Ngôi nhà kì lạ của kiến trúc sư đam mê văn hóa Việt

Thứ Tư, 05/09/2018, 17:07
Trên mặt đường quốc lộ 39A, thuộc địa phận xã Ngũ Lão (huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên), có một ngôi nhà với hình thù kì lạ luôn khiến người đi đường phải ngước nhìn mỗi khi đi qua.

Ngôi nhà này thu hút sự hiếu kì tới mức, đã có nhiều người phải dừng xe, gõ cửa chủ nhà chỉ để được tham quan từ ngoài vào trong, để biết lý do vì sao chủ nhà lại thiết kế một ngôi nhà có hình dáng "kì dị" đến như vậy. 

Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở mức hiếu kì, ít có ai ngồi lại đủ lâu để được nghe, được hiểu về từng chi tiết mà chủ nhân ngôi nhà đã xây dựng. Để rồi từ đó, họ có thể biết về niềm đam mê với văn hóa, với từng đường nét hoa văn mang linh hồn Việt của chủ nhân ngôi nhà...

Bôn ba tìm kiến thức

Trong cuộc nói chuyện với kiến trúc sư Trần Văn Tưởng (33 tuổi), thật dễ để hiểu được vì sao căn nhà lại mang kiến trúc kì lạ đến như vậy, bởi trong 30 năm đầu của cuộc đời, anh Tưởng đã dồn hết tâm trí của mình để đi tìm những kiến thức liên quan đến văn hóa, nghệ thuật và những đường nét hoa văn của người Việt.

Anh Tưởng cho biết, niềm đam mê này đã có từ khi còn bé, trong những lần lang thang khắp làng xóm, lăn lê ở trong sân đình, sân chùa. Đến năm học lớp 6, khi đã có thêm nhiều hiểu biết, anh Tưởng dường như bị thu hút vào những hoa văn, kiến trúc, những hoành phi câu đối mà tưởng chừng quá mơ hồ xa lạ với một đứa trẻ 11 tuổi. 

Sở thích này đối với một người trưởng thành có lẽ không có gì quá lạ lẫm, nhưng với anh Tưởng, điều đó giống như một cái duyên, được gieo mầm vào trong trí óc của anh để đâm chồi nảy lộc cho đến hết cuộc đời.

"Có lẽ, cái gen nghệ thuật của tôi được di truyền từ bố. Ông cũng là một nghệ nhân chuyên làm nghề điêu khắc gỗ. Đến năm 14 tuổi, tôi bắt đầu tìm hiểu về các hoa văn, mỹ thuật trong đình, đền chùa. 

Nhìn các hoa văn, câu đối, hoành phi tôi lại tự hỏi vì sao nó lại như thế này. Rồi từ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu thêm về văn hóa, về lịch sử và biết được rằng, người Việt có một kho tàng văn hóa vô cùng phong phú, sâu rộng và để hiểu được nó không phải việc một sớm một chiều.

Dần dần, việc tìm hiểu đó thành thói quen, tôi như một đứa trẻ tò mò trong suốt nhiều năm, đi đến đâu cũng phải hỏi những bô lão, thủ đền về ý nghĩa của những câu đối, những đường nét hoa văn đó. 

Rồi từ đó, tôi bắt đầu tìm hiểu về Nho giáo, Khổng giáo và Phật giáo. Khi đó, mọi người cảm thấy tôi rất kì lạ, không kì lạ sao được khi một đứa trẻ chỉ thích đến chơi ở đình, chùa, lại thích tìm hiểu về một thứ mà bọn trẻ cùng tuổi cảm thấy chán ngắt", anh Tưởng cười nói.

Kiến trúc sư Trần Văn Tưởng bên một tác phẩm của mình.

