Nghĩa tình "Nhà Ấm"

Thứ Tư, 23/12/2015, 10:00
Một việc làm ý nghĩa và giàu chất nhân văn tại nơi này, đó là tạo cuộc sống mới cho những món đồ cũ, tạo cơ hội mới cho những người thiệt thòi và khó khăn trong cuộc sống. "Nhà Ấm" là nơi để cho mỗi người tìm thấy ý nghĩa cho những hành động của mình. Khi biết yêu thương và sẻ chia thì cho đi và nhận lại sẽ không còn những ranh giới. Những việc làm ý nghĩa xuất phát từ trái tim luôn đem lại nụ cười hạnh phúc đến cho mọi người.

Chung tay vì nghĩa tình

Không khí vui vẻ và nhộn nhịp khiến lòng người như ấm lại trước cái lạnh giá của chiều đông khi bước vào căn nhà số 2, ngõ 45, phố Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội. Tiếp tôi là 3 thành viên đồng sáng lập ra "Nhà Ấm" - một địa chỉ quen thuộc và đáng tin cậy của các bạn sinh viên tình nguyện, những tấm lòng hảo tâm và cả những người thiệt thòi trong cuộc sống.

Anh Phạm Hải Bình là thành viên của "Nhà Ấm" cho biết: "Đây là một chương trình được khởi xướng bởi Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và Nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW) và Trung tâm Hỗ trợ các chương trình Phát triển xã hội (CSDP) nhằm góp phần xây dựng một xã hội trong đó khoảng cách giữa các nhóm thiệt thòi và cộng đồng được thu hẹp.

Lực lượng tình nguyện viên hùng hậu của “Nhà Ấm”.

"Nhà Ấm" được vận hành theo mô hình doanh nghiệp xã hội nhằm liên kết các hoạt động tình nguyện của cộng đồng để cải thiện điều kiện sống và tăng cường vị thế của các nhóm thiệt thòi. Nơi đây luôn sẵn sàng tiếp nhận các vật dụng còn giá trị sử dụng gồm: Quần áo, sách vở, đồ gia dụng và đồ điện tử… từ các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, để bán lại với giá phù hợp cho những người có thu nhập thấp như lao động nhập cư, sinh viên, người nghèo, người khuyết tật, người có HIV…Toàn bộ lợi nhuận sẽ được sử dụng để tăng cường năng lực cho phụ nữ đơn thân và hỗ trợ học bổng cho nữ học sinh, sinh viên nghèo hiếu học.

Bên cạnh đó còn có các hoạt động tình nguyện cho các bạn tình nguyện viên, những buổi talkshow chia sẻ giá trị phổ quát cho thanh niên từ các trường đại học trên địa bàn TP Hà Nội, tạo môi trường kết nối cho các CLB, tổ chức xã hội tại "Nhà Ấm" qua những buổi họp, tổ chức sự kiện".

Hằng ngày, có nhiều tổ chức và cá nhân tới nơi đây để trao cho "Nhà Ấm" những vật dụng mà họ không dùng đến nữa... Tôi thật ấn tượng với gia đình chị Nguyễn Thanh Vân ở phường Phương Mai, quận Đống Đa. Nhìn chị cùng chồng và 2 cháu nhỏ mỗi người xách một túi quần áo đến tặng "Nhà Ấm" làm từ thiện, ai nấy cũng cảm thấy vui vui.

Chị Vân chia sẻ: "Thời sinh viên chị cũng hay đi làm từ thiện... Bây giờ lập gia đình rồi có con nhỏ, với công việc làm tài chính kế toán luôn bận bịu nên chị không có thời gian đi đến những nơi như vùng cao, vùng sâu, nơi có nhiều em nhỏ thiệt thòi để tặng những món quà dù nhỏ nhưng rất ý nghĩa, mong các em bớt lạnh khi mùa đông về".

Các thành viên sáng lập ra “Nhà Ấm”.

