Ngôi nhà có sáu người mẹ

Thứ Năm, 21/03/2019, 15:34
Ngôi nhà đặc biệt này chính là cô nhi viện Phú Hòa, thuộc xã Tịnh Ấn Tây (TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Suốt gần 50 năm qua, đây chính là mái ấm của hàng trăm đứa trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi.


Những đứa trẻ không nơi nương tựa ấy đã được đưa về đây, được chăm sóc và lớn lên trong tình yêu thương của sáu người mẹ...

Gần nửa thế kỉ trôi qua, lần lượt những đứa trẻ ở cô nhi viện lớn lên và tự tìm thấy hạnh phúc của  riêng mình. Rồi lại có những đứa trẻ mồ côi khác đến với cô nhi viện, đến với các sơ, như một sự sắp đặt của nhân duyên.

Ngần ấy năm, trải qua nhiều đời sơ phụ trách, các sơ ở đây vẫn luôn là những người mẹ tận tâm, chăm lo đầy đủ cho các em từng bữa ăn, giấc ngủ. Sẵn sàng gạt đi những khao khát hạnh phúc riêng của bản thân để cùng nhau nuôi dưỡng nụ cười cho những đứa trẻ bất hạnh...

Những người mẹ tận tâm

Một ngày của các sơ trong cô nhi viện Phú Hòa bắt đầu từ 4h sáng, khi trời còn dày sương mù và các con vẫn còn đang say giấc. Thói quen này được hình thành suốt mấy chục năm nay, vì theo lời các sơ ở đây, nếu không dậy sớm thì không thể kịp lo cho mấy chục đứa trẻ cùng lúc, vừa để các em kịp giờ đến trường, cũng là để các sơ có thời gian cho các công việc khác trong nhà.

Ghé thăm cô nhi viện vào lúc 9h sáng, lúc này các em còn đi học chưa về, ở nhà các sơ tất bật mỗi người một việc. Người thì đang ru bé ngủ, người cho bé ăn sữa, người lau dọn nhà cửa... Dưới bếp, sơ Nữ (43 tuổi) đang loay hoay chuẩn bị bữa trưa cho các con, thấy chúng tôi đến, sơ vui vẻ dừng tay tiếp chuyện.

“Khoảng 10h30 là các con đi học về nên giờ này là sơ tranh thủ nấu cơm để học về các con có cơm ăn luôn, xong rồi còn nấu cháo cho mấy bé nhỏ ăn nữa nên phải nấu sớm đó con” - sơ Nữ cười hiền.

Sơ Nữ chăm lo bữa ăn cho các con tại cô nhi viện.

Theo lời sơ Nữ, hiện tại cô nhi viện đang nuôi dưỡng 27 em nhỏ mồ côi, đứa lớn nhất đang học đại học, đứa nhỏ nhất mới chỉ hơn tháng tuổi. Vì các em ở những độ tuổi khác nhau nên buộc các sơ phải có những phương pháp chăm sóc riêng phù hợp. 

Chỉ riêng về chế độ ăn uống, các sơ cũng phải lên thực đơn riêng, để vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa phù hợp cho giai đoạn phát triển của các con. Đặc biệt là đối với 4 bé nhỏ nhất nhà, 3 bé dưới 3 tuổi và một bé 5 tuổi bị bại não, các sơ phải thay nhau túc trực, chăm sóc, thậm chí là chia nhau thức đêm mỗi khi các bé quấy khóc.

Sơ Nữ kể, đối với các bé nhỏ thì việc quan trọng nhất là chăm lo sức khỏe cho các con, còn đối với các bé lớn hơn thì các sơ bắt đầu chú tâm song song giữa việc giáo dục kiến thức và giáo dục tâm lý cho các con. Ngay từ khi các con bước vào lớp 1, các sơ đã tập cho con có thói quen tự lập bằng cách giao việc nhà, đơn giản nhất từ việc quét nhà và tự dọn đồ của mình.

“Ngoài ra, vấn đề giáo dục tâm lý cho các con cũng là điều mà các sơ rất lo lắng. Bởi vì mỗi đứa trẻ được đưa đến đây đều mang hoàn cảnh đặc biệt khác nhau. Có bé bị bỏ rơi trước cổng cô nhi viện, có bé thì được tìm thấy ở chân cầu, có bé lại được phát hiện dưới gốc cây, trong trạng thái tím tái, kiến cắn sưng phù toàn thân... 

Vậy nên, ít nhiều tâm lý các con luôn mang một nỗi sợ hãi, mặc cảm về xuất thân. Nhất là khi các con bước vào cấp 2, độ tuổi bắt đầu có nhận thức và dễ dàng bị tác động bởi lời nói của người khác” - sơ Nữ trải lòng.

Hiểu được điều này nên mấy chục năm qua, các sơ không chỉ là những người mẹ chăm sóc, nuôi lớn các con, mà còn là những người bạn, luôn bên cạnh sẵn sàng chia sẻ, tâm sự với các con khi cần, trò chuyện với các con trước mỗi giai đoạn biến chuyển tâm lý quan trọng.

Cậu bé Phúc Hưng luôn được các sơ chăm lo và dành nhiều tình thương.

Các sơ tâm sự, nuôi một đứa trẻ bình thường khôn lớn đã khó, nuôi mấy chục đứa trẻ mang trong mình tổn thương tâm lý từ nhỏ còn khó hơn rất nhiều. Để có thêm nguồn thu chăm lo cho các con, các sơ còn tận dụng số thời gian rảnh ít ỏi để trồng rau, bắp, đậu, mì... Một phần để có nguồn thực phẩm sạch cho các em, phần còn lại đem bán để có thêm thu nhập, nuôi gần 30 đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn.

