Ngời sáng tấm gương hai nữ Anh hùng

Chủ Nhật, 31/12/2017, 10:44
Buổi gặp gỡ, giao lưu với hai nữ Anh hùng LLVTND cũng là hai chị em ruột - Nguyễn Thị Minh Hiền và Phan Thị Ngọc Tươi - với các cán bộ, chiến sĩ trẻ của Trung đoàn Cảnh sát cơ động Đông Nam TP HCM thật sự đầy ý nghĩa, bởi họ như đã được tiếp thêm truyền thống anh dũng, kiên cường của những bậc tiền bối. Câu chuyện của hai nữ Anh hùng đã lôi cuốn người nghe từ đầu đến cuối…


Buổi gặp gỡ, giao lưu với hai nữ Đại tá, Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Minh Hiền và Phan Thị Ngọc Tươi được Câu lạc bộ Công an hưu trí Bộ Công an tại TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Trung đoàn Cảnh sát cơ động Đông Nam (E29) tổ chức, nhân kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam (22-12-1944 -  22-12-2017) và 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Hội trường của Tổng cục VIII, Bộ Công an phía Nam hầu như không còn chỗ trống. Khách tham dự hôm ấy là các cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn E29 tuổi đời đều còn rất trẻ.

Trong không khí ấm cúng, thân tình, những câu chuyện kể, những kỷ niệm của hai nữ Đại tá, Anh hùng LLVTND như thêm cuốn hút. Khách tham dự ai nấy đều chú ý lắng nghe và cổ vũ cho nội dung những câu chuyện kể đầy hoài niệm hào hùng của hai vị khách mời.

Câu chuyện của hai vị nữ Anh hùng đã lôi cuốn người nghe từ đầu đến cuối. 

Điều đặc biệt là hai nữ Đại tá, Anh hùng này dù có họ khác nhau nhưng là hai chị em ruột, sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cả cha mẹ và 4 anh chị em đều thoát ly làm cách mạng, trong đó hai người đã anh dũng hy sinh.

Cha của 2 chị em là liệt sĩ Phan Trung Thành, hy sinh năm 1969; anh trai là Phan Văn Hoàng cũng là liệt sĩ Công an, hy sinh năm 1974. Người mẹ của hai chị em là Mẹ Việt Nam Anh hùng Huỳnh Thị Hười (bí danh Sáu Lực), sinh năm 1931 tại xã Sơn Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre…

Có lẽ trên đất nước ta hiếm người mẹ vinh dự có hai con gái đều là Anh hùng LLVTND như mẹ Sáu Lực. Ngoài chị em bà và người anh Phan Văn Hoàng đã hy sinh, thì cha mẹ 2 bà còn một con trai là Huỳnh Trọng Nghĩa - Đại tá Công an (sở dĩ anh mang họ Huỳnh vì lúc nhỏ đi học không thể khai tên thật của cha mình, nên mẹ anh đổi họ cho anh là Huỳnh Văn Thiên để qua mắt địch, sau này anh dùng tên Huỳnh Trọng Nghĩa khi tham gia hoạt động cách mạng).

Quay lại câu chuyện về hai chị em Minh Hiền và Ngọc Tươi. Chị gái Nguyễn Thị Minh Hiền (tên thật Phan Thị Hồng Châu) và cô em gái Phan Thị Ngọc Tươi sinh cách nhau 2 năm ở quê hương Đồng khởi Bến Tre. Đúng ra, cái tên Nguyễn Thị Minh Hiền lúc đầu là bí danh của em gái Ngọc Tươi, nhưng đến năm 1971 cô chị Hồng Châu ra Bắc với tên Minh Hiền nên cô em Ngọc Tươi dùng lại chính tên mình. Đặc biệt, hai chị em bà đã trở thành trường hợp hiếm có của lực lượng Công an cùng được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Theo lời kể của hai vị nữ Đại tá Anh hùng, do cha mẹ đi thoát ly cách mạng nên ngay từ nhỏ, hai chị em bà đã rất quen thuộc với cuộc sống kham khổ nhưng ấm áp tình yêu thương của người thân trong vùng giải phóng. Sau này chiến sự ngày một ác liệt, mấy anh chị em đều được gửi về nhà bà ngoại.

Chị em nữ Anh hùng LLVTND Minh Hiền và Ngọc Tươi.

