Nghịch lý câu chuyện từ thiện mùa tuyết phủ

Thứ Hai, 01/02/2016, 22:00
Vào những ngày đại hàn của miền Bắc vừa qua, dư luận xã hội lại “nóng” lên với nhiều ý kiến trái chiều về từ thiện vùng cao. Mỗi người một quan điểm, câu chuyện thành ra xôm tụ ra trò. Cái sự xôm ấy lắm lúc lại được tạo ra bởi đội ngũ (không phải là ít) - không đi làm từ thiện cũng chẳng phải là đối tượng nhận quà - nhưng "chém gió" nhiệt tình nhất trên mạng.


Do ảnh hưởng của đợt không khí lạnh có cường độ rất mạnh nên trong mấy ngày vừa qua, nhiệt độ toàn miền Bắc giảm sâu, có nhiều nơi xuất hiện băng, tuyết. Trong đó, không có ít nơi lần đầu tiên có tuyết như Cao Bằng, Hà Nội, Nghệ An… Trước sự thay đổi đột ngột của khí hậu, không ít người tỏ ra tò mò, phấn khích.

Người ta rủ nhau đi xem tuyết. Đường lên Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn) và một số địa điểm du lịch nổi tiếng khác tắc nghẽn nhiều giờ liên tiếp, không ít người chỉ có lên rất khó có về được ngay bởi muốn về cũng… chịu.

Song song với những hình ảnh "check in" (chế độ thông báo rằng mình đã ở đâu - PV) một cách phấn khích và hạnh phúc vì lần đầu tiên được "hòa mình" trong tuyết phủ thì trên mạng xã hội, nhiều bức ảnh chụp những em bé dân tộc mặc những bộ quần áo mỏng manh, thậm chí trần truồng đứng chơi trong giá rét cũng thu hút được nhiều sự quan tâm của cộng đồng.

Trẻ con Bát Xát nhận áo ấm từ chương trình từ thiện của nhà báo Trần Đăng Tuấn.

Hàng nghìn lời kêu gọi giúp đỡ được chia sẻ lan nhanh một cách chóng mặt. Nhiều đoàn xe từ thiện chở áo ấm, ủng, mũ, bánh kẹo từ miền xuôi lên. Nhiều chiến dịch cứu rét khẩn cấp được lập ra.

Và rồi, hành khách du lịch bị chỉ trích vì sự vô tâm bất đắc dĩ của mình. Có người kêu "Xin đừng mong tuyết về trên quê hương tôi". Có một công ty nọ ở Hà Nội nhân dịp trời rét, xả hàng cuối năm, tung chiêu "Xé áo cũ - tặng áo mới" cũng bị lên án vì "lố bịch". Thậm chí, đến cả những người đi làm từ thiện và những người nhận quà từ thiện cũng trở thành đối tượng của sự chỉ trích.

Nào là đi làm từ thiện theo trào lưu. Nào là đi để "khoe mẽ". Nào là ở nơi đó, chắc gì người ta đã khổ, đã đáng thương như thế. Mỗi người một suy nghĩ, để rồi, từ một nghĩa cử cao đẹp, thể hiện tính tương thân tương ái của cộng đồng, câu chuyện từ thiện trở nên tầm phào, "lá cải" đi nhiều so với bản chất của nó.

Tất nhiên, những phản ánh ở trên không phải là không có. Đâu đó vẫn có một số trường hợp "con sâu làm rầu nồi canh" làm cho nhiều người dị ứng với câu chuyện đi từ thiện này. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, so với miền xuôi, đời sống của bà con các dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn. Thường ngày đã thế, giờ thêm cái lạnh khắc nghiệt này ùa về làm cho cây cỏ trụi lá, trâu bò chết, mở mắt ra rừng núi băng tuyết giá rét, đời sống càng trở nên khó khăn hơn.

Chuyện trở nên phức tạp vì lý lẽ của người này, luận điểm của người kia. Mà lý lẽ là cái vô cùng. Biết như thế nào là giới hạn mà bảo không nên làm cái này, không nên làm cái kia. Thôi thì đơn giản, đói thì cần cho ăn, khát thì cần cho uống, rét thì cần có cái quần mà mặc vậy. Lấy cái tình làm gốc, khi cái tình thừa thãi, thái quá, nảy sinh ỉ lại thì dùng cái trí mà hướng dẫn, uốn nắn.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn nổi tiếng với chương trình "Cơm có thịt" đã lâu. Sau vài ngày phát động, chiến dịch "Áo ủng khẩn cấp 24 giờ" cho học sinh vùng cao của ông và cộng sự của mình vừa qua đã kêu gọi được gần 3 tỷ đồng. Ông chia sẻ rằng, "cuộc sống có những quan điểm khác nhau, do có những thực tế khác nhau. Có bạn nói vùng cao, người dân tộc còn mong có tuyết để khách du lịch lên, tha hồ "chặt". Cũng đúng.

Rằng trẻ con đầy áo quần nhưng theo thói quen, vẫn để truồng. Biết đâu đúng. Có bạn nói về nỗi đau nhìn trâu bò chết, nhìn rau hoa tàn trong tuyết. Đương nhiên cũng đúng. Có người nói cho cần câu chứ cho con cá giải quyết được gì. Cũng đúng. Trong một hoàn cảnh, giữa nhân dân có nhiều nhân dân thì nhiều thực tế, nhiều cái đúng lắm. Phải chọn người, chọn nơi để thương và chọn để yêu, để giúp nếu có thể thôi. Tranh luận mọi lúc mọi chỗ có thể là điều xa xỉ".

Chị Phạm Kiều Oanh, một người làm kinh doanh du lịch Sa Pa kể: "Bản thân là một đơn vị kinh doanh du lịch Sa Pa nhưng tôi lại thấy nó bi hài. Người dưới xuôi nhìn nhận mọi việc qua những bức ảnh. Và thậm chí cả người chụp cũng chưa chắc đã tìm hiểu câu chuyện như thế nào.

Tại sao hàng trăm công ty du lịch ở Sa Pa không kêu gọi ủng hộ? Là bởi mỗi năm có hàng nghìn dự án từ thiện cấp nhà nước, cấp tỉnh, cấp huyện, các cơ quan, đoàn thể, cá nhân chỉ tập trung tại Sa Pa; mỗi lần ủng hộ là cả trăm chiếc áo quần, cả ngàn đôi ủng và sách vở dùng cả chục năm không hết. Vậy thì tại sao chúng ta còn nhìn thấy những nghịch cảnh của mùa tuyết?

Đó là vì bố mẹ các em, chứ không phải vì Sa Pa có tuyết mà như vậy. Chúng tôi, những người làm du lịch hằng năm vẫn đều đặn đóng góp các quỹ từ thiện, đồng thời xin trợ cấp thêm để hỗ trợ người dân huyện Sa Pa, xuyên suốt từ Bản Khoang, San Sả Hồ, Thanh Phú, Thanh Kim… Cố gắng làm tất cả để đưa nền du lịch Sa Pa lên một tầng cao mới. Khắc phục việc người dân xin tiền bằng cách tuyên truyền đến du khách. Nhưng du khách cho vẫn cho.

Lối mòn ấy đã in hằn trong tiềm thức của người bản địa. Và tôi cũng chẳng hiểu tại sao mọi người lại ném búa rìu vào du khách? Du khách không đến thì tuyết có ngừng rơi không? Làm từ thiện xuất phát từ cái tâm. Nhưng sẽ có ý nghĩa hơn nếu được đặt đúng lúc, đúng chỗ. Còn nhiều nơi khó khăn hơn Sa Pa rất nhiều".

PV
.
.
.