Ngôi làng 30 năm sống nguyên thủy vì thiếu điện

Thứ Sáu, 09/08/2013, 10:44

Gần ba mươi năm sống lay lắt không biết đến ánh sáng của điện, cũng từng đó năm hàng trăm hộ dân thôn Thanh Sơn (Thanh Liêm, Hà Nam) không nước, không trường học, không trạm y tế. Mới đây một vài hộ dân bỏ tiền túi kéo điện về nhà thì chỉ vài ngày lại phải thay bóng điện, tivi, quạt vì chập điện. Ngoài kia cuộc sống mỗi ngày một hiện đại thì người dân Thanh Sơn vẫn đang sống một cuộc sống rất… nguyên thủy vì thiếu điện.

Gần thành phố nhưng vẫn sống đời nguyên thủy

Chỉ nằm cách thành phố Phủ Lý chừng 15km nhưng thôn Thanh Sơn (Thanh Liêm, Hà Nam) như thể một ốc đảo. Gần ba mươi năm họ sống không ánh sáng điện, không trạm y tế, không nước sạch, không trường học. Có người lạ tới ai nấy cũng hấp hởi đó là cán bộ ngành điện, hay lãnh đạo cấp trên về kiểm tra mang ánh sáng cho bà con.

Lúi húi dưới một mó nước, chị Phạm Thị Mỹ gạt mồ hôi nói: "Ngày nào nhà tôi cũng phải lấy 5 gánh nước ở đây. Toàn phải tranh thủ lúc nghỉ trưa đi gánh, cũng vất vả lắm, cách nhà gần 2km cơ đấy. Bể chứa nước mưa nhỏ quá, việc sinh hoạt tắm giặt phải dựa cả vào đây". Ở Thanh Sơn cũng đã từng có dự án nước sạch, song không đạt hiệu quả sau một thời gian ngắn sử dụng. Chính vì vậy người dân phải dùng nước mưa hoặc nước suối. Năm 2003 mỗi gia đình xóm 3 được hỗ trợ một lu đựng nước mưa để phục vụ các nhu cầu như tắm giặt, ăn uống...

Thế nhưng mỗi khi nước trong lu hết, người dân phải dùng xe cải tiến, gánh nước từ suối về dùng. Anh Toan nói: "Nước suối lắm khi còn không có mà dùng. Nhiều nhà phải chờ đến đêm cho nước suối chảy xuống mới có. Ở đây chúng tôi trăm ngàn đường khổ. Mùa khô đến, những hộ gia đình chăn nuôi, trồng cây ăn trái đều phải gồng gánh nước vào ban đêm để đun nấu cho lợn, tưới cho cây".

Vợ chồng chị Phạm Thị Mỹ và anh Vũ Văn Toan lên vùng đất này theo chính sách kinh tế mới nội địa của tỉnh Hà Nam (năm 1985). Những người lên vùng kinh tế mới chủ yếu từ thôn Bồng Lạng (xã Thanh Nghị, Thanh Liêm, Hà Nam), có điều kiện kinh tế cực kỳ khó khăn. Hai vợ chồng ngày ngày bán mặt cho nương rẫy nhưng cũng chỉ khó nhọc nuôi 4 đứa con ăn học. Chỉ vào ngôi nhà lụp xụp của mình, anh Toan nói: "Chúng tôi mới được làm khoảng 2km đường bê tông lên đây khoảng nửa tháng. Trước đây đi bộ còn khó nói gì đến việc chở vật liệu xây dựng lên đây. Ngôi nhà này chủ yếu là vật liệu quanh nhà, hoặc vợ chồng gồng gánh về".

Tuy vậy gia đình anh Toan cũng được xếp vào hàng khá giả vì có thể sắm được chiếc bình ắc quy tích điện. Với giá khoảng hơn 2 triệu đồng bình ắc quy tích điện là điều khá xa vời với đa số hộ dân ở đây. Hơn nữa với giao thông kém, mỗi lần đi nạp điện cho bình là rất hại. Anh Toan nói: "Bình ắc quy chỉ để dùng cái bóng đèn nhỏ khi cả nhà ăn cơm, chiếc quạt này chỉ khi nào nhà có khách hay con nhỏ mới dám bật. Thế nhưng cứ một tuần là phải đi nạp một lần. Đường đi toàn đá lởm chởm, chở bình đi nạp là rất hại, dễ hoảng lắm!".

