Nghịch lý thị trường sách

Chủ Nhật, 23/04/2017, 15:22
Trong thời gian qua, có khá nhiều phong trào nhằm phát triển văn hóa đọc. Chưa kể số lượng hội chợ, hội sách trải khắp bốn mùa, đều như… vắt chanh.

Và chẳng biết, văn hóa đọc có được kích thích đúng mạch của nó hay không, nhưng nhìn số liệu doanh thu và đầu sách mà ngành xuất bản công bố trong thời gian qua quả thực là một sự ngạc nhiên lớn.

Tổng doanh thu của ngành xuất bản trong năm 2016 đạt 2.000 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của các nhà xuất bản đạt gần 150 tỷ đồng. Một số nhà xuất bản sản xuất kinh doanh đạt được chỉ tiêu đề ra.

Độc giả không còn ngạc nhiên khi bắt gặp những đầu sách được bán ra với số lượng hơn 100.000 bản hay. Dẫn lại vài số liệu của ngành xuất bản trong năm vừa qua để thấy sự phát triển...

Số lượng các hội chợ sách tỷ lệ nghịch với văn hóa đọc?

Mặt khác, từ khi có Ngày Sách Việt Nam (21-4-2014) đến nay đã 4 năm, hội sách (cả sách mới lẫn sách cũ) mở ra nhiều. Bên Cục Xuất bản mở 2 lần/năm; bên Hoàng Thành 1 lần/năm.

Ngoài ra, còn rất nhiều hội sách nhỏ hơn, theo mùa, đúng kiểu “đến hẹn lại lên”. Số lượng các hội sách cũ mỗi tháng có 2 phiên.

Nhìn những thống kê này, có thể sẽ có người lạc quan về văn hóa đọc của Việt Nam. Bởi lẽ, người ta vẫn quan điểm, số lượng hội sách, doanh thu bán sách tăng sẽ tỷ lệ thuận với mặt bằng dân trí của dân tộc đó.

Tuy nhiên, lại có một tỷ lệ nghịch ở đây khi số lượng hội sách mở ra, doanh thu bán sách tăng và văn hóa đọc là những chuyện chẳng liên quan gì đến nhau. Có người nói vui rằng, thử điểm danh những đầu sách hot, những cuốn sách bán chạy, những tác giả ăn khách thì biết văn hóa đọc nước ta đang ở mức nào. 

Quá nhiều lựa chọn cho người đọc sách.

Nhà văn Lê Phương Liên, Trưởng ban Sách thiếu nhi của Hội Xuất bản cho rằng, hiện nay thị trường sách của chúng ta đang có một sự hỗn loạn khi số lượng đầu sách tăng chóng mặt, các loại sách thượng vàng hạ cám đủ cả.

Trong khi đó, chất lượng sách lại là một vấn đề đáng bàn khi có không ít những sách kém, nhiều sạn, nhất là những sách tái bản, hoặc khai thác lại sách cũ. Do có một sự “không hiểu nhau” giữa thế hệ tác giả trước đây và đội ngũ những biên tập viên trẻ hiện nay mà thế hệ sau không hiểu những tác giả thế hệ trước viết gì.

Đọc sai, hiểu sai rồi tam sao thất bản. Chưa kể, việc đánh máy vi tính làm cho lỗi sai nhiều hơn. Thiết nghĩ, ngành xuất bản nên chạy theo chất lượng thay vì chạy theo số lượng.

Với những phong trào, chiến dịch về sách rầm rộ trong thời gian gần đây, nhà văn Lê Phương Liên đánh giá: “Ít nhiều vẫn mang tính bề nổi, hình thức bởi đọc sách người ta không cần phải biểu diễn mà làm gì. Sách là thứ người ta bồi dưỡng ở bên trong, để chăm chút cho nội tâm của mình”.

Từ góc độ một người kinh doanh sách, anh Lê Văn Hợp, chủ hiệu Sách cũ Hà Thành cho rằng, thị trường sách hiện nay đang có sự thay đổi đáng kể.

Các bên xuất bản đang chạy đua làm các tác phẩm kinh điển, dần dần các dạng sách ngôn tình ít đi. Tuy nhiên, có nhiều bên cùng khai thác một tác phẩm kinh điển, chạy theo số lượng nhưng chưa chắc chất lượng bản dịch đã hay.

Bạn đọc, nhất là các bạn trẻ, thường chú trọng vào các tác phẩm mới mẻ, được PR tốt. Tuy nhiên, cũng có một bộ phận khác, nhất là những người lớn tuổi bắt đầu tìm lại các sách cũ xuất bản trước đây vì chất lượng dịch mới không thể đọc được.

“Một số hội sách chưa được tổ chức bài bản mọi khâu; nhiều hội tổ chức làm để lấy sự kiện, chứ chưa thực sự thu hút độc giả nhiều. Trong khi đó, các phiên chợ sách cũ mặc dù thu hút được một bộ phận lớn độc giả, dần dần cũng đang gây ra gây sự nhàm chán, bão hòa”, anh Hợp nói.

Nhà văn Nguyễn Nhật Phi: Văn hóa đọc của Việt Nam ở mức không cao

Nếu nói một cách duy lí, một thị trường vẫn đang đáp ứng đúng tính cung - cầu theo nguyên lí "bàn tay vô hình" tự điều tiết thì khó có thể gọi là hỗn loạn. Khi ta nói một thứ gì đó đang "hỗn loạn", tức là ta đã phải có một cái chuẩn "ổn định" cho nó.

Tuy nhiên, mọi người nghĩ thị trường sách ở thời điểm nào là ổn định? Hay chỉ có ọp ẹp và trì trệ thôi? Cá nhân tôi không thấy nó hỗn loạn, còn bảo nó có vấn đề hay không thì có lẽ là có. Song, điều đó không xuất phát từ bản chất hay tính chất của thị trường sách, mà là hệ luỵ của nó.