Một ngày của các sơ chỉ xoay quanh gần 30 đứa trẻ lớn nhỏ, hết chăm đứa này lại lo cho đứa khác. Cứ thế xoay vòng cả ngày, các sơ không có nổi một chút thời gian cho bản thân. Vất vả nhọc nhằn là thế, vậy mà ai cũng vui vẻ, ai cũng một lòng chăm sóc và yêu thương các em như chính con ruột của mình. Ở ngôi nhà đặc biệt này, có lẽ, điều duy nhất gắn kết các thành viên lại với nhau chính là tình người...

Các con chính là "Hồng Phúc"

Những đứa trẻ khi được đưa tới cô nhi viện đều được các sơ đặt cho những cái tên rất đẹp, thể hiện tâm ý của các sơ khi muốn cuộc đời của các con từ nay về sau sẽ không còn nỗi buồn và bất hạnh. Điều đặc biệt, tên của các bé gái đều có chữ đệm là “Hồng”, bé trai có chữ đệm là “Phúc”, ghép lại là “Hồng Phúc”.

Theo lời sơ Trung, người phụ trách cô nhi viện thì việc các sơ đặt tên như vậy là có lý do cả. Bởi đối với các sơ, sự xuất hiện của các con chính là hồng phúc, là món quà tuyệt vời mà ơn trên ban tặng, và các sơ đều mong muốn rằng, bản thân các con sẽ luôn xem mối nhân duyên gặp gỡ giữa mình và các sơ ở đây chính là phúc phần, là điều tốt đẹp mà cuộc đời ban tặng cho các con. Đồng thời cũng là lời gửi gắm ước nguyện rằng cuộc đời của các con sau này sẽ gặp nhiều hồng phúc, xua tan nỗi bất hạnh khi mới chào đời.

Thành viên nhỏ tuổi nhất vừa gia nhập mái nhà tình thương nhận được sự chăm sóc đặc biệt từ các sơ.

Sơ Trung nhớ lại, không phải bé nào khi được đưa về cũng đều lành lặn và bình thường. Có bé khi được phát hiện tưởng chừng như không cứu được nữa, nhưng rồi các sơ cố gắng dốc lòng chạy chữa, cùng nhau cầu nguyện để giành giật các con từ bàn tay của tử thần.

Như trường hợp của bé Phúc Hưng, em được phát hiện trong một bãi mía gần cô nhi viện vào một ngày cận Tết lạnh buốt. Lúc nhìn thấy Hưng, em còn chưa được cắt dây rốn, toàn thân tím tái. Các sơ nhanh chóng mang em vào nhà và sưởi ấm cho em. Tuy nhiên, niềm vui cứu sống được em chưa trọn vẹn thì các sơ phát hiện ra em bị bại não.

Sau nhiều lần đưa Hưng đi khắp nơi chữa trị nhưng không được, bác sĩ bảo em chỉ có thể sống đến 5 tuổi. Vậy mà, như một điều kì diệu, dưới sự kiên trì chăm sóc và che chở của các sơ tại đây, đến nay Phúc Hưng đã bước qua tuổi thứ 5 và vẫn đang sống vui vẻ trong tình yêu thương của các sơ, của các anh chị trong cô nhi viện. Tuy em chỉ có thể nằm im một chỗ, nhưng em có thể nghe và hiểu được người khác, em còn là cậu bé hay cười và tình cảm nữa.

Nói về những khó khăn trong quá trình nuôi dạy các em, sơ Trung kể, giai đoạn khi các em từ sơ sinh đến 5 tuổi chính là giai đoạn cực nhất, vì các em còn quá nhỏ và luôn có cảm giác bất an, sợ hãi vì bị bỏ rơi nên thường hay giật mình và quấy khóc, tâm lý bất ổn. Vậy nên, các sơ đều luôn phải nhẫn nại, túc trực để các em có cảm giác an toàn.

Các sơ tại cô nhi viện luôn ân cần chăm lo cho các em nhỏ.

Được biết, từ trước đến nay, cô nhi viện đã có gần 150 đứa trẻ được nuôi lớn và đã ra ở riêng, nhiều người trong số đó đã thành đạt và  có cuộc sống ổn định. Tại đây, các sơ không chỉ chăm sóc các em tới khi đủ 18 tuổi như một số nơi khác, mà sẽ chịu trách nhiệm với các em cho tới khi các em tìm được hạnh phúc riêng và ổn định cuộc sống. 

Bản thân các sơ đều xem mình là cha là mẹ của những đứa trẻ mồ côi nên chẳng ai đành lòng để con mình bước ra xã hội bơ vơ một mình không chốn dựa dẫm lui về. Chỉ khi các em có mái ấm riêng, các sơ mới nhẹ bớt nỗi lo.

Sáu sơ ở đây, mỗi sơ một quê hương, có sơ còn rất trẻ, ai cũng từng có những ước mơ riêng, những khao khát hạnh phúc riêng. Thế nhưng, từ khi chọn con đường này, chọn cách dành tình thương cho những đứa trẻ tội nghiệp thì có lẽ, niềm vui lớn nhất của các sơ chính là nụ cười, là hạnh phúc của những đứa con không cùng máu mủ... 

Linh Nguyễn
.
.
.