Nghĩa trang vô danh và tấm lòng người ở lại

Thứ Hai, 12/10/2015, 09:00
Cách đây 33 năm, một vụ tai nạn thảm khốc trong lịch sử ngành Đường sắt xảy ra gần ga Bàu Cá, ấp Hưng Long, xã Hưng Thịnh, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai khiến hàng trăm hành khách bị thương và thiệt mạng. 33 năm trôi qua, nhiều nạn nhân xấu số không giấy tờ tuỳ thân, không có người đến nhận vẫn nằm lại tại nghĩa trang đường sắt thuộc ấp Lộc Hoà, xã Tây Hoà, Trảng Bom, Đồng Nai và được ông Nguyễn Kim Hoạt, một trong những người tham gia chôn cất nạn nhân khi ấy chăm lo, hương khói.
Ký ức đau thương

Nghĩa trang đường sắt nằm khuất nẻo cuối ấp Lộc Hoà, lấp ló giữa những rừng điều và cánh đồng sắn ngút ngàn. Cứ ngày rằm và mùng 1 hay những ngày lễ quan trọng, ông Nguyễn Kim Hoạt lại lọc cọc đạp chiếc xe đạp cà tàng từ thập niên 70-80 ra thắp hương cho các nạn nhân xấu số. Dù đã 33 năm trôi qua nhưng ký ức về vụ tai nạn đường sắt kinh hoàng vẫn không hề phai nhạt trong tâm trí ông Hoạt và những người dân xã Tây Hoà năm ấy.

Một trong những người đầu tiên chứng kiến vụ tai nạn thảm khốc năm đó là ông Nguyễn Thành Sơn (ấp Hưng Long), khi ấy ông Sơn đang là nhân viên ga Bàu Cá. "Khoảng 5h sáng ngày 17/3/1982, tôi đang ngủ ở ga Bàu Cá thì giật mình bởi tiếng động rất mạnh. Thấy tiếng người la hét, tôi vội chạy ra đến nơi thì thấy một cảnh tượng kinh hoàng. Đầu xe lửa nằm chỏng chơ trên đồi cao, trong khi các toa khác đều nằm lăn lóc 2 bên đường ray.

Duy nhất chỉ có toa cuối cùng là vẫn đứng nguyên trên đường ray xe lửa. Người chết, người bị thương nằm la liệt bên vệ đường. Chưa kể còn rất nhiều hành khách kẹt trong các toa bị đổ", ông Sơn nhớ lại. Vì đến giờ làm nên ông Sơn chỉ ở hiện trường một lúc rồi trở về ga tiếp tục công việc của mình. Ông bảo, ngày ấy người ta không rõ nguyên nhân vì sao đoàn tàu gặp nạn nhưng có lẽ vì tốc độ chạy quá nhanh, đường ray gấp khúc, nên mới có chuyện đầu máy xe lửa bay lên cả đồi cao trong khi các toa đều đổ rạp.

Hôm ấy nghe tin có vụ tai nạn tàu hoả, ông Nguyễn Kim Hoạt cũng ra hiện trường từ rất sớm. Khi đến nơi ông đã thấy lực lượng Công an, dân quân, chính quyền xã Hưng Thịnh và người dân địa phương đến cứu nạn. Những người bị thương nhanh chóng được đưa đi cấp cứu, người chết thì nằm đắp chiếu chờ thân nhân đến nhận xác. Đa số những nạn nhân tử vong khi ấy đều không có giấy tờ tuỳ thân, chủ yếu là những người đi buôn bán.

Khu nghĩa trang đường sắt và những ngôi mộ vô danh.

Nhằm đảm bảo trật tự hiện trường cho cơ quan chức năng giải quyết vụ tai nạn, ông Hoạt và nhiều người ra về. "Đầu giờ chiều, tôi và nhiều người dân trong ấp Lộc Hoà được xã huy động ra khu đất cuối ấp đào huyệt mộ. Khoảng 16h, xe tải chở quan tài những người xấu số đến. Suốt từ chiều đến tối muộn chúng tôi mới xong công việc. Dù được yêu cầu đào 200 huyệt mộ nhưng chúng tôi chỉ chôn cất khoảng 100 nạn nhân xấu số. Số người được chôn ở đây phần lớn không xác định được thân nhân, hoặc chưa có thân nhân đến nhận", ông Hoạt nhớ lại.

Nếu năm ấy không phải là chuyến tàu khách mà là tàu hàng thì có lẽ không có nhiều cái chết thương tâm đến vậy. Hầu hết họ là những người nhảy tàu đi buôn. Nhiều người cho rằng, vì trốn vé, các nạn nhân đã lên nóc tàu ngồi nên khi tai nạn xảy ra, con số thương vong mới lớn đến thế. Chuyến tàu định mệnh năm ấy đã cướp đi sinh mạng của bao người vô tội.

Tấm lòng người ở lại

Giữa trưa nắng chang chang, ông Hoạt vẫn lóc cóc đạp xe đưa chúng tôi ra nghĩa trang đường sắt thắp hương cho những người xấu số. Dù đã 80 tuổi nhưng nom ông lão vẫn còn nhanh nhẹn, lắm. Hơn chục năm nay, ông tự nguyện chăm sóc khu nghĩa trang đường sắt, hương khói cho những ngôi mộ vô danh và cùng kêu gọi bà con ấp Tây Hoà đóng góp tu sửa nghĩa trang, làm ấm lòng những người xấu số. Những ngôi mộ năm nào theo thời gian đã sụt bằng với mặt đất. Để tránh nhầm lẫn, ông Hoạt đã đặt trước mộ một tấm biển đề tên vô danh và một viên gạch để làm nơi thắp hương mỗi khi có khách đến viếng thăm.