Thị trường chỉ là nơi bán và mua, sách vốn dĩ là mặt hàng. Chừng nào không lạm phát, không độc quyền, không khủng hoảng, không có sự lũng đoạn... thì thị trường đó vẫn đang vận hành hiệu quả.

Mặt khác, thị trường sách là một thị trường đặc thù khi những giao dịch của nó thể hiện tương đối trực tiếp mặt bằng văn hoá của một dân tộc. Văn hóa đọc của Việt Nam ở mức không cao, rất khó để so sánh với mặt bằng của thế giới.

Tất nhiên, chúng ta vẫn cần một nghiên cứu trên diện rộng để rút ra kết luận về những loại sách thu hút bạn đọc hiện nay.

Nhưng rõ ràng, rất nhiều giá trị đã bị lãng quên trong một lớp văn chương được ưa chuộng ngày nay, những điều mà vốn dĩ giáo dục khó lòng cung cấp được hết. Trong khi đó, giáo dục trường học và các giá trị từ nghệ thuật vốn dĩ phải là 2 chân của một nền văn hoá. 

Có người nói với tôi, sách văn học chưa được trả về đúng vị trí của nó. CEO của một trong những công ty sách hiện nay còn xếp sách văn học ở tầng dưới cùng của sách, ngang với sách giải trí. Người đó cho rằng, chỉ có sách giáo dục mới mang lại hàm lượng tri thức tầm cao…

Văn học không chỉ đơn thuần để lĩnh hội tri thức, văn học còn là để đào sâu, phát triển nhận thức, để hiểu, cảm thông cho nhau, để yêu thương con người hơn, sống tử tế hơn.

Có rất nhiều điều, tôi tin rằng chỉ có văn chương mới dạy được người ta, không phải trở thành bác sĩ, kĩ sư, mà để trở thành một con người đúng nghĩa.

Tiến sỹ Giáo dục Nguyễn Thụy Anh, Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con: Đã đến lúc cần quan tâm hơn đến “bề sâu” 

Từ khi Ngày Sách Việt Nam được thông qua vào năm 2014, thật sự đã có hiệu ứng xã hội rất tốt, và thái độ ứng xử với sách, với việc đọc sách của xã hội có thay đổi. Tôi cho rằng, đối với Việt Nam, tạo phong trào vẫn rất cần thiết.

Tuy nhiên, nếu cứ chỉ dừng lại ở bề nổi thì sẽ đến lúc “xẹp” hoặc cứ đến hẹn lại lên, cứ đến dịp lại làm “một cái gì đó” liên quan đến sách. 

Tôi nghĩ, đã đến lúc cần quan tâm hơn đến “bề sâu” với sự trang bị kiến thức, kỹ năng của từng cá nhân theo chuyên môn của mình liên quan đến sách và văn học: thầy cô giáo dạy văn; những người làm công tác thư viện; những người tham gia mảng khuyến học, khuyến đọc trong cộng đồng, những người tham gia vào các trung tâm học tập cộng đồng, trong mảng “học tập thường xuyên”, học tập trọn đời.

Nếu những người liên quan trực tiếp đến việc xây dựng văn hóa đọc mà lại không có kỹ năng đọc, kỹ năng tạo động lực đọc cho cộng đồng thì kết quả sẽ chỉ là những tủ sách được xây dựng, ai thích đọc vẫn đọc, ai chưa thích đọc sẽ miễn cưỡng tham gia hoạt động để báo cáo thành tích, thậm chí bị “ép đọc”, rồi thôi, việc đọc sách chưa thể trở thành một hoạt động tự nguyện của mỗi cá nhân. Câu chuyện đọc sách đôi khi nếu hô hào, đưa lên thành hình tượng truyền thông lại gây một hiệu ứng ngược.

Những cá nhân vốn xa lạ với sách lại càng xa lạ hơn, như một phản ứng “tự bảo vệ” trước những gì ồn ào, được tung hô quá lời mà không chạm được đến suy nghĩ, cảm nhận, chia sẻ của mỗi con người. Tôi chạnh nghĩ, đôi khi cần chậm lại, nói nhỏ lời đi, sẽ lắng nghe được cái khó của ai đó khi tìm đến sách để hỗ trợ, hóa giải.

Có lần tôi gặp một số bạn trẻ nói rất hay về văn hóa đọc, tổ chức rất nhiều hoạt động tuyên truyền vào Ngày Sách tháng tư, nhưng khi hỏi, hiện bạn đang đọc cuốn sách nào thì các bạn lúng túng, chỉ nói ra được tên những cuốn sách đang được truyền thông quan tâm.

Tôi nghĩ, ta có thể không đọc được nhiều ngay lập tức, không thể lấy việc hối hả tìm cách nâng con số mỗi người Việt Nam đọc từ 0,8 cuốn (2013) lên 2,8 cuốn (2015) rồi cả chục cuốn một năm làm tiêu chí cho việc phát triển văn hóa đọc.

Để có văn hóa đọc với khái niệm “thói quen đọc, sở thích đọc và kỹ năng đọc” (theo tác giả Nguyễn Hữu Viêm) thì ta cần xây dựng một phông văn hóa cụ thể hơn cho mỗi người đọc, đồng thời tôn trọng lựa chọn hoạt động tự đào tạo của mỗi cá nhân, lôi cuốn họ đến với việc đọc sách bằng một cách mời rủ tinh tế hơn, chứ không thể mãi mãi là những khẩu hiệu, sự kiện, truyền thông, những cuộc thi... để báo cáo thành tích.

Đậu Dung
.
.
.