Tại "Nhà Ấm" luôn có lực lượng tình nguyện viên hùng hậu, đa phần là sinh viên, những bạn trẻ giàu nhiệt huyết, với đôi bàn tay nhanh nhẹn để phân loại từng mặt hàng, từng kích cỡ cho phù hợp. Công việc luôn tay, tiếng nói cười vui vẻ, nhộn nhịp làm ấm thêm căn phòng chứa đồ, trong tiết trời lạnh giá. Với bạn Nguyễn Hồng Vân, sinh viên năm thứ 2, Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội thì việc tham gia làm tình nguyện viên tại nơi đây là một niềm vui và đầy ý nghĩa, được trải nghiệm một mô hình mới, được gặp những bạn cùng chí hướng, cho Vân những kinh nghiệm và được chia sẻ nhiều cái mới trong cuộc sống hiện tại.

Với phương châm "cũ người mới ta", hai bạn trẻ Phạm Đức Kiểm và Nguyễn Thu Trang đến "Nhà Ấm" để chọn cho mình những món đồ mà các bạn yêu thích, giá cả lại phải chăng. Hai bạn tâm sự: "Qua bạn bè và facebook của "Nhà Ấm" nên hai đứa biết mà tìm đến nơi này, nay là buổi đầu tiên, thật bất ngờ là nơi đây có nhiều món đồ còn đẹp mà giá cả lại rẻ như vậy, đặc biệt là quần áo".

Vừa qua, "Nhà Ấm" tổ chức sự kiện "Cũ người mới ta" tại chợ Nghĩa Đô - ngõ 191 Lạc Long Quân, Hà Nội, đã nhận được sự ủng hộ rất lớn của mọi người, rất đông người đến mua hàng. Những món đồ đã đến được tay người sử dụng và những món tiền sẽ được tích góp dần để trở thành học bổng cho ước mơ đến trường của các em nữ sinh thiệt thòi nhưng hiếu học, học giỏi.

Chắp cánh ước mơ

"Nhà Ấm" tiếp nhận tiền mặt và vật dụng còn giá trị sử dụng từ các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp để bán lại với giá phù hợp cho những người có thu nhập thấp như lao động nhập cư, sinh viên, người nghèo, người khuyết tật... Toàn bộ lợi nhuận sẽ được sử dụng để tăng cường năng lực cho phụ nữ đơn thân và hỗ trợ học bổng cho nữ học sinh, sinh viên nghèo hiếu học. Đến hết tháng 9 là khép lại học bổng năm đầu tiên của "Nhà Ấm" với 7 học bổng, hỗ trợ (Học sinh: 500.000 đồng/tháng, Sinh viên: 1.000.000 đồng/tháng), 3 học bổng kết nối, 2 học bổng tiền mặt trị giá 5 triệu và 1 học bổng Tiếng Anh.

Bạn Đặng Thị Oanh (bên trái) cũng là tình nguyện viên của “Nhà Ấm”.

Chị Ngô Thị Thu Hà là 1 trong 3 người đồng sáng lập ra "Nhà Ấm" chia sẻ: "Gia đình các nữ sinh không chỉ thiếu kinh tế mà còn có hoàn cảnh éo le. Em thì khuyết tật vận động từ bé, có em thì ở với người ông mù lòa để chăm sóc ông, còn mẹ thì đi làm xa kiếm tiền trang trải cuộc sống. Lại có em bố mất còn mẹ thì ung thư, đã thế ở dưới còn hai đứa em nhỏ thơ dại với người anh bị điên, thật tội nghiệp. Nhưng thành tích học tập của các bạn nữ sinh nhận học bổng của "Nhà Ấm" lại rất tốt. Các em nữ sinh không chỉ là cán bộ lớp gương mẫu mà học lực luôn đạt loại khá giỏi, tham gia thi học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh, quốc gia. 

Tiêu biểu như một số em: Hoàng Thị Hoài, lớp 12 - chuyên Hà Tĩnh, điểm tổng kết đạt: 9,0, Giải nhì học sinh giỏi quốc gia môn Lịch sử, đạt 26,5 điểm trong kỳ thi Đại học và đỗ Học viện Cảnh sát nhân dân; Em Viên Thị Thương học sinh lớp 9 - THCS Quảng Hải, Thanh Hóa, điểm tổng kết: 8,9, đoạt giải khuyến khích cấp huyện môn Sinh học; em Hứa Thị Ly, lớp 8 - THCS Kim Đồng, Quảng Nam, kết thúc năm học vừa qua em đã đạt được danh hiệu học sinh giỏi và đoạt giải khuyến khích môn Tiếng Anh trong kỳ thi "học sinh giỏi cấp huyện".

