Án mạng do nguyên nhân xã hội:

Ngừa nỗi đau sau cơn nóng giận

Thứ Hai, 05/09/2016, 17:36
Những vụ án giết người đã để lại hậu quả hết sức nặng nề và dai dẳng với những vết thương không bao giờ lành sẹo. Những đứa con mất cha, mẹ, những người vợ mất chồng, chồng mất vợ, những ông bố bà mẹ mỏi mòn vì lá vàng rụng trước lá xanh hoặc đớn đau vì con phải vào tù...

Những thảm cảnh đó hơn lúc nào hết gióng lên hồi chuông thức tỉnh những người đang mê muội.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, mỗi năm trên cả nước xảy ra  hơn 1.300 vụ giết người. Với con số trên, thì ít nhất có khoảng 1.300 gia đình lâm vào cảnh mất mát, thậm chí tan nát, con mất cha, vợ mất chồng, bố mẹ mất con, và cũng chừng ấy gia đình có người thân phải vào vòng lao lí để trả giá cho tội lỗi của mình.

Điều đáng nói là trong số hơn 1.300 vụ giết người đó, chỉ có hơn 80 vụ (chiếm 6,4%) là án giết người, cướp tài sản. Con số còn lại chiếm 93,6% là các vụ án giết người do nguyên nhân xã hội.

Cơ quan điều tra khám nghiệm vụ dùng súng bắn người để trả thù mâu thuẫn

Liên tiếp các vụ giết người, thậm chí giết nhiều người xảy ra đang báo động sự xuống cấp đạo đức xã hội, sự rạn nứt về nền tảng giá trị ở một số gia đình, sự sa sút nhân cách, nhất là sự biến đổi xấu về văn hoá ứng xử trong quan hệ, giao tiếp hàng ngày.    

Điển hình là ngày 18-9, cả nước rúng động khi hay tin tại TP Yên Bái xảy ra vụ án đặc biệt nghiêm trọng, bởi ngay tại Tỉnh uỷ tỉnh Yên Bái, ông Đỗ Cường Minh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Yên Bái đã vào phòng làm việc của ông Phạm Duy Cường (Bí thư Tỉnh ủy) và ông Ngô Ngọc Tuấn (Chủ tịch HĐND kiêm Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy), bắn nhiều phát súng vào hai lãnh đạo tỉnh.

Ông Minh sau đó dùng súng tự sát ngay tại phòng làm việc của ông Tuấn. Cơ quan điều tra đang làm rõ nguyên nhân vụ án, nhưng dù kết quả điều tra thế nào đi nữa, đây cũng là vụ giết người do nguyên nhân xã hội bởi nguyên nhân giết người cướp tài sản đã được loại ngay từ đầu.

Trước đó, ngày 15-8, tại tỉnh Hà Giang, cũng chỉ vì bực tức chuyện chồng đi ăn cỗ, Phàn Mùi Mấy (SN 1991, dân tộc Dao) để các con ở nhà và đi bộ xuống trung tâm xã (cả đi và về mất 2 tiếng đồng hồ) mua thuốc diệt chuột. Về đến nhà, Mấy trộn thuốc chuột vào cơm cho các con và cô ta cũng ăn.

Con suối - nơi đối tượng giấu xác trong vụ giết 4 người trong 1 gia đình ở Lào Cai.

Sau đó, 4 mẹ con lên giường nằm. Khoảng 21h, Mấy tỉnh dậy, thấy các con và mình không sao nên lấy dây nhựa xiết cổ các con (một cháu 5 tuổi, 1 cháu 3 tuổi và 1 cháu 14 tháng tuổi) sau đó phóng hỏa đốt nhà rồi bỏ trốn vào rừng sâu.

Tại huyện Bát Xát, Lào Cai đã xảy ra vụ án vô cùng thương tâm. Đối tượng Tẩn Láo Lở, 24 tuổi đã ra tay sát hại chị Tẩn Tả Mẩy, (22 tuổi),  cùng 3 cháu nhỏ, trong đó có 2 con  gái chị Mẩy là cháu Tẩn Mai Phương, (2 tuổi) và cháu bé mới hơn 20 ngày tuổi (chưa đặt tên) và cháu ruột là Tẩn Thùy Chi.      

Ngay tại Thủ đô Hà Nội, một vụ án hết sức thương tâm xảy ra mà nạn nhân là Trung uý Đỗ Tất Hoan, cán bộ Công an huyện Thạch Thất đang trên đường làm nhiệm vụ về thì bị một nhóm thanh niên hành hung tử vong.

Quá trình điều tra, Công an TP Hà Nội đã làm rõ các đối tượng gây án là Nguyễn Văn Thùy; Nguyễn Quang Duyên, 30 tuổi, trú tại xã Thọ Lộc, huyện Phúc Thọ, Hà Nội và Đào Văn Vinh, 39 tuổi, trú tại thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, có 1 tiền án về tội trộm cắp tài sản.

Nguyên nhân cực kỳ đơn giản là do đường hẹp, các đối tượng đi sau xin vượt nhưng anh Hoan không kịp tránh nên các "đại ca" trên nổi giận, hành hung đến tử vong.

Đến khi bị bắt, tất cả những kẻ hùng hổ, coi thường tính mạng người khác đều "run như giẽ", tỏ ra rất ân hận vì đã gây ra vụ án mạng đau lòng. Hôm cả bọn bị bắt, bên ngoài cổng của số 7 Thiền Quang, Hà Nội - nơi các đối tượng làm việc với cơ quan điều tra, mẹ già, vợ trẻ, con nhỏ của chúng thập thò, khép nép, nước mắt lung tròng đứng chờ đợi cả ngày trời chỉ để nhìn mặt chúng một lần trước khi chúng bị đưa vào trại tạm giam.

