Nghị lực sống của hàng trăm goá phụ tại ngôi làng ôm nỗi đau từ biển

Thứ Ba, 01/04/2014, 07:00

Ở cái nơi con người sinh ra, lớn lên với biển này, nghề cá giống như nghề cứu cánh, nuôi sinh cho hàng trăm hộ gia đình. Sống nhờ nguồn của cải dồi dào trong lòng đại dương, nhưng cũng vì cái nghề cá ấy mà hàng trăm người đàn ông, trụ cột của gia đình đã bỏ mạng vì bão tố, bệnh tật trên biển… Đằng sau những sự ra đi đầy bi ai đó là hình ảnh những người phụ nữ ngồi bên bến tàu ngóng chồng. Trở thành góa phụ, cuộc sống bỗng chốc trở nên khó khăn, nhưng với nghị lực phi thường, họ đã tự vực mình dậy và trở thành trụ cột gia đình, thay cho người chồng đã mất.

Phụ nữ làm việc của đàn ông

Nơi tôi đang muốn nói đến là xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Cái tên Ngư Lộc như đã nói lên tính chất phụ thuộc vào nghề đánh bắt hải sản của người dân nơi đây. Giàu lên từ biển và trắng tay cũng từ biển. Đâu ai có thể ngờ rằng, những thủy thủ có thể kiếm bộn tiền sau mỗi chuyến đi biển lại không  trở về chỉ sau một cơn bão, vợ con họ lại thành kẻ trắng tay. Nỗi đau mất chồng ấy như đã quá quen thuộc với những người phụ nữ nơi đây, nhìn người đàn ông đi biển giống như đi đánh trận vậy, lúc nào cũng khiến những người ở lại lo lắng không yên.

Và chấp nhận với cái nghề đi biển, nghĩa là họ đã chấp nhận đối mặt với những đau thương. Năm 1996, nỗi đau ấy đã quá lớn khi cơn áp thấp được ví như "đại hồng thủy" nhấn chìm hàng chục tàu, trong đó có không biết bao nhiêu người con Ngư Lộc. Năm đó, cả xã Ngư Lộc rồng rắn kéo nhau ra biển nhận xác chồng, cảnh người phụ nữ ôm con khóc ngất đã khiến bao người chứng kiến phải nhớ mãi. Rồi trong 2 năm liên tiếp 2010 - 2011, chiếc tàu, đánh cá của ông Tăng Viết Xô, ở thôn Bắc Thọ và tàu của ông Đô Chữ, thôn Chiến Thắng, cũng đã mang 18 thuyền viên ra đi mà không trở lại. Trong đó, bản thân gia đình ông Đô Chữ cũng có 3 người con trai đều đi trên chuyến tàu định mệnh đó. Nỗi đau ấy một lần nữa lại khắc sâu vào trái tim của người dân Ngư Lộc, không ai mà lại không nhớ. Những người chồng, người con ra đi mà chẳng bao giờ nói lời từ biệt với người thân của mình. Đến những ngày giỗ, người mẹ, người vợ chỉ biết ra biển thắp nén nhang cúng vọng hương hồn, bởi thân xác họ đã hòa tan cùng biển cả mênh mông.

Nói về nghề cá, anh Quyền Trưởng thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc cho biết: "Cái nghề này thì đủ các loại nguy hiểm. Nhiều tàu thuyền ra khơi gặp sóng to gió lớn, bão hay áp thấp cũng đủ để mất sạch, thậm chí là chìm tàu. Rồi cánh thủy thủ thì thường hay uống rượu nên chuyện bị cảm lạnh mà mất là chuyện bình thường, một số trường hợp còn say quá nên ngã xuống biển không ai biết, khi phát hiện ra thì chuyện đã rồi. Nhiều người đi đánh bắt xa, nửa tuần trăng, thậm chí 1, 2 tháng mới về bờ nên bị ốm nặng cũng chẳng về kịp để chữa trị…".

