Nghìn ngày đau khổ, vạn ngày hạnh phúc

Thứ Năm, 01/02/2018, 21:02
Giấc mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ tưởng như vĩnh viễn khép lại với cô gái xứ Nghệ 21 tuổi khi phát hiện mình bị ung thư tủy, nhưng chàng trai miền Tây sông nước đã kịp đưa bàn tay của mình để nâng chị bước đi tên con đường hạnh phúc.


Suốt 15 năm qua, hơn cả tình yêu, họ đã vững tin bên nhau, vừa nuôi dạy con cái, vừa giúp nhau chống chọi bạo bệnh, giành giật sự sống từ bàn tay tử thần.

Những ngày áp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, tôi bất ngờ nhận được tin nhắn điện thoại của Phương, mừng rỡ báo tin bản thân vừa hoàn thành hai cuốn sách với tựa đề "Mảnh trăng khuyết" (thơ) và "Hành trình kỳ diệu" (truyện ngắn), do Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành. 

Với một người nằm liệt giường, vừa chống chọi với bạo bệnh, vừa miệt mài viết lách như Phương, chỉ trong thời gian ngắn cho ra đời hai cuốn sách như vậy quả là điều kỳ diệu. 

Trước đó không lâu, cô gái đặc biệt này, với sự "đỡ đầu" của NXB Công an nhân dân, đã cho ra đời tác phẩm tự truyện đầu tay mang tên "Cổ tích tình yêu". Sách kể về câu chuyện tình yêu và những điều chưa từng chia sẻ với ai của Phương, đó cũng là lời yêu mà chị muốn dành riêng cho Chín, người đã hy sinh cả tuổi trẻ và thời thanh xuân để tìm lại sự sống cho mình.

15 năm qua, tình yêu của anh Chín đã giành lại sự sống cho chị Phương.

Phương, người mà tôi vừa nhắc đến trong phần đầu bài viết này là Nguyễn Thị Phương (39 tuổi), trú tại xóm Gia Đề, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Chị là một trường hợp cực kỳ đặc biệt, sinh ra khỏe mạnh, xinh đẹp như bao thôn nữ khác. 

Năm 2000, Phương rời quê nhà vào TP Hồ Chí Minh làm công nhân và tại đây, chị đau đớn khi phát hiện mình bị căn bệnh ung thư tủy. Tương lai bỗng chốc đóng sập trước mắt, nhưng cũng thật tình cờ khi trong thời gian này, Phương quen biết với Trương Văn Chín (41 tuổi) quê ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, lúc bấy giờ đang là lính nghĩa vụ, đóng quân gần nơi Phương làm công nhân.

Duyên trời định, tình cảm nảy sinh nhưng ý thức được tương lai của mình, Phương tìm mọi cách để chạy trốn tình yêu. Sau nhiều năm gõ cửa các bệnh viện trong vô vọng, tiền bạc cạn kiệt, Phương tuyệt vọng về quê nằm chờ chết mà không báo cho Chín biết. 

Không điện thoại, không địa chỉ, nhưng vì tình yêu, Chín quyết định bắt xe ra Nghệ An, lần theo trí nhớ mơ hồ về địa chỉ của người yêu mà trong những câu chuyện xã giao trước đó, Phương đã kể cho anh nghe. 

Gặp lại nhau trong hoàn cảnh trớ trêu, khi đôi chân Phương đã dần teo tóp, nhưng Chín không thất vọng, anh xin gia đình cho phép mình đưa Phương trở lại TP Hồ Chí Minh chữa bệnh. Ngót năm trời trôi đi, ngày ngày Chín đi làm thuê kiếm tiền chữa trị cho người yêu nhưng cuối cùng, cả hai vẫn phải tủi phận trở về khi căn bệnh của Phương ngày càng nặng thêm.

