"Người cha" của gần một trăm đứa con bị bỏ rơi

Thứ Hai, 30/09/2019, 09:41
Các con của ông đều chạm đời bằng mồ côi và bất hạnh. Trong ngôi nhà chung, ông là một "diễn viên" đóng đến 4 vai. Đã nhiều lần ông gục xuống, muốn buông xuôi bởi kiệt quệ sức lực và tiền bạc...


1.Ngôi nhà chung của hai người cha và 95 đứa trẻ nằm cách quốc lộ 51 (xã Long An - huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) vài bước chân. Ông Nguyễn Văn Lâm, người sáng lập Mái ấm tình thương Phúc Lâm đón chúng tôi bằng nụ cười ấm áp. Hỏi chuyện về các con, ông bảo mỗi đứa là một trang đời đẫm nước mắt. 

Dù năm tháng trôi qua và các con ngày một đông dần lên, nhưng thời điểm cách đây 13 năm, khi lần đầu tiên ông Lâm nhặt được em bé bị bỏ rơi đã trở thành ngày định mệnh của đời ông. Nhìn đứa trẻ nằm lạnh ngắt, tím tái trên tấm vải mỏng ngoài đường gió thốc bụi tung mịt mù khiến lòng ông ngổn ngang suy nghĩ. Bàn chân con ngoe nguẩy, bàn tay bé xíu khua về phía trước rồi tiếng khóc yếu ớt của con đã chạm tới tận cùng trái tim người đàn ông mới ngoài 30 tuổi. Ông ôm con về nhà, mẹ nhìn thấy ái ngại, bà bảo: "Đàn ông chưa vợ con mà ôm trẻ nhỏ về đây làm gì, người ta cười cho con ạ".
Khoảnh khắc vui vẻ của cha con ông Lâm ở mái ấm.

Biết mẹ không vui, ông lặng lẽ mang ra ngoài thuê phòng trọ ở và chăm sóc bé. Một thời gian sau, lại có thêm vài bé nữa. Chẳng lẽ nhặt đứa này bỏ rơi đứa khác, lương tâm của ông không cho phép làm vậy. Thế là ông nhặt hết. 

Đàn ông chưa gia đình, ông Lâm hoàn toàn không có chút kinh nghiệm nào về bỉm sữa, cũng chẳng thể dỗ dành khi chúng khóc. Ông cứ loay hoay, lọ mọ, mò mẫm với một bản năng duy nhất là tình yêu thương. Rồi ông cảm thấy muốn buông xuôi vì cạn kiệt sức lực, tiền bạc. Ông thẫn thờ trở về nhà, nhìn thấy mẹ, ông gục đầu vào mẹ, òa khóc, nói trong tiếng nấc nghẹn: "Mẹ ơi, con không nghe lời mẹ. Con vẫn nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi".

Hai mẹ con ôm nhau khóc, bà nói với con trai: "Mang về đây đi con, mẹ biết là con không thể bỏ được chúng. Về rồi cả gia đình sẽ cùng nhau nuôi các con".

Trên miếng đất cha mẹ chia cho, ông Lâm dựng một căn nhà sơ sài, chỉ có mái che mưa nắng còn lại thông thốc gió mưa vì không có vách che, cửa nả đàng hoàng. Những đứa trẻ lớn dần lên trong căn nhà ấy, nhận tình yêu thương của cha mẹ và 9 người anh chị em trong gia đình ông Lâm. Mỗi người hỗ trợ ông Lâm 1 triệu đồng/tháng. Tổng cộng ông có 10 triệu đồng.

Số tiền ấy, ông dành ra một nửa để mua bỉm, một nửa mua sữa. Còn lại, chi phí ăn uống, thuốc men cho các con ông đi làm thêm. Ông làm quần quật, cả ngày lẫn đêm. Một ngày của ông Lâm bắt đầu từ 2h30’ sáng ra chợ Long Thành đẩy dù thuê cho tiểu thương. Một tiếng sau, ông đi giữ xe, giữ đồ cho những người đi đổ mối hoa quả, đồ ăn ở trong chợ. 5h sáng, ông đi mua rau thịt về nấu cơm cho các con. 8h thì vào công ty làm việc. Tan tầm, ông tranh thủ làm pha chế ở quán nước rồi rửa li chén. Một mình ông hưởng 3 phần lương.
Nhiều người ở xa biết tin đã về thăm các bé ở mái ấm.

