Ngôi miếu thờ vong linh những nạn nhân bị tai nạn giao thông

Thứ Bảy, 14/03/2015, 07:00
Có một ngôi miếu hằng đêm thu hút rất nhiều người đến thắp nhang, cúng bái. Người ta nói rằng, đây là ngôi miếu yên nghỉ của những vong hồn nạn nhân không may bị tai nạn trong khu vực. Ngôi miếu có từ bao giờ không ai nhớ nổi.

Người đàn ông 15 năm trông coi, dọn dẹp vệ sinh ngôi miếu cho hay, ngoài việc thắp nhang cho vong hồn những nạn nhân không may tử vong vì tai nạn giao thông, dân thập phương đi qua con đường này, hầu hết họ đều ghé lại thắp nén nhang cầu cho đi đường được bình an.

Ngôi miếu thờ vong linh những nạn nhân xấu số vì tai nạn giao thông

Chuyện về ngôi miếu tọa lạc ngay ngã tư một con đường lớn ở Đồng Nai có lẽ luôn thu hút sự chú ý của người dân mỗi khi có dịp ghé qua đây. Người ta không chỉ chú ý vì vẻ trang nghiêm của ngôi miếu, mà còn bởi sự đông đúc tấp nập mỗi khi đêm về. Người ta chẳng hiểu tại sao chỉ là một ngôi miếu thôi mà lượng người đến thắp nhang, hương khói lại tấp nập đến như vậy. Và, khi tìm hiểu thực tế, chúng tôi hoàn toàn bất ngờ về câu chuyện của ngôi miếu này.

Ngôi miếu trong câu chuyện chúng tôi đề cập trên đây là Miếu Bà Quan Âm, tọa lạc trang nghiêm ngay ngã tư Vũng Tàu – Thái Lan (TP.Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Nằm ở địa điểm đắc địa đó, thế nhưng ngôi miếu này xưa nay vẫn vững vàng kiên cố. Bao nhiêu lần mưa bão, cây xanh đổ xuống nhưng ngôi miếu vẫn không hề hấn gì.

Người dân đến thắp nhang, cầu ơn đi đường được bình an.

Khi tìm hiểu về nguồn gốc ngôi miếu, chúng tôi đều nhận được cái lắc đầu từ người dân sống xung quanh khu vực, bởi tất cả họ phần lớn đều là dân góp, dân thập phương, nay đây mai đó. Tuy nhiên, cụ ông Trần Minh Thông, 72 tuổi, người trông coi ngôi miếu từ lúc còn nhỏ kể lại:

“Nghe nói đây là ngôi miếu do một cặp vợ chồng vốn sống ở quanh khu vực này lập nên. Trước đây gia đình đó có duy nhất một người con trai. Thế nhưng, trong một lần đi chơi khuya về, trong lúc cua xe rẽ hướng về nhà, anh ta bị chiếc xe ôtô chạy bên kia tới đâm phải. Cú tông mạnh đã làm cho người con trai ấy chết ngay tại chỗ. Trước cảnh tượng đau lòng ấy, bố mẹ anh ta như ngã quỵ.

Thế nhưng, người chết thì cũng đã chết rồi, và để tưởng nhớ người con đoản số ấy, vợ chồng ông bà đã cho dựng ngôi miếu này làm nơi nhang khói cũng như là “ngôi nhà” cho con ở mỗi khi đêm về hay những lúc trời mưa nắng. Tình cảm của bậc làm cha mẹ dồn hết cho người con xấu số lên ngôi miếu này”.

Thế rồi, hai vợ chồng ấy cũng chết đi. Từ đấy, ngôi miếu này được người dân trong vùng thay nhau hương khói, dọn dẹp vệ sinh khuôn viên. Dù chẳng lớn lao gì cho lắm, nhưng từ ngày đó đến nay, ngôi miếu luôn có người chăm giữ.

Không bao giờ tắt đèn dầu, không bao giờ thiếu làn hương khói nghi ngút bay lên. Bởi giờ đây, nó không chỉ là nơi yên nghỉ của người con trai xấu số kia, mà còn là “tạm trú” của rất nhiều vong hồn những nạn nhân xấu số vì tai nạn giao thông khu vực ngã tư “nuốt người” này.

Có thể nói, ngã tư Vũng Tàu là điểm nóng về tai nạn giao thông của tỉnh Đồng Nai và của cả nước. Nói về vấn đề này, một cán bộ CSGT đang làm nhiệm vụ khu vực này cho biết: “Đây là khu vực nhạy cảm về giao thông của địa bàn tỉnh Đồng Nai. Nếu tính trung bình, mỗi tháng có ít nhất 7 – 10 vụ tai nạn giao thông xảy ra, trong đó, có những vụ gây chết người. Gần đây nhất, tháng 11/2014, chỉ trong một ngày đã có tới hai vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng diễn ra làm chết hai người”.

Dù không nói ra, nhưng trong quan niệm của người Việt, những người chết đường như thế thường không được đưa về nhà. Cũng theo quan niệm của nhiều người, vong hồn những nạn nhân trong những vụ tai nạn đó thường lởn vởn những nơi đó. Họ không biết làm sao để tìm đường về nhà cả. Bởi thế, những người không may mắn “nằm xuống” ở ngã tư thường được người nhà thắp nhang và gửi lại Miếu Bà Quan Âm này.