Hơn 10 tuổi, Hồng Châu lên thị xã làm giúp việc cho một gia đình sĩ quan chế độ cũ Sài Gòn, vì chịu thương chịu khó nên nhanh chóng nhận được sự tin cậy của chủ nhà. Nhờ đó, Hồng Châu đã xây dựng được một vỏ bọc khá vững chắc cho mình ngay trong lòng địch sau đó. Ngọc Tươi cũng được sắp xếp đến trông con cho một gia đình giàu có gần nhà.

Một ngày đầu năm 1969, cả hai chị em bàng hoàng nhận tin người cha thân yêu bị địch sát hại. Nung nấu quyết tâm giết giặc trả thù cho cha, cả hai đã sớm giác ngộ cách mạng và trở thành những nữ chiến sĩ biệt động của đơn vị trinh sát vũ trang T30, thuộc Ban An ninh tỉnh Bến Tre, một đơn vị độc lập, chuyên tác chiến trong lòng địch. Do cả hai lúc đó còn quá nhỏ tuổi (13-15 tuổi) nên từng bước chị em bà được huấn luyện học tập, trang bị những kỹ năng nghiệp vụ, sử dụng súng đạn, máy móc...

Một trong những chiến công nổi bật của Hồng Châu đi vào lịch sử của lực lượng Công an là trận đánh tại "Nhà nghỉ Việt Nam" (nhà nghỉ thuộc khu vực hành chính của cơ quan tỉnh Bến Tre thuộc chính quyền Sài Gòn).

Đây là khu nhà nghỉ được địch dành riêng cho đám công chức các cấp ở các nơi đến nghỉ chờ ngày làm việc. Lần đó bà nhận nhiệm vụ của cấp trên phải đánh vào phòng số 14, đây là phòng dành riêng cho những công chức từ trung cấp, cao cấp hoặc sĩ quan quân đội chế độ ngụy Sài Gòn từ cấp thiếu tá trở lên.

Để lên kế hoạch đánh khu nhà nghỉ này, Hồng Châu đã nhiều lần quan sát kỹ càng xung quanh khu nhà nghỉ, tìm cách qua đám lính gác lục soát…

Ngay sau đó, bà nhận được lệnh của cấp trên trong đêm đó phải thực hiện kế hoạch đánh phòng số 14. Thời gian quá gấp rút, bà năn nỉ bà chủ nhà cho nghỉ phép vì ở nhà có việc gấp để có thời gian chuẩn bị mọi thứ cho trận đánh ngay trong đêm. Để ngụy trang vũ khí mìn hẹn giờ, bà đã mua bánh kẹo, đặc biệt là 5 chiếc hộp nhôm rất đẹp mắt và sang trọng, 4 trong 5 chiếc hộp đựng bánh, còn 1 hộp đựng mìn…

Mọi chuẩn bị đã xong xuôi, bà lại phải canh giờ cho đúng phiên trực gác của tên lính ngụy buổi sáng đã quen mặt. Đến 18h đó, vừa thấy tên lính gác quen ra trực ca, bà đã xách giỏ bánh kẹo đi thẳng vào cổng; nhận ra cô gái quý phái lúc sáng, tên lính gác vui vẻ cho bà vào.

Vào đến phòng 14, bà vẫn không thấy ai nhưng cửa thì đã mở, quần áo treo nhiều hơn, và còn một chiếc hòm gỗ chưa đậy nắp. Có lẽ do vội đi đâu nên tên địch này chưa kịp khóa. Thấy vậy, bà đã thay đổi vị trí đặt mìn dự kiến trước đó, bà cho vội quả mìn vào phía dưới chiếc hòm rồi để đống quần áo lên như cũ. Sau đó, bà lấy bánh kẹo trong giỏ xách xếp sẵn lên bàn rồi ra về…

Sau khi rời khu nhà nghỉ về đến nhà an toàn, thì hai tiếng nổ vang trời phát ra. Lúc đó bà không hiểu sao lại có hai tiếng nổ; sau này bà mới biết cùng đêm đó cấp trên đã cử hai người của ta vào đánh hai phòng khác nhau. Kết quả của trận đánh này là 18 tên địch đã bị thiệt mạng.

