Nghi vấn tiêu thụ bột ngọt phế phẩm tại một trường mầm non

Thứ Sáu, 13/03/2015, 08:00
Cơ quan chức năng vừa thu giữ 70 tấn bột ngọt phế phẩm đã quá hạn sử dụng bị vón cục, ố vàng. Tuy đại diện cơ sở khai báo bột ngọt phế phẩm tiêu thụ làm thức ăn chăn nuôi, nhưng công an kiểm tra sổ sách thì thấy công ty này bán hàng cho khá nhiều địa điểm trong địa bàn TP.HCM, trong đó có cả trường mầm non. Thông tin này những ngày qua đã khiến không ít phụ huynh lo lắng.

70 tấn bột ngọt hết hạn chuẩn bị đưa đi tiêu thụ

Cục Cảnh sát môi trường, Bộ Công an thông tin, cơ quan này vừa kết hợp cùng lực lượng quản lý thị trường quận Thủ Đức khám phá một cơ sở tại số 662, đường Tô Ngọc Vân, phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM kinh doanh trái phép thực phẩm quá hạn sử dụng.

Theo thông tin ban đầu, sau quá trình nhiều ngày điều tra theo dõi, sáng 3/2 cơ quan chức năng đã phối hợp bất ngờ ập vào kiểm tra đột xuất tại địa chỉ số 662, đường Tô Ngọc Vân, phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TP.HCM.

Vào thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện chiếc xe tải mang BKS 54S -7849 do tài xế Nguyễn Minh Cảnh điều khiển, chở đầy hàng đậu trước cơ sở kinh doanh của bà Hằng để nhập kho, thì bị các trinh sáp ập vào kiểm tra kho hàng hóa của cơ sở này.

Theo lời khai của tài xế Nguyễn Minh Cảnh với lực lượng chức năng thì 3 tấn bột ngọt A On phế phẩm được nhập từ Công ty TNHH Sài Gòn Ve Wong về ngôi nhà trên là cơ sở kinh doanh của bà Lê Thị Lệ Hằng.

Lực lượng chức năng ập vào kiểm tra cơ sở.

Ngoài ra, khi cơ quan chức năng kiểm tra bên trong cơ sở của bà Hằng còn phát hiện có số lượng lớn mì ăn liền chay và bột ngọt phế phẩm đã bị vón cục, ố vàng. Nhưng các công nhân tại cơ sở này lại tiếp tục đưa số bột ngọt trên vào máy xay chế biến.

Theo lời khai của bà Hằng với cơ quan chức năng thì bà có hợp đồng mua bán số lượng 70 tấn bột ngọt phế phẩm trên với Công ty TNHH Sài Gòn Ve Wong với giá trị lên đến 500 triệu đồng. Bước đầu cơ sở của bà Hằng đã tiếp nhận từ công ty trên 12 tấn hàng và đã xuất bán cho các cơ sở tại Bến Tre, An Giang, Cần Thơ khoảng 2 tấn.

Khi làm việc với Công an, đại diện cơ sở cho biết số hàng phế phẩm nói trên được mua về, bán lại phục vụ làm thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên khi Công an kiểm tra, đại diện cơ sở không xuất trình được giấy tờ, hóa đơn thể hiện cho việc này.

Số bột ngọt đã quá hạn sử dụng bị thu giữ.

Một cán bộ Cục Cảnh sát môi trường cho biết: “Đây là một cơ sở mua bán, sản xuất số lượng bột ngọt phế phẩm để tung ra thị trường khá lớn. Tuy theo lời khai ban đầu của chủ cơ sở là số lượng bột ngọt trên sẽ được bán làm thức ăn chăn nuôi. Nhưng hoàn toàn không đưa ra giấy tờ nào chứng minh việc này. Chúng tôi nghi ngờ cơ sở này bán bột ngọt rởm cung cấp cho các tỉnh lân cận TP.HCM, nếu số lượng bột ngọt này được bày bán ra thị trường sẽ rất nguy hiểm. Hiện chúng tôi sẽ tiếp tục điều tra vụ việc này”.

Nghi án bột ngọt “rởm” được đưa vào trường mầm non

Được biết, trong buổi làm việc với cơ quan chức năng vào sáng ngày 3/2, cơ quan chức năng đã tạm giữ toàn bộ số hàng tang vật, một số sổ hàng, giấy tờ xuất nhập hàng để thanh, kiểm tra cơ sở này.

Qua kiểm tra đối chiếu một số sổ hàng hóa, đơn hàng xuất nhập thì cơ quan chức năng phát hiện cơ sở này không hề có đơn hàng xuất cho cơ sở chăn nuôi mà những đơn hàng được ghi nhận trong sổ chỉ xuất đi một số tỉnh ở miền Tây và đặc biệt số hàng trên còn được bán cho trường mầm non.