Tấp nập người dân thắp nhang xin đi đường bình an

Những ngày giữa tháng Chạp năm Giáp Ngọ (2014), chúng tôi có dịp ghé thăm ngôi miếu nay. Theo quan sát ghi nhận, ngôi miếu có hình dáng, cấu trúc rất đơn giản: một tượng bà Quan Âm với chiều cao gần 3 mét. Một ngôi miếu cao chừng khoảng 2 mét. Phía sau lưng tượng Phật Bà Quan Âm là bàn thờ ông địa và rất nhiều hũ nhang tượng trưng cho mỗi nạn nhân trong các vụ tai nạn đã tử vong. Tổng diện tích của ngôi miếu chỉ vỏn vẹn khoảng 20m2. Thế nhưng, từ rất sớm đã có rất nhiều người đến đây thắp nhang, cúng bái.

Là một người từng có 15 năm trông giữ, dọn dẹp ngôi miếu, anh Bùi Văn Rồng (39 tuổi, quê Thái Bình) chia sẻ với chúng tôi: “Người dân đến đây thắp nhang thuộc đủ mọi thành phần. Tuy nhiên, những ngày đầu tháng hay ngày rằm thì dân địa phương đến nhiều. Còn những ngày bình thường, phần lớn họ là người thân của những người đã không may bị tai nạn ở khu vực này”.

Anh Bùi Văn Rồng, người đã trông coi, dọn dẹp ngôi miếu 15 năm.

Anh Rồng là một người quê ở Thái Bình. Trước đây anh từng làm đủ mọi nghề sinh sống ở thành phố Hồ Chí Minh. Thế nhưng, cách đây 15 năm, trong một tai nạn nghề nghiệp, anh đã bỏ nghề và từ đó chuyển về ngôi miếu này làm công tác dọn dẹp vệ sinh, chăm lo hương khói, dầu đèn để bà con có nơi cúng bái trang nghiêm.

Anh tâm sự: “Tôi không phải là người định cư ở đây và cũng không mong điều đó. Tuy nhiên, trong một lần đi ngang qua, thấy ngôi miếu này nhiều người đến hương khói nhưng lại quá bề bộn. Trong thời gian đó, tôi lại vướng phải chuyện buồn gia đình, công việc, bởi thế, tôi đã chuyển đến đây và ngày hai buổi thay hương, châm dầu đèn và dọn dẹp ở ngôi miếu này”.

Anh cũng chia sẻ thêm, trong suốt 15 năm trông giữ, anh nằm ngủ luôn trên nền ngôi miếu. Những lúc trời mưa gió, anh lại chuyển nơi ở đến chân cầu vượt bên đường. Cuộc sống của người đàn ông cứ thế lặng lẽ trôi từ 15 năm nay. Anh cũng cho biết, ra Giêng, anh sẽ không còn trông coi ở đây nữa mà sẽ đi kiếm việc ở công ty làm, để lo cuộc sống của mình. Anh sẽ chỉ ra đây thay hương nến, đèn dầu khi có thời gian rảnh, ngoài công việc mà thôi.

Về cuộc sống thường ngày trong những năm trông coi ngôi miếu, anh chia sẻ: “Thú thật nói về tiền cúng bái thì không hề có. Năm ngàn, ba ngàn chỉ đủ lo đèn dầu, hương khói ở đây mà thôi. Khi người dân đến cúng, thắp nhang, người ta mang theo rất nhiều hoa để cắm ở tượng và miếu.

Bên cạnh đó, trái cây để cúng thì tôi ăn không hết. Đó là sự thật. Nhưng trái cây thì không thể ăn để trừ bữa được. Tôi lại gọi những người xe ôm, những người bán vé số đến chia sẻ với họ. Còn chuyện cơm nước, mỗi khi đói, tôi lại ghé vào ngôi chùa phía trong để xin cơm chay ăn”.

Cũng theo anh, trong thời gian dọn dẹp ở đây, những tưởng ở đây dễ kiếm tiền, có lúc bọn “giang hồ nhí” kéo đến kiếm chuyện. Thế nhưng tiền bạc đâu ra ở ngôi miếu nhỏ xíu này. Công việc làm ở cái tâm của mình thôi. Biết không kiếm được gì, rồi bọn chúng cũng kiếm đường rút. Còn những người làm công tác an ninh trật tự, biết anh hiền lành, chỉ ở đây ngày hai buổi thay nhang nến, dọn dẹp ngôi miếu nên cũng chẳng nói năng gì.

Tiếp tục câu chuyện về ngôi miếu, anh Rồng trầm tư chia sẻ: “Chuyện tâm linh tôi không bàn đến. Thế nhưng, sự thật là hằng ngày có rất nhiều người đến đây thắp nhang cho những người đã khuất vì tai nạn, và cũng có rất nhiều người đến đây để xin đi đường được bình an. Cứ trước lúc đi công tác xa, hay công việc đòi hỏi phải chạy xe đường dài, người ta lại ra đây cầu ơn. Không chỉ đi một mình, người ta còn đem cả con cháu đi cùng nữa”.

Chia sẻ về vấn đề này, một cán bộ CSGT, người thường xuyên làm nhiệm vụ tại ngã tư Vũng Tàu, cho hay: “Vì thường xuyên túc trực chốt ở đây, nên tôi xác nhận có rất nhiều người hằng đêm đến ngôi miếu này thắp nhang, cúng bái. Cũng nghe bảo người ta đến thắp nhang cho vong hồn những nạn nhân không may tử vong vì tai nạn ở khu vực này.

Còn về chuyện nhiều người thắp nhang để xin đi đường được bình an, tôi nghĩ, khi họ đã có xin như vậy là họ đã ý thức khi tham gia giao thông rồi. Và nếu họ được an toàn khi tham gia giao thông với tâm thức như vậy cũng là điều tất yếu mà thôi”.

Thành Giáp
.
.
.