Vì yêu, Trương Văn Chín có một quyết định hết sức điên rồ, là rời bỏ quê nhà Tiền Giang ra Nghệ An xây dựng gia đình với Phương, với tâm nguyện sẽ sát cánh để tiếp thêm sức mạnh cho Phương chống chọi với bệnh tật. Lúc bấy giờ, Phương đã trở thành phế nhân, đôi chân bất động, mọi sinh hoạt đều phải dựa vào người khác. 

Sau 6 năm bên nhau, Phương và Chín với sự giúp đỡ của một Mạnh thường quân, đã được ra Hà Nội để chữa trị. Tại đây, phép màu đã đến khi không chỉ Phương từ một cô gái chỉ nặng 27kg, chân teo tóp đã phục hồi nhanh chóng, da dẻ hồng hào, lên cân trở lại, mà điều kỳ diệu hơn, 1 năm sau đó, Phương mang thai. 

Đến tháng thứ 8, Phương sinh được một bé trai nặng 2,1kg hoàn toàn lành lặn, khỏe mạnh khiến cho những ai biết đến hoàn cảnh của Phương cũng không thể nào tin nổi. Bởi sức vóc và thể trạng của chị, may mắn lắm cũng chỉ bằng phương pháp sinh mổ, nhưng Phương đã tiếp tục viết nên câu chuyện cổ tích đời mình, khiến bao người khác phải khâm phục, ngưỡng mộ. 

Ảnh cưới của anh Chín và chị Phương.

Xúc động trước mối tình nhiều năm của hai người, bệnh viện nơi hai vợ chồng điều trị đã quyết định đứng ra tổ chức lễ cưới. Đó cũng là lần đầu tiên tại một bệnh viện trong cả nước, một đám cưới đặc biệt đã được tổ chức. 

Sau 4 năm bám trụ tại Hà Nội, vào năm 2011, khi sức khỏe đã dần hồi phục, chắc chắn rằng mình đã chiến thắng được thần chết, 2 vợ chồng khăn gói về lại Tân Kỳ sinh sống và được bố mẹ cắt cho một mảnh đất trong vườn, xây cho căn nhà nho nhỏ. 

Những năm tháng cơ cực nhưng hạnh phúc ấy, trong khi Chín miệt mài mỗi ngày chạy xe hơn 20 cây số cả đi lẫn về từ nhà đến thị trấn để làm thêm, kiếm tiền thì Phương cũng nhận may vá thuê, soạn thảo văn bản, bán hàng tạp hóa để kiếm thêm thu nhập, cuộc sống tuy vất vả nhưng ngập tràn hạnh phúc. Bé Trương Bảo Phúc, quả ngọt của chuyện tình cổ tích năm nay cũng đã học lớp 4, thông minh và lanh lợi, trở thành chỗ dựa tinh thần cho cả Phương và Chín.

Dù vậy, thử thách vẫn chưa dừng lại, khi mấy năm gần đây Nguyễn Thị Phương lại có dấu hiệu của bệnh tật tái phát. Khủng khiếp nhất là vào những ngày giáp Tết Nguyên đán 2017, trong lúc nhà nhà đang sửa soạn đón chào năm mới thì Phương lên cơn tràn dịch màng phổi, tưởng chừng như không qua khỏi được. 

Biết tin, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã đưa xe về tận nhà, đón Phương xuống điều trị trong suốt mấy tháng liền mới giữ lại được mạng sống. "Bữa ấy tưởng không qua được, kíp bác sĩ đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy ra trợ giúp cũng đã lắc đầu, xe cứu thương đưa chị về tận nhà, phải duy trì sự sống bằng bình oxy. Thế mà thêm một lần nữa, điều kỳ diệu lại đến khi bỗng dưng sau vài ngày, chị thấy mình khỏe dần lên. Có lẽ, chồng và con đã cứu sống chị", Phương xúc động tâm sự.

Chia sẻ về hành trình giành giật lại sự sống kỳ diệu của mình, Nguyễn Thị Phương ứa nước mắt, đó chỉ có thể nói là điều kỳ lạ, được tình yêu của chồng tiếp thêm sức mạnh. Đôi lúc, nghĩ lại chị vẫn không dám tin có những thời điểm mình lại có thể vượt qua được thử thách, để rồi sau mỗi cơn hôn mê, tỉnh dậy cứ ngỡ mình đang trong giấc mơ. 