Đặc biệt là bạn Đặng Thị Oanh, sinh viên Trường Đại học Lao động - Xã hội. Trong suốt thời gian qua, bản thân luôn cố gắng trong học tập cũng như rèn luyện để không phụ lòng mọi người và cũng đạt được một số thành quả nhất định. Điểm học tập tăng từ 6,67 lên 7,3 trong học kỳ 1 năm thứ 3 và đạt 8,23 kỳ 2 năm thứ 3 và được bầu đi học lớp bồi dưỡng đối tượng kết nạp Đảng".

Bạn Đặng Thị Oanh tâm sự: "Đến hôm nay bản thân em đã được nhận 2 qũy học bổng từ "Nhà Ấm". Nhưng cảm giác hôm nhận được thông báo, em là 1 trong 3 sinh viên được nhận học bổng vẫn còn rõ nét. Em rất hạnh phúc, vui mừng và được an ủi rất nhiều nhưng cũng xen lẫn sự lo sợ là sẽ không đáp lại được sự quan tâm và làm cho các thành viên "Nhà Ấm" thất vọng.

Sự kiện "Cũ người mới ta” của “Nhà Ấm” được nhiều người quan tâm.

Với một sinh viên năm thứ 3 sống và học tập giữa Thủ đô thì quả thật vấn đề kinh tế luôn khiến bản thân em phải suy nghĩ và lo lắng, khó khăn hơn khi bản thân thuộc khuyết tật vận động nên chi phí thuốc thang khi ốm đau hay chi phí đi lại khi học tập ngoài giờ cũng phải đắn đo cân nhắc. Trước tình hình như vậy, với nguồn chu cấp hằng tháng của bố mẹ làm nông có hạn thì việc hỗ trợ học bổng của "Nhà Ấm" rất ý nghĩa và có tầm quan trọng lớn đối với em.

Đến với "Nhà Ấm", bản thân em may mắn nhận được nhiều sự giúp đỡ từ vật chất lẫn tinh thần. Mọi người cho em cảm giác luôn ấm áp khi xa quê. Đến nơi này, em cũng đã học tập được nhiều điều bổ ích như: Kỹ năng nói trước đám đông được cải thiện hơn, hạn chế dùng tiếng địa phương khi giao tiếp, cách làm việc nhóm... Rất nhiều kiến thức mà em có thể vận dụng vào ngành đang học cũng như cuộc sống hằng ngày.

Nhớ lại đợt tập huấn ở Tam Đảo với hành trình 2 ngày đầy ý nghĩa đối với em, tinh thần tập thể của "Nhà Ấm" rất cao và đáng quý trọng. Cứ ngỡ đối với một người khuyết tật vận động thì làm sao đi từng ki lô mét để tham gia hoạt động nhóm, nhưng điều tuyệt vời là các thành viên cứ thế thay nhau cõng em. Nằm trên lưng các bạn mà thấy hạnh phúc đến rưng rưng nước mắt, vui lắm và biết ơn các bạn của em nhiều lắm".

Trong bức thư cảm ơn gửi tới "Nhà Ấm", bạn Viên Thị Thương quê ở Thanh Hóa viết: "Nhà Ấm" đã mang đến một thứ sức mạnh vô hình giúp em cũng như tất cả mọi người có hoàn cảnh bất hạnh vươt lên để đạt được những ước mơ, hoài bão của mình. Em tự nhủ với lòng mình cần cố gắng hơn nữa trong việc học tập vì chỉ có như thế mới xứng đáng với công lao của mọi người đã tạo điều kiện giúp đỡ em. Và em nghĩ đến tương lai của mình, chỉ có học thì sau này em mới có công việc đàng hoàng, khi có công việc tốt thì em mới có thể giúp đỡ mẹ, mới có thể là một người có ích cho xã hội giống như mọi người nơi đây".

Tuấn Trình
.
.
.