Giữa trưa nắng chang chang, ông Đinh Ngọc Cần (64 tuổi) vẫn cần mẫn múc từng ca nước tưới cho những gốc na đang mùa đậu quả. Ở cái tuổi đáng ra được nghỉ ngơi thì ông Cần lại đầu tắt mặt tối với ruộng nương. Ông bảo, ở đây một ngày không làm là không có cái ăn, riêng nước sinh hoạt mỗi ngày hai vợ chồng già cũng phải dùng đến hai gánh nước. Nhất là vào mùa cây trái đậu quả, ông phải gánh từng thùng về tưới, nếu thiếu nước coi như mất mùa. Nhìn quanh nhà ông Cần không có gì đáng giá ngoài chếc radio cũ chạy bằng pin. Ông Cần nói: "Đây là thứ duy nhất để tôi biết thế giới bên ngoài có những gì. Đêm đến không có việc gì, hôm nào không sang hàng xóm nói chuyện thì cứ 6h là lên giường. Nằm nghe đài chán rồi ngủ lúc nào không biết".

Không phải ai ở Thanh Sơn cũng có thể mua được chiếc bình ắc quy như thế này.

Về Thanh Sơn điều dễ dàng nhận ra là hầu hết không có bóng dáng của trẻ con, đặc biệt là lứa tuổi đến trường. Theo phản ánh của người dân thì ở đây không có trường học, kể cả trường mầm non. Các cháu đến tuổi đi học đều được bố mẹ gửi lên người quen, hoặc có nhà tận trung tâm xã (cách thôn khoảng 8km) để tiện việc học tập. Chị Lê Thị Tươi buồn rầu tâm sự: "Nhà chị có 5 đứa con, đứa lớn đang học trên Hà Nội, còn tất cả phải gửi trên bà nội, gần trung tâm xã. Chúng nó ở đó học hành, mỗi tuần chỉ về nhà thăm bố mẹ 1 buổi, có tuần cũng không về. Khổ nhất là mấy đứa nhỏ học cấp 1, cấp 2, mới có tí tuổi đã phải xa bố mẹ để đi học".

Nhiều năm nay, việc kiểm tra thăm khám sức khỏe với người dân xóm 3 là điều xa xỉ. Cuộc sống nghèo túng cứ thế dần trôi, những lần đau ốm cũng qua theo "đơn thuốc" tự chế của người trong xóm. Trước kia thôn cũng có một trạm y tế để phục vụ cho người dân thế rồi chẳng hiểu vì lý do gì nó ngày một đổ nát, hoang tàn, không có người trực. Lý do mà lãnh đạo xã đưa ra là thiếu kinh phí nên cán bộ y tế phải rút về xuôi. Chị Mỹ bức xúc nói: "Ốm đau khổ lắm, đang đêm có người đau ốm lại dắt díu nhau xuống trung tâm xã khám chữa bệnh. Nhất là có người trở dạ, không biết xử lý như thế nào nữa".

Tất cả người dân ở Thanh Sơn được hỏi ai nấy đều thở dài ngao ngán: "nghèo khó cũng chỉ vì điện".

Thà không có điện còn hơn

Cho đến năm 2000, thôn Thanh Sơn mới được lắp đặt trạm biến áp, có đường dây điện đến đầu thôn. Tuy nhiên ngành điện chỉ kéo gần 1km điện cao thế vào đến trạm biến áp; còn dân ai có tiền thì tự túc kéo hạ thế về nhà. Ngày đó ông Phạm Văn Lịch - Chủ nhiệm hợp tác xã đã đứng ra vận động bà con xây dựng đường hạ thế. Những hộ dân gần trạm biến áp như xóm Cửa Chùa mỗi hộ phải đóng 650.000 đồng để mua cột và dây điện. Khu Con Phượng xa hơn mỗi hộ phải đóng tới 1,2 triệu đồng (năm 2002). Điều đặc biệt đường từ trạm biến áp vào khu Con Phượng, Cửa Đải, Động Đình khá xa nên đầu tư một đường dây đủ tải với bà con là không thể thực hiện vì chi phái quá "khủng". Theo phản ánh của người dân, đường dây điện bé, đứt mối nham nhở được mắc trên những cột gỗ, tre có thể đổ gãy bất kỳ lúc nào.

30 năm nay vợ chồng anh Toan ước mơ có ánh sáng điện.

Anh Toan nói: "Cột điện bằng tre rất nguy hiểm, nhiều khi phần thân còn tươi nhưng chân đã bị mối ăn mục. Như ở khu 4 gia đình ông Phạm Văn Kháng có điện và 4 hộ nữa, những nhà hàng xóm khác muốn cũng không dám "câu" nhờ điện, vì san sẻ thêm nữa thì ngay cả bóng điện cũng không thể sáng nổi vào ban ngày. Anh Toan cười chua chát: "Địa bàn trên này rất rộng, từ đầu thôn vào đến nhà chúng tôi cũng vài km, chúng tôi làm gì có tiền mà kéo về. Những nhà ở gần họ chung tiền mua dây kéo về thì mới có điện mà dùng. Nhiều khi điện chập chờn thà không có còn hơn".

