trung tâm học thêm quá nhiều, không tốt cho tâm lý của trẻ. Việc học thêm nếu có nên là học các kỹ năng, nâng cao kiến thức cuộc sống cũng như trải nghiệm cuộc sống.

Nếu có thể, cha mẹ hãy bớt thời gian của mình để dành cho con. Chẳng hạn, cha mẹ có thể luân phiên nhau ở nhà bên con, nếu cơ quan cho phép. Những ngày cuối tuần, hãy gác hết công việc, cùng con đi đến những nơi có thiên nhiên trong lành, khám phá cuộc sống, thêm trải nghiệm cho con. Nên hạn chế nhốt con trong nhà, với 4 bức tường và các thiết bị điện tử. Việc này sẽ nguy hại cho sức khỏe tâm thần của con trẻ.

Thực trạng buộc phải thừa nhận của giáo dục những năm qua, chưa thể thay đổi được, là con em của chúng ta vẫn phải đang chịu nhiều thiệt thòi trong mùa hè. Các con chưa được tận hưởng những mùa hè đúng nghĩa. Vì cha mẹ không thể sắp xếp các kế hoạch cho con, do thời gian eo hẹp, tài chính có hạn, và tâm lý học thêm mùa hè đang chiếm lĩnh áp đảo suy nghĩ của nhiều bố mẹ.

Nhất là khi con em đang chuẩn bị bước vào năm học cuối cấp, chuẩn bị chuyển cấp, nỗi lo chọn trường cho con năm sau đã thúc giục một cuộc chạy đua của nhiều phụ huynh. Học thêm hết trung tâm này đến trung tâm khác, các con không còn thời gian để nghỉ ngơi, xả hơi. Với nhiều em nhỏ, mùa hè không khác mùa bình thường là mấy, vì vẫn phải đi học, vẫn phải làm bài tập mỗi ngày.

Giáo dục của ta còn nhiều bất cập. Ngành giáo dục chưa chủ động đề ra những giải pháp thú vị cho mùa hè của học sinh. Nhiều hoạt động cộng đồng chưa được tổ chức để thu hút sự tham gia của học sinh các cấp. Trong lúc chờ đợi những phương án sáng sủa hơn từ ngành giáo dục, từ nhà trường, thiết nghĩ, các bậc làm cha mẹ hãy quan tâm nhiều hơn đến con em mình trong dịp nghỉ hè.

Mùa hè phải trở thành một điều gì đó quan trọng hơn trong suy nghĩ của cha mẹ, thay vì “nhốt” con trong nhà hay “ủn” con đến các trung tâm học thêm. Cha mẹ hãy làm bạn cùng con, lắng nghe con, chia sẻ tình thương yêu cùng con, trải nghiệm mọi thú vị cuộc sống cùng con nhiều hơn nữa, dù có phải hy sinh thời gian, công việc của mình chút ít. Hãy cố gắng cho các con một mùa hè tận hưởng đúng nghĩa để sau mỗi kỳ nghỉ như vậy, con có nhiều kỷ niệm đẹp để lớn lên.

Thành Duy
.
.
.