Người Anh muốn trưng cầu dân ý Brexit lần 2

Thứ Ba, 17/10/2017, 11:08
Ngày càng có nhiều cử tri Anh mong muốn mở một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai về Brexit, trong bối cảnh tinh thần lạc quan về tương lai của nước Anh hậu Brexit ngày càng giảm, cộng với niềm tin ngày càng suy yếu về khả năng giải quyết cuộc đàm phán “ly dị” giữa London và Brussels.


Đó là kết quả một cuộc thăm dò của Greenberg Quinlan Rosner Research (GQRR), đăng trên Politico. Hơn một nửa trong số những người được khảo sát cho biết họ muốn có một cuộc trưng cầu dân ý thứ hai, và 34% ủng hộ phương án trưng cầu với câu hỏi mở là Brexit hay ở lại EU. Những con số này đều tăng so với kết quả nghiên cứu thực hiện hồi tháng 3 của GQRR. Khi đó, có 45% số người được hỏi ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai, và 28% ủng hộ việc trưng cầu với câu hỏi mở.

Muốn làm lại?

Đảng Dân chủ tự do thân EU là đảng duy nhất ở Anh hiện đang ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai, nhưng họ chỉ nắm giữ 12 ghế trong Quốc hội. Đảng Lao động đối lập đã họp mặt thường niên tại Brighton vào hạ tuần tháng 9, và đã bác bỏ ý tưởng này, cũng như không bàn hoặc bỏ phiếu về vấn đề này trong suốt cuộc họp.

Đảng Dân chủ Scotland không chính thức thúc đẩy một cuộc bỏ phiếu, nhưng Bộ trưởng Thứ nhất của Scotland – bà Nicola Sturgeon - gợi ý rằng vẫn có thể. Bà Nicola nói với New Statesman rằng việc bỏ phiếu lần thứ hai "có thể trở nên rất khó chống lại". Đảng Lao động và Bộ Brexit từ chối bình luận về kết quả khảo sát của Politico.

GQRR đã phỏng vấn 1.203 người từ ngày 11 đến 13-9 vừa qua cho cuộc thăm dò này. Sự ủng hộ ngày càng tăng đối với bầu cử lần thứ hai kể từ cuộc khảo sát Brexit cuối cùng của GQRR hồi tháng 3, lúc Thủ tướng Theresa May vừa kích hoạt Điều 50 để chính thức bắt đầu quá trình Brexit, trùng hợp với sự bi quan xung quanh các cuộc đàm phán Brexit và về tương lai của Anh khi đã ra khỏi EU. Những cuộc đàm phán đã bước vào vòng 4 tại Brussels vào cuối tháng 9.

Trong số cử tri đảng Lao động đã trả lời cuộc khảo sát, tỷ lệ ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai là 70%, và tỷ lệ ủng hộ trưng cầu với 2 nội dung (Brexit hoặc ở lại EU) lên tới 51%, cao nhất trong số các nhóm cử tri được khảo sát. Ông Ben Bradshaw, người ủng hộ nhóm vận động ủng hộ EU mở rộng, cho biết các cử tri Anh sẽ không cho phép chính phủ đưa ra các chính sách Brexit "mà không cần phải nói gì về thoả thuận này".

"Mọi người đều có quyền giữ một tâm trí cởi mở về Brexit, và tự mình phán xét liệu thỏa thuận mà chính phủ đưa ra có phù hợp với những gì họ đã hứa hẹn khi vận động chiến dịch ủng hộ Brexit hay không", ông Ben nói.

Cử tri bị chia rẽ

Nhìn chung, 39% người trả lời phủ nhận ý tưởng về cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai và 7% muốn có một cuộc trưng cầu dân ý “Brexit cứng”, trong đó mọi người sẽ lựa chọn giữa việc chính phủ rời EU với một thỏa thuận của chính phủ và rời khỏi EU mà không có thỏa thuận. 10% người được hỏi ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý cho phép cử tri có cơ hội bác bỏ thỏa thuận Brexit của chính phủ.