Với niềm đam mê của mình, sau khi học hết cấp 3, anh Tưởng xin đến làm tại một lò gốm sứ tại Bát Tràng (Hà Nội). Rồi cơ duyên đã đến, trong lần đến lấy hàng tại xưởng gốm, một chủ hàng chuyên buôn bán đồ gốm sang Trung Quốc đã nhìn thấy năng khiếu, sự sắc sảo và niềm đam mê của anh Tưởng. Người này đã ngỏ ý giúp đỡ anh sang Giang Tây (Trung Quốc) để học và tìm hiểu về gốm sứ.

"Ban đầu tôi cũng phân vân lắm, một chàng trai 19 tuổi, vừa bước ra cuộc đời, non nớt và ngây thơ thì sao có thể đi xa đến như thế. Nhưng khi đó, gia đình tôi cũng gặp nhiều khó khăn về kinh tế, nghĩ rằng đây là một bước ngoặt giúp tôi có thể phát triển về nghề, kiếm thêm thu nhập và cũng là xây dựng niềm đam mê từ nhỏ của mình nên đã đồng ý với ông chủ hàng", anh Tưởng chia sẻ.

Năm 2004, anh Tưởng theo chân người chủ hàng sang Giang Tây để vừa học, vừa làm trong một xưởng gốm ở đây. Ngôn ngữ bất đồng, quan điểm sống khác nhau nên chàng trai trẻ khi đó đã gặp phải nhiều khó khăn, bất trắc. 

Rất may mắn, trong xưởng có rất nhiều người Việt, sống rất đoàn kết và biết giúp đỡ lẫn nhau. Khi cuộc sống và công việc đã đi vào khuôn khổ, anh Tưởng bắt đầu đi tìm hiểu về văn hóa, chắt lọc những gì tinh túy nhất, trong đó có những thứ của người Việt đã bị đưa sang từ hàng ngàn năm trước.

Sau khi học hết những gì có thể học ở Giang Tây, anh Tưởng lại bắt đầu con đường bôn ba của mình qua các nước Thái Lan, Campuchia, Singapore để tìm tòi thêm về Phật giáo, kiến trúc, gốm sứ, phong thủy. Quãng thời gian đó đối với anh thực sự khó khăn bởi bao nhiêu tiền của, vốn liếng kiếm được anh đều đổ dồn vào mua tài liệu, sách vở và học hỏi.

Chia sẻ về những ngày tháng đó, anh Tưởng nói: "Tôi còn nhớ thời điểm sinh sống ở Campuchia năm 2007, để có tiền, tôi phải đi làm thêm tại các casino ở cửa khẩu Mộc Bài. 

Trước khi về đến Việt  Nam, tôi đã làm cho hơn chục casino như thế và đảm nhận luôn phần thiết kế về phong thủy cho họ. Ở đây, có nhiều văn hóa theo dòng Hindu cũng rất đáng để học hỏi, trong các tác phẩm của tôi, cũng có nhiều tác phẩm lấy ý tưởng từ dòng văn hóa này. Sau khi rời Campuchia, tôi đi sang Singapore, Thái Lan để làm ăn, học hỏi thêm về văn hóa của họ".

Đến năm 2009, anh Tưởng trở về nước sau nhiều năm sinh sống ở nước ngoài, xác định được con đường tương lai của mình, anh bắt đầu nghiên cứu về thị trường kiến trúc mỹ thuật, phong thủy tại Việt Nam. 

Khi đó, trình độ kiến trúc phong thủy trong nước vẫn chưa phát triển rầm rộ như hiện tại, nhiều người muốn tìm kiến trúc sư để làm nhưng khó tìm được người. Cũng vì thế, đó là quãng thời gian anh Tưởng dùng được những kiến thức mình đã học trong bao nhiêu năm qua vào thực tế.

Những tác phẩm được bày bên trong sân.

Ngôi nhà ai cũng phải nhìn

"Ngày mới về nước, trong túi tôi chỉ có vài trăm ngàn, tiền bạc kiếm được đều để đi học, trau dồi, giao lưu hết. Khi về còn phải vay mượn để đi làm", anh Tưởng tâm sự.