Mất chồng, mất đi trụ cột trong gia đình, những tưởng những người phụ nữ đơn thân ấy sẽ phải ngã gục trước những nỗi lo cơm áo gạo tiền đè nặng lên đôi vai mỏng manh. Nhưng không, bằng một nghị lực vô hình nào đó, những góa phụ của ngôi làng chịu nhiều nỗi đau từ biển này vẫn đứng lên bằng đôi bàn tay của mình. Chồng mất, các chị tự tay mình làm những công việc mà các anh để lại, từ bê gỗ lợp nhà, sửa sang đồ đạc…

Gia đình ông Tú có 3 người con tử nạn trên biển.

Do tính chất đặc trưng của nghề đi biển này không phù hợp với phụ nữ nên để kiếm kế sinh nhai, những góa phụ này còn tìm đủ các công việc có thể kiếm ra tiền dù là nặng nhọc. Thật không khó để thấy cảnh phụ nữ nơi đây làm các công việc nặng nhọc tưởng chừng chỉ là việc của cánh đàn ông. Hình ảnh người góa phụ nhỏ bé, tay vác một khúc gỗ to hơn người hay đôi tay thoăn thoắt đắp vữa xây nhà quả thật khiến nhiều người phải nể phục.

Nghị lực là thế, dẫu sao ở một xã ven biển khó khăn còn chồng chất khó khăn này thì nghị lực thôi có lẽ chưa đủ để những người phụ nữ ấy có thể gánh vác gia đình. Cũng vì thế, có nhiều trường hợp phụ nữ mất chồng ở Ngư Lộc phải bỏ xứ để đi kiếm việc. Có những người thành đạt trở về đóng góp cho làng quê, nhưng cũng có trường hợp phải chịu đau thương bởi những khó khăn nơi xứ người.

Vẫn còn nỗi đau

Theo như lời giới thiệu của anh Quyền - Trưởng thôn Bắc Thọ, chúng tôi tìm đến gia đình ông bà Tăng Văn Tú. Ông Tú có 3 người con trai đi biển, là nguồn thu nhập chính của gia đình nhưng trong tai nạn năm 2011 khiến 9 thuyền viên tử nạn thì cả 3 đều tử nạn. Đã phải mất một thời gian dài, hai ông bà mới tin được rằng, 3 đứa con trai đã ra đi với biển, mãi mãi không trở về .

Ở nhà, con dâu của ông bà là chị Trần Thị Hoa đã tìm cách để đi nước ngoài lao động kiếm tiền nuôi 3 đứa con thơ và bố mẹ già. Nhưng mọi việc không được như ý, ở nơi xa, công việc của chị Hoa cũng gặp nhiều khó khăn nên không đủ tiền gửi về nhà. Cách đây một năm, chị Hoa về gửi cho bố mẹ ít tiền rồi đưa cô con gái lớn đi theo mẹ để đi làm. Do hoàn cảnh khó khăn, hai đứa con trai nhỏ của chị Hoa được một sư thầy nhận nuôi và cho ăn học.

Giờ đây, đã ở cái tuổi 70 nhưng hai vợ chồng ông Tú vẫn lang thang ngoài bãi thuyền làm công việc trông lán câu với tiền công 20 ngàn đồâng/ngày. Từ số tiền kiếm được đó, ông Tú lại cất đi một chút để đi thăm hai cháu trên chùa, số tiền còn lại hai ông bà bóp mồm bóp miệng mới đủ ăn. "Hai mẹ con cái Hoa đi làm thuê ở xứ người một năm mới về một lần, không phải lúc nào cũng có tiền gửi về nên hai chúng tôi cứ dành được đồng nào hay đồng ấy…", ông Tú cho biết.

Những phụ nữ Ngư Lộc thường quây quần bên bờ biển để chờ việc.