Người dân Anh vẫn không đồng thuận về Brexit, với 47% những người được khảo sát cho biết họ "lo lắng" về nước Anh sau Brexit, 46% cho biết họ "hy vọng". Kết quả này thể hiện một xu hướng giảm: 41% lo lắng và 50% hy vọng khi GQRR đặt câu hỏi tương tự vào tháng 3 vừa qua.

Kể từ cuộc khảo sát hồi tháng 3, quyết định bầu cử nhanh của Thủ tướng Theresa May đã mang lại kết quả không mong đợi. Bà May đã mất đa số trong nghị viện, và 3 vòng đàm phán đầu tiên của Brexit đã mang lại ít tiến triển trong các lĩnh vực tranh chấp chủ yếu, đặc biệt đối với tài chính của Anh và nghĩa vụ đối với EU. Cuộc thăm dò đã được tiến hành trước khi bà May đọc bài diễn văn ở Florence, trong đó bà kêu gọi giai đoạn chuyển tiếp tối thiểu 2 năm, hứa hẹn nước Anh sẽ tuân thủ các quy định của EU và trả vào ngân sách của liên minh để đổi lấy việc tiếp cận thị trường chung.

Kết quả khảo sát của GQRR cho thấy đa số dân Anh muốn trưng cầu dân ý Brexit lần 2

Những người được khảo sát bày tỏ sự thất vọng với cách tiếp cận của EU trong các cuộc hội đàm Brexit hơn là so với cách tiếp cận của bà May và Thư ký Brexit David Davis. Trong khi 1/4 người tham gia khảo sát nghĩ rằng hai bên đều "công bằng và hợp lý" trong các cuộc đàm phán, thì một nhóm lớn hơn - 36% - nghĩ rằng Anh mới công bằng và hợp lý, còn EU thì không. Chỉ có 13% người khảo sát tin rằng Anh chịu trách nhiệm lớn hơn trong việc các cuộc đàm phán không tiến triển.

Những vấn đề quan tâm

Cử tri ủng hộ việc Chính phủ Anh thách thức EU trong Dự luật Brexit. Việc một số quan chức EU đòi Anh phải trả tới 50 tỷ bảng Anh để giải quyết các nghĩa vụ tài chính cho EU đã bị 61% người tham gia khảo sát phản đối, trong khi chỉ 23% người chấp nhận. Một hóa đơn thấp hơn, trị giá 30 tỷ bảng, cũng sẽ không được ưa chuộng lắm, với 54% cho biết họ sẽ không chấp nhận và 29% ủng hộ.

Các cử tri cũng ủng hộ việc chính phủ từ chối chấp nhận thẩm quyền trực tiếp của Toà án Tư pháp châu Âu (ECJ) như là một phần của thỏa thuận Brexit. Khoảng 59% người được hỏi cho biết Anh không nên bị ràng buộc bởi các bản án của Tòa án châu Âu sau Brexit, và thậm chí trong số cử tri còn lại, vấn đề đã được chia ra, với 43% chấp nhận rằng các thẩm phán châu Âu nên có tiếng nói trong luật của Anh sau Brexit và 42%.

Về vấn đề biên giới ở Bắc Ailen, chỉ có 31% cho rằng kiểm tra hải quan giữa Cộng hoà Ireland và Bắc Ailen là có thể chấp nhận được, nhưng 47% phản đối.

Mặc dù có sự ủng hộ rộng rãi đối với các nguyên tắc cơ bản trong đàm phán của Chính phủ Anh, cử tri ngày càng quan tâm đến việc xem xét lại toàn bộ các vấn đề liên quan Brexit. Đặc biệt, đảng Lao động đối lập đã giành được sự ủng hộ của cử tri vì lập trường mềm dẻo về Brexit.

Vinh Trang
.
.
.