Một cán bộ Đội quản lý thị trường quận Thủ Đức cho hay: “Khi kiểm tra đối chứng ở sổ bán hàng tại cơ sở của bà Hằng chúng tôi khá bất ngờ. Tuy khai báo là số hàng trên được bán cho cơ sở chăn nuôi nhưng chúng tôi phát hiện cơ sở này có bán hàng cho một số trường mầm non. Thật nguy hiểm nếu trẻ em sử dụng loại sản phẩm bột ngọt hết hạn này. Tuy nhiên chúng tôi vẫn đang kiểm tra xác minh xem có đúng là số hàng trên được giao cho trường mầm non hay không”.

Được biết cơ sở sản xuất của bà Lê Thị Lệ Hằng đã tồn tại nhiều năm nay chủ yếu sản xuất các mặt hàng như bột ngọt, mì ăn liền. Phương thức sản xuất của bà Hằng là sẽ nhập hàng từ các công ty khác về, sau đó sẽ cho công nhân dùng máy móc để chế biến lại và cung ứng ra thị trường.

Trước thông tin nghi ngờ cơ sở sản xuất của bà Hằng có thể là nơi bỏ mối bột ngọt phế phẩm cho một số trường mầm non, một số phụ huynh có con nhỏ đang theo học tại một số trường mầm non trên địa bàn TP.HCM khá lo lắng. Bởi có thông tin cho rằng khi sử dụng số lượng bột ngọt phế phẩm trên sẽ có nguy cơ bị mất trí nhớ.

Bột ngọt đã ngả vàng và đóng cục.

Chị Trần Thị Hòa (46 tuổi, ngụ đường Võ Văn Ngân, quận Thủ Đức) chia sẻ: “Hôm trước xem tivi thấy thông tin người ta làm bột ngọt “rởm” rồi bán vào trường mầm non cho trẻ em sử dụng, bản thân tôi là một phụ huynh có con nhỏ thì không tránh khỏi lo lắng. Tôi còn nghe nhiều người nói nếu trẻ sử dụng số bột ngọt trên lâu dài nhẹ thì sẽ bị mất trí nhớ còn nặng sẽ bị ung thư, ngộ độc… Không biết ở trường con tôi người ta có ham rẻ mà mua loại bột ngọt ghê rợn trên không”.

Cùng chung nỗi lo lắng với chị Hòa, chị Nguyễn Thị Ngọc Giàu (ngụ quận Gò Vấp) cho hay: “Con tôi học bán trú ở trường mầm non nên hôm nào đi học cũng sử dụng cơm trưa ở trường, xem ti vi thấy người ta bắt được cả kho bột ngọt hết hạn mà còn nghi ngờ lượng bột ngọt trên được đưa vào trường mầm non tôi đứng ngồi không yên. Hôm qua tôi cùng với một số phụ huynh khác đã đến trường để yêu cầu nhà trường cho kiểm tra sản phẩm bột ngọt và nơi nhập thử có an toàn không. Con mình đang còn nhỏ mà ăn bột ngọt đó vào mất trí nhớ thì chết”.

Chưa rõ số bột ngọt bị bắt nêu trên có sử dụng trong chế biến thức ăn cho người hay không nhưng theo nhận định của một số chuyên gia y tế thì nếu người tiêu dùng sử dụng sản phẩm bột ngọt hết hạn trên sẽ rất nguy hiểm bởi theo nghiên cứu thực phẩm hết hạn thì không nên dùng vì chất lượng đã thay đổi, không tốt cho người sử dụng. Doanh nghiệp sản xuất đưa ra thời hạn sử dụng nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Bột ngọt hết hạn mà người tiêu dùng vẫn sử dụng dễ xảy ra ngộ độc.

Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM cho hay: “Bản chất của bột ngọt là gia vị thực phẩm, có chứa thành phần acid amine tạo chất làm ngọt khi chế biến thực phẩm. Nếu bột ngọt hết hạn sử dụng thì thành phần acid amine sẽ thay đổi, biến chất. Dù hình dáng, mùi vị, màu sắc bột ngọt hết hạn sử dụng không khác so với sản phẩm còn hạn sử dụng nhưng giá trị dinh dưỡng đã thay đổi, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe người tiêu dùng”.

Trước nỗi quan tâm, lo lắng của người dân về nơi tiêu thụ của số bột ngọt hết hạn nói trên, chiều ngày 7/2 chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM. Thông tin về vụ việc đại diện cơ quan này cho hay:

“Hiện tại thông tin cơ sở trên có bán bột ngọt phế phẩm cho một số trường mầm non trên địa bàn quận Thủ Đức chỉ dựa trên những chứng từ sổ sách mà cơ quan chức năng thu thập tại cơ sở này. Hiện tại chúng tôi vẫn chưa có kết luận cuối cùng về nơi tiêu thụ của sản phẩm này, cũng như khẳng định chắc chắn chúng có được tuồn vào trường mầm non hay không. Để làm rõ hơn “đường đi” của số bột ngọt hết hạn chúng tôi đang phối hợp với  C49 B, Công an Kinh tế… điều tra làm rõ để có kết luận cuối cùng chính xác nhất”.

Phước Sơn
.
.
.