Gia đình anh Nguyễn Văn Thắng xóm Con Phượng nằm ven trục chính của thôn Thanh Sơn cũng phải dùng đến ổn áp Lioa mới thắp sáng được bóng đèn, tuy nhiên chỉ có thể dùng vào ban ngày. Đêm đến ăn cơm, bóng điện tịt hẳn, cả nhà vẫn phải dùng nến hoặc đèn dầu. Chiếc ti vi 19 inches cũng chỉ để làm cảnh vì điện không thể lên nổi hình. Mỗi khi nhà có khách dùng cơm tối là tất cả phải bật điện thoại lên để lấy ánh sáng. Quanh năm phải dùng đèn dầu, quạt tay vậy mà hàng tháng gia đình anh Quý phải đóng từ 500 đến 600 đồng tiền điện. Chị Duyên, vợ anh Thắng nói: "Vợ chồng tích cóp mua được cái nồi cơm điện nhưng cũng chả dùng được, nấu cơm vẫn phải dùng rơm rác. Thế còn sướng hơn những nhà trong Cửa Đải, Động Đình vì ở đó chả có ánh sáng điện vì không có đường dây".


Bản thân trưởng thôn Thanh Sơn, Ngô Quang Tiến cũng không nằm ngoài câu chuyện "điên vì điện". Lúc nào trong nhà cũng dự trữ cả đống đèn Compact, vì điện chập chờn hay cháy chỉ vài ngày lại phải thay bóng một lần. Ông Tiến nói: "Nhiều nhà cháy cả tivi, đầu đĩa. Không có điện thì lại không bị tức thế này. Có điện mà lúc nào cũng phải cảnh trên đèn điện, dưới đèn dầu, cơm vẫn và vào mũi thì ai mà chịu được. Nếu cứ không có điện như trước đây thì chả sao, bà con vẫn thấy bình thường - như trong khu Động Đình ấy, gần 30 năm rồi chưa một ngày có điện, họ không bức xúc nặng nề như chúng tôi đâu".

Trưởng thôn Ngô Quang Tiến cho biết: Ban đầu bốt điện rất khỏe, đủ để cấp điện cho những hộ dân đã kéo đường dây. Tuy nhiên hiện nay trạm điện đó đã xuống cấp, năm 2008, sau trận bão to, bốt điện bị cháy, sở điện mang về một cái khác. Từ đó điện bắt đầu yếu.

Đại diện Công ty điện lực Hà Nam từng giải thích với truyền thông rằng: Các thiết kế và dự toán xây dựng đường dây, trạm biến áp cho Thanh Sơn đã được phê duyệt để triển khai xây dựng. Tuy nhiên, theo thiết kế, đường dây tải điện từ đường 35KV đến trạm biến áp đặt tại thôn Thanh Sơn dài 1.784m phải theo đường đồi núi. Để đảm bảo an toàn lưới điện, cần phải chặt cây hai bên hành lang đường điện với khoảng cách mỗi bên là 7m. Theo tính toán của chúng tôi phải đền bù cho bà con khoảng 1 tỷ đồng. Chính vì thế không đủ kinh phí đầu tư cho dự án.

Ông Dương Thế Hoa, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Nghị cho biết: Thôn Thanh Sơn có địa bàn rất rộng, đa số là rừng núi. Chúng tôi cũng đã có kiến nghị với ngành điện để làm trạm biến áp và đường dây cho bà con khu vực chưa có điện. Mới đây nhà nước đã làm được 2km đường bê tông cho bà con.

Được hỏi tại sao 180 hộ đã có điện nhưng không ổn định, có cũng như không. Ông Hoa cho rằng, đó là trách nhiệm của ngành điện, chúng tôi cũng không nắm được việc này. Hầu hết các hộ dân được hỏi về việc chặt cây làm đường điện đều đồng ý và rất vui vẻ. Tuy nhiên ông Hoa lại cho rằng, giữa ngành điện và người dân vẫn chưa có sự đồng thuận.

Theo chúng tôi, đây là trách nhiệm của chính quyền xã, chứ không phải là giữa ngành điện và người dân. Chủ tịch xã phải là người đại diện cho dân làm việc, kiến nghị với ngành điện giải quyết nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của người dân.

Tiêu Phong - Ngọc Anh
.
.
.