Ông Nguyễn Kim Hoạt kể lại câu chuyện.

Ông Hoạt tâm sự, trước đây có một giáo dân trong ấp tự nguyện trông coi khu nghĩa trang này nhưng từ khi bà chuyển đi nơi khác cách đây hơn chục năm, khu nghĩa trang bị bỏ hoang phế một thời gian dài, cây cối rậm rạp phủ kín như rừng hoang. Xót xa ông đã cùng với người dân trong ấp vận động đóng góp tiền của để đến dọn dẹp, phát quang, làm lại hàng rào và xây dựng lại cổng nghĩa trang.

"Ngày đó nhiều cây cổ thụ che lấp khu nghĩa trang này lắm, chúng tôi đã chặt gần hết, chỉ giữ lại duy nhất một cây làm bóng mát. Sau khi dọn dẹp xong chúng tôi mới phát hiện ra 20 ngôi mộ đã được bốc lúc nào không biết. Thêm vào đó là 3 ngôi mộ hài nhi chỉ ghi tên thánh được xây cất cẩn thận ngay ở cổng nghĩa trang. Có lẽ được người dân ở gần đây đưa đến", ông Hoạt ngậm ngùi chia sẻ.

Ngôi miếu nhỏ cách đây 33 năm là nơi xảy ra vụ tai nạn.

Hơn chục năm nay, ông Hoạt vẫn lặng lẽ làm công việc như một người quản trang. Ông bảo, những người dân trong ấp đều thống nhất một năm có bốn ngày quan trọng nhất để đến nghĩa trang thắp hương cho những người xấu số là ngày 2/11, ngày bên Công giáo tổ chức lễ "các đẳng linh hồn"; ngày mùng 2 Tết âm lịch, ngày 17/3 là ngày xảy ra tai nạn thương tâm và ngày rằm tháng 7 xá tội vong nhân. Còn lại tháng nào cũng thế, ngày nắng cũng như ngày mưa, ông Hoạt lại lặn lội đạp xe ra nghĩa trang thắp hương, nhặt cỏ. Ngay ở cổng vào, ông Hoạt tự bỏ tiền ra xây một ban thờ nhỏ làm nơi đặt bát hương, đồ lễ cúng bái cho những ai đến thăm mộ.

Nhìn khu nghĩa trang đường sắt tuy đơn sơ nhưng vẫn khiến người đến ấm lòng bởi sự tận tuỵ của ông lão. "Thấy tôi tự nguyện chăm sóc khu nghĩa trang, bà con ở đây rất ủng hộ. Họ cùng với tôi sơn quét vôi lại các tấm bia mộ đã lập trước đó, xây lại các đoạn tường rào đã sập", ông Hoạt chia sẻ. Vài năm trở lại đây, thân nhân của những ngôi mộ vô danh tìm đến nhiều hơn.

"Có lẽ bây giờ họ mới có điều kiện đi tìm mộ người thân. Ngày xưa khó khăn, những năm bao cấp ăn chẳng đủ nói gì đến việc bỏ tiền đi tìm mộ. Cách đây mấy năm, có một người tìm đến nhận mộ người thân. Khi tai nạn xảy ra, người này cũng đến tận nơi và biết người nhà mình được chôn ở đây nhưng lúc ấy không có điều kiện đưa về. Nay quay trở lại, họ chỉ nhớ mang máng vị trí chôn, nên đã xây luôn hai ngôi mộ cạnh nhau rất cẩn thận. Họ bảo, nếu một trong hai ngôi mộ không phải người nhà mình thì họ làm thế cũng để ấm lòng người nằm dưới", ông Hoạt tâm sự.

Ông Nguyễn Thanh Sơn nhớ lại sự việc.

Khu nghĩa trang này đều là những người vô danh nên hầu như người nhà tìm đến đây chỉ biết thắp hương cầu khấn chứ không thể tìm được đích xác người thân mình nằm ở nơi nào. Vì thế mà ông Hoạt còn có nhiệm vụ là ngăn cản thân nhân những người xấu số đào mộ, bởi như thế sẽ là có lỗi với người đã khuất.

Mấy tháng sau khi vụ tai nạn xảy ra, cung đường nơi xảy ra tai nạn mới được ngành Đường sắt sửa chữa xong. Đến năm 1993 thì ngành Đường sắt dời cung đường ra hướng khác, cách hiện trường vụ tai nạn 500m. Sau khi ngành Đường sắt dời cung đường ra hướng khác, ông Nguyễn Thành Sơn được đơn vị giao cho khu đất từng xảy ra vụ tai nạn năm xưa để ở cho đến nay.

Tại gần nơi xảy ra tai nạn, ngay trước cửa nhà ông Sơn hiện giờ, người dân ấp Hưng Long đã dựng nên ngôi miếu nhỏ để thờ cúng những người xấu số. Bao năm qua, ông Sơn lại là người trông coi, hương khói ngôi miếu ấy. Cứ vào ngày 17/3 hằng năm, các công ty đường sắt gần đấy và người dân trong ấp Hưng Long lại ra thắp hương tưởng nhớ những người xấu số.

Mỗi lần có thân nhân người gặp nạn đến hỏi thăm, ông Sơn lại chỉ họ đến nghĩa trang đường sắt thắp hương và ngược lại, ông Hoạt lại chỉ họ đến ngôi miếu nhỏ này để tưởng niệm những người xấu số. Ông Hoạt tâm sự, ông chỉ muốn qua các bài báo, nhiều thân nhân của các nạn nhân năm xưa biết được có một khu nghĩa trang đường sắt vẫn tồn tại ở Tây Hoà từ năm 1983 đến nay để xác định mộ người thân của mình.

Ngọc Mai
.
.
.