Mỗi ngày, các con lớn khôn là gánh nặng cơm áo lại đè lên đôi vai của ông Lâm. Đã nhiều lần ông lực bất tòng tâm và muốn kết thúc cuộc hành trình gian khổ, đẫm nước mắt này. Những lúc như thế, ông lại về bên mẹ, chỉ biết khóc thôi chứ chẳng thể nói được lời nào.

Cha mẹ ông, những người nông dân không biết chữ, cả đời chỉ biết đến cây lúa nhưng ông chưa phụng dưỡng được ngày nào. Lớn lên, cũng chưa giúp được gì cho gia đình đã đèo bòng hàng đàn con, nhận những đồng tiền hỗ trợ của cha mẹ, anh em. Nhưng ông Lâm không có cách nào khác, bởi ngoài anh em ruột già ra, thì chẳng ai hiểu mà giúp đỡ ông.

Những đứa trẻ bị bỏ rơi không ngừng gia tăng, ngôi nhà của ông Lâm đã quá chật chội. Vậy là ông lấn dần vào phần đất của cha mẹ, mỗi năm lấn một chút, nếu không làm thế thì các con không có chỗ ở.

Một ngày, mẹ gọi ông về, bà nhìn thật lâu vào đôi mắt của con trai rồi nói: "Thôi con ơi, đừng lấn đất nữa. Cha mẹ cho con hết đó". Ông Lâm nghe xong chết đứng, lại òa khóc. Ông không dám nhận. Cha mẹ ông lại phải triệu tập cuộc họp gia đình lần hai. Lúc này, người anh hai đứng ra nói chuyện nghiêm túc với ông: "Lâm này, cha mẹ cho trẻ mồ côi chứ có phải cho cậu đâu. Hãy nhận để các con có chỗ ở đàng hoàng".

Số đất ấy, ông Lâm dự định bán một phần lấy kinh phí xây dựng ngôi nhà khang trang, sạch đẹp cho các con ở. Cũng tại cuộc họp gia đình, ông Lâm tuyên bố, đây sẽ là tài sản của mái ấm tình thương Phúc Lâm, của tất cả trẻ mồ côi.

Sau này ông chết đi sẽ không ai được bán. Mãi mãi là ngôi nhà chung, để bất cứ đứa trẻ bị bỏ rơi nào cũng được chào đón và là nơi trở về của các con khi đã khôn lớn ra với cuộc đời.

2.Chứng kiến anh trai bỏ quên tuổi xuân vì trẻ mồ côi, người em Nguyễn Văn Phúc đã tự nguyện chìa vai gánh vác cùng. Mọi việc hậu cần trong mái ấm bây giờ một tay anh Phúc lo liệu. Thời gian cuốn người đàn ông 37 tuổi này quẩn quanh cùng lũ trẻ, bù đầu với những nỗi lo.
Hai chị em song sinh Tâm - Trí bị bỏ rơi trong một chiếc giỏ đựng quần áo.

Tuổi trẻ vụt qua, thanh xuân chẳng còn. Anh Phúc bảo rằng, định mệnh đã an bài như thế nên vui vẻ chấp nhận. Với anh, là cha của gần một trăm đứa trẻ đã là quá đủ, hạnh phúc riêng đôi khi cũng trở nên nhạt nhòa.

Dẫn chúng tôi đi thăm các bé, anh Phúc nhớ rõ từng cái tên được đặt gắn với hoàn cảnh chào đời rồi bị bỏ rơi như thế nào.

Chỉ vào hai bé gái sinh đôi Nguyễn Hoàng Phúc Tâm và Nguyễn Hoàng Phúc Trí, anh Phúc cho biết: "Hai bé sinh đôi tuy nhỏ ký nhưng hoàn toàn khỏe mạnh. Người ta đặt chúng vào trong chiếc giỏ đựng đồ rồi mang bỏ ngoài đường vậy đó".

Các con ở đây đều chạm đời bằng mồ côi và bất hạnh. Trong đó bé Nguyễn Hoàng Phúc Hậu bị mẹ bỏ trong túi nilon màu đen rồi vứt ra đường, bị chó tha đến bãi rác. May mà con chó chưa làm gì thì có người phát hiện giật lại từ miệng chó. Ông Phúc tiếp nhận bé khi giây rốn còn đỏ hỏn, bê bết bụi đất. Phúc Hậu bây giờ đã hơn một tuổi, ngoan ngoãn, khỏe khoắn, mắt tròn xoe, đen láy nhưng luôn gợn một nỗi buồn thăm thẳm.