15 năm, Chín vừa là người yêu, vừa là chồng, vừa là bác sĩ đồng thời là người cha, người mẹ, người giúp việc cần mẫn, phụng sự và chăm sóc cho Phương tất tần tật mọi việc, từ trò chuyện, tắm rửa, giặt giũ đến thuốc thang, thậm chí trợ giúp các sinh hoạt đời thường nhất cho Phương, Chín cũng tự tay làm tất cả. "Chưa một lần thấy anh ấy than thở, buồn phiền hay mệt mỏi", đó là cảm nhận của Phương suốt chặng đường 15 năm đã qua.

Những cuốn sách tự truyện của chị Nguyễn Thị Phương.

Chia sẻ về chuyện tình của mình, Trương Văn Chín chỉ cười xòa, đơn giản đó chỉ vì yêu. Anh đang làm việc theo những điều con tim mách bảo, và làm tròn bổn phận của một người yêu, người chồng, người bạn tri kỷ. Chưa bao giờ Chín có ý nghĩ mệt mỏi hay dừng lại ở đâu đó trên chặng đường phía trước trong câu chuyện tình yêu này. 

Hạnh phúc với Chín, là mỗi ngày trôi qua còn thấy được ở bên nhau để hi sinh, chăm sóc cho nhau, khi còn có thể. "Kể từ lần đầu tiên gặp nhau, em biết mình sinh ra là để dành cho Phương. Chính vì vậy, những khó khăn, vất vả đã đi qua trong suốt 15 năm chẳng có nghĩa lý gì sất. Điều khủng khiếp nhất mà em sợ là đến một ngày nào đó, tỉnh dậy với một ngày mới nhưng không còn người mình yêu để chải tóc, rửa mặt và cùng nhau ăn bữa sáng", Trương Văn Chín thổ lộ. 

Còn với Nguyễn Thị Phương, chị cũng dồn tất cả yêu thương cho Chín bằng những trang sách, vần thơ  gan ruột của mình. Những chất chứa yêu thương, dồn nén tình cảm suốt 15 năm qua, chị đã trải lòng, gửi gắm tâm tư, tình cảm và nỗi niềm của bản thân cho người đã sát cánh bên mình trong chặng đường dài chống chọi với bệnh tật, xây đắp hạnh phúc.

Bà Nguyễn Thị Anh Trâm, Chủ tịch Hội LHPN huyện Tân Kỳ chia sẻ thêm: Trong những năm qua, từ ngày hai vợ chồng Phương - Chín về sinh sống, lập nghiệp tại địa phương, các tổ chức đoàn thể đã cùng nhau chung tay giúp đỡ, tạo mọi điều kiện tốt nhất về tinh thần cũng như vật chất để hai vợ chồng vừa có kế mưu sinh, vừa chống chọi với bệnh tật. 

Hằng năm, các nhà hảo tâm, các tổ chức từ thiện xã hội trong cả nước cũng thường xuyên đến chung tay, góp sức động viên anh chị vượt qua nghịch cảnh, bệnh tật để giành giật sự sống. Câu chuyện tình yêu kỳ diệu tựa cổ tích của hai vợ chồng đã thắp lên niềm tin, ước mơ về hạnh phúc cho tuổi trẻ không chỉ ở Nghệ An mà khắp cả nước, nhất là trong xã hội hiện nay.

Sau cùng, xin mượn 4 câu trong bài thơ "Mảnh trăng khuyết", cũng là tựa đề tập thơ gần đây nhất của chị Phượng, để trao gửi đến anh Chín: "Mảnh trăng khuyết giữa biển người/ Ai cười ai khóc ai chơi vơi lòng/ Nỗi buồn không đếm chẳng đong/ Chỉ cần bên cạnh những vòng tay yêu". 
Thiện Thành
.
.
.