Chỉ trong vòng mấy năm, Hồng Châu đã thực hiện 17 trận đánh, gây không ít tổn thất cho địch, bà đã 9 lần được phong tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, 4 lần được tặng Huân chương Chiến công trong khoảng thời gian chỉ 2 năm.

Năm 1971, Cơ quan An ninh Trung ương Cục miền Nam rút nữ chiến sĩ biệt động Hồng Châu lúc này lấy tên Minh Hiền ra Bắc học tập. Tháng 9-1973, bà vinh dự được đại diện tuổi trẻ CAND tham dự liên hoan Festival thanh niên sinh viên thế giới, tổ chức tại CHDC Đức. Tại đây, trước đông đảo bạn bè quốc tế, bà đã lên tiếng kêu gọi vì hòa bình cho Việt Nam. Với những chiến công xuất sắc, năm 20 tuổi bà đã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Đông đảo đại biểu và cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn E29 tham dự cuộc giao lưu.

Còn về cô em gái Ngọc Tươi, bà cũng tham gia đơn vị T30 và trở thành chiến sĩ biệt động của đơn vị này khi mới vừa tròn 13 tuổi. Đáng nói là chỉ sau một tháng vào quân ngũ, Ngọc Tươi đã xung phong đánh trận và lập chiến công tại một quán nước ở thị trấn Mỏ Cày.

Cũng chỉ một tháng sau, nắm vững quy luật di chuyển của các đối tượng, Ngọc Tươi đã dùng mìn hẹn giờ diệt 3 tên cố vấn Mỹ tại sân bay Tân Thành trước khi chúng đi gây tội ác. Chiến công nối tiếp chiến công. Chỉ trong gần 4 năm chiến đấu, Ngọc Tươi đã tham gia cả 10 trận đánh lớn, nhỏ và nhiều trận ám sát lẻ, tiêu diệt nhiều tên địch, làm bị thương 11 tên, hầu hết là các đối tượng có nhiều nợ máu với nhân dân, cách mạng.

Với bảng thành tích dày đặc những chiến công, năm 1972, bà được chọn ra Hà Nội, chuẩn bị cho việc nhận danh hiệu Anh hùng LLVTND. Thế nhưng, đúng thời điểm này, một kế hoạch lớn của đơn vị nhằm tiến đánh Trung tâm thẩm vấn của địch được triển khai thực hiện. Ngọc Tươi không đi mà kiên quyết ở lại sát cánh cùng đồng đội tiêu diệt kẻ thù. Mục tiêu hoàn thành nhưng Ngọc Tươi bị địch bắt khi quyết tử thủ, thu hút sự chú ý của địch cho đồng đội rút lui.

Bị địch dùng đủ mọi nhục hình tra tấn, chuyển hết nhà lao này đến nhà lao khác nhưng Ngọc Tươi vẫn kiên cường, bất khuất, đấu tranh nêu cao khí tiết của người cách mạng, trở thành một trong những tấm gương chiến đấu dũng cảm, liên tục được biểu dương trong đơn vị.

Đất nước thống nhất, Minh Hiền vừa tiếp tục hoàn thành chương trình học văn hóa, vừa tham gia công tác chuyên môn, và trở thành đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên sau giải phóng. Năm 1991, bà trở về TP. Hồ Chí Minh, giữ cương vị Phó Trưởng Công an quận 5 cho đến ngày nghỉ hưu.

Còn Ngọc Tươi, sau một thời gian phải chữa trị bởi những di chứng từ thời gian bị địch tra tấn trong lao tù, bà trở lại công tác tại Bến Tre. Năm 1983, bà tốt nghiệp Đại học An ninh và tiếp tục cống hiến lập nhiều thành tích. Sau đó, bà chuyển về TP. Hồ Chí Minh công tác tại Báo Công an TP. Hồ Chí Minh. Ngày 17-4-2010, bà vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.

Bao nhiêu năm qua, chị em hai nữ Đại tá, Anh hùng LLVTND vẫn luôn nhớ về đồng đội, chăm lo đời sống, xây gần 30 căn nhà tình nghĩa cho đồng đội T30... Qua câu chuyện kể của hai nữ Anh hùng về gia đình, về cuộc đời hoạt động cách mạng và nhất là một số chiến công nổi bật đã giúp cho tuổi trẻ cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Cảnh sát cơ động E29 càng tự hào hơn về truyền thống của thế hệ cha anh.

Phú Lữ
.
.
.