Bi đát không kém là bé Nguyễn Hoàng Phúc Hiệp. Bé bị vứt ra đường khi cơ thể chỉ còn một quả thận, một nửa lá gan, một phần ba túi mật, không hậu môn. Định mệnh đã níu giữ bé ở lại trên thế gian này khi gặp được hai anh em ông Phúc.

Với thương tật ngặt nghèo như vậy, bé Hiệp phải nằm viện điều trị nhiều tháng trời. Bây giờ bé Hiệp đã được 11 tháng tuổi, sức khỏe ổn định và hòa nhập được với các anh chị trong ngôi nhà của cha Lâm, cha Phúc. 

95 bé ở mái ấm thì có 39 bé trong độ tuổi sơ sinh được ở khu vực riêng biệt. Mỗi bé có một chiếc lồng nhỏ xinh, có chăn ấm, nệm êm, gối ôm đầy đủ và được chăm sóc cẩn thận bởi các bảo mẫu. Trong đó, bé trai chiếm hơn một nửa, cũng may mắn là tất cả trẻ em bị bỏ rơi không em nào mắc bệnh xã hội.

Rất nhiều câu hỏi đặt ra, tại sao người ta mang con đi bỏ nhiều đến thế? Anh Phúc chỉ cười, nói rằng do mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau: "Ở xung quanh đây có tới 7 khu công nghiệp, có thể đời sống công nhân quá khó khăn, cũng có thể họ mặc cảm, xấu hổ hoặc vì nguyên nhân nào đó... Nhưng đáng trách nhất là những người mẹ đã nhẫn tâm bỏ con của mình ở đống rác, khu nghĩa địa, bờ ruộng, ngoài đường mặc cho kiến bu, ruồi bâu, chó tha".

Nguồn kinh phí nuôi dạy trẻ ở mái ấm và trả lương cho 14 bảo mẫu, 1 lái xe chủ yếu từ phía gia đình hỗ trợ. Vài năm nay anh Phúc có một công ty bảo vệ nên hai anh em không phải đi làm mướn nữa.

Tất cả các em ở mái ấm Phúc Lâm khi nhặt về đều được cha Lâm và cha Phúc thông báo với chính quyền địa phương và tiến hành làm giấy khai sinh để con có tên có tuổi sau này đi học. Đồng thời báo cáo với Sở Lao động -Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai.

Các con của ông Lâm - Phúc đến trường học bình thường như bao đứa trẻ khác, chúng đều học rất giỏi, năm nào cũng có giấy khen. Tuy nhiên, năm học mới 2019 này mái ấm có tới 11 bé đủ 6 tuổi mà UBND xã vẫn chưa làm giấy khai sinh nên các bé không thể đến trường. Nhìn các con thơ thẩn ở nhà, hai người cha buồn rười rượi.   

Khoảng gần một năm nay, mái ấm có nhiều người biết tới sau khi lên chương trình hát mãi ước mơ. Cái ngày đứng trên sân khấu nói về các con của mình, ông Lâm chỉ biết khóc. Ông bảo, mình khóc là vì nhớ tới con bé vừa mất, nó bị con virus gì xâm nhập mà chỉ trong một đêm đã ra đi đột ngột. Khóc vì thương nó quá.
Các bé ở mái ấm vui mừng khi thấy người vào thăm.

Ông Lâm tâm sự, ngày trước hay khóc lắm, khóc như một đứa trẻ nhưng dần dần ông nhận ra, nước mắt không thể giải quyết được vấn đề. Chỉ có mạnh mẽ, quyết tâm và thật chăm chỉ mới giúp cho các con có cuộc sống ấm no. Ông ví, mái ấm này giống như một sân khấu lớn mà ở đó, ông chính là diễn viên của 4 vai.

Ở trong ngôi nhà chung, ông là cha của tất cả. Vì các con không có tình thương của mẹ nên ông phải đóng vai người mẹ. Khi các con trưởng thành, ông vào vai vị sư răn dặn phải trái, đạo nghĩa làm người. Ngày con đi học, ông là một người thầy đầu tiên cầm tay uốn nắn từng nét chữ.

Ông còn ví ngôi nhà như một cái chợ, cứ chiều tối các con về đông đủ là rộn rã tiếng cười đùa. Vui nhất là việc ăn uống, cha con ông Lâm toàn ăn cơm sống và nhão nhưng nồi cơm lúc nào cũng hết veo.

Ngọc Hoa
.
.
.