Thế nhưng chỉ sau một năm, kiến trúc sư trẻ đã có đủ tiền để xây cho mình ngôi nhà đầu tiên. Ngôi nhà kì lạ được xây dựng trong 3 năm, từ 2009 đến 2011, mất 5 tỷ đồng. Dường như tất cả những đường nét hoa văn, hình ảnh anh đã chứng kiến trong chặng đường học hỏi của mình đã được gắn lên ngôi nhà khiến nó có một vẻ ngoài đặc biệt mà ai đi qua đều tự hỏi "đây có phải là một ngôi nhà".

Anh Tưởng nói, để xây được ngôi nhà này với 100% là tiền túi của mình, anh đã phải mất 2 năm kiếm tiền rồi làm dần dần cho đến khi hoàn thành. 

Ngôi nhà rộng 300m² với nhiều hình thù kì lạ, nếu không phải người trong nghề và không được chủ nhân ngôi nhà giải thích, có lẽ sẽ khó có thể hình dung được gốc gác, ý nghĩa của mỗi tác phẩm được gắn lên.

Nói về ngôi nhà, anh Tưởng cười: "Ngôi nhà nhìn cũng kì lạ so với bình thường, nhiều người đi qua tò mò lại vào gõ cửa để xin được xem, rồi hỏi về từng tác phẩm có ý nghĩa gì. Được nhiều người hỏi thăm tôi cũng vui vì có thể giải thích, cho họ biết về những văn hóa của người Việt. Nhưng nhiều lúc tôi bận quá phải khóa cửa đi ra ngoài, khi nào có việc mới về nhà để tránh bị làm phiền".

Đặc biệt, mỗi năm ngôi nhà lại được chủ nhân của nó thay đổi diện mạo từ 1-2 lần. Nói về việc này anh Tưởng cho biết đó là khi một số tác phẩm được bán hoặc anh có thêm những ý tưởng mới, những sản phẩm kì lạ khác sẽ được thay thế vào. Có những tác phẩm đang trưng bày trong nhà anh Tưởng được ra giá lên tới 1 tỷ đồng.

Ngôi nhà nhìn từ xa.

Rồi sau gần chục năm phát triển, vị kiến trúc sư trẻ này đã có một gia tài của riêng mình, xây dựng được thương hiệu và có nhiều tác phẩm được đánh giá cao. Năm 2010, một số  tác phẩm của kiến trúc sư Trần Văn Tưởng được đem ra trưng bày dịp kỉ niệm "1000 năm Thăng Long". 

Cũng từ thời điểm đó, sản phẩm của anh Tưởng được đem đi trưng bày tại nhiều triển lãm mỹ thuật, kĩ thuật và các triển lãm của họa sĩ trẻ. Ngoài làm gốm, điêu khắc đa chất liệu, anh Tưởng còn là một họa sĩ với nhiều tác phẩm để đời. Năm 2017, anh được phong là Nghệ nhân rạng danh đất Việt, do Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam trao tặng.

Chia sẻ về con đường tương lai của mình, kiến trúc sư Trần Văn Tưởng cho biết muốn biến ngôi nhà thành một bảo tàng văn hóa, phong thủy, đậm dấu ấn của người Việt. Còn hiện tại, anh vẫn tiếp tục làm công việc kiến trúc sư, nhà điêu khắc, họa sĩ của mình. 

Anh Tưởng cho biết, mình sẽ tiếp tục đưa các tác phẩm đi khắp nơi, thậm chí ra ngoài thế giới để họ được chiêm ngưỡng những văn hóa Việt vô cùng đặc sắc, không hề kém cạnh với các nước có bề dày lịch sử khác.

Chia sẻ quan điểm của mình với những người trẻ khác, anh Tưởng nói: "Với tuổi trẻ, tiền không phải tất cả, quan trọng là phương hướng, kế hoạch. Có nền móng trí tuệ, tư duy thì mới đi được dài. Nếu chỉ chạy theo tiền có thể ngã bất cứ lúc nào". 
Phong Hiền
.
.
.