Nhìn các đối tượng khép nép, rúm ró trong góc bàn, tôi chắc chắn một điều rằng, nếu lúc "xưng hùng xưng bá", ra tay với anh Hoan mà nghĩ đến cảnh này, đến tương lai là những năm tháng trả giá trong trại giam, là mẹ già con nhỏ héo mòn vì buồn khổ thì chắc chắn chúng không dám hành động như vậy.

Tôi từng tiếp xúc với nhiều kẻ giết người, kể cả những kẻ từng ngang nhiên xả súng giữa phố để giải quyết mâu thuẫn khiến 1 người chết, 4 người bị thương, cả những bà mẹ đang tay giết con vì giận chồng, cả người vợ vì muốn sống với nhân tình mà nhẫn tâm cướp đi mạng sống của người từng đầu gối tay ấp với mình…

Cho dù lúc gây án nhẫn tâm đến đâu, tàn ác đến đâu, nhưng khi phải trả giá cho tội ác, khi phải đối diện với chính lương tâm của mình, họ đều lo sợ, đều ân hận bởi phút nông nổi qua đi, cái giá họ phải trả là quá lớn.

Đối tượng giết 4 người trong 1 gia đình ở Lào Cai.

Kẻ bị án tử hình, kẻ may mắn hơn (hay bất hạnh hơn) bị tuyên án chung thân, có những kẻ do mâu thuẫn bột phát, không có chủ định giết người từ trước thì mức án thấp hơn nhưng tất cả đều phải trả giá, bởi không ai thoát được "lưới trời".

Như vậy, rõ ràng không có tội lỗi nào có thể thoát được sự trừng phạt, bởi có kẻ trốn 10 năm, thậm chí 20 năm hay lâu hơn nữa, cuối cùng cũng bị phát hiện, bắt giữ.

Có kẻ, pháp luật chưa tìm ra nhưng sự ám ảnh về tội ác đã khiến chính bản thân không thể sống yên ổn đành phải ra đầu thú. Bởi vậy, tôi chỉ muốn nói rằng, tội ác nào cũng sẽ phải trả giá, đừng vì một chút nông nổi mà đánh mất tương lai của chính bản thân mình.

Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát: Con người sống hiền lành hơn sẽ giảm tội ác

Theo thống kê, án mạng do văn hoá ứng xử chiếm 40%; lứa tuổi phạm tội dưới 30 tuổi chiếm khoảng 75% các vụ án; nam giới gây án và là nạn nhân chiếm hơn 90%. Đặc biệt, trong tháng 7-2015, cả nước xảy ra 12 vụ án đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có nhiều vụ thảm án như vụ giết 6 người ở Bình Phước; giết 4 người ở Tương Dương, Nghệ An...

Chính vì vậy, cần phân tích rõ nguyên nhân, tác động nào gây ra những vụ án trên để có phương pháp phòng ngừa hiệu quả, ví dụ như tác động của môi trường; kinh tế thị trường... Trong đó, nguyên nhân do xã hội thì phải làm rõ trách nhiệm của cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương; phải có phương pháp phòng ngừa tích cực.

Ví dụ như giáo dục học sinh cá biệt thế nào? Giáo dục trẻ em, thanh thiếu niên chậm tiến, có biểu hiện ăn chơi, đua đòi để có biện pháp quản lí, giáo dục. Khi gia đình có mâu thuẫn thì cần tìm hiểu, hoà giải... Khi con người sống hiền lành hơn, vui vẻ hơn, ít mâu thuẫn sẽ giảm tội ác.

Đối với lực lượng Công an thì khi trọng án xảy ra, trực tiếp lãnh đạo Công an tỉnh, đặc biệt là đồng chí Phó Giám đốc, Thủ trưởng cơ quan CSĐT phải có mặt tại hiện trường để chỉ đạo điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ. Như vụ thảm án ở Bình Phước, ngoài lực lượng điều tra của Bộ hỗ trợ, trực tiếp đồng chí Giám đốc đã có mặt tại hiện trường chỉ đạo điều tra. Chính vì sát sao như vậy nên chỉ sau 4 ngày đã làm rõ được đối tượng gây án. (PV)

Đại tá Nguyễn Duy Ngọc, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội: Kiểm điểm trách nhiệm Công an cơ sở nếu để xảy ra trọng án

Đối với Công an TP Hà Nội, chúng tôi xác định tội phạm xảy ra do nguyên nhân nào thì phải có đối sách, biện pháp giải quyết nguyên nhân đó. Cụ thể, chúng tôi quy định 23h đêm tất cả các hàng quán phải đóng cửa để hạn chế việc rượu chè phát sinh mâu thuẫn.

Chính vì vậy, nếu xảy ra đâm chém nhau sẽ kiểm điểm trách nhiệm của Cảnh sát hình sự, Trưởng Công an phường; phòng ngừa đối tượng ngáo đá gây án, chúng tôi giao Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Cảnh sát phòng chống ma tuý thống kê số lượng, đề ra các giải pháp như đưa đi trung tâm, cơ sở giáo dục chữa bệnh bắt buộc; xử lí nghiêm nếu phạm tội.

Giải quyết tình trạng các đối tượng mang vũ khí tham gia giao thông: trả thù lẫn nhau, chống người thi hành công vụ đã lập các tổ 141, kiểm tra tại các khung giờ cao điểm.

Qua đó, đã thu giữ hơn 100  khẩu súng, 796 dao kiếm, 83 công cụ hỗ trợ, ngăn chặn được nhiều vụ thanh toán nhau, chống người thi hành công vụ. Bên cạnh đó, đã xử lí nghiêm các đối tượng phạm tội, nhất là các đường dây, tổ chức tội phạm giết người, cướp tài sản... (P.A)

Phương Thuỷ
.
.
.