Khác với gia đình chị Hoa, ngôi nhà của bà Đặng Thị Hảo vẫn còn nhuốm màu tang thương bởi cách đây hơn nửa năm, con dâu của bà là chị Trần Thị Hảo từ giã cõi đời sau những biến cố xảy ra. Nói trong nước mắt, bà Hảo kể lại rằng, anh Chiến, con trai bà Hảo, một thời đi biển cũng kiếm được tiền bạc, đủ cho một gia đình 5 người sống qua ngày. Nhưng rồi lâu ngày lênh đênh sóng nước, anh Chiến mắc bệnh suy thận và trở về nhà chữa trị, căn bệnh trở nặng, biết bao nhiêu tiền của gia đình tích cóp cũng đi mất. Sau khi từ viện trở về được 10 ngày, anh Chiến qua đời, bỏ lại sau đó mẹ già, vợ và ba đứa con côi. Lúc đó, đứa con nhỏ nhất của anh cũng chỉ 8 tuổi. Là trụ cột của gia đình, việc anh Chiến mất đi là nỗi đau khó bù lấp và đó cũng là một trong những lý do khiến vợ anh suy sụp, dẫn đến cái kết đau thương kia.

Và giờ đây, một thân già 70 tuổi nuôi ba đứa cháu, đứa lớn nhất 16 tuổi đã tự thân lên thành phố để làm thuê kiếm tiền, hai đứa nhỏ hơn thì chỉ biết phụ bà công việc nhà và đi học. Sau khi con trai và con dâu mất đi, con gái của bà Hảo về sống với bà để phụ giúp mẹ, mỗi ngày chị lang thang ở bến tàu cá để nhận làm tôm, cá kiếm vài chục ngàn đồngcho mẹ nuôi các cháu. Số tiền ít ỏi đó cũng chỉ đủ để trang trải cuộc sống hằng ngày một cách dè xẻn.

Cái kết buồn như trường hợp của gia đình bà Hảo quả là khó tránh bởi sự suy sụp, đau buồn của người phụ nữ mất chồng, mất đi trụ cột của gia đình thật sự rất lớn. Từ đó mới có thể mới thấy được nghị lực sống mãnh liệt của hàng trăm góa phụ đang ngày đêm làm những công việc nặng nhọc ngoài bờ biển kia. Ngày qua ngày, họ vẫn sống, vẫn nuôi dạy các con nên người với những đồng tiền nhuốm mùi tôm, cá, cái mặn của biển và những giọt mồ hôi. Nhưng dẫu sao, với những gia đình gặp hoàn cảnh khó khăn đặc biệt như nhà bà Hảo hay gia đình chị Hoa, vẫn cần sự giúp đỡ của những nhà hảo tâm để họ có thể vượt qua được khó khăn trong cuộc sống và nguôi đi nỗi đau từ biển ấy.  

Theo chị Bùi Thị Hiền - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Ngư Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa cho biết: "Hiện tại, xã có hơn 300 phụ nữ đơn thân, bị mất chồng trên biển. Hầu hết đều là những người sống rất nghị lực. Những ngày đầu mất chồng, cuộc sống còn nhiều khó khăn, chị em vẫn cố gắng để nuôi dạy các con khôn lớn, nhiều gia đình còn thành đạt về kinh tế và có các con đi học đại học ở Hà Nội. Còn đối với những chị em đang gặp khó khăn, chúng tôi đã tổ chức những buổi học nghề chế biến hải sản và CLB phụ nữ làm kinh tế để hướng dẫn chị em có thể tự lực vượt qua. Xã cũng đã có nhiều hỗ trợ chính sách và ưu tiên vay vốn cho các trường hợp này. Trong tương lai thì ngoài việc duy trì các câu lạc bộ tư vấn cho chị em thì chúng tôi còn hướng dẫn họ bắt mối hàng, buôn bán hải sản bên ngoài tỉnh để sớm giải quyết được những khó khăn về kinh tế…".

Ngọc Trâm - Ngọc Minh
.
.
.